Thứ ba, Tháng mười hai 10
Shadow

Đoạn ghi âm gây chấn động của Đại úy Võ Đình Thường bị kỷ luật 14 năm trước

Đại úy Võ Đình Thường đã bị kỷ luật cho ra khỏi lực lượng CSGT vì chỉ đạo thuộc cấp “nhanh tay lẹ mắt, phải gọn gàng” khi ăn tiền ôtô lưu thông và đối phó báo chí “đừng để bị gài máy ghi âm, chụp hình”.

Cách đây 14 năm trước, báo chí thông tin về buổi giao ban chiều 16/6/2003 của Trạm cảnh sát giao thông (CSGT) Dầu Giây thuộc Phòng Cảnh sát giao thông tỉnh Đồng Nai đã được ghi âm toàn bộ. Và cũng chính từ buổi giao ban này, hàng loạt cán bộ chiến sĩ CSGT của Trạm CSGT Dầu Giây đã bị kỷ luật. Vậy buổi giao ban này có nội dung gì?

Lật lại từng trang trong quá khứ của báo Pháp Luật TP.HCM – đơn vị đã có tuyến bài điều tra về vụ việc này, mới thấy được sự kỳ công của nhóm phóng viên.

Mở đầu đoạn ghi âm buổi giao ban, Đại úy trạm trưởng Võ Đình Thường nói: “Tôi đi ngang, thấy các anh trưng dụng mấy thằng xe ôm? Cấm tuyệt đối, tụi nó không tin được”. Đại úy ám chỉ việc một số CSGT móc ngoặc dùng lái xe ôm làm “cò”. Khi có xe bị chặn giữ, “cò” đến thương lượng để chung chi tiền cho CSGT giải phóng xe.

Ông Thường phân tích: “Làm bao nhiêu tiền, nó (lái xe ôm) đứng kế bên biết hết. Vừa rồi giám đốc chỉ đạo hình sự theo dõi mấy thằng xe ôm. “Cò” bị bắt là dính tới anh em mình”.

“Làm lâu năm trong nghề phải biết kinh nghiệm. Làm sao phải nhanh tay lẹ mắt, phải gọn gàng. Chứ làm mà ai liếc vô cũng biết thì yếu quá. Làm thế báo nó chụp vô là thấy liền… Phức tạp lắm đâu phải đơn giản. Báo chí nó nhao lên rồi, mai mốt Thanh tra Bộ, rồi đoàn này đoàn kia đi kiểm tra…”, ông Thường nhắc nhở.

ghi âm, chấn động, đại úy Võ Đình Thường, csgt

Giấy mời tài xế trả tiền lẻ qua trạm BOT Biên Hòa lên làm việc do Thượng tá Võ Đình Thường – Phó Phòng CSGT Đường bộ – Đường sắt, Công an tỉnh Đồng Nai ký.

Sau phần phát biểu của đại úy Thường, trạm phó Khanh phổ biến tính thần họp giao ban chỉ huy các trạm tại Phòng Cảnh sát giao thông tỉnh Đồng Nai thứ Sáu tuần trước. Ông Khanh nói: “Hôm đó đồng chí Hùng (trung tá Huỳnh Bảo Hùng, Trưởng phòng) phát biểu, rồi đồng chí Kim (thượng tá Nguyễn Xuân Kim, Phó giám đốc Công an tỉnh) phát triển thêm. Đồng chí Hùng nói thẳng là các anh ra đường chỉ lo cái túi của mình. Việc chung thì không chịu lo, chỉ lập được mấy cái biên bản rồi sau đó là thôi chứ không có tuần tra…”.

Ông Khanh nhắc toàn trạm: “Tinh thần chúng ta đi làm, cái công là cơ bản trước, rồi mới tới cái việc riêng”. Về tình trạng cạnh tranh trong kinh doanh vận tải, ông Khanh nói: “Vấn đề tuần tra của chúng ta thì kết quả nhìn chung là xử lý phương tiện không nghiêm. Chúng ta chỉ xử lý mấy chiếc xe cô đơn (xe không được bảo kê) mà không tập trung xử lý xe chở quá khổ, quá tải… Tôi nhắc rồi nhưng lát sau chứng nào tật đó. Đụng một cái là đút tay vào túi. Ít ra người ta cũng phải ngó trước ngó sau xem có ai hoặc xe cộ không. Chứ cứ cầm được mười hay hai chục ngàn đồng bạc là đút tọt ngay vào túi…”.

Xem thêm  Chấn động: Hàng loạt trẻ sơ sinh bị gãy xương, nứt sọ nghi do bị y tá đánh đập

Đại úy Thường dặn: “Với báo chí, các anh thấy rồi. Tình hình rất phức tạp. Nó đánh tùm lum hết, nên các anh phải cố gắng. Làm mà để nó chụp hình lên báo là toi. Riêng tôi, còn sống với anh em ngày nào, tôi còn lo cho anh em ngày đó. Anh em làm sao thì làm, đừng để bị gài máy ghi âm hoặc là tiền bạc mà để bị chụp hình, rất khó giải quyết… Từ thời gian này trở đi, các đồng chí cố gắng đi làm phải để ý”.

Cũng theo báo Pháp Luật TP.HCM và báo Tuổi Trẻ, sáng 23/6/2003, Công an tỉnh Đồng Nai đã lập tổ kiểm tra do Phó giám đốc Nguyễn Xuân Kim làm tổ trưởng, để xác minh các sai phạm của CSGT mà báo chí đã nêu. Bộ Công an chỉ đạo trong vòng một tháng phải hoàn tất báo cáo về vụ tiêu cực. Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông đường bộ – đường sắt Vũ Sĩ Doanh lúc đó cho biết đã đề nghị Tỉnh ủy cho đình chỉ chức vụ với Trưởng phòng Cảnh sát giao thông Huỳnh Bảo Hùng.

