Cuộc đời ngắn ngủi lắm, chẳng đáng để bạn nhụt chí rồi từ bỏ giấc mơ của mình chỉ vì vài lời gièm pha của người khác. Đi tìm động lực cho mình, và bạn sẽ nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm.
Nếu giống tôi, bạn sẽ không thể ngừng nhìn vào những người thành công, đạt được nhiều thành tựu trong cuộc sống, và nghĩ: “Ồ, chắc hẳn họ vui lắm. Tôi cũng muốn có động lực như vậy.” Như thể bạn chẳng bao giờ tập trung được như họ, như thể cuộc đời bạn đã định sẵn thất bại.
Động lực là “một quá trình nội tại khiến con người hướng đến mục tiêu.” Nó giúp ta cải thiện bản thân, khiến ta hạnh phúc, và đôi khi, truyền cảm hứng để ta vượt qua khó khăn trong đời. Quan trọng là vậy, nhưng không phải ai cũng biết cách để “giữ lửa” cho mình. Bởi lẽ, nó là một thứ cảm xúc khó nắm bắt.
Động lực là thứ rất khó để duy trì lâu dài. Giá như có thể đơn giản mua một liều động lực, nhưng đời đâu có dễ dàng như thế.
Muốn duy trì động lực, bạn phải có quyết tâm, sự tập trung và nỗ lực. Ta phải luôn để ý đến suy nghĩ và thái độ của mình, để khi gặp khó khăn, bực tức hay muốn bỏ cuộc, ta sẽ tự biết điều chỉnh.
Bên cạnh những thứ tiếp thêm động lực cho ta còn có những thứ khiến ta chùn bước và sợ hãi. Dưới đây là 3 yếu tố chính khiến bạn mất đi động lực của mình.
Sự tiêu cực của người khác
Mỗi người một quan điểm, nhưng có những kẻ độc miệng luôn mồm nói rằng bạn sẽ thất bại, rằng bạn nên vứt ý tưởng của mình. Nếu lần nào tôi cũng nghe và tin vào những lời người khác nói xấu mình rồi từ bỏ giấc mơ, có lẽ tôi sẽ chẳng bao giờ bắt đầu được gì.
Khả năng nhận thức của bản thân
Hãy nhớ rằng, khả năng nhận thức của bạn chính là động lực. Điều này có nghĩa là, nếu bạn biết mình có thể đạt được mục tiêu, vậy thì bạn sẽ đạt được. Ngược lại, nếu bạn không có niềm tin vào bản thân và nghĩ rằng mình sẽ thất bại, vậy thì bạn sẽ thất bại.
Tương tự, nếu bạn thấy thế giới ngập tràn các cơ hội và tin rằng thành quả của mình sẽ được đền đáp, vậy thì điều đó sẽ xảy ra. Nếu bạn cảm thấy mọi người và mọi việc đều đang chống lại mình, bạn sẽ không bao giờ có động lực để làm gì.
Ôm đồm quá nhiều
Thỉnh thoảng, bạn làm nhiều việc cùng lúc cũng không sao. Nhưng nếu muốn duy trì động lực của mình về lâu về dài, đừng ôm đồm quá nhiều mục tiêu cùng lúc vì nó sẽ gây hại cho bạn về lâu về dài.
Hồi còn trẻ, tôi từng cố xây dựng hình tượng trên mạng, làm việc cho vài khách hàng, và lo cho 2 dự án trong vòng 1 tuần. Đó là một ý tưởng tồi tệ. Kết cục, tôi bị quá tải, bất mãn và sẵn sàng bỏ cuộc. Sau này, khi đã nghĩ thông, tôi chỉ làm từng việc một, cố gắng duy trì động lực và thái độ tích cực của mình.
Hãy nhớ rằng, học cách duy trì động lực không phải lúc nào cũng đơn giản. Trên thực tế, nó đòi hỏi bạn phải nỗ lực rất nhiều, tùy thuộc vào những gì diễn ra trong đời bạn. Thật may là, vài mẹo đơn giản sau đây sẽ giúp bạn tái tạo lại năng lượng và duy trì động lực cho mình.
Chia nhỏ các mục tiêu
Hãy từng bước đặt ra mục tiêu cho mình. Muốn đạt được mục tiêu lớn, bạn phải chia nó ra thành các mục tiêu nhỏ và tự thưởng chính mình. Động lực của bạn phụ thuộc vào khả năng biết hoàn thành những mục tiêu nhỏ hơn để đi tới mục tiêu chính.
Nếu bạn không thấy những cái lợi nhỏ đó và tự khích lệ bản thân, bạn sẽ mất hết động lực trước khi tới được mục tiêu lớn.
Duy trì thái độ tích cực và tự nói chuyện với bản thân
Tôi từng nghĩ việc tự khen ngợi mình trước gương là một trò ngu ngốc và tốn thời gian. Sau này tôi mới biết đây là một trong những cách hiệu quả nhất để giúp bạn duy trì động lực. Tôi thường bảo khách hàng hãy duy trì thái độ tích cực và nói những điều tốt đẹp với bản thân mỗi ngày.
Từ bé, thế giới đã dạy chúng ta những điều ta không làm được thay vì những điều ta làm được. Chẳng trách mà ta luôn suy nghĩ tiêu cực! Vì thế, hãy tự nói với mình những thông điệp lạc quan mỗi ngày, bạn sẽ vui vẻ, hạnh phúc và có nhiều động lực hơn.
Chăm sóc sức khỏe của bản thân
Một cơ thể khỏe mạnh và được nghỉ ngơi đầy đủ sẽ tiếp thêm năng lượng cho cả cảm xúc lẫn tinh thần của bạn. Có lẽ bạn cũng biết rằng, chỉ khi cơ thể và tâm trí khỏe mạnh, bạn mới có thể duy trì động lực, giảm thiểu căng thẳng và đạt được mục tiêu của mình.
Ăn uống điều độ, tập thể thao thường xuyên và nghỉ ngơi đầy đủ sẽ giúp mạnh mẽ cả về thể chất lẫn tinh thần.
Vui chơi thoải mái
Bạn không còn là một đứa trẻ, nhưng điều đó không có nghĩa là bạn phải ngừng vui chơi và tận hưởng cuộc sống. Hãy dành thời gian cho bản thân, chẳng hạn 1 lần/tuần, để tham gia các hoạt động bạn vẫn làm khi còn bé.
Hãy nhớ một điều: Mỗi chúng ta đều có quyền lựa chọn mức độ hạnh phúc và động lực cho mình. Không phải lúc nào bạn cũng tràn đầy năng lượng 100%, nhưng hãy duy trì động lực để hoàn thành được mục tiêu và vươn lên tầm cao mới.
Theo Cafef