Thứ sáu, Tháng mười hai 6
Shadow

Đệ nhất tiểu thuyết gia võ hiệp Kim Dung giàu có, quyền lực cỡ nào?

Dù trong giới văn sĩ hay trong giới doanh nhân, một nhân vật như Kim Dung có thể nói là “vô tiền khoáng hậu”.

Từ năm 1955 đến năm 1970, tiểu thuyết gia Kim Dung đã sáng tác 14 bộ tiểu thuyết. Số lượng phát hành trên toàn thế giới lên tới hàng trăm triệu bản, tổng số phim điện ảnh và truyền hình được chuyển thể từ tác phẩm của ông vượt qua con số 100.

Những câu chuyện, những nhân vật của ông đã đi vào lòng bao thế hế khán giả toàn thế giới. Ông cũng là nhà văn tỷ phú đầu tiên của Trung Quốc. Và ngày hôm nay (30/10), Kim Dung đã qua đời trước sự thương tiếc của hàng triệu người hâm mộ.

Ông trùm làng báo Hong Kong

Năm 2010, các tiểu thuyết của Kim Dung đồng loạt được tái bản tại Trung Quốc đại lục mang lại cho ông khoản tiền khổng lồ. Chỉ tính riêng lợi nhuận bản quyền, chưa tính tới phần trăm lãi trên đầu sách bán ra, Kim Dung đã thu về 3,5 triệu NDT (khoảng 12 tỷ đồng).

Tiểu thuyết gia tuổi 86 bỗng chễm chệ ở vị trí thứ 12 trong danh sách các tỷ phú giàu nhất Trung Quốc năm 2010, dù đã gác bút nhiều thập kỷ.

Kim Dung được người ta biết đến nhiều nhất với tư cách Đệ nhất tiểu thuyết gia võ hiệp. Nhưng không chỉ có vậy, Kim Dung còn là người sáng lập tờ Minh báo nổi tiếng Hong Kong, là ông trùm báo chí được ví như Rupert Murdoch của xứ Hương Cảng về sức mạnh quyền lực.

Vào thời điểm Kim Dung lập ra Minh báo, tất cả vốn liếng của tờ báo này chỉ vỏn vẹn có 100.000 HKD. Đến năm 1991 khi Minh báo lên sàn cổ phiếu, “đứa con tinh thần” của Kim Dung được định giá 870 triệu HKD, trong đó Kim Dung sở hữu 60%.

Năm 1992, lợi nhuận năm của Minh báo đạt 100 triệu HKD. Khối tài sản mà Kim Dung sở hữu lúc bấy giờ ước tính vào khoảng 120 triệu HKD, xếp thứ 64 trong danh sách các đại gia giàu nhất Hong Kong.

Thập niên 90, Kim Dung được giới báo chí xưng tụng là “võ lâm bang chủ” của làng báo chí truyền thông Hong Kong.

Kim Dung và một ấn bản Minh báo.

Thiếu gia giàu có, thiên tài văn học

Xem thêm  "Sự siêu phàm của Kim Dung khiến đời sau chỉ nuôi mộng kế thừa, không dám nghĩ đến 2 chữ lật đổ"

Kim Dung tên thật là Tra Lương Dung. Ông sinh năm 1924 trong một gia đình danh gia vọng tộc tại Hải Ninh, tỉnh Chiết Giang. Đích thân vua Khang Hy từng ban tặng cho tông miếu nhà họ Tra đôi câu đối “Đường Tống dĩ lai cự tộc, Giang Nam hữu số nhân gia” nhằm ca ngợi tài năng kiệt xuất của gia tộc này.

Nhà họ Tra đất đai trải hàng nghìn mẫu, sách quý chất đầy nha. Gia đình Kim Dung cũng có rất nhiều văn nhân nổi tiếng. Thi nhân Từ Trí Ma nổi danh một thời chính là anh họ của ông.

Cha ruột Kim Dung là một đại địa chủ từng nhận được sự giáo dục theo kiểu phương Tây. Tương truyền rằng cuốn tiểu thuyết đầu tiên Kim Dung đọc là A Christmas Carol của đại văn hào nước Anh Charles Dickens, do cha ông tặng.

Tuy nhiên các tác phẩm sau này của Kim Dung lại đậm đà phong vị Trung Hoa, không hề bị ảnh hưởng bởi văn phong Tây phương.

