Thứ bảy, Tháng mười 19
Shadow

Hành trình chống lại 2 bệnh ung thư của thủ tướng Lý Hiển Long

ung thư

Trong bức ảnh, thủ tướng Lý Hiển Long tươi cười sau khi làm sinh thiết. Đây chính là 1 trong 2 bí quyết chiến thắng ung thư của ông: Tích cực đối mặt với bệnh tật.

Xem thêm  Kỳ diệu vị PGS chiến thắng ung thư phổi nhờ 'sinh tố' đặc biệt

Người cha bình tĩnh nhận thông tin dữ con trai bị ung thư

Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với tờ The Sunday Times vào năm 1993, ông Lý Quang Diệu, khi đó là Bộ trưởng Cao cấp Singapore đã chia sẻ cuộc chiến đấu căn bệnh ung thư của con trai Hiển Long, khi đó là Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp.

Vào lúc 11 giờ 15 phút, khi ông Diệu đang thực hiện chuyến công tác ở Nam Phi, Hiển Long đã gọi điện từ Singapore để thông báo một tin quan trọng.

Nhưng khi đó, ông đang phát biểu về vấn đề đầu tư giữa 2 nước nên không thể nghe máy. Sau khi kết thúc hội thảo, vợ chồng ông Diệu mới gọi điện lại cho con trai.

“Long nói với tôi rằng kết quả sinh thiết cho thấy cháu bị ung thư hạch bạch huyết. Đó là lần đầu tiên chúng tôi nghe nói về căn bệnh đó. Tất nhiên, tôi không biết nhiều về nó ngoại trừ đó là ung thư. Chúng tôi đều rất sốc”, Lý Quang Diệu kể lại.

3 tuần trước chuyến công tác của cha, Lý Hiển Long bị ra máu rồi phát hiện có 3 polyp nhỏ trong trực tràng. Theo chẩn đoán ban đầu của các bác sĩ, đó là những khối u lành tính có thể phẫu thuật khi nào thích hợp.

Vì thế, vợ chồng ông vẫn thực hiện chuyến đi như kế hoạch vì nghĩ mọi việc đều ổn. Thế nhưng giờ đây, các polyp hóa ra lại là trung cấp ác tính ung thư hạch.

ung thư
Những u nhỏ xuất hiện trong trực tràng.

Bà Lý rất buồn khi nghe tin dữ đó. Bà đứng ngồi không yên vì lo lắng tình hình sức khỏe cho con. Nhưng với ông Lý, kinh nghiệm sống đã nói với ông rằng giờ là cần một cái đầu “lạnh”, suy nghĩ sáng suốt để tìm hướng giải quyết.

Trước tiên, ông đã khuyên con trai nên thực hiện tất cả các kiểm tra cần thiết và tham khảo ý kiến của bác sĩ giỏi nhất.

Đồng thời, ông Diệu cũng băn khoăn liệu có thể cắt ngắn chuyến công tác và trở về nhà. Vẫn còn 7 ngày làm việc nữa ở Nam Phi, sau đó bay đến Mauritius và ở đó thêm 3 ngày.

Cả 2 quốc gia này đã chuẩn bị chu đáo để đón tiếp ông. Ông đã quyết định tiếp tục chuyến công tác.

“Tôi không phải là bác sĩ. Vợ chồng tôi có thể làm được gì khi trở về Singapore? An ủi con ư, liệu điều đó tạo được sự khác biệt không? Có lẽ chỉ một chút về tâm lý song về bản chất thì không”, ông Diệu giải thích.

Hàng ngày, vào buổi sáng sớm hoặc tối muộn, vợ chồng họ Lý đều gọi điện về cho con để hỏi thăm tình hình sức khỏe.

“Khi bị một gánh nặng tâm lý đè nặng, bạn sẽ ăn không ngon, ngủ không yên, Nhưng bạn vẫn phải hoàn hành công việc. Đó là cuộc sống”, ông chia sẻ thêm.

ung thư
Vợ chồng ông Lý Quang Diệu và con trai Lý Hiển Long.

Hành trình chiến đấu căn bệnh ung thư hạch của ông Lý Hiển Long

Hàng ngày, Hiển Long đều liên lạc với cha mẹ để cập nhật tình hình bệnh tật. Rất may ung thư chưa di căn sang các bộ phận khác trong cơ thể.

Sau khi tham khảo ý kiến các bác sĩ, Hiển Long quyết định điều trị ở Trung tâm Y tế Trường Đại học Stanford ở San Francisco, Mỹ.

Trong khi đó, ông Diệu gọi điện cho cô con gái Lý Vĩnh Linh, 38 tuổi, hiện đang nghiên cứu bệnh động kinh tại Bệnh viện Nhi Toronto (Canada). Cô em gái đã khuyên anh trai Hiển Long nên điều trị ở Houston.

