Nếu bạn muốn thay đổi và tác động vào sự nghiệp của mình, đừng bắt đầu từ ngọn, đừng chăm chăm vào kết quả mà hãy dồn trọng tâm vào phần gốc – nguyên nhân bắt nguồn từ chính bản thân bạn. Chỉ bằng cách này, bạn mới thực sự nắm thế chủ động trong bất kỳ tình huống nào.
Trong vô số câu chuyện thành đạt truyền cảm hứng ngày nay, một trong những bài học nổi trội được rút ra là mỗi thói quen, mỗi hành động, mỗi xu hướng tư duy riêng biệt sẽ dẫn đến một kết quả nhất định. Chắc chắn, rất nhiều người hết lòng tin tưởng rằng thay đổi thái độ là chìa khóa mở cửa thành công.
Chúng ta điên đầu tìm cách thay đổi hành vi của mình, mất hàng ngày, hàng giờ để phân tích những yếu điểm trong những gì chúng ta làm mà lại quên mất rằng chúng ta cần bắt đầu từ gốc rễ – từ nguyên nhân quyết định nên hành động.
Tư duy điều chỉnh hành vi, tư duy thay đổi, hành vi cũng thay đổi theo. Vậy mới có câu gieo suy nghĩ, gặt hành động. Và cũng vì thế có nhiều người không thực sự hành động nhưng vẫn đạt được mức độ thành đạt nhất định. Đó là bởi vì họ nắm vững quy luật của tư duy – hành vi. Chỉ bằng cách thay đổi nhận thức, tiến trình suy nghĩ, ngay lập tức mọi việc sẽ khác.
Dưới đây là bốn “không” bạn không bao giờ nên tư duy theo hướng ngược lại. Chỉ đơn giản bằng việc tuân thủ 4 nguyên tắc này, bạn sẽ tiết kiệm được kha khá sức lực tinh thần cũng như suy nghĩ tích cực để mở cửa cho một cuộc sống hạnh phúc viên mãn hơn.
Không có vận đen tuyệt đối
Theo luật nhân quả, chúng ta hiện tại là kết quả của những gì chúng ta từng làm trong quá khứ. Vì vậy, đừng đổ lỗi hay đau buồn gì cho hiện tại bởi những gì đang xảy ra bắt nguồn từ chính bản thân bạn. Bạn muốn sống hạnh phúc hơn? Thay đổi ngay từ bây giờ đi! Tuy nhiên, đừng bao giờ đầu hàng số phận. Đừng chỉ có ngồi đó và gặm nhấm nỗi đau của mình, hãy thay đổi những gì cần thay đổi để làm tiền đề cho một tương lai tốt hơn.
Theo cách nói của James Ray, “Một người có sức mạnh là người biết chấp nhận thử thách và hoàn thiện thái độ. Dù cuộc đời có đưa đẩy bạn vào tình huống nào, nản chí là điều không bao giờ nên có, thay vào đó, hãy coi sự cơ cực mà mình đang trải qua là một cơ hội học hỏi và học cách trân trọng nó”.
Không có biện minh nào là chính đáng
Hiện tại là cánh cổng cân bằng nối liền quá khứ và tương lai. Cuộc đời là một chuỗi hành động mà chúng ta hoàn toàn có thể nắm quyền kiểm soát trọn vẹn. Vì thế thay vì biện minh cho những quyết định sai lầm, hãy dành thời gian chuẩn bị cho tương lai để bù đắp những tổn thất trong quá khứ.
Không có lời phàn nàn hiệu quả
Chúng ta phàn nàn vì hai lý do chính. Một là để kêu gọi lòng đồng cảm, thương xót từ người đối diện, hai là để truyền đạt vấn đề mà mình đang mắc phải cho người khác hiểu. Cả hai lý do trên đều là nguyên nhân khiến việc phàn nàn trở thành liều thuốc độc trong bất kỳ mối quan hệ nào. Hơn thế nữa, phàn nàn là vật cản lớn ngáng chân chính chủ trên con đường đi đến thành công.
Thay vì phàn nàn, hãy trở thành cá nhân có lòng tự tôn cao, nói ít làm nhiều, giải quyết công việc trong thầm lặng, sau đó hãy chia sẻ với người khác về thành quả bạn đạt được. Bằng cách đó, bạn đã chuyển hướng suy nghĩ tiêu cực sang tư duy tích cực về những thành quả mà mình đạt được. Lúc này, thứ tồn tại và có giá trị duy nhất với bạn là kết quả, không phải là những trở ngại vụn vặt không đáng nói.
Không có oán hận vĩnh cửu
Hãy tha thứ cho người mượn bạn vài trăm nghìn mà mãi không chịu trả. Thậm chí, với cả những người chỉ cần bạn khi họ gặp khó khăn, hãy quên những kẻ đó đi. Đối thủ cạnh tranh dồn bạn đến bước đường cùng và khiến bạn làm ăn thua lỗ? Cũng hãy tha thứ cho người đó. Tha thứ không phải vì lỗi lầm của họ đáng để bỏ qua mà là vì chính bản thân bạn. Bằng việc xóa đi ân oán trong lòng, bạn đã mở ra vô số cơ hội mới cho bản thân bắt nguồn từ suy nghĩ tích cực và lòng lạc quan.
Nghĩ về bốn “không”, chọn ra một điều khiến bạn bận lòng nhất và thử trả lời những câu hỏi sau:
– Làm thế nào để thay thế lối cư xử trên?
– Lý do gì khiến mình rơi vào lối tư duy/cư xử như vậy?
– Có thể tránh những tình huống như vậy không?
– Nếu được, mình có tự nguyện tránh xa chúng không?
Lần lượt làm như vậy với ba nguyên tắc “không” còn lại. Sau cùng, bạn sẽ không còn bận lòng về những thứ gây tác động tiêu cực đến bạn. Thay vào đó, bạn sẽ nắm trong tay chìa khóa mở ra một thế giới mới: lạc quan hơn, tươi sáng hơn và nhiều cơ hội hơn dành cho bạn.
Hà Lê
Theo Nhịp sống kinh tế/Addicted2success