Thứ sáu, Tháng mười hai 20
Shadow

Đừng gây áp lực cho con trẻ

Đây là lời khuyên của các chuyên gia dành cho phụ huynh khi thời gian gần đây tình trạng có nhiều trẻ em bị áp lực tâm lý, thậm chí có những em đã tự giải thoát bằng biện pháp tiêu cực.

Trong 2 tháng qua, có ít nhất 4 trường hợp trẻ em tìm tới cái chết do áp lực từ việc học hành. Câu chuyện của em học sinh trường chuyên 15 tuổi ở Hà Nội với lá thư tuyệt mệnh mới đây đã khiến nhiều phụ huynh giật mình.

“Tôi cảm thấy may mắn vì còn được ôm con”

Trên nhiều group phụ huynh học sinh trong hai ngày qua chỉ nói về sự việc này và những trải lòng của các bậc cha mẹ.

Một phụ huynh cũng có con học lớp 10 Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) cho rằng “nếu sợ hãi quá sẽ khiến trẻ càng mong manh, dễ vỡ” và theo phụ huynh này thì “cần phải có áp lực để trẻ trưởng thành”.

“Tôi xem điểm giữa kỳ của học sinh trường khác thấy cao ngất mà điểm của con và học sinh khác trong trường con mình thì thấp làm tôi rất sốt ruột. Tôi lo ngại con bị thiệt thòi khi trường ra đề, quản lý quá nghiêm. Vì hiện nay các trường đại học cũng đang tuyển sinh dựa vào điểm học bạ, hồ sơ xin học bổng du học cũng xét cả điểm học bạ, bảo đừng quan tâm đến điểm số chỉ là chuyện lý thuyết thôi”, phụ huynh này nói.

Ý kiến này cũng nhận được sự đồng tình khi cho rằng “con càng học lên cao thì càng phải có áp lực mới sinh ra động lực”. Nhưng câu chuyện sau đây làm mọi người thấm thía nhất.

“Khi trường báo điểm kiểm tra giữa kỳ 2, tôi ngỡ mình nhìn nhầm, phải dụi mắt mấy lần để đọc lại. Điểm của con giảm mạnh so với đợt học kỳ 1. Tôi có mắng con và hơi bực khi thấy con im lặng, vào phòng đóng cửa. Tối qua khi đọc được thông tin về cậu bé 15 tuổi, phản ứng của tôi là chạy vào phòng và ôm con. Tôi thấy mình đang may mắn vì tôi vẫn còn có thể được ôm con.

Khi ấy mới thấy điểm số không phải điều gì quan trọng. Vậy mà lúc thường thì điểm số lại luôn là thứ ám ảnh trong đầu. Đôi khi nó làm tôi tăngxông, không thể kiềm chế để không mắng mỏ con”, chị Quỳnh Hương, một phụ huynh có con đang học lớp 10 Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành, chia sẻ câu chuyện của chính mình.

Ngoài tư vấn tâm lý, cô Nguyễn Kim Linh (thứ hai từ phải sang) còn lắng nghe và giải đáp những khúc mắc về mọi vấn đề trong cuộc sống của các học sinh Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (quận Tân Bình, TP.HCM) – Ảnh: DUYÊN PHAN

Áp lực đang gia tăng với trẻ

Khảo sát từ phòng tư vấn tâm lý của một số trường phổ thông cho thấy tình trạng học sinh có dấu hiệu stress, có những khúc mắc, áp lực liên quan tới học tập, mâu thuẫn với cha mẹ gia tăng hơn, nhất là trong thời gian học trực tuyến kéo dài và thời gian học sinh mới trở lại trường.

Cô Nguyễn Thị Nhiếp – hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa (Hà Nội) – từng đưa ra một khảo sát trong giai đoạn học sinh học trực tuyến, với 54% số học sinh toàn trường cho biết đang chịu áp lực, căng thẳng. Trong khi đó chỉ có 10% số học sinh cho biết có hứng thú với việc học, không chịu áp lực.

Cô Nhiếp cho biết sau 2 tháng học sinh trở lại trường trong tình huống dịch tại Hà Nội lên đỉnh, thầy trò phải chuyển trạng thái học tập liên tục, phản ánh của giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn đều cho thấy nhiều học sinh có biểu hiện đáng lo ngại như phản ứng chậm chạp hơn, ngại giao tiếp.

