Ông Phạm Hiệp, nghiên cứu sinh ĐH Văn hóa Trung Hoa (Đài Loan) tỏ ra bất bình trước việc nhiều người chửi bới, thoá mạ PGS Bùi Hiền vô lối khi đưa ra đề xuất cải tiến chữ viết tiếng Việt.
Đề xuất cải tiến chữ viết tiếng Việt những ngày gần đây của PGS.TS Bùi Hiền đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Tuy nhiên, thay vì góp ý bằng những phân tích đầy tính khoa học thì nhiều người lại tập trung chỉ trích, chửi rủa người nghiên cứu.
Ông Phạm Hiệp, nhà nghiên cứu về giáo dục, hiện là nghiên cứu sinh tại ĐH Văn hoá Trung Hoa (Đài Loan, Trung Quốc) cũng tỏ ra bất bình trước những ý kiến cực đoan của nhiều người.
Ông Phạm Hiệp, nhà nghiên cứu về giáo dục, hiện là nghiên cứu sinh tại ĐH Văn hoá Trung Hoa (Đài Loan, Trung Quốc).
Vị nghiên cứu sinh của ĐH Văn hoá Trung hoa cho biết trong khoa học, có 2 nguyên tắc quan trọng mà người nghiên cứu cần thực hiện.
“Một là làm nghiên cứu có phương pháp. Tức là trước khi làm người nghiên cứu phải đề ra quy trình, các bước kiểm soát, đối tượng thực hiện, các điều kiện kèm theo, các kỹ thuật sẽ sử dụng … trong quá trình nghiên cứu.
Hai là tác giả phải làm thử. Nếu sai quay lại điều 1 điều chỉnh để tiếp tục làm tiếp”, ông Hiệp nói.
Nhờ 2 nguyên tắc này, các nhà khoa học trong hơn 10 thế kỷ qua đã dần dần dẫn dắt loài người thoát khỏi thế giới vô minh, mu muội.
Soi chiếu 2 nguyên tắc trên, việc PGS Bùi Hiền đưa ra đề xuất về 1 bộ chữ giản lược cho tiếng Việt đều đáp ứng cả hai tiêu chí trên.
PGS Bùi Hiền đã đề ra nguyên tắc của bộ chữ mới (phương pháp) và test thử với một vài văn bản. Việc thử này đúng/sai thế nào chưa thể đánh giá ngay được. Ông Hiền có lẽ cũng chưa biết hết nên mới viết thử và trình bày ở Hội nghị Khoa học về Ngôn ngữ học. Đó là một hành động chuẩn mực và bình thường của thế giới nghiên cứu
“Rất tiếc, sau khi thông tin được đưa ra, nhiều người chửi bới, thoá mạ PGS Bùi Hiền vô lối như thể ông vừa gây tội ác gì ghê gớm trong khi không chỉ ra được tính bất hợp lý trong phương pháp; sự thiếu hiệu quả so với những mục tiêu mà ông đã đã đề ra”, nhà nghiên cứu Phạm Hiệp bày tỏ.
Ông Hiệp khẳng định: “Kể cả đề xuất của PGS Hiền có là “sai” thì ông cũng không đáng bị hạ nhục đến vậy”.
Nhà nghiên cứu giáo dục Phạm Hiệp
Bởi vì cái “sai” của ông là kết quả của một quá trình thực hiện có phương pháp. Sai và chấp nhận được sai là quyền của PGS Hiền với tư cách là một nhà khoa học nói riêng và một con người nói chung.
“Ở thế giới văn minh, có thể PGS Hiền sẽ có 1 công trình được trích dẫn nhiều và được tôn vinh nhờ điều đó
Có những thứ nghe qua tưởng chừng rất phức tạp, nhưng hiệu quả lại không ngờ, ví dụ như số thập phân 1975, khi chuyển sang nhị phân sẽ thành 11110110111.
Không biết là người đầu tiên nghĩ ra phép quy đổi này có mường tượng ra nguyên tắc này sẽ là nền tảng cho 4.0 mà người ta đang nói hàng ngày, hàng giờ ngày nay không?”, ông Phạm Hiệp phân tích.
Trả lời phỏng vấn VTC News, PGS Bùi Hiền khẳng định vấn đề này không phải mới.
“Việc này được tôi bắt tay vào nghiên cứu từ hơn 30 năm về trước. Bây giờ tôi mới đưa ra được một nửa đề án. Tức là mới có một phần về phụ âm, còn nguyên âm tôi chưa đưa ra.
Về nghiên cứu của mình, tôi mới chỉ đưa ra ở khuôn khổ là báo cáo khoa học trong giới ngôn ngữ học để tranh thủ lấy ý kiến từ các đồng nghiệp. Đây không phải là một cuộc trưng cầu dân ý vì không phải là đề án của Bộ Giáo dục và Đào tạo hay của Nhà nước mà chỉ là ý kiến của một cá nhân”, ông Hiền nói.
PGS Bùi Hiền trả lời VTC News. (Ảnh: Kim Thược)
Trước khi báo cáo khoa học về công trình này, ông Hiền cũng đã nhận được những phản ứng trái chiều cả từ dư luận và đồng nghiệp.
“Đa số họ thấy tiếng Việt như thế là tốt lắm rồi, cứ để yên nó như thế thôi, chẳng chết ai. Ngay trong giới ngôn ngữ học, có nhiều người ủng hộ nhưng cũng có không ít người phản đối ý tưởng của tôi. Đôi khi cũng có những người còn đang đắn đo, suy nghĩ”, ông Hiền bày tỏ.
PGS Bùi Hiền cho rằng dư luận không được chuẩn bị nên họ phản ứng một cách hơi tiêu cực.
“Thật ra, việc làm của tôi rất tích cực và thời sự nhưng họ không hiểu được cho nên họ phản ứng tiêu cực. Như vậy nó không lợi cho công việc của khoa học, công việc của xã hội, của văn hóa”, PGS Bùi Hiền bày tỏ.
Thậm chí, không ít người còn dùng những lời lẽ thô tục để thoá mạ, đả kích chính tác giả khi ông công bố đề xuất của mình.
“Thậm chí, có người đọc được ý tưởng của tôi còn phê phán nặng nề hơn. Họ nói là sao thời buổi đang khó khăn thế này lại rửng mỡ đưa ra những trò đó.
Nhưng thực tế, nếu bạn đọc kỹ bản nghiên cứu của tôi thì sẽ hiểu lý do cấp thiết vì sao phải cải cách ngôn ngữ, đồng thời là làm thế nào để cải cách được nó”, PGS Bùi Hiền nói.
Đoạn văn bản sau khi Tiếng Việt được cải cách theo nghiên cứu của PGS. TS Bùi Hiền.
PGS Bùi Hiền cho biết thêm hiện công trình nghiên cứu cải tiến chữ tiếng Việt vẫn chưa hoàn chỉnh để công bố trước dư luận.
“Đến tháng 3/2018, tôi sẽ báo cáo nốt phần sau để cho các đồng nghiệp tham khảo, đóng góp ý kiến và góp ý. Tôi sẽ mời báo chí đến dự, nếu các bạn nghe và thấy rằng đó là vấn đề khả thi có thể đưa ra trước công luận để lấy ý kiến”, PGS Bùi Hiền bày tỏ.
Theo VTC