Kim Dung được lớn lên trong sự xa hoa của đời sống quý tộc. Nhận được điều kiện giáo dục tuyệt vời, từ nhỏ Kim Dung đã là một thiên tài học sâu hiểu rộng.

Kim Dung thời trẻ.

Tài năng thiên phú của ông bộc lộ từ thời trung học. Khi đang còn ngồi trên ghế nhà trường, ông đã cùng hai người bạn học tập hợp một số kinh nghiệm học tập và thi cử để viết thành cuốn sách tham khảo dành riêng cho học sinh thi lên bậc sơ trung học.

Cuốn sách này sau đó trở thành best-seller tại nhiều tỉnh khắp Trung Quốc. Đây có thể coi là khởi đầu cho nghiệp viết lách của ông.

Năm Kim Dung 31 tuổi, ông làm biên tập viên cho tờ New Evening Post của Hong Kong. Khi đó tờ báo đang có một loạt truyện kiếm hiệp dài kỳ bị một đồng nghiệp bỏ ngang không viết, tổng biên tập đã yêu cầu ông tiếp quản.

Con đường sáng tác tiểu thuyết võ hiệp của ông bắt đầu từ đây. Tác phẩm đầu tiên của ông có tên Thư Kiếm Ân Cừu Lục.

Các tác phẩm tiểu thuyết võ hiệp tiếp đó của Kim Dung trở thành hiện tượng. Năm 1958 công ty điện ảnh Nga My đã chuyển thể lại tác phẩm Anh hùng xạ điêu thành phim dài 2 tập, đánh dấu bản chuyển thể đầu tiên từ tiểu thuyết của ông.

Xem thêm  Nghèo đủ rồi, từ tháng 4 âm lịch trở đi 3 con giáp này phát tài không ngừng, 10 năm sau cuộc sống viên mãn cả tình lẫn tiền

Nhờ thành công và lợi nhuận kiếm được từ Anh hùng xạ điêu, Kim Dung mới thực hiện được ước mơ của mình là thành lập một tờ báo riêng vào năm 1959.

Khi mới ra mắt, doanh số của Minh báo vô cùng thảm hại. Tờ báo phải dựa vào loạt truyện dài kỳ Thần điêu đại hiệp của ông để hút độc giả.

Bên cạnh việc viết truyện, ông còn dùng bút danh Tra Lương Dung để viết các bài bình luận vấn đề xã hội. Ngòi bút sắc sảo của ông đã đưa Minh báo thành tờ báo uy tín được giới tri thức Hong Kong xem trọng.

Kim Dung vốn là sinh viên tốt nghiệp ngành Luật quốc tế nên ông cực kỳ am hiểu hệ thống và cục diện chính trị thế giới, từ đó đưa ra được nhiều kiến giải độc đáo. Thập niên 60 của thế kỷ 20, tình hình chính trường quốc tế rất phức tạp. Kim Dung đã phát huy hết thế mạnh của mình để mang lại danh tiếng cho tờ Minh báo.

Ban ngày ông là cây viết bình luận chính trị quốc tế, đến đêm ông lại thành tiểu thuyết gia mải mê với những ân oán tình thù chốn giang hồ. Mỗi bài báo ông viết cả 2000 chữ, tiểu thuyết thì tới 5000, suốt 20 năm liền không buông bút.

Thời đó rất nhiều độc giả của Minh báo không hề biết nhà văn Kim Dung và nhà báo Tra Lương Dung chính là một người.

Sau bao nỗ lực của Kim Dung, thập niên 80, Minh báo đã phát triển thành một đế chế truyền thông báo chí, số lượng phát hành lên tới 200.000 bản.

Kim Dung vốn là một công tử giàu có, nhưng cũng là một văn nhân. 15 tuổi ông đã tự dùng kiến thức của mình để kiếm tiền trả học phí, tự dùng tài năng của mình kiếm việc mà không dựa vào gia sản của gia đình.

Cả đời Kim Dung dùng con chữ để mưu sinh, trở thành một nhà văn, một tổng biên tập được bao người nể phục. Dù trong giới văn sĩ hay trong giới doanh nhân, một nhân vật như Kim Dung có thể nói là “vô tiền khoáng hậu”.

Ngày 30/10/2018, Kim Dung tạ thế ở tuổi 94 tuổi.

Phương Anh – Thế giới trẻ

Link gốc