3 chữ không này còn giúp bạn trở nên chuyên nghiệp và dễ dàng gặt hái được thành công ở chốn công sở.
Ở trong một công ty, tác phong chuyên nghiệp được đo trên từng nhân viên. Không lạ khi những tập đoàn lớn, tồn tại lâu đời đều chủ động xây dựng một bộ quy tắc các chuẩn mực chuyên nghiệp và đòi hỏi nhân viên phải tuân thủ. Hơn nữa, hiện nay phong cách này là điều kiện cần cho sự tiến bộ và thành công của mỗi con người, vì vậy nếu không muốn bị đào thải thì ngay từ bây giờ bạn nên xây dựng đẳng cấp chuyên nghiệp thực sự cho chính mình.
Nhưng chính xác thì phải làm thế nào cho đúng với từ “chuyên nghiệp”? Dù là lãnh đạo hay nhân viên thì câu trả lời chắc chắn không phải là bạn chỉ cần làm tốt công việc của mình theo đúng tiến độ, mà bạn còn nên biết đến ba “không” này mỗi khi phải tự đứng ra xử lý hay cần đưa ra quyết định trước những tình huống bất ngờ trong quá trình làm việc. Từ đó, bạn sẽ chứng tỏ được trình độ, khả năng, sự thông minh cũng như làm đẹp hơn hình ảnh chuyên nghiệp của mình và có một sự nghiệp hanh thông, suôn sẻ.
Không “ôm” hết tất cả công việc ngay cả phần bạn không biết cách xử lý
Bạn là người dễ tính và thường đảm nhận nhiều công việc mà bạn không biết. Hay bạn đang cảm thấy đau đầu vì không thể nào tập trung cao độ vào công việc của mình khi luôn bị phân tâm bởi sự nhờ vả từ người khác. Vậy, không thể phủ nhận thêm gì nữa, lời khuyên này từ các chuyên gia “sinh ra” để dành cho bạn.
Các doanh nhân và giám đốc điều hành sản xuất luôn biết cách đưa ra những quyết định thông minh về cách dành thời gian, năng lượng và tiền bạc của họ. Họ cũng biết phải làm gì, và làm thế nào để đạt được trình độ đó. Nhiều CEO nổi tiếng như Jeff Bezos, Elon Musk, Jack Ma… luôn chỉ tập trung vào những công việc chính của bản thân, xử lý những phần việc trong “tầm tay”, điều mà đã giúp họ sở hữu gia tài hàng tỷ đô la và nhận được ca tụng của cả thế giới.
Chuyên gia tư vấn quản lý nhân sự Peter Drucker nói: “Bạn không thể chứng tỏ năng lực của bản thân dựa trên những điểm yếu. Thay vào đó, bạn chỉ nên tập trung vào thế mạnh của mình, phát huy hết trình độ còn những phần việc không giỏi thì đừng vội vàng nhận lời. Ôm hết việc vào bản thân sẽ làm bạn không có thời gian xử lý tốt nhiệm vụ được sếp giao”.
Ví dụ, bạn có thể có kỹ năng copywriting tuyệt vời và có thể bán sản phẩm, dịch vụ của bạn thông qua việc tạo trang bán hàng, nhưng bạn phải “vật lộn” với việc thiết kế hình ảnh cho các trang này. Nói không với việc “chi tiêu” hàng giờ tham gia hướng dẫn photoshop hoặc cố gắng cải thiện kỹ năng thiết kế của bạn, trong khi bạn còn đang bận rộn với công việc copywritng. Phương pháp thay thế đó là, hãy tập trung vào công việc của mình và nhường phần còn lại cho các đội nhóm khác có chuyên môn phụ trách.
Ngoài ra, nếu bạn làm việc trong một doanh nghiệp lớn hơn, bạn có thể là “siêu nhân” trong việc phân tích dữ liệu nhưng lại gặp rắc rối với khâu trình bày thông tin một cách trực quan hấp dẫn.
Thay vì cố gắng cải thiện kỹ năng PowerPoint của bạn, hãy tranh thủ đưa ra một lời gửi gắm tới đồng nghiệp – người có thể biến phân tích của bạn thành một phiên bản hấp dẫn, sáng tạo, giúp cho người khác có thể hiểu được thông tin mà bạn đang muốn truyền tải. Bằng cách này, bạn có thể tiến nhanh hơn bằng cách tập trung vào thế mạnh của mình thay vì cứ cố gắng cải thiện điểm yếu.