Cô Nguyễn Minh Hằng – chuyên viên tâm lý Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành – cũng cho biết nhiều học sinh và phụ huynh đã đăng ký được tư vấn tâm lý trong thời gian trường dạy học trực tuyến và cả khi học sinh đã quay trở lại trường.

“Có trường hợp áp lực tâm lý khi kết quả học tập không như ý muốn và những va chạm trong gia đình khi cha mẹ và con cái có nhiều thời gian ở nhà hơn và cha mẹ quan tâm, chứng kiến việc học tập của con nhưng đôi khi có những quan điểm khác biệt khiến con bị căng thẳng”, cô Minh Hằng cho biết về những trường hợp đã tư vấn.

Cha mẹ cần làm bạn cùng con

ThS tâm lý Nguyễn Thị Mỹ Linh cho rằng phụ huynh muốn làm bạn cùng con thì phải thực hiện theo nguyên tắc yêu thương và tôn trọng. Cha mẹ nào cũng thương con nhưng sự tôn trọng lại không nhiều. Có phụ huynh muốn làm bạn với con nhưng thường xuyên đối đầu với con, thường xuyên chứng minh rằng mình đúng còn con mình sai. Có phụ huynh thường xuyên la mắng, áp đặt, không lắng nghe con trẻ, thậm chí còn đánh con, nói xấu con, không tìm thấy những điểm mạnh, điểm tốt ở con mình mà toàn nhìn thấy những điểm xấu.

Xem thêm  Danh tính đôi nam nữ rơi từ tầng 35 chung cư tử vong trong đêm ở Hà Nội

“Cha mẹ làm bạn với con là gieo những cảm xúc tích cực cho con. Muốn như vậy, đầu tiên cha mẹ cần hiểu con, chấp nhận những điểm mạnh – yếu của con mình, yêu thương con và giúp con hoàn thiện bản thân”, bà Linh khuyên.

“Tôi biết có nhiều phụ huynh khó kiểm soát cảm xúc, nên tôi rất cẩn trọng khi nhắn tin cho cha mẹ về vấn đề của con ở trường. Khi buộc phải gửi cho phụ huynh một tin nhắn phản ảnh vấn đề bất ổn của con, tôi phải tránh nhắn vào buổi tối khi gia đình học sinh có thể đang ăn tối và có sinh hoạt chung. Vì tôi muốn các bố mẹ có một khoảng thời gian để “lùi một nhịp” trước khi gặp con” – cô Nguyễn Kim Anh, giáo viên Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội), chia sẻ.

Với kinh nghiệm của người làm giáo viên chủ nhiệm nhiều năm, cô Kim Anh cho rằng cơn nóng giận của bố mẹ chẳng những không “tạo động lực” mà rất dễ khiến trẻ ức chế, căng thẳng và bột phát hành động tiêu cực.

Cô Nguyễn Thị Tâm Hiền – phó hiệu trưởng phụ trách cấp THCS Trường phổ thông liên cấp Olympia (Hà Nội) – cho biết nhà trường đã có nhiều giải pháp để học sinh bộc lộ những vấn đề của mình. Ví dụ như giờ cộng đồng được tổ chức hằng tuần trong khung giờ chủ nhiệm cho phép học sinh chia sẻ những khó khăn, vướng mắc, phiền muộn. Nhiều hoạt động thể thao, văn nghệ, trải nghiệm được tổ chức trở lại sau dịch lôi cuốn học sinh vào môi trường “lan tỏa năng lượng tích cực”. Tuy nhiên, theo cô Tâm Hiền, vai trò của cha mẹ học sinh trong việc chăm sóc sức khỏe tinh thần vẫn rất quan trọng.

“Chúng tôi xây dựng cẩm nang chia sẻ kinh nghiệm làm bạn với con, gợi mở cách trò chuyện, cách để con chia sẻ vấn đề của mình, những dấu hiệu trầm cảm, những vấn đề bất thường của học sinh mà phụ huynh nên lưu ý để hỗ trợ, giúp đỡ con. Sự đồng thuận của cha mẹ, cùng có một hướng đi phù hợp, can thiệp đúng mức, đúng cách mới có thể bảo vệ được trẻ”, cô Tâm Hiền cho biết.

“Mọi người đừng đi vào vết xe đổ như tôi”

Chị N.M.N., phụ huynh có con học lớp 11 ở quận 4, TP.HCM, nói với PV Tuổi Trẻ như vậy khi quyết định chia sẻ câu chuyện của chính mình 2 năm trước.

