Nếu HLV Hữu Thắng không được dựng lên, chắc hẳn bóng đá Việt Nam không thể có được một HLV Park Hang-seo đang vẽ nên kỳ tích. Nhưng trong ngày vui, vẫn còn đó những nỗi buồn…
1. Chiến thắng của U23 Việt Nam trước U23 Nhật Bản đánh dấu bước tiến mới của một thế hệ vàng của bóng đá Việt Nam – thế hệ sẽ là nòng cốt cho đội tuyển quốc gia Việt Nam trong tương lai gần, thậm chí là rất gần. Không chỉ là kết quả, không chỉ là bộ mặt mới trên đấu trường châu lục, mà nó còn đánh dấu đẳng cấp mới của lứa cầu thủ trẻ hiện tại, với lối chơi không còn mang bóng dáng “ngựa ô”, thay vào đó là bóng hình của một thế lực mới.
Chiến công ấy, cũng như kỳ tích mà Công Phượng, Quang Hải và các đồng đội tạo ra ở giải vô địch U23 châu Á hồi đầu năm mang nặng dấu ấn của HLV Park Hang-seo. Từ tinh thần đến thể lực, từ chiến thuật cho đến kỹ thuật, rõ ràng các cầu thủ Việt Nam thể hiện được một bộ mặt hoàn toàn khác so với thời HLV Hữu Thắng. Và con đường mà bóng đá Việt Nam đang đi do nhà cầm quân người Hàn Quốc vạch ra đang được trải thảm đỏ.
Tài năng và tầm nhìn, cũng như cái tâm của HLV Park Hang-seo với bóng đá Việt Nam là điều không thể phủ nhận, nhưng cũng không thể phủ nhận một điều rằng trong hàng chục năm trở lại đây, chưa bao giờ bóng đá nước nhà lại sở hữu một thế hệ cầu thủ xuất sắc đến như thế. Từ lứa U19 ngày nào của HAGL, đến U20 dưới tay HLV Hoàng Anh Tuấn, rồi lứa cầu thủ trẻ của các lò đào tạo lớn thực sự tốt, thực sự chuyên nghiệp.
Chiến công và kỳ tích của U23 Việt Nam với chức Á quân châu Á, cũng như đội tuyển Olympic Việt Nam ở Asiad lần này là điều không thể phủ nhận. Có nói gì thì nói, chiến thắng vẫn là đích đến cao nhất trong bóng đá. Song nhìn lại một chút, trừ Hàn Quốc đem đến Asiad lần này đội tuyển thực sự mạnh, thì Nhật Bản chỉ dùng U21, và Thái Lan tự cởi bỏ những cầu thủ trên 23 tuổi, dẫu rằng đây là đấu trường châu lục. Có điều gì khác biệt?
2. Quay ngược thời gian, hơn 3 năm về trước, sau vòng loại U23 châu Á 2015 tại Malaysia, chuyên gia bóng đá Phan Anh Tú nói về HLV Toshiya Miura:
“Có 3 điều HLV Miura đã làm được khi tới Việt Nam. Thứ nhất, ông ấy giúp các cầu thủ có nền tảng thể lực sung mãn, đá với cường độ cao trong trọn trận đấu. Thứ hai, thổi vào các cầu thủ tinh thần chiến đấu máu lửa. Dưới sự dẫn dắt của ông Miura, đội bóng có thể thua về mặt tỷ số, nhưng không bao giờ thua về mặt tinh thần, cầu thủ luôn đá hết mình cho tới khi tiếng còi kết thúc trận đấu vang lên.
Thứ ba, HLV Miura đã khiến các cầu thủ có kỷ luật chiến thuật, luôn tuân thủ những gì mà Ban huấn luyện đã đề ra“.
Nhận xét ngày ấy về HLV Miura, nghe có quen không? Quen, bởi nếu dùng nó cho HLV Park Hang-seo hiện tại, thì chẳng khác nào “đo ni đóng giày” cho nhà cầm quân người Hàn Quốc. Dấu ấn lớn nhất của vị thuyền trưởng hiện tại của bóng đá Việt Nam, phải chăng khá giống với những gì HLV Miura đã từng làm được vài năm về trước?
