Sẽ có lúc bạn nhận ra, chăm sóc tốt cho chính mình lại đem đến lợi ích cho nhiều người, bởi vì một người ngập tràn hạnh phúc và năng lượng tích cực sẽ tự tỏa ra xung quanh…
Những người bận rộn nhất là những người cần được nghỉ ngơi nhất, thế nhưng trong thời đại của sự dịch chuyển và kết nối không biên giới, chúng ta luôn có cảm giác được kết nối liên tục với thế giới bên ngoài mọi lúc, mọi nơi. Càng dành nhiều thời gian để kết nối với bên ngoài, chúng ta càng mất kết nối với chính mình.
Nếu như bạn để cho mình được nghỉ ngơi, thế giới của bạn cũng sẽ được nghỉ ngơi theo.
Đức Phật khi còn tại thế đã giảng rất nhiều giáo lý khác nhau, và những cuốn kinh sách ấy vẫn còn giá trị với con người năng động của thời đại này, khi bạn muốn bình tâm giữa một thế giới có quá nhiều mối bận tâm.
Những bài kệ sau được trích ra từ Kinh Pháp Cú (Dhammapada Sutta), phẩm An Lạc (Sukhavagga)
1
Vui thay chúng ta sốngKhông hận giữa hận thùGiữa những người thù hậnTa sống không hận thù
(Kinh Pháp cú – kệ 197)
Sẽ rất dễ bị sa lầy vào những cuộc tranh cãi không hồi kết, những cuộc biện luận phải trái đúng sai. Điều đó luôn rút sạch năng lượng và sự sáng tạo của bạn trong công việc và sự yên vui trong cuộc sống với người thân. Giữa hận thù mà có thể giữ được tâm không thù hận, là một cuộc đời yên vui mà bạn có thể trải nghiệm được khi nhớ đến câu kệ này của Đức Phật.
2
Vui thay chúng ta sốngKhông bệnh giữa ốm đauGiữa những người bệnh khổTa sống không ốm đau
(Kinh Pháp cú – kệ 198)
Nếu bây giờ bạn đang có sức khỏe tốt, không bệnh tật hiểm nghèo, thì hãy lấy đó làm niềm may mắn bởi không nhiều người có được sức khỏe như vậy.
Nếu bạn từng nằm viện thì bạn sẽ hiểu được cảm giác khi thân thể lâm bệnh khổ sở tới chừng nào, có biết bao người đang ngày đêm chịu khổ vì bệnh tật hành hạ, hình hài không còn trọn vẹn sau tai nạn giao thông hay ung thư xâm lấn. Nếu bây giờ chúng ta đang khỏe mạnh, chỉ cần vậy thôi đã đủ để cảm thấy hạnh phúc và biết ơn cuộc đời.
3
Vui thay chúng ta sốngKhông rộn giữa rộn ràngGiữa những người rộn ràngTa sống không rộn ràng
(Kinh Pháp cú – kệ 199)
Đây là điều tương đối khó thực hiện ở thời đại bùng nổ thông tin ngày nay, nhưng để có được thời gian nghỉ ngơi, đôi khi bạn phải dừng thời gian quan tâm đến thế giới lại, thay vào đó dành nhiều thời gian chăm sóc cho nội tâm đang mệt mỏi của chính mình.
Có những lúc bạn sẽ nhận ra, nếu bạn không đích thân tham gia vào những xu hướng rộn ràng nhất thời nào đó, thì thế giới cũng không có gì thay đổi, nhưng bạn lại được lợi rất nhiều nhờ có sự tĩnh lặng bên trong.
Bạn có thời gian để lấy lại năng lượng, được ăn uống hít thở trọn vẹn trong hiện tại bây giờ và ở đây. Và bạn sẽ cảm nhận được niềm vui giản dị trong thế giới nhỏ yên tĩnh, mà không phải thế giới lao xao ồn ã bên ngoài.
Chỉ cần dứt mình ra khỏi sự ồn ào đang làm xao lãng khoảnh khắc hiện tại, khi mà tâm trí lang thang không mục đích, bạn mới có thể bắt đầu kết nối với chính mình và thật sự lắng nghe tiếng nói nội tâm. Bạn sẽ nhìn thấy mình rõ hơn, biết mình cần gì để được hạnh phúc.
Chúng ta sẽ cần phải rất dũng cảm để bước ra khỏi sự huyên náo, vì thói quen, vì sự hấp dẫn của nó, vì chúng ta có quá nhiều việc tốt cần phải làm, vì chúng ta sợ là một kẻ vô tâm. Nhưng thực ra nếu bị gán mác “vô tâm” cũng không có vấn đề gì, vì ta không thể chú tâm đến thế giới mà vô tâm với chính mình được. Đó là một sự chú tâm không mang lại lợi ích cho ai.
Sẽ có lúc bạn nhận ra, chăm sóc tốt cho chính mình lại đem đến lợi ích cho nhiều người, bởi vì một người ngập tràn hạnh phúc và năng lượng tích cực sẽ tự tỏa ra xung quanh và những người tiếp xúc với bạn sẽ được hưởng lợi từ điều đó. Bạn sẽ giúp đỡ người khác tốt hơn bằng cách ngắt kết nối với thế giới để kết nối với chính mình.
Hãy để bạn được nghỉ ngơi trong những bản nhạc êm ái ngập tràn không gian, khi tỉnh dậy vào sáng hôm sau, bạn sẽ thấy mình tươi mới và đầy năng lượng như thế giới nhìn thấy qua khung cửa.
Pháp Tâm – Soha