Chị N. kể: “Năm đó con trai tôi đang học lớp 9 tại một trường THCS “hot” nhất quận 7. Chín năm liền cháu đều đạt học sinh giỏi và là gương mặt sáng giá của lớp khi đạt được một số giải thưởng về học thuật. Vì vậy, tôi muốn cháu thi vào lớp 10 chuyên Anh một trường THPT nổi tiếng ở quận 1. Muốn thi vào lớp chuyên thì phải học thêm, luyện thi. Tôi hỏi thăm bạn bè và đăng ký cho con mình được học với những giáo viên giỏi ở TP.HCM. Thế nên dù nhà tôi ở quận 7 nhưng con tôi học tiếng Anh với 1 thầy ở quận 3, học toán với 1 cô ở quận 1, học văn với 1 thầy ở quận 5.

Có lần con tôi đã thắc mắc rằng: Tại sao đi học thêm mà phải đi xa đến vậy? Tôi giải thích rằng muốn học ở trường danh giá thì phải chấp nhận bỏ công bỏ sức. Cháu nói bâng quơ: “Con có thích học ở trường danh giá đâu!”. Tôi bảo: “Con đúng là không biết nhìn xa trông rộng” rồi nhanh chóng quên đi câu nói ấy của con.

Một ngày cuối học kỳ 1 năm lớp 9, tôi chở con đi học thêm thì gặp cơn mưa xối xả, hai mẹ con cùng bị ướt và lạnh. Con trai lại hỏi tôi: “Có nhất thiết phải đi học khổ như thế này không mẹ?”, tôi lại gạt đi: “Có sự thành công nào lại không phải khổ nhọc chứ? Con và mẹ đã đi được 50% đoạn đường, chỉ còn một học kỳ nữa chẳng lẽ lại bỏ cuộc?”. Và tôi vẫn tiếp tục chở con đi học thêm mỗi ngày.

Sau đó một thời gian, tôi nhận được điện thoại của cô giáo chủ nhiệm: “M. đang lên kế hoạch tự tử. Em không muốn học trường chuyên mà chỉ muốn học ở quận 4 vì các bạn trong lớp cũng dự định thi vào đó. Em nói em rất căng thẳng, bố mẹ thì không chịu lắng nghe.

Tới đây thì tôi mới tỉnh ngộ”.

Dấu hiệu nhận biết con bị trầm cảm

Sau giai đoạn học online kéo dài, số học sinh bị trầm cảm đang gia tăng. Tuy nhiên, nhiều bậc cha mẹ lại không biết rằng con mình bị trầm cảm để hỗ trợ, giúp đỡ con.

Xem thêm  Xôn xao nam sinh lớp 10 làm 4 bạn nữ có thai, một em sinh bé trai

Dấu hiệu đầu tiên của trẻ bị trầm cảm là hỗn hào với cha mẹ, dễ cáu giận, mất kiểm soát cảm xúc. Lưu ý là trẻ chỉ cáu giận, bùng nổ với một số người liên quan đến nguyên nhân trầm cảm của các em mà thôi. Tôi đã từng gặp trường hợp trẻ xưng mày tao với cha mẹ nhưng phụ huynh vẫn cho rằng con mình hỗn chứ không phải trầm cảm. Họ nói cháu vẫn lễ phép với thầy cô, vui vẻ với bạn bè.

Dấu hiệu tiếp theo là khí sắc trầm buồn, ăn rất nhiều hoặc chán ăn, rối loạn giấc ngủ và đòi chết.

Bệnh nào thì khi được phát hiện sớm cũng dễ chữa trị hơn là để quá nặng, quá lâu. Trầm cảm cũng vậy. Nếu cha mẹ gần gũi và quan tâm con cái sẽ dễ dàng phát hiện những điều bất ổn của con. Nếu chỉ là trầm cảm mới chớm, chỉ cần phụ huynh thay đổi cách ứng xử, yêu thương và giúp con thoát khỏi những áp lực hiện tại sẽ ổn. Còn nếu trầm cảm nặng nhất thiết phải cho trẻ gặp gỡ các nhà chuyên môn như bác sĩ chuyên khoa, chuyên viên tâm lý.

