Ai cũng biết Gia Cát Lượng nổi tiếng tài trí hơn người, cả đời chỉ đưa ra 3 dự đoán. Đáng nói, dự đoán sau lại chính xác hơn những dự đoán trước.
Dự đoán thứ 1: Bạn làm quan
Công nguyên năm 193, Tào Tháo tấn công Từ Châu gây ra một trận thảm sát, khiến hàng chục ngàn người thiệt mạng. Để tránh nạn, Gia Cát Lượng năm đó 12 tuổi cùng người thân chạy tới Kinh Châu và ổn định tại đó.
Theo sử ghi chép lại, Gia Cát Lượng ngay từ khi còn bé đã là một thiên tài. Ở Kinh Châu chỉ có 4 người có thể lọt được vào mắt xanh của Lượng, họ lần lượt là Thôi Châu Bình (tự Quân), Mạnh Công Uy (tự Kiến), Từ Nguyên Trực (tự Thứ) và Thạch Quảng Nguyên (tự Thao). 4 người họ hợp lại thành “Gia Cát tứ hữu” (4 người bạn của Gia Cát Lượng).
Theo “Tam Quốc Chí”, Gia Cát Lượng trong một lần dạo chơi trên thuyền cùng Mạnh, Từ và Thạch từng nói với họ rằng: “Tôi biết các huynh sau này có thể làm quan gì? Các huynh đều có thể sẽ làm đến chức thứ sử, thái thú”.
Sau đó, 3 người hỏi lại Lượng có thể làm đến chức quan gì? Lượng chỉ cười mà không đáp. Cuối cùng, Lượng đã dự đoán trúng 2/3. Thạch Thao sau này làm thái thú cho Tào Ngụy, Mạnh Kiến làm thứ sử Kinh Châu. Từ Thứ chỉ làm trung thừa. Còn bản thân Gia Cát Lượng cũng làm thừa tướng của Thục Hán.
Dự đoán thứ 2: Con trai không nên nghiệp lớn
Gia Cát Lượng ở tuổi 46 mới được bế đứa con đầu lòng là Gia Cát Chiêm. Người con trai này của Lượng thông minh từ nhỏ, mọi người luôn nói cậu bé được thừa hưởng tài trí từ cha mình. Ai ai cũng đều rất mong đợi ở Gia Cát Chiêm nhưng Lượng lại không nghĩ vậy.
Trong một bức thư Lượng gửi cho huynh trưởng của mình, ông có viết: “Chiêm giờ đã 8 tuổi, lanh lợi đáng yêu, nhưng lại chín chắn quá sớm, lo sau này không nên nghiệp lớn”.
Đúng như Gia Cát Lượng nói, Gia Cát Chiêm không thể làm nên nghiệp lớn, không thể giống như cha mình, trở thành trụ cột của Thục Hán.
Trận chiến cuối cùng khiến Chiêm chết ở Miên Trúc đại bại, thực ra Gia Cát Chiêm cũng phải gánh một trách nhiệm lớn, nếu không phải Chiêm khinh địch thì Đặng Ngải làm sao có thể đánh bại quân Thục Hán?
Dự đoán thứ 3: Tu sửa từ đường
Triều đại nhà Thanh thời Khang Hy, đền Võ Hầu ở Thành Đô có một vài khu vực do được xây dựng quá lâu rồi nên bị sụp đổ. Đáng nói, đây là ngôi đền duy nhất thờ phụng chung cả vua và thần ở Trung Quốc, là nơi để tưởng nhớ Gia Cát Lượng, Lưu Bị và các anh hùng nhà Thục Hán.
Hương khói ở nơi đây chưa bao giờ tắt. Quan sát sử (tên một chức quan) Tống Khả thời đó sau khi nhận thấy ngôi đền có phần bị sụp đổ, đã lệnh cho người dân và binh lính thu thập gạch, đá, gỗ và tiến hành tu sửa lại ngôi đền.
Ở khu vực đền bị sập có một cái đầm nhỏ, không lâu sau nước đều cạn hết, người dân định sẽ lấy bùn ở đó để sử dụng cho việc tu sửa, nhưng trong quá trình lấy bùn đã phát hiện ra một phiến đá lớn có khắc chữ: “Thủy nguyệt chủ, canh bất đại, cái thập bát, long phục ngọa”. Phía trên khắc chữ “Lượng”, cũng chính là tên của Gia Cát Lượng. Phía dưới có khắc 3 chữ “ngàn nhất xuất” (nghìn năm sau xuất hiện).
12 chữ khắc trên đó có ý gì? Sau này, một người sau khi giải mã được bí mật thực sự của 12 chữ này mới biết đây là một dự đoán từ ngàn năm trước của Gia Cát Lượng. “Thủy nguyệt chủ” ghép lại thành chữ “Thanh”, “Canh bất đại” ghép lại thành chữ “Khang”, “cái thập bát” ghép lại thành chữ “Tống”, ghép 3 chữ lại thành “Thanh Khang Tống”.
Mọi người giải thích rằng vào triều đại nhà Thanh thời Khang Hy, có một người họ Tống sẽ tu sửa lại ngôi đền này. Trùng hợp thay, người tu sửa lại ngôi đền này chính là Tống Khả. Vì vậy mọi người truyền tai nhau rằng Gia Cát Lượng đã biết trước rằng nghìn năm sau sẽ có một người họ Tống giúp mình tu sửa lại ngôi đền.
Như Quỳnh – Trí thức trẻ