Thứ tư, Tháng Một 15
Shadow

Đề xuất “mất bằng lái xe phải thi lại”: Không phải anh muốn ban hành cái gì cũng được!

Giấy phép lái xe
Ông Nguyễn Đình Quyền. Ảnh: P.H.

Ông Quyền cho rằng, đề xuất “mất bằng lái xe phải thi lại” liên quan đến hạn chế quyền công dân nên phải quy định bằng Luật và thẩm quyền thuộc Quốc hội chứ không phải Bộ GTVT.

Xem thêm  Báo châu Âu vẽ ra viễn cảnh Son Heung-min "lái xe tăng" nếu thua U23 Việt Nam

Bộ GTVT không có thẩm quyền ban hành quy định “mất bằng lái xe phải thi lại”

Tại phiên giải trình do Ủy ban Tư pháp tổ chức vào ngày 6/3, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể đề xuất tất cả những người mất bằng lái xe phải thi lại để tránh tình trạng lợi dụng, xin thêm bằng lái xe thứ hai, thứ ba.

Trao đổi với PV vào chiều 7/3, ông Nguyễn Đình Quyền, nguyên Viện trưởng Viên nghiên cứu lập pháp của Ủy ban TVQH, người tham dự trong phiên họp ngày 6/3 cho rằng, đề xuất của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể như trên không hợp lý và không có cơ sở.

Theo ông Quyền, căn cứ vào Hiến pháp năm 2013 đã đưa ra nguyên tắc rất cơ bản trong việc xây dựng các chính sách liên quan đến hạn chế quyền công dân đều phải quy định bằng Luật.

“Việc quy định người mất bằng lái xe phải thi lại liên quan đến hạn chế quyền công dân nên phải quy định bằng Luật và thẩm quyền thuộc Quốc hội.

Còn Bộ trưởng Bộ GTVT đề xuất nhưng kể cả Bộ GTVT và Chính phủ cũng không có thẩm quyền ban hành văn bản quy định liên quan đến vấn đề này”, ông Quyền nói.

Giấy phép lái xe
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể.

Ông Quyền nêu rõ, nguyên tắc của Nhà nước pháp quyền là pháp luật phải được tối thượng, tôn trọng. Đồng thời, Nhà nước quản lý không được trách nhiệm trước hết thuộc về Nhà nước và không bao giờ được đổ phần khó lại cho người dân.

“Trong trường hợp, hệ thống pháp luật chưa đủ để điều chỉnh các quan hệ xã hội mới phát sinh hoặc quản lý Nhà nước chưa bao quát hết thì nguyên tắc cơ bản là nếu Nhà nước chưa quy định, chưa quản lý hay tất cả các hạn chế sẽ thuộc trách nhiệm của Nhà nước chịu, không bao giờ được đổ cho người dân cả.

Người dân trong các trường hợp này phải được đảm bảo quyền lợi hợp pháp, đúng quy định. Do đó, việc ban hành các chính sách, văn bản liên quan đến quyền công dân phải rất thận trọng.

Cùng với đó, bất kỳ quy phạm pháp luật nào cũng phải dựa trên cơ sở, căn cứ thực tiễn và nó phải có đạo lý, chứ không phải anh là cơ quan quản lý Nhà nước anh muốn ban hành cái gì cũng được”, ông Quyền nhấn mạnh.

Nguyên Viện trưởng Viên nghiên cứu lập pháp của Ủy ban TVQH đánh giá, trong đề xuất được Bộ trưởng Thể đưa ra đã có sự nhầm lẫn giữa hai đối tượng với nhau.

Cụ thể, việc mất bằng, cấp lại bằng và vi phạm trật tự, an toàn giao thông là hai việc hoàn toàn khác nhau. Cùng với đó, việc người ta lợi dụng mất bằng để có được bằng 2, bằng 3 lại là chuyện vi phạm pháp luật và quản lý Nhà nước phải xử lý vấn đề đó.

“Việc mất bằng lái xe có những trường hợp xuất phát từ nguyên nhân bất khả kháng, như hỏa hoạn mất cắp, đi vào vùng thiên tai không may mưa lũ cuốn trôi… và việc được cấp lại bằng là nguyên tắc tối thượng, không có gì phải bàn cãi”, ông Quyền chỉ rõ.

Ông nhìn nhận thêm, việc đưa ra quy định người bị mất bằng lái xe phải thi lại là không nên khi bằng đó vẫn còn có giá trị. Chưa kể, người dân sẽ so sánh nếu mất bằng tốt nghiệp đại học, trung học… mà cũng yêu cầu học lại sẽ là chuyện phi thực tế.

Vẫn theo TS Nguyễn Đình Quyền, việc mất bằng lái xe với chuyện chống nạn bằng lái xe giả hay việc lợi dụng để cấp thêm 2 -3 bằng không liên quan gì đến nhau.

“Việc xác định bằng lái xe bị thu hồi do vi phạm pháp luật về an toàn giao thông hay mất thật thì các giải pháp kỹ thuật hoàn toàn có thể làm được.

Việc không quản lý được để xảy ra lợi dụng nhằm cấp thêm bằng 2 – 3 là trách của cơ quan Nhà nước chứ không thể vì cơ quan quản lý không quản lý được mà bắt người dân phải thi lại”, ông chỉ rõ.

Sai về cả trách nhiệm hoạch định chính sách và tư duy chính sách

Cũng trao đổi với PV, TS Lê Hồng Sơn, nguyên Cục trưởng Kiểm tra Văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) khẳng định, ông không đồng tình với đề xuất trên của Bộ trưởng GTVT.

Theo ông Sơn, mất bằng lái xe do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan, gặp sự cố bất ngờ dẫn đến mất, thất lạc, cháy, hư hỏng… sẽ không thể bắt người dân đi thi lại.

“Đề xuất tất cả những người mất bằng lái xe phải thi lại là hoàn toàn không hợp lý. Việc này đẩy trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước sang trách nhiệm của người dân”, ông Sơn nói.

Ông cũng nhấn mạnh, với đề xuất “mất bằng lái xe phải thi lại” rõ ràng cho thấy cái sai về cả “trách nhiệm hoạch định chính sách và vấn đề tư duy chính sách” của cơ quan quản lý Nhà nước cũng như cán bộ liên quan.

“Muốn tránh tình trạng lợi dụng, xin thêm bằng lái xe trước hết Bộ GTVT cần tập trung chấn chỉnh nội bộ.

Trong đó, quan trọng nhất là siết chặt quản lý công chức, viên chức làm tại các Trung tâm thi tuyển, sát hạch lái xe, đơn vị cấp và quản lý giấy phép lái xe để chống tiêu cực, xin cho.

Khi đó, việc thi tuyển cấp mới và quản lý giấy phép lái xe sẽ chặt chẽ hơn, chất lượng tài xế sẽ tốt hơn”, ông Sơn nêu rõ.

Xem thêm  7 thói quen lái xe sai lầm nhiều người mắc phải, nếu không muốn ‘túi tiền bị đốt cháy’, bạn nên lưu ý

Theo Trí thức trẻ/Soha

Link