Hơn 1 tháng gần đây, Hoa liên tục thấy đau bụng dưới nên đến BV kiểm tra. Các bác sĩ kết luận, bệnh nhân mắc ung thư dạ dày di căn xuống buồng trứng.
BS Dương Trọng Hiền, Trưởng Khoa Phẫu thuật cấp cứu tiêu hoá, BV Việt Đức cho biết, chỉ trong thời gian ngắn, khoa liên tiếp điều trị cho 2 trường hợp còn khá trẻ mắc ung thư dạ dày di căn, trong đó có bệnh nhân Đặng Thị Hoa mới 16 tuổi.
Cô gái trẻ đến BV khám vì thường xuyên thấy đau bụng dưới, kèm theo tình trạng rối loạn kinh nguyệt vài tháng nay. Ban đầu Hoa đi khám phụ khoa, các bác sĩ nghi ngờ mắc ung thư buồng trứng. Tuy nhiên khi làm thêm nhiều xét nghiệm khác, bác sĩ phát hiện bệnh nhân mắc ung thư dạ dày ở giai đoạn muộn, hiện đã di căn xuống buồng trứng, nên chuyển đến BV Việt Đức để điều trị.
Tại BV Việt Đức, bác sĩ đã phải cắt toàn bộ dạ dày, toàn bộ buồng trứng, nạo phúc mạc di căn. Đợi sức khoẻ ổn định, bệnh nhân sẽ tiếp tục điều trị hoá chất.
Mới nhất, khoa phẫu thuật cho nữ bệnh nhân 22 tuổi. Cô gái đến BV Phụ sản TƯ khám vì hay đau bụng. Các kết quả cận lâm sàng kết luận bệnh nhân mắc u buồng trứng, chỉ định phẫu thuật cắt u.
Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ phát hiện thêm khối u dạ dày di căn xuống buồng trứng nên lập tức chuyển bệnh nhân sang BV Việt Đức để xử lý tiếp. Sau đó bác sĩ cũng buộc phải cắt hết dạ dày, 2 bên buồng trứng, nạo vét các khu vực di căn, trong 3-4 tuần nữa sẽ phải điều trị hoá chất.
Theo TS Hiền, cả 2 trường hợp nói trên đều tìm đến chuyên khoa sản phụ khoa thăm khám ban đầu do bệnh nhân còn trẻ, các dấu hiệu ung thư dạ dày hết sức mơ hồ, thường chỉ khó tiêu, đau vùng hạ vị nên dễ bị bỏ qua.
Trong khi buồng trứng đóng vai trò là cơ quan sinh sản nên tế bào ung thư dễ “gieo mầm” và phát triển.
Cũng theo TS Hiền, hiện nay không chỉ riêng ung thư dạ dày, các ung thư khác tại Việt Nam cũng đang có xu hướng trẻ hoá, không hiếm trường hợp trẻ em mới 10-12 tuổi đã mắc ung thư di căn.
Riêng với ung thư dạ dày, các dấu hiệu ban đầu rất dễ nhầm với bệnh dạ dày thông thường. Trong thực tế, nhiều người cứ đau bụng, đầy hơi, khó tiêu, thường nghĩ ngay đau dạ dày, tự mua vài liều thuốc về uống, khi thấy đỡ là ở nhà, không đi khám hoặc đi khám nhưng ngại nội soi dạ dày nên không được phát hiện bệnh sớm.
Để phát hiện sớm ung thư dạ dày, cách tốt nhất là nội soi ống mềm. Trong đó những người trên 40 tuổi nên thực hiện mỗi năm 1 lần. Những người nằm trong yếu tố nguy cơ cao như gia đình có tiền sử, nhiễm vi khuẩn HP thì từ trên 30 tuổi nên thăm khám dạ dày hàng năm từ 1-2 lần.
Ngoài ra hiện nay, các bệnh lý đường đường tiêu hóa như trào ngược dạ dày – thực quản, viêm loét dạ dày thực quản… rất thường gặp nhưng dễ bỏ sót với các triệu chứng không điển hình như ợ hơi, ợ nóng, ợ chua, buồn nôn, đau bụng, đau tức ngực, khó nuốt, ho kéo dài…
Các triệu chứng này rất dễ tái phát nếu không được điều trị triệt để, cũng dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm loét, thủng dạ dày hoặc ung thư.
Theo số liệu của WHO 2018, ung thư dạ dày tại Việt Nam đang xếp thứ 3 (chiếm 10%), sau ung thư gan, ung thư phổi với trên 17.500 ca mắc mới, trong đó có hơn 15.000 ca tử vong (chiếm 86%). Tỉ lệ tử vong lớn do trên 80% bệnh nhân ung thư dạ dày ở Việt Nam đều phát hiện bệnh khi đã ở giai đoạn trễ, điều trị gặp nhiều khó khăn.
>>Những thực phẩm giúp bạn ‘triệt hạ’ vi khuẩn HP gây ung thư dạ dày
Theo Vietnamnet