Theo PGS Trịnh Thị Ngọc – Nguyên Phó trưởng khoa Truyền nhiễm, BV Bạch Mai xét nghiệm nước tiểu khi đi kiểm tra sức khỏe rất cần thiết, có thể phát hiện được nhiều bệnh.
PGS Ngọc cho biết khi xét nghiệm nước tiểu người bệnh sẽ được kiểm tra có bị mắc bệnh hoặc nhiễm trùng đường tiểu, đái tháo đường, bệnh về gan, bệnh về thận… Chỉ một xét nghiệm nhỏ nhưng có giá trị chẩn đoán rất lớn.
Ngoài ra, có thể nhìn màu nước tiểu của mình để nghi ngờ mắc bệnh gì. Bởi vì, ở những người khỏe mạnh bình thường, nước tiểu sẽ có màu trong hay vàng nhạt. Khi nước tiểu có màu khác có thể cơ thể đang mắc một bệnh nào đó.
Thứ nhất: Nước tiểu màu vàng sậm, có thể là dấu hiệu cảnh báo bạn đang mắc một bệnh lý về gan. Theo bác sĩ Ngọc khi đó có thể gan của bạn có thể bị viêm gan cấp tính do vi rút viêm gan như B, C, D, E thậm chí lá gan bị xơ hoặc suy gan. Do chức năng gan bị tổn thương khiến thải ra quá nhiều sắc tố da cam trong nước tiểu.
Ngoài ra, bác sĩ Ngọc cho biết nước tiểu vàng sậm cũng là dấu hiệu của một số bệnh nguy hiểm khác ngoài gan như nhiễm trùng đường tiết niệu, viêm niệu đạo do lậu, suy thận.
Khi có nước tiểu màu vàng, người bệnh có thể theo dõi nếu do uống ít nước quá, đang bị sốt, đang sử dụng loại thuốc nào đó thì chỉ cần theo dõi. Nếu uống ít nước nước tiểu màu vàng sậm uống nhiều nước là đủ. Còn đang sốt thì nước tiểu sẽ vàng vẫn phải bổ sung nước và các chất điện giải. Còn khi đang uống thuốc nước tiểu màu vàng sậm dừng thuốc là sẽ hết.
Khi các yếu tố kia không còn mà nước tiểu vẫn có màu vàng sẫm thì người bệnh nên đi kiểm tra nước tiểu để biết mình đang mắc bệnh gì.
Thứ hai: Nước tiểu có màu máu, hồng nhạt khi đó liên quan đến đường tiết niệu, bệnh lý tuyến tiền liệt hoặc thận. Một số trường hợp có thể do đang ăn các thực phẩm có màu đỏ như củ cải đỏ, việt quất thì cũng có nước tiểu màu đỏ hồng nhưng sẽ hết khi dừng ăn.
Nhiều trường nước tiểu có màu hồng, màu máu đi kiểm tra bị viêm bàng quang nặng thậm chí dấu hiệu cảnh báo của ung thư bàng quang.
Thứ ba: Nước tiểu trắng đục như sữa hoặc như nước vo gạo, có những váng mỡ, để lắng lại có những mảng keo, mảng trắng như sữa đông hoặc mỡ đông là những triệu chứng điển hình của bệnh tiểu dưỡng chấp.
Dưỡng chấp là chất có trong hệ thống mạch bạch huyết, thành phần chủ yếu là lipid. Việc dưỡng chấp có trong nước tiểu là do có đường rò từ hệ thống mạch bạch huyết vào đường tiết niệu.
Người tiểu ra dưỡng chấp có thể có thể trạng gầy nếu mức độ đái ra dưỡng chấp nhiều, tuy vậy, hầu hết vẫn sinh hoạt bình thường cho đến khi bệnh nặng và kéo dài, người bệnh dễ suy kiệt do mất các chất dinh dưỡng
Thứ tư: Nước tiểu màu nâu sẫm như cà phê có thể bệnh tan máu.
Thứ năm: Nước tiểu sủi bọt., khi gặp phải dấu hiệu này nguy cơ của bệnh thận sẽ cao . Do thận không hoạt động đúng cách, có thể dẫn đến sự tích tụ protein trong nước tiểu. Protein này sẽ tạo ra bọt khí khi nó tiếp xúc với nước trong nhà vệ sinh.
Đặc biệt là những người có tiền sử huyết áp cao, tiểu đường hoặc thành viên trong gia đình từng mắc phải thì nguy cơ này càng lớn hơn.
Ngoài ra, còn nhiều bệnh lý khác có thể chẩn đoán qua nước tiểu như đái tháo đường và dân gian hay gọi tiểu có kiến bu.
Tuy nhiên, PGS Ngọc cho biết khi đi tiểu mà bị kiến bu thì bệnh đái tháo đường đã nặng hơn rất nhiều.
Ngoài việc theo dõi màu nước tiểu, bác sĩ Ngọc khuyên việc theo dõi lượng nước tiểu, số lần đi tiểu cũng rất quan trọng. Tổng khối lượng nước tiểu bài tiết trong 24 giờ bình thường là khoảng 1500 ml, nước tiểu sẽ được thải ra mỗi lần từ 300 – 400 ml.
Khi số lần đi tiểu tăng lên đột biến, hoặc ít đi cũng cần cảnh giác và đi kiểm tra ngay. Việc xét nghiệm nước tiểu theo PGS Ngọc chi phí rất rẻ dưới 100 nghìn mà lại có ích cho việc tìm bệnh.
Ngọc Anh, theo Trí Thức Trẻ, Soha