Sau khi bác sĩ hoàn tất các thủ tục kiểm tra sức khỏe, với cương vị là Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp, ông Lý Hiển Long đã dẫn một phái đoàn đi Nhật xúc tiến đầu tư. Ông luôn xuất hiện với vẻ điềm đạm và vui vẻ.

Ngày cuối cùng trong chuyên công tác, Phó Thủ tướng Lý Hiển Long đã mời các phóng viên cùng ăn bữa sáng.

“Nhìn ông ấy ăn rất ngon miệng. Ông ấy luôn nhìn thẳng vào mắt tôi. Thế mà tôi vẫn không tìm thấy nguyên nhân cho chuyến đi khám bệnh ở Mỹ của ông.

Không ai biết ông ấy sang Mỹ để chữa bệnh”, Kwan Weng Kin, phóng viên thường trú Tokyo của tờ Straits Times kể lại.

Sau khi hoàn thành công việc, ông Hiển Long đã đi Mỹ. Khi đến Houston, giáo sư Fernando Cabanillas, người đứng đầu của Khoa hạch của Trung tâm Anderson đã kiểm tra sức khỏe và kê 1 loại thuốc tiêm trong 3 ngày của mỗi đợt hóa trị.

Ông Diệu tin rằng cách tiêm dần dần giảm độc tính của thuốc và làm cho con trai cảm thấy đỡ đau đớn hơn trong mỗi lần xạ trị.

Ngày 15.11.1992, ông Hiển Long về nước với khuôn mặt hốc hác, mệt mỏi và sụt cân nhiều. 1 ngày sau, Thủ tướng Singapore đương thời là Ngô Tác Đống thông báo với toàn dân Phó Thủ tướng Lý Hiển Long mắc bệnh ung thư.

Không chỉ là nỗi đau cho riêng gia đình, việc ông Hiển Long bị ung thư còn được xem là thảm họa quốc gia.

Khi đó, Lý Hiển Long không chỉ là Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp mà được xem là nhân vật then chốt trong bộ máy lãnh đạo. Quan trọng hơn, ông được kỳ vọng là người kế nhiệm Thủ tướng Ngô.

Ở quê nhà, ông Lý Hiển Long bắt đầu 6 đợt hóa trị kéo dài 18 tuần. Mỗi ngày, ông đều đến Bệnh viện Đa khoa Singapore để tiêm hóa chất thông qua các ống được gắn vào ngực.

Việc tắm rửa trở nên khó khăn bởi ông phải giữ cho băng gạc không bị ướt. Việc ăn uống cũng chẳng còn vị giác gì do tác dụng phụ của đợt hóa trị. Tuy vậy, ông Long không nôn mửa như đa số bệnh nhân hóa trị khác phải trải qua.

Quá trình chữa bệnh khiến sức đề kháng của cơ thể giảm, ông Long buộc phải tránh xa đám đông. Trong 18 tuần, ông xuất hiện trước công chúng chưa đầy 6 lần. Ông cũng không tham gia bất kỳ cuộc họp nội các nào.

Sau khi trải qua 6 đợt hóa trị, tháng 4/1993, một bản báo cáo về tình hình sức khỏe của ông Lý Hiển Long cho thấy kết quả điều trị tiến triển tốt.

Các bác sĩ đánh giá cơ hội thoát khỏi ung thư hoàn toàn của Lý Hiển Long là 8/10.

Ngày 11/4/1993, Thủ tướng Ngô Tác Đống tuyên bố Phó Thủ tướng Lý Hiển Long đã quay lại làm việc bình thường.

22 năm sau, Lý Hiển Long lại chiến đấu với một căn bệnh ung thư khác

Chưa dừng lại, ông Lý Hiển Long khi đó là Thủ tướng Singapore lại tiếp tục chiến đấu với ung thư. Nhưng lần này là với ung thư tuyến tiền liệt, không liên quan đến u hạch bạch huyết trước đây.

Ngày 15/2/2015, ông Long đã trải qua ca phẫu thuật do chính giáo sư Christopher Cheng, nhà niệu học hàng đầu của Bệnh viện Đa khoa Singapore, đi tiên phong trong việc sử dụng robot vào phẫu thuật đảm nhận.

3 tháng sau, các bác sỹ Singapore vui mừng thông báo xét nghiệm máu mới nhất cho thấy thủ tướng nước này đã không còn tế bào ung thư tuyến tiền liệt.

ung thư
Thủ tướng Lý Hiển Long ra viện sau ca mổ ung thư tuyến tiền liệt thành công.

Điều kỳ diệu nào đã giúp Thủ tướng Lý Hiển Long 2 lần chiến thắng ung thư?