TS Phạm Thị Thúy (chuyên gia tham vấn tâm lý, giảng viên Học viện Hành chính quốc gia, phân viện TP.HCM)

Các nước giải quyết như thế nào?

Chỉ cần làm một thao tác tìm kiếm đơn giản trên Google với những từ khóa như “tự tử”, “áp lực học hành”, trong tích tắc thuật toán sẽ trả về gần 50 triệu kết quả liên quan tới mọi vùng địa lý trên thế giới, dù mức độ nghiêm trọng không giống nhau. Dường như trong đại dịch COVID-19, vấn đề này trở nên đáng lo hơn dù mới chỉ một vài nghiên cứu đề cập.

Đơn cử một vài số liệu như báo Hindustan Times ngày 1-8-2021 công bố dữ liệu của Chính phủ Ấn Độ cho biết trong giai đoạn từ 2017-2019, ít nhất 24.000 trẻ em tự tử sau khi thi trượt. Cũng Ấn Độ, báo Times of India ngày 11-11-2021 cho biết chỉ riêng trong năm 2020, nước này có hơn 12.500 học sinh chết vì tự tử, tương đương tỉ lệ 34 em/ngày.

Hãng tin Yonhap Hàn Quốc ngày 19-4-2021 dẫn khảo sát của Viện Nghiên cứu chính sách thanh niên quốc gia cho biết gần 1/3 (27%) học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông của Hàn Quốc trong năm 2020 từng có ý nghĩ muốn tự tử vì quá tải với gánh nặng học hành.

Theo báo Mainichi (Nhật), năm 2020, trong đại dịch COVID-19, số trẻ em tự tử ở Nhật tăng cao mức kỷ lục, cao nhất trong 4 thập niên khi có 415 em trong độ tuổi từ tiểu học tới trung học phổ thông đã tự kết thúc cuộc sống, nhiều hơn gần 100 em so với một năm trước đó.

Để góp phần giảm bớt những thảm kịch đau lòng này, các nước đều đã nỗ lực triển khai những biện pháp cụ thể như lập các trang web, đường dây nóng, các kênh mạng xã hội, chat online để hỗ trợ tư vấn phòng ngừa tự tử, song dường như chừng đó vẫn là chưa đủ.

Tháng 4-2021, trước tình trạng số trẻ em tự tử tại Hong Kong tăng lên mức cao nhất trong 8 năm, chính quyền thành phố phải gửi thư tới các thầy cô giáo, kêu gọi họ chú ý theo dõi và thận trọng hơn trước những dấu hiệu bất thường trong cảm xúc cũng như cư xử có thể báo trước một ý định cùng quẫn nào đó của học trò. Giáo sư Paul Yip Siu-fai, giám đốc sáng lập Trung tâm nghiên cứu và phòng chống tự tử của Đại học Hong Kong, cho rằng các giáo viên, giống như các nhân viên công tác xã hội và các bác sĩ, có vai trò quan trọng trong việc phát hiện hành vi có thể dẫn tới tự tử của học sinh.

Cha mẹ cần chia sẻ, tâm sự và đồng hành cùng con, nhất là giai đoạn các em trong độ tuổi thanh thiếu niên – Ảnh: DUYÊN PHAN

Bắt đầu từ trẻ em tiểu học

Các trường công lập Wolcott tại bang Connecticut (Mỹ) có một chương trình đặc biệt dành cho học sinh tiểu học. Nội dung chương trình được xây dựng quanh một nhân vật dễ thương là chú chó trị liệu có tên Gizmo. Gizmo sẽ giúp các em học sinh hiểu về một điều mà người lớn thường không nghĩ là cần thiết với các em: ý nghĩ tự tử.

Các giáo viên trong trường thông qua khóa học này dùng chó Gizmo “dẫn” các em học sinh lớp 5 qua những chủ đề thảo luận khác nhau về sức khỏe tinh thần, những dấu hiệu nào cho thấy các em có thể đang trải qua cảm giác tiêu cực hay buồn chán, tuyệt vọng và những cách để các em có thể tự bình tĩnh và thậm chí còn giúp bạn bè, người khác bình tĩnh.

Chương trình này được khởi động năm 2019, là một trong số ít các chương trình giáo dục tại Mỹ tập trung vào chủ đề phòng chống tự tử và chăm sóc sức khỏe tâm thần cho các học sinh ở độ tuổi rất nhỏ.

VĨNH HÀ – HOÀNG HƯƠNG

Comments are closed.