Thứ ba, Tháng Một 14
Shadow

Diễn viên Kiên Trung đột ngột mất tích: Bị liệt nửa cơ mặt, bạn bè thân thiết xa lánh, đàm tiếu

Suốt 1 năm vừa qua, Kiên Trung “mất tích” trên màn ảnh nhỏ. Sau tai nạn, anh bị liệt nửa cơ mặt, với 1 người diễn viên, đây chẳng khác nào án tử với sự nghiệp.

Xem thêm  Hiền Mai: Trầm cảm, "chiến tranh" với chồng vì mẹ đẻ, mẹ chồng ở chung một nhà

Sự biến mất bất ngờ của 1 gương mặt “láu cá” nhất nhì màn ảnh Việt

Kiên Trung là gương mặt khá quen thuộc với khán giả yêu truyền hình Việt. Nam diễn viên từng xuất hiện trong khá nhiều phim truyền hình: Nếp nhà , Bánh đúc có xương, Khi đàn chim trở về, Hợp đồng hôn nhân hay hàng loạt sitcom, chương trình hài như: Phụ nữ là số 1, Thông điệp cuộc sống , Tổ dân phố muôn năm, Phụ nữ là số 1…

Không đảm nhiệm những vai chính trong phim, song lối diễn thông minh, sự dí dỏm và “láu cá” của Kiên Trung qua các vai diễn đã ghi được dấu ấn đặc biệt trong lòng khán giả.

Một phân cảnh của Kiên Trung trong phim Hợp đồng hôn nhân.

Thế nhưng, 1 năm trở lại đây, Kiên Trung bất ngờ “mất tích” hoàn toàn khỏi màn ảnh nhỏ. Liên hệ với nam diễn viên, anh thông báo rằng vừa trải qua 1 năm vô cùng tăm tối:

“Tôi đến với điện ảnh từ 1 cơ duyên rất tình cờ, đó là làm quen với anh Công Lý, Quốc Quân trong 1 game online. Được gặp và trò chuyện cùng các anh nhiều, tôi dần thích thú và yêu điện ảnh từ lúc nào không biết.

Năm 2006, tình cờ biết được VFC có tuyển sinh một lớp diễn viên truyền hình, tôi đăng ký tham gia và trúng tuyển. Từ bỏ 5 năm đèn sách ở Học viện Ngân hàng, tôi quyết tâm theo đuổi nghề diễn viên.

Tôi say nghề và sẵn sàng hóa thân vào bất cứ nhân vật, bất cứ tính cách nào. Hơn 10 năm theo nghề, đến năm 2018, tôi tiếp tục nuôi dưỡng đam mê với điện ảnh bằng cách đăng ký học đạo diễn và đảm nhiệm vai trò phó đạo diễn của dự án phim Trọng án.

Kiên Trung trong phim Khi đàn chim trở về.

Nhưng vì nhiều lý do, dự án này không thực hiện được. Cùng với đó, gia đình tôi xảy ra biến cố buồn. Đến cuối tháng 2/2018, khi đang quản lý quán karaoke của tôi và một số người bạn thì khách hàng đánh nhau trong quán.

Một người khách ném chai bia về phía tôi, chai bia đập vào sau gáy, khiến tai phải của tôi bị rách và phần gáy cũng rách một vệt khá dài.

Ban đầu, tôi nghĩ đây chỉ là vết thương phần mềm, nhưng bác sĩ thông báo rằng chai bia vỡ đã làm đứt dây thần kinh số 7, khiến tôi bị liệt nửa cơ mặt bên phải, gần như không thể phục hồi như cũ được.

Sau tai nạn, lần đầu tiên tôi nhìn vào gương, thấy nửa mặt bên phải trùng xuống, không có bất cứ cảm giác gì, tôi cảm thấy như mình vừa rơi vào 1 cái hố sâu thẳm, đen tối. Suy nghĩ đầu tiên hiện lên trong đầu tôi lúc đó là: Thế này thì sao có thể làm nghề được nữa?”

Sau tai nạn, Kiên Trung bị liệt nửa cơ mặt bên phải, sự nghiệp diễn xuất của anh coi như lĩnh “án tử”.

Ở độ tuổi đang sung sức với nghề, trái tim đang tràn đầy nhiệt huyết với từng vai diễn nhưng bắt buộc phải dừng lại đã khiến Kiên Trung gần như sụp đổ:

“Suốt mấy tháng trời sau đó, tôi tránh né các cuộc vui của anh em diễn viên. Bởi vì tới những nơi đó, ít nhiều mọi người sẽ chụp hình đăng lên mạng hay có thể lên báo nữa. Sao tôi có thể để khán giả thấy 1 gương mặt như thế được?”

Câu hỏi “Bao giờ trở lại” chính tôi cũng không thể trả lời!

