Xét nghiệm ADN cho thấy có tới gần 100% thành phần các viên thuốc là thịt người, thậm chí còn có thể cho biết giới tính của thịt người được sử dụng trong viên thuốc.
Vụ việc thuốc thịt người từ Trung Quốc (TQ) đang gây hoang mang dư luận. Theo diễn biến mới nhất, Quốc hội Nigeria hồi tháng 10 đã chỉ đạo điều tra sau khi Cơ quan tình báo Nigeria ra cảnh báo đỏ với các cơ quan hữu quan về nguy cơ thuốc thịt người TQ nhập lậu vào.
Những kẻ nhập lậu loại thuốc làm từ thịt người này và các đồng lõa sẽ bị khởi tố.
Guardian cho biết đã cố tiếp cận xin ý kiến của đại sứ TQ tại Nigeria nhưng không thành công. Thư ký truyền thông của vị đại sứ này, ông Wan, nói không biết gì về vụ việc, hứa khi nào có thông tin sẽ liên lạc lại.
Vanguard dẫn cảnh báo của Cơ quan tình báo Nigeria rằng trước mắt, tất cả cơ quan y tế Nigeria, đặc biệt Bộ Y tế phải thông báo ngay cho người dân, đồng thời cảnh báo rủi ro từ các loại thuốc được tài trợ nhập từ TQ.
Các cơ quan hải quan, bưu chính và các công ty làm dịch vụ vận chuyển cần kiểm tra kỹ các kiện hàng thuốc nhập vào Nigeria.
Thi thể trẻ bị phân nhỏ, sấy khô
Cảnh báo của Cơ quan tình báo Nigeria xuất phát từ thông tin Hàn Quốc (HQ) trước đó thu giữ hàng ngàn viên thuốc thịt người từ TQ nhập lậu vào.
Theo thông tin Yonhap dẫn từ cơ quan hải quan HQ thì trong khoảng thời gian từ năm 2015 đến tháng 8 năm nay, cơ quan này đã thu giữ tổng cộng 2.751 viên thuốc thịt người buôn lậu vào nước này từ TQ.
Theo những gì cơ quan hải quan HQ thông tin với AP thì các viên thuốc này được sản xuất từ Đông Bắc TQ, cụ thể từ TP Diên Cát (tỉnh Cát Lâm), TP Thanh Đảo (tỉnh Sơn Đông), TP Thiên Tân trực thuộc trung ương.
Các viên thuốc được sản xuất theo dạng con nhộng, thành phần chính là bột bào thai, bột thịt trẻ sơ sinh đã chết, được một số công dân TQ nhập vào.
Nguyên liệu chính trong viên thuốc là thịt người sấy khô nhưng chúng sẽ được trộn với thảo dược như một cách qua mắt các nhà điều tra và nhân viên hải quan.
Quy trình sản xuất như sau: Bào thai, thi thể trẻ chết bị phân nhỏ, sấy khô trong lò sấy, sau đó nghiền thành bột, hòa với một số thảo dược khác rồi cho vào viên nhộng. Thuốc được buôn lậu bằng đường xách tay hoặc qua đường thư tín quốc tế.
Thuốc được quảng bá có thể giúp tăng miễn dịch, giúp trẻ hóa, chữa ung thư, tiểu đường và một số bệnh giai đoạn cuối.
Tuy nhiên, cơ quan hải quan HQ cho biết Bộ An toàn thực phẩm và dược phẩm nước này đã xác định có tới 18,7 tỉ virus trong viên thuốc , trong đó có cả virus gây viêm gan B, ngoài ra còn nhiều thành phần nguy hiểm khác.
Đây không phải lần đầu HQ thu giữ thuốc thịt người TQ. Từ tháng 8-2011 đến tháng 5-2012, hải quan HQ đã chặn 35 vụ buôn lậu và thu giữ hơn 17.500 viên thuốc thịt người. Thời điểm nàySBS (HQ) có làm một bộ phim tài liệu về chủ đề này.
SBS cho biết xét nghiệm ADN cho thấy tới 99,7% thành phần các viên thuốc này là thịt người, thậm chí còn có thể cho biết giới tính của bào thai được sử dụng trong viên thuốc.
Theo tin từ Korea Times, có tới 29 người bị bắt trong đợt này, hầu hết đều nói không biết thành phần là gì, cũng không biết cơ sở sản xuất.
Thuốc bị thu giữ nhưng không ai bị trừng phạt. Lý do, theo một quan chức hải quan HQ, vì số lượng thuốc thu trên đầu mỗi người không đủ nhiều và họ mang vào không phải để bán mà để dùng hoặc cho người khác.
