Theo anh bạn hoạ sĩ phân tích, sợ vợ giúp anh luôn ở trạng thái sẵn sàng đứng lên làm một việc gì đó… Thế nên nó chẳng khác gì một môn thể thao.
Tôi thấy đàn ông hay đem chuyện sợ vợ ra chế giễu nhau, cứ như đó là một thứ điểm yếu của đàn ông vậy. Đừng nghĩ thế! Bởi hãy thử không sợ vợ mà xem, bạn sẽ thấy cuộc đời của mình rất nhiều rủi ro!
Không sợ vợ, mỗi khi tan sở, bạn sẽ không kìm chế được ý muốn la cà thêm một chút ngoài đường phố, ghé vào quán bia làm vài vại, bữa tối ở nhà chắc chắn sẽ chỉ còn chiếu lệ. Đó là rủi ro về sức khoẻ.
Không sợ vợ, bạn sẽ tuỳ tiện trong chi tiêu, bạn không có lý do để từ chối những khoản chi vô bổ khi có tiền trong túi. Đó là rủi ro về tài chính.
Không sợ vợ, bạn sẽ dễ dàng bị cám dỗ hơn, bạn tự tin thân mật với những người phụ nữ xung quanh mình. Đó là rủi ro về tình cảm.
Không sợ vợ, bạn sẽ giữ những thói quen từ thủa thanh niên của mình. Bạn sẽ hút thuốc lá trong phòng khách, bạn sẽ quăng quần áo ra bất cứ chỗ nào trong nhà khi thay ra, bạn chẳng cần nhìn trước ngó sau và không bận tâm tới những lời lẽ khó chịu của người ở chung nhà. Đó là rủi ro về sự trưởng thành.
Sự trưởng thành của con người nói chung và đàn ông nói riêng là một quá trình học hỏi các kỹ năng loại bỏ những rủi ro để tồn tại. Trong đó, nhất thiết phải trải qua giai đoạn sợ vợ. Nói cách khác, nếu không sợ vợ, nhất định bạn sẽ không trưởng thành.
Giống như sức khoẻ, hầu hết các kỹ năng sống cơ bản của chúng ta được hình thành trong khoảng 20 năm đầu tiên của cuộc đời. Những năm tháng tiếp theo chủ yếu là nâng cao, hoặc duy trì.
Tuy nhiên, nếu không luôn được kiểm soát bằng một nỗi sợ cụ thể thì không những chúng ta không cải thiện được kỹ năng mà còn làm thui chột những kỹ năng vốn có. Sợ vợ là nỗi sợ thường trực và hiệu quả nhất.
Tôi có một nhóm bạn thân từ nhỏ, một hoạ sĩ, một nhân viên y tế và ba doanh nhân. Họ đều là những người thành đạt và mối quan tâm lớn nhất của họ bây giờ là sức khoẻ. Trước kia, để duy trì sức khoẻ thì họ tập thể thao, mỗi người một môn.
Vấn đề là những ngày cuối tuần họ muốn gặp gỡ nhau nhưng lại không chơi cùng một môn thể thao.
Để giải quyết vấn đề đó, họ quyết định đưa các dữ liệu liên quan tới môn thể thao của mình vào máy tính để phân tích, tìm kiếm một môn thể thao vừa đảm bảo kích thích hoạt động trí não, duy trì vận động một cách cưỡng bức mà có thể chơi chung với nhau.
Kết quả, không có môn thể thao nào đáp ứng được vì mỗi người có một thế mạnh riêng trong từng môn thể thao.
Bế tắc. Họ nghĩ tới những thứ vốn tương đồng, xem có thứ nào cùng đạt được các lợi ích như thể thao. Cuối cùng, anh bạn hoạ sĩ, người không chơi bất cứ môn thể thao nào phát biểu: “Chúng ta đều chơi thể thao, nhưng các anh, người thì đánh golf, người chơi tennis, người đá bóng, chạy bộ, tôi thì không. Các anh thấy sức khoẻ của tôi thế nào?”.
Cả nhóm thừa nhận, anh bạn hoạ sĩ có thân hình săn chắc, cử chỉ linh hoạt, giác quan linh mẫn nhất. Anh hoạ sĩ nói tiếp: “Thực ra tôi vẫn chơi thể thao, đều đặn hơn tất cả các anh. Tôi chơi môn thể thao sợ vợ”.
Theo anh bạn hoạ sĩ phân tích thì môn sợ vợ giúp anh luôn ở trạng thái sẵn sàng đứng lên làm một việc gì đó, luôn phản ứng tức thì trước mọi yêu cầu của vợ, và luôn phải nghĩ cách giải thích thoả đáng trước mọi thắc mắc của vợ.
Video tạm dừng
Sợ vợ – đâu chỉ riêng đàn ông Việt Nam.
Nghĩa là luôn luôn duy trì thói quen vận động một cách cưỡng bức và trí não luôn được kích thích hoạt động. Môn thể thao đó, tất cả những người đàn ông có vợ đều chơi được và chơi vào bất cứ lúc nào, đặc biệt là cuối tuần.
Nhóm bạn tôi không có gì để phản bác. Từ đó, cuối tuần nào họ cũng được tụ tập chơi cùng nhau, dĩ nhiên là có vợ đi cùng.
Các bà vợ thì ngồi uống rượu vang và nói chuyện thời trang, còn những ông bạn tôi quây quần trông con, chơi với lũ trẻ, tai vểnh về phía nhóm vợ đang ngồi để sẵn sàng đứng dậy chạy đi lấy thêm gia vị, hoặc mua thêm đồ nhậu.
Mới đây, khám sức khoẻ, mọi chỉ số đều ở mức hoàn hảo. Chúng thảy đều hài lòng với môn thể thao mới.
Theo Soha