Đến chiều 23/6/2003, Tỉnh ủy đã làm việc bàn về hướng kiểm tra, xử lý sai phạm, tiêu cực của ông Hùng, và quyết định giao nhiệm vụ cho Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy.

Về hướng xử lý vụ việc này, thiếu tướng Lê Thành – Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát cho hay: “Trước mắt là phải thay thế hết những anh dính líu vào tiêu cực, còn sau đó xử lý thế nào là phần hai. Chúng tôi đã đặt ra yêu cầu là phải kiên quyết chống tiêu cực trong chính lực lượng CSGT, kiên quyết làm trong sạch nội bộ”.

Theo Pháp Luật TP.HCM, ngày 26/10/2003, Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai có quyết định cách chức trạm trưởng Võ Đình Thường, cho ra khỏi lực lượng CSGT. 10 cán bộ, chiến sĩ dưới quyền ông Thường bị kỷ luật từ khiển trách đến cảnh cáo.

Văn bản của Công an tỉnh Đồng Nai kết luận đại úy Thường đã thiếu tinh thần trách nhiệm, để xảy ra tình trạng cấp dưới vi phạm quy trình tuần tra kiểm soát giao thông, có biểu hiện tiêu cực. Khi xảy ra sai phạm, ông Thường không chấn chỉnh mà còn có biểu hiện đối phó với cơ quan chức năng. Sai phạm của ông Thường làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của ngành.

Nội dung sự việc là như vậy, nhưng đến ngày 18/10/2017, dư luận bất ngờ khi biết có một Thượng tá Võ Đình Thường – Phó Phòng CSGT Đường bộ – Đường sắt, Công an tỉnh Đồng Nai ký giấy mời, mời 20 tài xế dùng tiền lẻ trả phí qua trạm BOT Biên Hoà trên quốc lộ 1 (đoạn qua xã Trung Hòa, huyện Trảng Bom, Đồng Nai) lên trụ sở làm việc.

Xem thêm  CSGT tự té hay bị xô ngã khi giằng co với một thanh niên

Ngay sau khi giấy mời được gửi đến tài xế và được các tài xế phát tán trên mạng xã hội, nhiều người thắc mắc, cách đây 14 năm cũng có một cán bộ CSGT tên là Võ Đình Thường – Trưởng trạm CSGT Dầu Giây (Đồng Nai) đã bị kỷ luật cho ra khỏi lực lượng CSGT. Vậy Thượng tá Võ Đình Thường hiện nay và vị Trạm trường CSGT Dầu Giây trước đây có phải là một người?

Không để dư luận phải đợi lâu, ngày 21/10, Thượng tá Võ Đình Thường – Phó Trưởng phòng CSGT Đồng Nai xác nhận, ông chính là Đại úy Võ Đình Thường – Trưởng Trạm CSGT Dầu Giây bị Ban Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai kỷ luật cách chức 14 năm về trước.

Trước đó, trạm CSGT Dầu Giây là một trong những trạm CSGT lớn nhất nước, với 4 tổ tuần tra hoạt động 24/24 giờ, trong đó 2 tổ án ngữ 2 đoạn quốc lộ 1, một tổ trên quốc lộ 56, một ở địa bàn giáp ranh tỉnh Bình Thuận. Lưu lượng xe qua địa bàn kiểm soát Dầu Giây rất lớn: ra Bắc, vào Nam, lên cao nguyên Lâm Đồng, và cùng kinh tế trọng điểm Đồng Nai, Vũng Tàu, TP HCM.

Nạn nhũng nhiễu ở đây diễn ra đã lâu. Xe tải dưới 5 tấn qua trạm phải nộp 50.000 đồng/lượt, xe tải nặng là 100.000 đồng/lượt, hoặc nộp hàng tháng 1 triệu đồng/lượt. Xe khách cũng phải đóng tiền mãi lộ theo tuần, tháng để khỏi bị kiểm tra. Tiền mãi lộ thu được, mỗi cảnh sát phải nộp cho trạm trưởng 2 triệu đồng/tháng.

Trung tâm của những tiêu cực trên là trung tá Huỳnh Bảo Hùng, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông tỉnh Đồng Nai. Do kiểm soát được hoạt động giao thông ở khu vực kinh tế lớn này, ông Bảo Hùng đã lập ra một đội xe tải riêng cạnh tranh với các đơn vị vận tải khác. Hàng chục “xe vua” có số đuôi đăng ký là 79 do em gái, em vợ, anh em đồng hao với ông Hùng đứng tên.

Ông còn lập các bãi đỗ xe dù để kinh doanh. Nhiều CSGT cũng theo gương sếp lập các đội “xe con cọp 78”, “xe con heo 66”… tham gia vận tải. Tất cả đều được sơn dấu hiệu đặc biệt, phân loại “ưu tiên một” (trực tiếp do gia đình Bảo Hùng làm chủ) và “ưu tiên hai” (được ông Hùng “bảo kê”). Các đoàn xe trên đã cạnh tranh với những chủ xe yếu thế để từng bước chiếm thế độc quyền vận tải. Những xe không có thế liên tục bị lập biên bản, phạt nặng, dần dần phải bỏ cuộc đua.

Theo VTC