Đu đủ là loại quả giàu chất chống ôxy hóa, chất dinh dưỡng thực vật và flavonoid giúp bảo vệ tế bào. Tuy nhiên, nếu ăn không đúng có thể gây ra tác hại ngược cho sức khỏe.
Giải tỏa căng thẳng và ngăn ngừa ung thư
Trong tất cả các loại trái cây, đu đủ được cho là loại quả có chứa rất nhiều vitamin C. Một quả đu đủ có thể cung cấp hơn 200% nhu cầu caxi cho cơ thể/ngày.
Ths.Lưu Liên Hương, PGĐ Trung tâm nghiên cứu, Viện Y học ứng dụng VN cho hay do đu là loại quả giàu vitamin C nên ăn sẽ giúp tăng cường sức đề kháng, chống lão hóa, giải tỏa căn thẳng, kháng viêm.
Ngoài nhiều vitamin C, trong đu dủ còn có chất nhiều chất xơ, chất chống oxy hóa giúp ngăn ngừa cholesterol tích tụ trong mạch máu, giảm nguy cơ mắc một số bệnh tim mạch nghiêm trọng như: đau tim, tăng huyết áp.
“Chất xơ có trong đu đủ giúp bạn no lâu, giảm cân hiệu quả hơn. Đu đủ chứa loại enzym tiêu hóa tự nhiên papain. Enzym này cùng với chất xơ giúp tiêu hóa thức ăn và hỗ trợ quá trình đào thải chất cặn bã ra khỏi cơ thể, ngăn ngừa táo bón hiệu quả.
Enzym papain trong đu đủ giúp lưu thông máu tốt hơn trong chu kỳ kinh nguyệt”, Ths. Liên Hương nói.
Cũng theo Ths. Liên Hương không chỉ tốt cho chức năng tiêu hóa, đu đủ giàu chất chống ôxy hóa, chất dinh dưỡng thực vật và flavonoid giúp bảo vệ tế bào. Các nghiên cứu chỉ ra rằng đu đủ giúp giảm nguy cơ ung thư tiền liệt tuyến và ung thư đại tràng.
Ăn đu đủ như thế nào có thể gây hại
Ths. Liên Hương cho biết đu đủ là loại trái cây tốt cho sức khỏe nếu ăn theo cách sau có thể gây hại:
Ăn hạt có thể bị ngộ độc: Trong hạt đu đủ có chứa chất độc gọi là carpine. Nếu ăn một số lượng lớn carpine sẽ làm bạn bị rối loạn mạch đập và làm suy nhược hệ thống thần kinh.
Lá đu đủ dễ gây ra dị ứng: Chất Papain (nhựa), một loại enzyme có nhiều trong lá đu đủ là loại chất dễ gây dị ứng. Rất nhiều người đã không biết dùng lá đu đủ đun nước uống có thể gây ra dị ứng.
Nếu ăn, uống với số lượng lớn có thể kích hoạt một số rối loạn hô hấp như: thở khò khè, tắc nghẽn liên tực ở mũi, hen suyễn…
Ăn quá nhiều đu đủ: Ăn nhiều đu đủ có thể gây ra rối loạn tiêu hóa với các triệu chứng như: đau bụng, buồn nôn, đầy hơi, bụng trướng…
Nguyên nhân của các triệu chứng khó chịu trên là do trong đu đủ có nhiều chất xơ, chất nhựa có thể khiến cho dạ dày phải tăng nhu động, hoạt động, cơ bóp hơn. Có một số trường hợp, còn gây ra kích thích dạ dày, nôn mửa.
Nếu ăn quá nhiều đu đủ, chất beta carotene có trong đu đủ có thể khiến da đổi màu, co quắp và không còn cảm giác, y học gọi hiện tượng này là carotenemia.
Phụ nữ mang thai không nên ăn đu đủ xanh: Đu đủ xanh có chất nhựa, khiến cho tử cung bóp mạnh. Vì vậy, phụ nữ mang thai không nên ăn đu đủ xanh để tránh nguy cơ sinh non hoặc thậm chí sảy thai.
Không nên cho trẻ dưới một tuổi ăn: Đu đủ có chứa lượng chất xơ dồi dào có thể khiến các bé đi ngoài lỏng phân, nếu không đủ nước thì lại dẫn đến tình huống ngược lại là táo bón. Dù là cho trẻ ăn đủ đủ chín hay xanh, hãy tham khảo ý kiến của các bác sĩ nhi khoa.
Không để đu đủ khi để lạnh: Nhiều người thường thích ăn đu đủ để lạnh bằng cách để chúng vô trong ngăn mát tủ lạnh và khi ăn lấy ra ăn cho thêm ngon miệng. Đu đủ có tính hàn, nếu để lạnh sẽ làm tăng tính hàn, không tốt cho sức khỏe.
Ai không nên ăn?
Người mắc bệnh về đường hô hấp; Những người bị bệnh loãng máu; Người mắc bệnh thận; Người có vấn đề về dạ dày ruột; Người cơ địa dị ứng; Người đường huyết thấp; Người bị tiêu hóa kém hay đang tiêu chảy, táo bón…
Ngọc Minh, theo Trí Thức Trẻ, soha