“Được đến tặng quà đã là phấn khởi lắm rồi. Với bị cáo, lúc mình đang làm bé, được đến các đồng chí lãnh đạo chúc Tết đã là mừng rồi. Nếu đưa quà bé thì mình cũng cảm thấy không tương xứng” – bị cáo Sơn khai.
Chiều 31-8, tòa tiếp tục xét hỏi bị cáo Nguyễn Xuân Sơn tại phiên tòa xét xử đại án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng (NH) OceanBank.
Bị cáo Sơn thừa nhận đã nhận gần 70 tỉ đồng giai đoạn làm tổng giám đốc OceanBank và trên dưới 200 tỉ đồng nữa sau khi về lại Tập đoàn Dầu khí.
Bị cáo Sơn khai đã dùng số tiền đó đi chăm sóc khách hàng và đã chi hết. Bị cáo Sơn cũng khai do việc chi không theo nguyên tắc nào nên cả bị cáo lẫn bị cáo Thắng chắc chắn đều không nhớ được và cũng không nhớ được chính xác đã nhận tổng số bao nhiêu tiền vì xảy ra đã gần 10 năm, tuy nhiên sẵn sàng chịu trách nhiệm về việc này, con số thế nào phụ thuộc vào hồ sơ.
. Số tiền đó bị cáo chi cho ai, cho đơn vị nào?
+ Bị cáo khẳng định tiền đó đã được chi và chi một cách hiệu quả cho các đơn vị khách hàng. Bị cáo nhớ chi cho Ninh Văn Quỳnh 30-40 tỉ đồng (trong số 69 tỉ đồng). Giai đoạn sau bị cáo không còn làm ở NH nữa, chỉ được Thắm nhờ nên chỉ thực hiện việc chuyển giao, khi Thắm chuyển tiền cho bị cáo thì bị cáo gọi anh Quỳnh lên nhận. Nó cũng không theo quy luật nào.
. Có khoản nào chi cho lãnh đạo tập đoàn không?
+ Tất cả đều chi vào đầu mối đó. Những khoản chi trực tiếp cho lãnh đạo tập đoàn thì bị cáo hay bị cáo Thắm đi lên tặng quà theo thông lệ thông thường. Giai đoạn không còn làm tổng giám đốc nữa thì chỉ chuyển cho Ninh Văn Quỳnh.
Sơn cũng thừa nhận trong số tiền nhận được bị cáo cũng chi khoảng 50 tỉ đồng trong năm năm, tức mỗi năm bị cáo chi khoảng 10 tỉ đồng.
. Số tiền đó bị cáo có sử dụng cho cá nhân không?
+ Bị cáo không sử dụng cho mục đích cá nhân một đồng nào trong số tiền anh Hà Văn Thắm hỗ trợ cho PVN.
Sơn khai bị cáo có rất nhiều khoản tiền, vì bị cáo là một trong những người đầu tư tài chính. Thậm chí có thời kỳ còn nổi tiếng trên thị trường chứng khoán khi đưa ra nhận định cơ hội đầu tư vào chứng khoản “4.000 năm có một” xuất hiện vào trước và sau Tết năm 2000. Bị cáo có khá nhiều tiền đầu tư mua chứng khoán. Khi định thành lập NH Hồng Việt, bị cáo góp vốn khoảng 100 tỉ đồng, khi NH này không được thành lập, toàn bộ số tiền này bị cáo chuyển cho Nguyễn Thị Minh Phương (phó tổng giám đốc OceanBank) quản lý giúp bị cáo. Bị cáo cũng đầu tư vào dự án ở số 1 Láng Hạ… Bị cáo Sơn cho biết đều ủy thác cho người khác giúp đầu tư, còn cá nhân thì không đứng tên nhiều.
. Trước khi bị bắt, tài sản của bị cáo còn gì?
+ Tài sản của bị cáo do bị cáo Thắng quản lý có cổ phiếu của NH Liên Việt, đầu tư vào một căn hộ, các chứng khoán khác, tài sản trong quá trình mua bán Thắng tự quyết định việc mua-bán, khi giá xuống thì mua, giá tăng thì bán. Khi có tiền bị cáo cũng đưa tiền cho Thắng để đầu tư. Bị cáo nhớ chắc chắn có hai lần chuyển tiền cho Thắng, một lần 7 tỉ đồng, một lần 10 tỉ đồng trước khi sang làm ở OceanBank.
. Bị cáo đầu tư lên đến hàng trăm tỉ, số tiền đó đi đâu rồi?
+ Trước lúc làm phó tổng giám đốc PVN đã “thanh lý hết”.
Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn. Ảnh: TTXVN
Tòa yêu cầu Sơn lý giải các khoản chi cho số tiền hơn 200 tỉ đồng nhận từ Hà Văn Thắm, Sơn khai chi cho lễ Tết, chi làm từ thiện ủng hộ đồng bào bão lụt, làm nhà cho người nghèo, chi cho kinh tế đối ngoại của đất nước…
Sơn dẫn chứng, tất cả các đợt đi cùng Bộ Công Thương tham gia đàm phán tham gia Hiệp định TPP bị cáo đều chi, hay chi cho hiệp định dầu khí. Đây là những khoản chi vì lợi ích quốc gia. Khi đi và chi đều phải báo cáo lên các đồng chí lãnh đạo cấp cao nhất.
. Nếu chỉ là “tình nghĩa” có chi đến 200 triệu đồng không? Khi đó có còn ý nghĩa tình nghĩa không?
+ Đó là mức độ lớn bé của khoản chi nhưng cũng tùy thuộc vào kích thước, quy mô của tập đoàn chi. Đó là thông lệ chung cho các tập đoàn nhà nước, còn các DNTN bị cáo thấy mức chi như thế cũng rất khiêm tốn.
. Theo Luật PCTN, các quà biếu có giá trị trên 500.000 đồng trở lên đều bị cấm. Vậy những “món quà” đến 200 triệu đồng thì có còn mang ý nghĩa “tình nghĩa” không?
+ Ta có truyền thống biếu tặng quà Tết cho thầy cô giáo, cấp trên nhưng truyền thống này đã bị kinh tế thị trường làm cho méo mó đi, đó cũng là nỗi khổ cho DN. Được đến tặng quà đã là phấn khởi lắm rồi. Với bị cáo, lúc mình đang làm bé, được đến các đồng chí lãnh đạo chúc Tết đã là mừng rồi. Nếu đưa quà bé thì mình cũng cảm thấy không tương xứng. Chính vì vậy vừa rồi Thủ tướng đã có chỉ thị cấm biếu quà. Nếu Thủ tướng chưa có chỉ thị việc cấm quà biếu vào các dịp lễ Tết thì bị cáo cũng có một số trình bày đề nghị thay đổi chính sách….
Theo PLO