Kim Dung là bậc thầy của tiểu thuyết võ hiệp, có số lượng tiểu thuyết được đưa lên màn ảnh Hoa ngữ nhiều nhất, vậy hơn nửa thế kỷ qua, ông đã tung hoành giang hồ như thế nào?
Nhà văn Kim Dung là bậc thầy của tiểu thuyết võ hiệp được đông đảo độc giả yêu thích – Ảnh: Sina
Năm 1944, Kim Dung thi vào khoa ngoại giao Trường đại học Chính trị trung ương Trùng Khánh. Mùa thu năm 1946, ông gia nhập Đại Công báo tại Thượng Hải, làm công việc phiên dịch tin tức quốc tế.
Năm 1948, Kim Dung tốt nghiệp Đại học Đông Ngô Thượng Hải, đồng thời di cư sang Hong Kong. Trên mảnh đất hoa lệ này, ông biên tập cho tờ New Evening Post, sáng tác kịch bản phim điện ảnh Tuyệt đại giai nhân và Lan Hoa Hoa.
Năm 1955, Kim Dung cho ra đời bộ tiểu thuyết võ hiệp đầu tay Thư kiếm ân cừu lục, sau đó ông liên tiếp cho ra đời các tác phẩm như Bích huyết kiếm, Anh hùng xạ điêu, Tuyết sơn phi hồ, Thần điêu đại hiệp, Ỷ thiên Đồ long ký, Thiên long bát bộ, Hiệp khách hành, Tiếu ngạo giang hồ, Lộc đỉnh ký…
Nhà văn Kim Dung còn là người sáng lập tờ Minh Báo, tờ báo rất có uy tín tại Hong Kong – Ảnh: Minh Báo
Năm 1959, Kim Dung thành lập tờ Minh Báo, ông lần lượt cho ra đời nguyệt san, tuần báo tạp chí Minh Báo, tại Singapore và Malaysia, Kim Dung còn sáng lập Tân Minh Nhật Báo.
Sau 35 năm giữ chức tổng biên tập cho các tờ Minh Báo, Tân Minh Nhật Báo, Kim Dung đã về hưu, nhưng thỉnh thoảng ông vẫn tham gia một số hoạt động diễn đàn trong giới báo chí.
Giải thưởng tiêu biểu của Kim Dung:
– Năm 1981, Huân chương O.B.E do Chính phủ Anh trao tặng, biểu dương sự nghiệp cống hiến của Kim Dung trong lĩnh vực báo chí và công việc sáng tác.
– Năm 1986, Kim Dung được Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hong Kong phong tặng danh vị giáo sư, biểu dương thành tựu sự nghiệp phục vụ xã hội và sáng tác văn học.
Trong vòng nửa thế kỷ, nhà văn Kim Dung đã nhận vô số giải thưởng và học vị của các trường đại học – Ảnh: Weibo
– Năm 1988, Kim Dung nhận được danh vị giáo sư Học viện hệ Trung văn Đại học Hong Kong.
– Năm 1992, Đại học UBC Canada trao tặng học vị Doctorafletters cho Kim Dung.
– Năm 1994-1996, giáo sư danh dự Đại học Bắc Kinh, viện sĩ danh dự Đại học Anh.
– Năm 2000, Kim Dung được Đặc khu hành chính Hong Kong trao tặng Huân chương Đại Tử Kinh.
– Năm 2008, giải thưởng Thành tựu sự nghiệp tại You Bring Charm to the World Award.
– Năm 2009, phó chủ tịch danh dự Hội ủy viên tác hiệp Trung Quốc lần thứ 7.
– Năm 2010, học vị giáo sư triết học University of Cambridge – Anh quốc.
– Năm 2016, ủy viên danh dự Hội liên hiệp Văn học nghệ thuật Trung Quốc lần thứ 10.
Tác phẩm tiêu biểu của Kim Dung:
1955: Thư kiếm ân cừu lục
1956: Bích huyết kiếm
1957: Anh hùng xạ điêu
1959: Tuyết sơn phi hồ
1959: Thần điêu đại hiệp
1960: Phi hồ ngoại truyện
1961: Bạch mã khiếu tây phong
1961: Uyên ương đao
1961: Ỷ thiên Đồ long ký
1963: Liên thành quyết
1963: Thiên long bát bộ
1966: Hiệp khách hành
1967: Tiếu ngạo giang hồ
1969: Lộc đỉnh ký
1970: Việt nữ kiếm
Tất cả 15 tác phẩm của nhà văn Kim Dung đều được chuyển thể sang điện ảnh, truyền hình và Kinh kịch, đồng thời những bộ tiểu thuyết này còn được dịch ra các thứ tiếng: Anh, Pháp, Thái, Hàn, Nhật, Việt, Malaysia…
3 cuộc hôn nhân, 4 mặt con
Cuộc đời Kim Dung có 3 cuộc hôn nhân. Năm 1947 ông quen với cô gái Hàng Châu tên Đỗ Trị Phân, một năm sau ông chính thức cầu hôn và hai người đã cùng nhau sang Hong Kong lập nghiệp, nhưng vì Kim Dung quá bận rộn với công việc nên đã bỏ bê vợ, khiến bà buồn phiền bỏ về Trung Quốc, hai người thỏa thuận ly hôn.
Nhà văn Kim Dung đã có 3 cuộc hôn nhân – Ảnh: Baidu
Người vợ thứ hai của Kim Dung là ký giả Chu Mai, hai người kết hôn vào ngày 1-5-1956, giai đoạn này ông vừa sáng lập tờ Minh Báo, bà đã cùng ông trải qua hoạn nạn, vì ủng hộ Kim Dung làm tờ Minh Báo mà bà đã phải bán trang sức cho ông làm kinh phí, nhưng sau khi sự nghiệp thành công thì cuộc hôn nhân của hai người xảy ra rạn nứt, cả hai có với nhau bốn mặt con, hai trai hai gái.
Người vợ thứ ba là Lâm Di Lạc, bà kém Kim Dung 29 tuổi, lúc hai người quen nhau, bà chỉ mới 16 tuổi, hai người kết hôn năm 1976.
Thục Nghi – Theo Tuổi trẻ