Song, điều đáng buồn nhất với Kiên Trung chính là sự thờ ơ, lạnh lùng của một số người từng thân thiết:

“Người khách ném chai bia khiến tôi bị thương có gia cảnh không lấy gì làm khá giả, họ không thể bồi thường cho tôi được gì sau tai nạn. Một mình tôi phải tự cáng đáng chi phí phẫu thuật nối dây thần kinh và toàn bộ chi phí điều trị sau đó.

Bố tôi mất sớm, nhà chỉ có 2 mẹ con. Khi tôi xảy ra tai nạn, một số bạn bè trước khá thân thiết bỗng dần xa lánh, lại cũng có rất nhiều lời xì xào, đàm tiếu.

Họ trách móc tôi rằng: Tại sao không an phận đi diễn mà còn học đòi kinh doanh? Tại sao kinh doanh cái gì không làm lại đi làm quán karaoke để xảy ra tai nạn như vậy?

“Tôi rơi vào bế tắc, tuyệt vọng thực sự”.

Họ không hiểu rằng với tôi, các dự án kinh doanh như salon tóc, quán karaoke đều là “nghề tay trái”. Những dự án này một phần giúp tôi thỏa mãn đam mê kinh doanh, nhưng phần lớn là nguồn thu để tôi duy trì đam mê với nghiệp diễn.

Tôi nhận ra rằng bản thân mình giống như 1 thân cây, nếu thân cây ấy không khỏe mạnh, không dồi dào nhựa sống thì bạn bè, người thân sẽ như những chiếc lá cây, sẽ từ từ rời bỏ mình hết.

Kinh tế bắt đầu khó khăn vì chi phí chữa trị không hề nhỏ, các dự án làm ăn bị đình trệ, tôi rơi vào bế tắc, tuyệt vọng thực sự”.

Thế nhưng bản lĩnh của một người đàn ông cùng với tình yêu đối với con trai đã giúp Kiên Trung có lại động lực để tiếp tục “chiến đấu” với số phận:

“Trong suốt mấy tháng trời tự đối diện với mình trong gương, với gương mặt mà 1 bên không còn cảm giác, tôi tự hỏi: Mình phải làm gì để tự cứu mình, để nuôi con mình đây? Bản thân mình có thể buông xuôi, có thể tuyệt vọng nhưng con trai mình cần phải lớn lên, cần phải có người dạy dỗ, dìu dắt chứ!

Bị thôi thúc bởi suy nghĩ đó, tôi tự xốc bản thân mình dậy, tự động viên chính mình rằng, không thể diễn được nữa thì cũng vẫn phải sống tiếp!

Con trai là động lực lớn nhất giúp Kiên Trung vượt lên tất cả.

Tôi quyết định dốc toàn bộ kinh tế còn lại, một mình vừa chữa bệnh vừa tiến hành thuê và sửa sang lại 1 căn nhà để mở nhà hàng.

Rất may mắn là trong những ngày tháng tăm tối, bên cạnh tôi vẫn còn những người bạn, những người thầy yêu thương, động viên tôi thật lòng. Đó chính là thầy Hoàng Dũng, là anh Việt Anh và nhiều anh em nghệ sĩ khác.

Không chỉ động viên tôi, thầy Hoàng Dũng còn cùng tôi ngồi đàm phán thuê mặt bằng cho nhà hàng. Thầy và anh Việt Anh ngày ngày quan tâm, chia sẻ tôi vững vàng với những bước đi mới.

“Trong những ngày tháng tăm tối, bên cạnh tôi vẫn còn những người bạn, những người thầy yêu thương, động viên tôi thật lòng”.

Tính đến hôm nay, nhà hàng cũng đi vào hoạt động được vài tháng và khá ổn định về lượng khách. Tôi phần nào cảm thấy công sức và sự nỗ lực của bản thân đã có kết quả.

Nhưng ngày ngày, những kỷ niệm của những năm tháng làm diễn viên trước đó cứ ùa về. Tôi thèm lắm, thực sự thèm được làm nghề. Anh em bạn bè cũng vẫn gọi đi làm, nhưng với gương mặt hiện tại có lẽ tôi đã không còn hi vọng với phim ảnh, truyền hình nữa.

Thỉnh thoảng, lướt trên Facebook, hay xem lại những chương trình, những bộ phim tôi từng tham gia, đọc được các comment của khán giả hỏi han về mình, hỏi vì sao tôi biến mất, tôi vừa buồn lại vừa vui.

Vui vì khán giả vẫn nhớ tới mình, vì vai diễn của mình đã chạm tới khán giả. Còn buồn, vì câu hỏi “Bao giờ trở lại” chính tôi cũng không thể trả lời”.

Xem thêm  Fox Sports: 'Việt Nam khiến Nhật Bản phải thở dốc'

Theo Trí thức trẻ/Soha

Link