TAND Hà Nội tuyên bị cáo Lê Đình Công, 56 tuổi và Lê Đình Chức, 40 tuổi, mức phạt tử hình về tội Giết người; 14 bị cáo được trả tự do ngay tại tòa.
Cùng tội danh, bị cáo Lê Đình Doanh, 32 tuổi, con của Lê Đình Công, án chung thân. Bị cáo Bùi Viết Hiểu, 77 tuổi, bị phạt 16 năm tù; Nguyễn Quốc Tiến 13 năm tù; Nguyễn Văn Tuyển, 12 năm tù.
Bản án xác định, 6 bị cáo có mục đích gây án đến cùng dù cảnh sát đã lên tiếng can ngăn. Các bị cáo bàn bạc phân công, chuẩn bị kế hoạch, “cùng nhau trực tiếp, thực hiện phạm tội với mục đích giết được càng nhiều cảnh sát càng tốt…”.
TAND Hà Nội đánh giá, nhóm bị cáo này phạm tội với các tình tiết như giết hai người trở lên, giết người thi hành công vụ, có tính chất côn đồ. Với hành vi ném lựu đạn về phía công an, gây sát thương cao, họ phải chịu tình tiết tăng nặng là “giết người bằng phương pháp giết nhiều người”. Việc lựu đạn không nổ nằm ngoài ý muốn của các bị cáo.
Bị cáo Công giữ vai trò chủ mưu khi thường xuyên tổ chức họp bàn chống đối, phát video tuyên bố giết chết 300-500 công an. Công đặt mua lựu đạn, hướng dẫn các bị cáo khác làm bom xăng. Hành vi của bị cáo là một trong những nguyên nhân khiến ba cảnh sát hy sinh.
Bị cáo Chức (em cùng cha khác mẹ với bị cáo Công) và bị cáo Doanh cùng đổ xăng xuống hố khi ba cảnh sát ngã xuống đây. Doanh có bố (bị cáo Công) và chú ruột (bị cáo Chức) đã bị tử hình nên HĐXX thực hiện chính sách nhân đạo, cho lĩnh án chung thân, bản án nêu.
Bị cáo Hiểu bị xác định là một trong những thủ lĩnh tinh thần của “tổ Đồng thuận”, trực tiếp ném bom xăng về phía công an. Bị cáo phạm tội khi trên 70 tuổi, không trực tiếp gây ra cái chết cho ba cảnh sát nên được áp dụng tình tiết giảm nhẹ.
Về tội Chống người thi hành công vụ, bị cáo Bùi Thị Nối (62 tuổi) nhận mức án cao nhất với 6 năm tù. Bị cáo Nguyễn Văn Quân (Quân “Mạ”, 40 tuổi), Lê Đình Uy (27 tuổi), Lê Đình Quang (36 tuổi), Bùi Văn Tiến (51 tuổi), Lê Đình Quân (Quân “Toàn”, 44 tuổi) mỗi người 5 năm tù.
Trong 17 bị cáo còn lại, 3 người bị phạt mỗi người 3 năm tù. 14 người bị phạt tù treo từ 15 tháng đến 30 tháng, được trả tự do ngay tại toà nếu không bị tạm giam trong vụ án khác.
Đề cập đến 19 bị cáo trong nhóm tội này, HĐXX cho rằng họ đều bị ông Lê Đình Kình (đã chết) cùng bị cáo Công, Hiểu lôi kéo. 19 người vì nhận thức không đúng mà tham gia “tổ Đồng thuận”, thực hiện hành vi trái pháp luật, gây ảnh hưởng xấu đến dư luận địa phương. Hầu hết các bị cáo có mặt ở nhà ông Kình đêm 8/1 để bàn bạc kế hoạch và tấn công cảnh sát vào rạng sáng 9/1.
Các bị cáo được ghi nhận là nông dân chất phác, nhận thức pháp luật còn hạn chế, bị dụ dỗ, thực hiện hành vi giúp sức ở một mức nhất định và đều khai chỉ chống đối chứ không có mục đích giết người. Với căn cứ trên, HĐXX chấp thuận việc VKS đổi tội danh với 19 người từ Giết người sang Chống người thi hành công vụ, bản án nêu.
Về dân sự, toà tuyên 6 bị cáo phạm tội Giết người phải bồi thường cho ba gia đình nạn nhân. Cụ thể, mỗi bị cáo bồi thường cho mỗi gia đình 80 triệu đồng tiền mai táng. Các bị cáo còn phải bồi thường cho mỗi gia đình 149 triệu đồng tiền tổn thất tinh thần; chia nhau cấp dưỡng nuôi mẹ già và hai con nhỏ của ba cảnh sát hy sinh mỗi gia đình 5 triệu đồng một tháng.
Trong bản án công bố khoảng hai tiếng, HĐXX kết luận cơ quan điều tra đã thực hiện đúng quy định pháp luật về tố tụng. Quá trình điều tra, các bị cáo không khiếu nại nên quyết định tố tụng được thực hiện hợp pháp. Tại toà, các bị cáo đều thừa nhận hành vi phạm tội, lời khai phù hợp với lời khai tại cơ quan điều tra.
Khi tranh tụng, luật sư của bị cáo Lê Đình Công cho rằng vụ án do Công an Hà Nội điều tra sẽ ảnh hưởng đến tính khách quan nhưng HĐXX cho rằng đây là vụ án xảy ra ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội nên Công an thành phố điều tra là phù hợp theo Bộ luật Tố tụng hình sự.
Theo Vnexpress