Thứ tư, Tháng mười hai 25
Shadow

Hiến kế để giúp lời nói của mẹ trở nên “có trọng lượng” và con biết lắng nghe, ngoan ngoãn hơn

Lắng nghe là kỹ năng sống quan trọng, cần thiết cho sự giao tiếp thành công của trẻ. Vì vậy, rèn kỹ năng này cho trẻ càng sớm càng tốt là nhiệm vụ tiên quyết của các bậc cha mẹ. Tuy nhiên, có một khác biệt rõ rệt trong cách mẹ nói chuyện với trẻ trong độ tuổi đi học tiểu học, trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi. Trẻ càng lớn thì việc lắng nghe và vâng lời mẹ dường như càng trở thành thách thức không nhỏ, đơn giản vì lúc này mẹ không còn có thể khiến con làm điều gì đó chỉ vì mẹ nói hay bảo làm vậy như hồi còn nhỏ.

Biết lắng nghe là một đức tính tốt đẹp mẹ cần rèn cho con ngay từ tấm bé. Quá trình rèn luyện đó là cả một hành trình lâu dài, mẹ cần có sự kiên nhẫn và tiến hành một cách khoa học theo từng độ tuổi khác nhau. Vì vậy những bí quyết sau đây sẽ vô cùng hữu ích trong việc giúp lời nói của mẹ trở nên “có trọng lượng” hơn và trẻ biết lắng nghe nhiều hơn.

1. Giao tiếp bằng mắt

Đôi mắt có sức hút mạnh mẽ, là cửa sổ để mẹ bước vào thế giới của con (Ảnh minh họa)

Mẹ hãy nhớ bí quyết quan trọng đầu tiên để trẻ lắng nghe lời mẹ hơn đó là cúi xuống ngang tầm mắt với con và đảm bảo mẹ và con đều đang nhìn nhau, có sự giao tiếp bằng mắt. Bằng cách này, mẹ không chỉ khiến con cảm thấy mẹ đang nói chuyện một cách nghiêm túc, mà còn đảm bảo trẻ tập trung và chú ý vào nội dung câu chuyện mẹ đang muốn truyền đạt. Nhưng mẹ lưu ý không nhìn chằm chằm vào con vì ánh nhìn đó khiến trẻ cảm thấy như bị kiểm soát hơn là sự giao tiếp, kết nối.

2. Cụ thể hóa điều muốn nói

Mẹ hãy nhớ rằng những gì có vẻ rõ ràng với người lớn thì chưa chắc trẻ đã hiểu và cảm thấy rõ ràng. Vì vậy, mẹ cần phải nói rõ ràng và rất cụ thể những gì mẹ muốn từ con. Thay vì yêu cầu con chuẩn bị để đi học, mẹ hãy nói cụ thể cho trẻ biết chính xác phải làm gì, chẳng hạn như đánh răng, tắm rửa, mặc đồng phục. Thông điệp càng rõ ràng, con càng dễ dàng xử lý và ghi nhớ các hướng dẫn này cho những lần sau.

Xem thêm  Đừng bỏ qua 10 loại thực phẩm này khi bị cảm lạnh, bạn sẽ rất mau khỏi nếu ăn chúng thường xuyên

3. Thông cảm cho con

Cũng giống như người lớn, trẻ cũng có những lúc làm việc không hiệu quả, phản ứng chậm, mắc lỗi hoặc không muốn tập đàn piano, làm bài tập về nhà. Đôi khi, trẻ chỉ cần sự thông cảm, trấn an từ mẹ rằng những lúc như vậy có thể chấp nhận được, chẳng hạn như: “Mẹ biết môn Toán đang làm khó con, vậy sau khi con hoàn thành bài tập, chúng ta sẽ đi dạo nhé!”. Trẻ sẽ cảm thấy thoải mái khi được mẹ thấu hiểu và chia sẻ.

4. Đặt câu hỏi, lắng nghe con

Tiến sĩ, bác sĩ Tâm lý học lâm sàng, cố vấn tâm lý học đường tại trường German European School (Singapore) Hana Ra Adams cho biết: “Lý do lớn nhất khiến trẻ xa lánh cha mẹ, không muốn lắng nghe là vì chúng cảm thấy cha mẹ cũng không lắng nghe lời con nói. Đôi khi chính cha mẹ quên mất rằng con trẻ cũng cần được lắng nghe và thấu hiểu những gì trẻ nói và trẻ đang cảm thấy thế nào”. Vì vậy mẹ hãy thể hiện sự quan tâm đến cuộc sống của con bằng cách đặt câu hỏi về sở thích và những việc không thích của con, người mà con hay đi chơi, nói chuyện cùng, những điều làm con thấy vui vẻ, hứng thú. Mẹ hãy ghi nhớ và ghi chú lại tất cả những thông tin này. Khi trẻ biết mẹ quan tâm và hiểu thế giới nội tâm của mình, trẻ sẽ càng dễ dàng mở lòng với mẹ và sẵn sàng lắng nghe mẹ nhiều hơn.

