Nói dối là vấn đề rất hay gặp ở trẻ nhỏ và nếu không có cách xử lý, uốn nắn kịp thời sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý và tính cách cũng như tương lai của trẻ sau này.
Nuôi một đứa khôn lớn trẻ thực sự là thành tựu rất lớn đối với các ông bố bà mẹ. Con dần trưởng thành mang theo hy vọng của bố mẹ sẽ trở thành người tốt, có ích cho xã hội. Bởi vậy, mỗi hành vi ứng xử của con đều được bố mẹ theo dõi và chấn chỉnh, đặc biệt là khi trẻ nói dối. Tuy nhiên, cần có cách xử trí phù hợp thay vì sử dụng việc chừng phạt nghiêm khắc.
Lý do nói dối
Có rất nhiều lý do khiến trẻ nói dối như: trẻ sợ bị trách phạt, sợ bị bố mẹ mắng, sợ phải gánh chịu hậu quả; trẻ chưa nhận thức được vấn đề đúng hay là chúng đang tưởng tượng ra một câu chuyện nào đó trong đầu mình… Đôi khi, trẻ con nói dối vì chúng đang bắt chước người lớn.
4 cách xử lý khi con nói dối
1. Giữ bình tĩnh
Tức giận chắc chắn không giúp bạn nhiều trong trường hợp trẻ nói dối. Việc quát nạt đứa trẻ cũng không khiến chúng thành thật hơn.
Tờ Today’s Parent đưa ra lời khuyên với bố mẹ là “phản ứng lại với giọng bình tĩnh, tiếp cận từng trường hợp để có cơ hội chỉ bảo con”. Nếu bạn tức giận, bạn chỉ tập trung vào việc trừng phạt và phán xét thay vì giúp con rút ra bài học và không lặp lại việc nói dối thêm lần nào nữa.
Mắng mỏ không phải là cách giúp bé thành thật hơn (Ảnh minh họa).
2. Thẳng thắn với con
Ngay từ đầu, bố mẹ hãy thể hiện thái độ chỉ chấp nhận sự thật và để con biết rằng bạn hoàn toàn nhận ra chúng đang nói dối. Hãy dạy cho con biết rằng nói dối không giúp ích gì hay con có thể tìm kiếm bất cứ sự giúp đỡ nào. Con sẽ không thể che giấu sự thật mãi mãi sau những lời nói dối của mình.
3. Tìm hiểu nguyên nhân
Lý do trẻ nói dối là không muốn làm bố mẹ thất vọng. Đào sâu hơn và tìm hiểu kỹ hơn lý do tại sao con hành động như vậy, bạn sẽ thấy rằng bản thân các con không có chủ ý nói dối ngay từ đầu.
Bố mẹ cần hiểu lý do đằng sau lời nói dối của con, bằng cách tìm hiểu ngọn ngành sự việc (Ảnh minh họa).
Đó có thể là bởi con sợ bị phạt, bị ép buộc, để làm bố mẹ vui lòng, muốn được khen ngợi hoặc do áp lực tâm lý. Bố mẹ cần hiểu lý do đằng sau lời nói dối của con, bằng cách tìm hiểu ngọn ngành sự việc. Đây còn là cơ hội bạn dạy con cách giải quyết vấn đề khi gặp trục trặc thay vì những lời nói dối.
4. Lên kế hoạch cùng con
Nếu con nói dối về chuyện trường lớp hay bạn bè, bạn có thể lập kế hoạch đơn giản cùng con để giải quyết vấn đề. Khi đó, bạn sẽ cho con thấy tình yêu của mình dành cho bé. Bên cạnh đó, con cũng thấy được vai trò và ý kiến của bé có giá trị.
Cùng con lập kế hoạch và giải quyết trường hợp cụ thể giúp tăng thêm kĩ năng giải quyết vấn đề cho con khi còn bé cho đến lúc trưởng thành. Chúng học được cách tự tin và sống trung thực hơn. Điều này còn cho trẻ cảm nhận được rằng bố mẹ luôn ở bên con và cùng con vượt qua khó khăn.
Nếu gia đình bạn đang mắc kẹt với những lời nói dối của con thì hãy dạy con thành thật càng sớm càng tốt và hạn chế phạt bé với những lỗi này. Cách này chỉ khiến bé “nhờn” đòn roi, trở nên lì lợm hơn và vẫn tiếp tục nói dối.
Minh phương – TTT