ĐBQH Phạm Tất Thắng
Dự thảo nêu bán dâm lần thứ 4 mới bị đuổi học cho thấy các lần vi phạm trước có hình thức xử lý, mỗi lần như thế đều phải công khai. Quy định như thế là vi phạm quyền con người – đại biểu Thắng nói.
Liên quan đến dự thảo quy chế quy định sinh viên cao đẳng, trung cấp ngành sư phạm hoạt động mại dâm lần thứ 4 mới bị đuổi học, chiều 30/10, trao đổi bên hành lang Quốc hội, đại biểu Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, sau khi có dư luận xã hội, Bộ GDĐT đã rút dự thảo khỏi trang thông tin nội bộ, đó là cách xử lý “cầu thị, hợp lý”.
“Việc ban hành văn bản dù là dự thảo nhưng lại có những hạn chế nhất định về mặt kỹ thuật là không nên.
Bởi lẽ, khi đã công bố trên cổng thông tin của bộ phải được chuẩn bị 1 cách kỹ lưỡng, tương đối hoàn thiện, ít nhất là không có mâu thuẫn với những văn bản quy phạm pháp luật khác hoặc những tiền lệ đã có.
Tôi cho đây là việc cơ quan quản lý cần lưu ý rút kinh nghiệm”, ông Thắng nêu.
Vị Phó Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội cho rằng, hiện nay, ý kiến của một số chuyên gia về mặt pháp lý cho rằng quy định như trong dự thảo không phù hợp.
Cụ thể, dự thảo nêu là bán dâm lần thứ 4 mới bị đuổi học có thể thấy các lần vi phạm trước sẽ có hình thức xử lý khác và mỗi lần như thế đều phải công khai.
“Nếu quy định như thế là vi phạm quyền con người vì pháp luật không quy định vấn đề đó phải công khai, nhất là trong môi trường trường học.
Chưa kể, trong Pháp lệnh về xử lý vi phạm hành chính, hoạt động mại dâm được quy định với hình thức xử lý hành chính chứ không phải hình thức khác.
Mặc dù về bản chất đuổi học có thể coi là hình thức phạt hành chính nhưng phải xác định đối tượng là sinh viên ở trường, đây là môi trường đặc biệt.
Thêm vào đó, lỗi này rất đặc biệt với môi trường học tập, do liên quan đến vấn đề đạo đức, tư cách của người sẽ trở thành giáo viên trong tương lai. Vậy nên quy định đó dù là trong dự thảo cũng không phù hợp”, ông Thắng nói.
Ông nhấn mạnh thêm, trong môi trường sư phạm, hành vi vi phạm liên quan đến hoạt động mại dâm dù chỉ 1 lần cũng không đủ tư cách để học, để trở thành người thầy trong tương lai.
“Vậy nên mức xử lý hành chính trong môi trường này phải rất cao, mang tính răn đe nghiêm khắc để có thể lựa chọn được những người đủ phẩm chất đạo đức để làm được nghề rất đặc thù này”, ông Thắng nói thêm.
Sáng 30/10, bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, ông sẽ xem xét, kiểm điểm trách nhiệm ban soạn thảo và cá nhân có liên quan đến dự thảo quy chế quy định sinh viên cao đẳng, trung cấp ngành sư phạm hoạt động mại dâm lần thứ 4 mới bị đuổi học.
Hoàng Đan – theo Trí Thức Trẻ, Soha