Không “cuống cuồng” với yêu cầu khẩn cấp
Ding. Có một email trong hộp thư đến của bạn với nội dung yêu cầu đưa ra ý kiến về dự án nào đó của công ty trước khi ăn trưa. Bạn trả lời mất mười phút và nhận ra email khẩn cấp này không liên quan trực tiếp đến bất kỳ thứ gì xuất hiện trong phần bạn đang làm việc.
Mặc dù giúp đỡ người khác là một điều tốt và nên làm trong môi trường công sở vì không ai hoàn hảo và tự có thể giải quyết tất cả công việc, những tình huống khẩn cấp nhưng không quan trọng này đã lấy đi thời gian và năng lượng cũng như công sức suy nghĩ để giải quyết thư một cách nhanh nhất.
Phân tích hai từ: quan trọng và khẩn cấp. Quan trọng là những hoạt động có kết quả sẽ dẫn chúng ta đạt được mục tiêu, cho dù đó là những hoạt động của cá nhân hoặc trong công việc. Khẩn cấp là những hoạt động chúng ta thường tập trung vì chúng đòi hỏi sự chú ý đến những hậu quả của việc không có hành động đối phó ngay lập tức. Nếu tách biệt sự khác nhau giữa chúng một lần thì khá đơn giản, nhưng tiến hành một cách liên tục có thể gặp khó khăn.
Cựu Tổng thống thứ 34 của Hoa Kỳ, Dwight Eisenhower đã từng nói: “Điều quan trọng luôn hiếm khi khẩn cấp và điều khẩn cấp thì thường không quan trọng”. Ông đã nghiên cứu ra một chiến lược làm việc hiệu quả nổi tiếng được đặt tên là Eisenhower Box (Ma trận Eisenhower) và đó là một công cụ ra quyết định đơn giản mà bạn có thể áp dụng ngay từ bây giờ.
Điều tuyệt vời của ma trận Eisenhower là nó cung cấp một bộ khung rõ ràng cho các quyết định lặp đi lặp lại liên tục. Và cũng giống như bất cứ điều gì khác trong cuộc sống, kiên định là điều tối quan trọng.
Thay vào đó, hãy đồng ý với các nhiệm vụ quan trọng giúp bạn đạt được mục tiêu của mình nhanh hơn và nói không, hoặc ít nhất là không phải bây giờ, với mọi thứ khác. Bạn sẽ quay trở lại những yêu cầu và hoạt động này sau (nếu có).
Không tùy tiện đánh giá người khác
Có một câu chuyện ngụ ngôn như thế này: Có một chú heo, một chú cừu và một chú bò sữa bị nhốt chung trong một chuồng. Có một lần người chủ đến bắt chú heo đi, heo lớn tiếng kêu thất thanh và giãy giụa chống cự mãnh liệt. Cừu và bò sữa không thích tiếng kêu thất thanh của heo nên giận dữ chỉ trích: “Ngươi thật là làm quá, ông chủ mỗi lần đến bắt chúng ta đi thì chúng ta cũng không kêu to ầm ĩ như ngươi”.
Chú heo nghe xong liền đáp lại: “Việc bắt các anh và bắt tôi là hai việc hoàn toàn khác nhau. Ông chủ bắt các anh chỉ là muốn lấy lông và sữa của các anh, nhưng ông ấy bắt tôi là muốn lấy mạng của tôi. Các anh có hiểu không”? Cừu và bò sữa nghe xong đều lặng yên không nói được lời nào.
Câu chuyện ngụ ngôn tuy ngắn ngủi và đơn giản nhưng lại rất sâu sắc. Nó nói cho chúng ta biết rằng, người có lập trường không giống nhau, ở vị trí và hoàn cảnh khác nhau thì sẽ rất khó để hiểu được đối phương.
Nếu như chúng ta có thể đứng trên lập trường của người khác để nhìn nhận vấn đề thì có thể lý giải được người khác từ sâu trong nội tâm của mình. Càng tiếp cận, càng gần với sự thật, càng cho khoảng cách giữa người với người nhiều góc nhìn hơn thì sẽ khiến người khác dễ dàng tiếp nhận hơn. Như vậy, thì sự hiểu nhầm cũng sẽ giảm đi rất nhiều.
Nguyễn Nguyễn
Theo Trí thức trẻ/Forbes