Thứ hai, Tháng Một 13
Shadow

Cựu giáo viên trường Thực Nghiệm nói về cách rèn luyện tư duy trong sách của GS Hồ Ngọc Đại

trường thực nghiệm
Ảnh sách Tiếng Việt 1 – Công nghệ Giáo dục.

Theo thầy giáo Phạm Toàn, cách học của Công nghệ GD do GS Hồ Ngọc Đại khởi xướng không cho học sinh học thuộc mô tả các khái niệm mà giúp trẻ làm ra khái niệm.

Cách dạy Tiếng Việt 1- Công nghệ Giáo dục theo đường lối ngữ âm học

Những ngày qua, có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh cách dạy trẻ đánh vấn bằng “ô vuông, hình tròn, hình tam giác” trong cuốn sách Tiếng Việt 1 – Công nghệ Giáo dục do GS Hồ Ngọc Đại chủ biên.

Trao đổi với PV, nhà giáo Phạm Toàn cho biết, trong quá trình công tác tại trường thực nghiệm, ông đã cùng tham gia với GS Hồ Ngọc Đại xây dựng một số chi tiết trong cuốn Tiếng Việt 1 – Công nghệ giáo dục.

Theo thầy giáo Phạm Toàn, nhiều người chưa biết tính khoa học của cách dạy tiếng Việt cho trẻ lớp 1 theo đường lối ngữ âm học của sách Công nghệ Giáo dục.

Cụ thể, về đánh vần bằng các hình vuông, hình tròn, ông lý giải, các hình này là vật thay thế chữ viết.

Thầy Toàn nói, phương pháp sử dụng ô vuông, tròn để giúp học sinh hiểu về “tiếng” (hay âm tiết) trước khi nhận mặt chữ. Bởi, về bản chất, tiếng hay âm thanh phát ra là thứ có trước, chữ viết chỉ là các ký hiệu được quy ước dành cho tiếng.

trường thực nghiệm

Thầy giáo Phạm Toàn.

Trước khi nhận mặt chữ, các em học sinh cần hiểu rằng ngôn ngữ là cấu tạo từ các “tiếng” và các ô vuông là để hỗ trợ cho sự tưởng tượng đó được tốt hơn, tránh gây nhầm lẫn.

“Trong lúc học sinh lớp 1 mới vào học chưa viết được, các tiếng đó được ghi lại bằng hình tròn, vuông, tam giác để các em dễ nhận biết.

Các ô vuông, hình tròn chỉ được dạy trong những buổi đầu để học sinh làm quen với tiếng, sau đó sẽ được áp dụng vào bảng chữ như bình thường”, thầy Toàn nói.

Xem thêm  Bị thầy nắm tóc, thọc thước vào bụng và vụ trả thù bằng rắn chết

Sau khi phân biệt các tiếng, học sinh mới được về học bảng chữ cái và cách đánh vần. Đó là lúc nguyên âm, phụ âm – đơn vị cấu tạo của từ được đưa ra.

Thầy giáo Phạm Toàn cho rằng, từ trước đến nay, có hai cách học để biết đọc, biết viết tiếng Việt. Cụ thể, một cách là đánh vần theo chữ và cách thứ 2 theo đường lối ngữ âm học của sách Công nghệ Giáo dục.

Với cách đánh vần theo lối ngữ âm học, học sinh sẽ phải làm lại những thao tác phát âm – phân tích âm – ghi lại và đọc lại.

Ông chỉ rõ, ba thao tác ngữ âm học được diễn ra theo 7 bước gồm: bước 1 – tách lời nói thành tiếng đơn lập; bước 2 – tách một tiếng thành hai phần; bước 3, 4, 5, 6 – học tiếng mẫu; bước 7 – học nguyên âm đôi, ví như ia, ua, ưa.

Nếu thực hiện đúng 7 bước, theo ông, có thể giúp dễ dàng dạy con em ở gia đình biết đọc biết viết nhanh tiếng Việt.

Cách học do GS Đại khởi xướng là một cách để học sinh luyện tư duy

Thầy giáo từng dạy trường Thực Nghiệm chia sẻ, chúng ta hãy quy những tranh luận thời gian qua trong giới hạn của việc học Tiếng Việt lớp 1 để học sinh biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ.

Hãy coi việc biết đọc và biết viết chữ quốc ngữ là sản phẩm của học sinh giỏi nhưng tự làm ra việc biết đọc và biết viết chữ quốc ngữ là sản phẩm nằm trong tư duy của người học sinh thực sự giỏi.

Nếu nhà sư phạm nào nghĩ học theo cách cũ, hoặc à uôm “học thế nào cũng được, cốt biết đọc và biết viết chữ quốc ngữ” là được rồi sẽ khước từ cách học khác để học sinh luyện tư duy của mình ngay trong khi học”, ông nêu và cho rằng, cách học theo đường lối ngữ âm học do Công nghệ giáo dục và GS Hồ Ngọc Đại khởi xướng chính là cách khác để học sinh luyện tư duy.

Xem thêm  Học sinh "đọc chữ ô vuông, tam giác": GS Nguyễn Lân Dũng nói có sự logic về mặt sư phạm
trường thực nghiệm

GS Hồ Ngọc Đại trao đổi với một số người trong một buổi tọa đàm.

Ông nói thêm, cách học của Công nghệ Giáo dục không cho học sinh học thuộc những mô tả các khái niệm mà thay vào đó cho trẻ em làm ra khái niệm. Khái niệm do các em làm ra và khái niệm là cuộc sống của các em.

Trước các ý kiến “ném đá” của dư luận, thầy giao Phạm Toàn nêu rõ, một số người chưa thực sự tìm hiểu kỹ, chưa đặt mình vào học sinh lớp 1 nên có phản ứng không đúng, tuy nhiên, bản thân ông không quan tâm việc này.

Ông mong mọi người tìm hiểu kỹ để hiểu rõ cách dạy, đồng thời, không nên vội vàng và ép buộc mà hãy để mọi người hiểu. thực hiện.

GS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam cho rằng, từ lớp 1 đến lớp 5 có rất nhiều sách, trong khi, sách Tiếng Việt 1 – Công nghệ Giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại chỉ là một trong số rất nhiều cuốn sách dành cho học sinh lớp 1.

“Trong rất nhiều cuốn sách giáo khoa, ông Đại mới có một cuốn tập đánh vần dành cho lớp 1 nhưng dư luận xã hội đã nêu ý kiến rất ghê gớm, lo ngại chệch hướng giáo dục.

Tuy nhiên, chỉ một cuốn sách đó theo tôi, sẽ không thể xảy ra việc chệch hướng của cả nền giáo dục được”, GS Dong nhấn mạnh.

Hoàng Đan

Theo Trí Thức Trẻ, Soha

Link gốc