Có thể vị HLV người Nhật không may mắn, cũng như tài năng bằng HLV Park Hang-seo, nhưng triết lý bóng đá, con đường họ chọn cho bóng đá Việt Nam, cho lứa cầu thủ hiện tại của Việt Nam là khá tương đồng.
Nhìn vào Công Phượng thì rõ, dưới thời HLV Miura, chân sút HAGL này đạt được hiệu suất tốt nhất trong màu áo tuyển, còn dưới thời HLV Park Hang-seo, ngôi sao gốc Nghệ An không tỏa sáng rực rỡ, nhưng đóng góp cực lớn vào kỳ tích Á quân châu Á của U23 Việt Nam. Trong tay hai ông thầy ngoại, Công Phượng luôn được khép vào khuôn khổ, giúp anh thể hiện được hết khả năng, sở trường của mình một cách thích hợp nhất trong lối chơi chung.
Nhưng giữa hai ông thầy ngoại ấy, Công Phượng trong tay Hữu Thắng luôn là cái tên hot nhất với người hâm mộ, nhưng cũng là thời kỳ Phượng thể hiện tệ nhất về mặt chuyên môn, đi kèm với đó là thảm họa về mặt thành tích của bóng đá nước nhà.
3. Có lẽ sẽ là thừa khi nhắc lại những gì HLV Hữu Thắng gây ra cho bóng đá Việt Nam trong suốt hơn 18 tháng tại vị. Hơn một năm rưỡi ấy là bước tụt lùi kinh khủng của bóng đá Việt Nam. Anh Đức – tiền đạo số 1 của Việt Nam bị “quẳng vào sọt rác”, lứa U20 dự World Cup của HLV Hoàng Anh Tuấn bị ruồng rẫy, thậm chí đến Quang Hải cũng chỉ dám ngậm ngùi cam phận…
Hơn 18 tháng ấy, Hữu Thắng kịp xóa sạch những gì HLV Miura dày công kiến tạo cho bóng đá Việt Nam, để thay vào đó bằng một triết lý bóng đá quá đỗi phù phiếm với cầu thủ Việt Nam – chơi bóng theo kiểu tiqui-taca. Chưa hết, 18 tháng ấy đưa bóng đá Việt Nam vào cơn khủng hoảng với mâu thuẫn nội bộ trầm trọng, cùng lối sinh hoạt, hành xử theo kiểu “quân hồi vô phèng” ở các đội tuyển…
Ngày bắt tay vào tái thiết bóng đá Việt Nam, trước mắt HLV Park Hang-seo là một đống đổ nát hoang tàn. May mắn thay, nhà cầm quân người Hàn Quốc này với “biệt nhãn” của mình, đã nhìn ra những “viên ngọc” sáng lấp lánh trong đống đổ nát ấy.
Chỉ có điều, những “viên ngọc” ấy đã phải “nhuốm bụi” suốt gần 2 năm trời. Khoảng thời gian ấy, Thái Lan, Nhật Bản cùng những đội bóng Đông Nam Á khác đã kịp thời vụt đi, và giờ đây Nhật Bản, Thái Lan đã mơ một giấc mơ khác, và sẵn sàng hi sinh thành tích trước mắt để thực hiện đến cùng giấc mơ ấy.
Nếu không có ngót hai năm lầm lạc trong tay Hữu Thắng ấy, liệu lứa thế hệ vàng của bóng đá Việt Nam hiện tại còn xuất sắc đến thế nào nữa, những Quang Hải, Công Phượng, Xuân Trường, Văn Hậu… còn trưởng thành đến thế nào nữa?
Ngót hai năm tan tác ấy, ai trả lại cho bóng đá Việt Nam bây giờ?
Kinh Luân – Ảnh: Đạt Đậu, theo Trí Thức Trẻ
——-
Nguồn: Soha