Đến bây giờ, người dân Singapore nói riêng và thế giới nói chung vẫn đặt ra câu hỏi về cuộc chiến đấu ung thư của Thủ tướng Lý Hiển Long. Ông đã chiến thắng 2 lần một cách đầy thuyết phục.

Và câu trả lời rất đơn giản. Ngoài phương pháp hóa trị, ông Lý Hiển Long còn có 2 vũ khí vô cùng quan trọng giúp ông thoát khỏi “2 cái án tử hình”. Đó là thiền và sẵn sàng đối mặt với bệnh.

ung thư
Thủ tướng Lý Hiển Long nhắc lại lời khuyên tập thiền của cha trong bài điếu văn tiễn biệt ông.

Thiền định

Trong lần chiến đấu với căn bệnh ung thư hạch, ông Lý Quang Diệu đã cho rằng phương thuốc mang tên “ý chí” đã giúp con trai chiến thắng căn bệnh quái ác.

Là một người luôn bắt mình bận rộn, luôn vận động không ngừng nghỉ, ngoài thời gian làm việc ở chính trường, ông Lý Quang Diệu vẫn duy trì thói quen bơi lội, đạp xe và thiền.

Vì thế, ông đã khuyên con trai tập thiền để chiến đấu với bệnh tật. Và lời khuyên này đã được ông Lý Hiển Long nhắc lại trong bài trong bài điếu văn xúc động tiễn biệt cha vào ngày 29.3 năm ngoái.

“Khi tôi bị chẩn đoán mắc ung thư hạch, cha khuyên tôi nên tập ngồi thiền nghiêm túc hơn. Ông nghĩ như vậy sẽ giúp tôi trong quá trình điều trị.

Ông tìm được cho tôi một người hướng dẫn và nói chuyện riêng với anh ấy về tôi. Từ đó, tôi đã có tiến triển tốt”.

Sẵn sàng đối mặt với bệnh ung thư

ung thư

“Ung thư có thể là một trải nghiệm đáng sợ, với cả bệnh nhân và người thân của họ. Nhưng sự động viên của gia đình, bạn bè và cả Hiệp hội ung thư Singapore sẽ tạo ra điều khác biệt lớn”.

Như ông Lý Quang Diệu chia sẻ, con trai ông không hề bị suy sụp bởi “nếu không có sức mạnh để vượt qua, mọi thứ sẽ chấm hết”.

Ông Lý Hiển Long luôn giữ tinh thần thoải mái trong quá trình điều trị ung thư lần thứ 1.

Theo bác sĩ Ang Peng Tiam, Giám đốc Trung tâm Ung thư Parkway (Singapore), bác sĩ chính điều trị bệnh ung thư hạch cho ông Lý Hiển Long, chính thái độ đón nhận ung thư đã giúp ông Long nhanh chóng khỏi bệnh.

Khi bị chẩn đoán mắc bệnh, ông Long không hề dấu bệnh, thay vào đó là công khai cho tất cả người dân Singapore biết. Ông đã xuất hiện trên truyền thông, ngay cả khi bị rụng tóc do hóa trị.

Ông không ngần ngại chia sẻ về cái chết trong quá trình đang điều trị bệnh. Nhưng khi chiến thắng căn bệnh ung thư, ông lại mang hi vọng cho rất nhiều bệnh nhân khác.

ung thư
Bức ảnh ghi lại hình ảnh ông Lý Hiển Long sau khi làm sinh thiết.

Với nhiều người, ung thư như cái án tử hình. Nhưng với ông Lý Hiển Long, ông vẫn kiểm soát được tinh thần và bệnh tật. Ông phối hợp tích cực với các phác đồ điều trị của bác sĩ.

Có thể nói, ông có ứng xử rất tích cực với căn bệnh chết người này.

Tinh thần lạc quan đó tiếp tục được giữ vững trong cuộc chiến thứ 2 với ung thư tuyến tiền liệt. Lần này, chính vị Thủ tướng nổi tiếng này chia sẻ chân thực trên trang cá nhân.

Sau khi làm sinh thiết do chẩn đoán mắc ung thư tuyến tiền liệt, ông đã chụp ảnh ngay tại bệnh viện đa khoa Singapore và đăng tải lên facebook.

Ngay trước và sau phẫu thuật (ngày 15, 16/2/2015), trang cá nhân của Thủ tướng Lý Hiển Long cũng đều thông báo rõ ràng về tình trạng bệnh tật cũng như kết quả phẫu thuật cho công chúng nắm rõ.

Có lẽ vì sự lạc quan và nỗ lực trong chữa trị mà cả 2 lần mắc bệnh ung thư, ông Lý Hiển Long đều được chữa trị thành công.

* Tổng hợp nhiều nguồn

Xem thêm  Chiến thắng ung thư giai đoạn 4 nhờ chế độ dinh dưỡng giàu kiềm

Hoàng Hương, theo Trí Thức Trẻ, Soha

Link