5. Suy nghĩ thấu đáo

Khi con cái yêu cầu một điều gì đó, mẹ hãy tạm dừng và suy nghĩ về những gì con đã nói, sau đó giải thích cho trẻ về quyết định cuối cùng. Bởi nó không chỉ đơn giản với câu trả lời là Có hoặc Không, mà cách diễn giải của mẹ sẽ chỉ cho con cách mẹ đang giải quyết vấn đề, giúp con có kỹ năng giải quyết các vấn đề của mình trong tương lai.

6. Kĩ năng nhắc lại

Ảnh minh họa

Đây là kĩ năng tốt cho cả mẹ và bé. Khi mẹ nhắc lại những gì con vừa nói sẽ giúp bảo đảm rằng mẹ đã lắng nghe và đánh giá tầm quan trọng những lời của con. Chẳng hạn như: “Vậy là con thích đạp xe hơn là đi dạo công viên, có đúng không?”. Ngược lại, mẹ cũng yêu cầu trẻ nhắc lại hướng dẫn của mẹ để khẳng định trẻ đang chú ý và lắng nghe lời mẹ. Nếu trẻ có chú ý mà vẫn không thể nhắc lại tức là thông tin của mẹ quá dài hoặc quá phức tạp khiến trẻ khó hiểu.

Xem thêm  Có một hình thức kỷ luật trẻ tưởng hiệu quả nhưng lại nguy hại khôn lường

7. Nhìn nhận vấn đề dưới góc nhìn con trẻ

Trẻ em cảm thấy khó thể hiện bản thân khi bị cảm xúc chi phối hoặc người khác điều khiển. Tiến sĩ Adams khuyên mẹ hãy giúp con nhìn nhận và nêu ra cảm xúc của bản thân, giúp trẻ tìm ra vấn đề đang khiến trẻ gặp khó khăn. Nếu mẹ muốn con lắng nghe mỗi khi mẹ nói, vậy hãy cố gắng lắng nghe con, bất kể vấn đề đó nhỏ hay thậm chí đơn giản như thế nào. Nhìn nhận sự việc dưới quan điểm và góc nhìn của trẻ sẽ khiến trẻ dễ dàng mở lòng và biết lắng nghe khi người khác nói.

8. Mở lòng hơn với con

Sự mở lòng của mẹ giúp trẻ thoải mái và cởi mở hơn, trẻ cũng dễ dàng nói lên cảm xúc của mình (Ảnh minh họa)

Hành động chia sẻ cảm xúc của mẹ với con sẽ giúp gắn kết sợi dây tình cảm, gia tăng sự gần gũi với con cái nhiều hơn. Trẻ cảm thấy mẹ cũng đang có những vấn đề giống như trẻ. Chẳng hạn: “Hôm nay mẹ rất mệt vì có nhiều việc quá”. Sự mở lòng của mẹ giúp trẻ thoải mái và cởi mở hơn, trẻ cũng dễ dàng nói lên cảm xúc của mình. Từ đó thảo luận cùng đưa ra phương án, lắng nghe và tìm cách giải quyết cùng nhau.

9. Thận trọng khi phán xét con

Mẹ cần thận trọng khi phán xét con bằng những câu như: “Con quá thô lỗ/bất lịch sự; Con hư quá!”. Đây là những lời phán xét vào con người của con thay vì hành động sai của con, càng khiến trẻ phản đối và tỏ ra bất cần. Mẹ hãy tách biệt hành động và con người con, làm rõ hành vi không đúng của con.

10. Nhìn lại cách truyền đạt thông tin của mình

Sẽ là sai lầm nếu mẹ muốn dùng uy quyền để ra lệnh cho con, dùng mệnh lệnh để ép trẻ nghe lời. Bên cạnh sự cương quyết và cứng rắn thì cách truyền đạt thông tin tới trẻ cũng cần sự khéo léo và tinh tế. Mẹ có thể cho con thêm sự lựa chọn để bé cảm thấy thoải mái thay vì bị ép buộc, ví dụ: “Con có muốn đi tắm sau 10 phút nữa không?” thay vì ra lệnh: “Đi tắm ngay bây giờ!”. Trẻ có thể sẽ nghe theo nhưng tâm trạng không vui vẻ và lâu dần không còn muốn nghe mẹ nói nữa.