Theo một nhân viên hải quan HQ thì đối tượng tiêu thụ chính loại thuốc này là “những người gốc Hàn sinh trưởng ở Đông Bắc TQ giờ chuyển qua Hàn sống” hoặc họ chia chúng với những người Hàn gốc TQ.
Sau đợt bắt giữ vào tháng 8 năm nay, cơ quan hải quan HQ đã báo cáo sự việc lên Quốc hội. Và trong khi chờ Quốc hội có phản ứng, trước mắt để đối phó, cơ quan hải quan HQ tăng cường giám sát thư từ, bưu kiện, bưu phẩm gửi từ TQ sang.
Các bưu phẩm, bưu kiện nghi ngờ có chứa thuốc thịt người sẽ được gửi đến trung tâm nghiên cứu quốc gia để phân tích.
Bột thuốc được lấy ra từ các viên thuốc mà xét nghiệm cho thấy 99,7% là thịt người. Ảnh: SBS
Trung Quốc nói “không chứng minh được”
Thời điểm tháng 8-2011 khi hải quan HQ lần đầu công bố thông tin có thuốc thịt người từ TQ nhập lậu vào nước mình, TQ đã tiến hành điều tra nhưng không chứng minh được, theo lời ông Deng Haihua.
Người phát ngôn Bộ Y tế TQ này khẳng định TQ có những quy định nghiêm ngặt đảm bảo chuyện như vậy không thể xảy ra.
Báo chí TQ từng đưa tin về thuốc thịt người tại nước này, thậm chí xác định các tỉnh Đông Bắc TQ là nguồn của loại thuốc này, đặc biệt là tỉnh Cát Lâm.
Chẳng hạn Hoàn Cầu Nhật Báo từng đưa tin về thuốc thịt người được sử dụng để tăng khả năng tình dục. Cơ quan phụ trách cuộc điều tra năm 2011 của TQ là Cơ quan An toàn thực phẩm và dược phẩm tỉnh Cát Lâm.
Dù theo lời ông Deng Haihua thì điều tra không chứng minh được nhưng kết quả các cuộc điều tra riêng của các tổ chức truyền thông lại khác.
Theo thông tin từ Daily Mail thì luôn có sẵn một lực lượng thương lái túc trực ở các cơ sở y tế để mua các bào thai bị phá bỏ trước khi thành hình hay chết non, cả thi thể những đứa trẻ chết sau sinh, sau đó mang về trữ trong các tủ lạnh.
Điểm đến sau đó của các bào thai, thi thể này là các cơ sở chế biến thuốc.
Năm 2014, một điều tra của đội làm phim tài liệu của SBS (HQ) công bố thông tin điều tra rất nhiều bệnh viện và cơ sở phá thai ở TQ cũng chủ động chuyển bào thai trẻ sinh non hay bị phá bỏ cho các cơ sở sản xuất thuốc thịt người.
Có thông tin chưa kiểm chứng rằng trong các viên thuốc này có cả thịt của những đứa bé ra đời còn sống nhưng bị cố tình để cho chết vì lỡ được sinh ra trong các gia đình đã có một con theo chính sách của TQ.
Nhằm giữ mức dân số ổn định, TQ cho phép có tới 13 triệu đợt phá thai mỗi năm. Tỉ lệ phá thai ở TQ chiếm 38% trên tổng số phụ nữ tuổi sinh đẻ. Và điểm đến của rất nhiều bào thai sau khi bị phá là các cơ sở bào chế thuốc.
Mỹ từng cảnh báo
Chưa rõ loại thuốc này đã xuất hiện ở Mỹ chưa. Nói với ABC News thời điểm năm 2012 khi HQ công bố đợt thu giữ đầu tiên, Cơ quan Quản lý thực phẩm và thuốc của Mỹ (FDA) đã ra cảnh báo người dân phải thông minh, tỉnh táo trong việc chọn mua các loại thuốc dạng thực phẩm chức năng.
Vì các loại thuốc này chẳng những có thể không cần thiết cho sức khỏe mà thậm chí còn mang lại nhiều rủi ro.
“Thật ghê sợ, sởn gai ốc. Nếu quy trình này không tuân thủ tiêu chuẩn vệ sinh để đảm bảo tiệt trừ nhiễm trùng thì viên thuốc có thể có cả virus và vi khuẩn” – TS y khoa Mỹ William Schaffner tại ĐH Vanderbilt, cố vấn của CDC.
theo Pháp luật TPHCM