Ung thư dạ dày là bệnh ung thư đường tiêu hoá phổ biến ở nước ta. Bệnh đang gia tăng, số người bệnh đến viện khi bệnh tiến triển xa nên việc điều trị khó khăn hơn.
Ung thư nguy hiểm
Theo ghi nhận của Bệnh viện K từ năm 1997 đến 2007, ung thư dạ dày ở Hà Nội luôn đứng hàng thứ hai sau ung thư phổi, phế quản. Còn ở Hải Phòng, Huế, Cần Thơ, đứng hàng thư ba sau ung thư phổi, phế quản, gan.
TS.BS.Võ Duy Long, Phó Trưởng khoa Ngoại Tiêu hóa, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết các bác sĩ của khoa vừa phẫu thuật nội soi cắt gần toàn bộ dạ dày, trừ tâm vị và đáy vị cho bệnh nhân bị ung thư dạ dày do đã ăn mặn triền miên.
Bệnh nhân nam N.T.T (54 tuổi, quê Quảng Ngãi) vào viện do đau vùng thượng vị. Ông T có thói quen ăn mặn. Bản thân ông nghĩ ăn mặn vừa miệng, đằm đằm chứ không nghĩ ăn mặn lại có nguy cơ ung thư dạ dày.
Ông T chia sẻ, bố của ông từng qua đời vì ung thư. Qua điều tra tiền sử của người bệnh, trước đây ông bị viêm loét dạ dày và đã điều trị.
Ông đã vào bệnh viện điều trị viêm dạ do đau bụng vùng thượng vị dai dẳng không dứt và điều trị tạm ổn hơn ông ra viện.
Nghĩ do viêm loét dạ dày thông thường, ông T tự ý mua thuốc về uống nhưng không hết đau. Nhận chuyến đi thăm người thân ở TP.HCM, ông T đi khám tiêu hóa. Khi bác sĩ chỉ định nội soi và tá hỏa khi phát hiện khối u lớn ở 1/3 giữa dạ dày, sinh thiết giải phẫu tế bào học chẩn đoán ung thư dạ dày giai đoạn 3.
Trường hợp của bệnh nhân V.T.D.L (31 tuổi, Đắk Lắk) đến khám trong tình trạng mệt mỏi, ăn uống kém, không tiêu, đau bụng nhẹ vùng thượng vị. Bệnh nhân L cho biết trước đây cô đã khám ở tuyến dưới, được chẩn đoán viêm loét dạ dày nhưng điều trị không đỡ.
Khoảng 2 tuần này, bệnh nhân L xuyên buồn nôn, nôn xong rất dễ chịu. Ban đầu bệnh nhân L tưởng nghén nhưng đi siêu âm không có thai và thử máu cũng âm tính.
Bệnh nhân L vào TP.HCM khám tổng quát. Vừa nghe cô kể bệnh, bác sĩ nghi ngờ có bệnh nặng nên cho nội soi. Kết quả đúng như chẩn đoán ban đầu của bác sĩ.
Khi phẫu thuật các bác sĩ phát hiện khối u ở hang vị đã thâm nhiễm đến thanh mạc và gây bán hẹp môn vị dạ dày. Các bác sĩ đã tiến hành cắt khoảng 3/4 dưới dạ dày, nạo hạch triệt để và lấy ruột non lên nối với phần dạ dày còn lại.
Khi nào cần khám dạ dày
Theo TS Long thời gian vừa qua, phòng khám chuyên khoa của Bệnh viện thường xuyên gặp các bệnh nhân bị ung thư dạ dày, thống kê sơ bộ của bác sĩ ung thư dạ dày có xu hướng trẻ hóa.
Tỷ lệ người bệnh dưới 40 tuổi mắc bệnh ngày càng tăng, đặc biệt có những trường hợp mắc ung thư dạ dày dưới 30 tuổi. Ung thư dạ dày là bệnh thường gặp, thuộc 10 vị trí ung thư thường gặp nhất.
Điều đặc biệt, TS Long cho biết khoảng 2/3 người bệnh ung thư dạ dày được phát hiện ở giai đoạn tiến triển, bướu đã xâm lấn và di căn hạch lympho hay di căn xa.
Nếu phát hiện ung thư vào giai đoạn sớm, người bệnh chỉ cần điều trị bằng phẫu thuật mà không cần hóa trị. Không ít trường hợp đến điều trị khi người bệnh đã xuất hiện các biến chứng của ung thư như: chảy máu dạ dày, hẹp dạ dày, thủng dạ dày bắt buộc phải mổ cấp cứu, có thể tế bào ung thư đã di căn đến phổi, phúc mạc, gan, xương…
Theo TS BS. Võ Duy Long bệnh ung thư dạ dày chưa xác định được nguyên nhân cụ thể nhưng có 4 nhóm yếu tố nguy cơ như: Tiền sử gia đình có người bị ung thư dạ dày; Tiền sử bản thân mắc các bệnh lý về đường tiêu hóa nói chung; Dạ dày nói riêng như viêm loét dạ dày và đa polyp dạ dày…
“Ngoài ra, những người có tiền sử trên cộng với thói quen thường xuyên ăn các thực phẩm nhiều muối, đồ nướng, hun khói hoặc các thực phẩm được lên men, ủ lâu ngày…. khi có dấu hiệu đau thượng vị cần đi kiểm tra ngay”, BS Long khuyến cáo.
Tiểu Nhã, theo Trí Thức Trẻ, Soha