Thứ sáu, Tháng mười hai 6
Shadow

Hiểu về ô nhiễm không khí ở Hà Nội

Đây là bài viết mà Thạch tổng hợp lại tất cả những gì mình đã giành thời gian của mình cố gắng đi sâu tìm hiểu, nghiên cứu, quan sát về ô nhiễm không khí, không chỉ riêng Hà Nội. Từng có rất nhiều băn khoăn về tình hình chất lượng không khí, sau khi đi nhiều thành phố khác nhau trên TG, tới bất cứ đâu, Thạch đều chăm chú quan sát tới chất lượng không khí. Khuôn khổ bài viết này sẽ cố gắng tổng hợp lại một cách khái quát bằng cách tự đặt ra các câu hỏi và trả lời.

1. Tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội là như thế nào?

Trả lời: Ô nhiễm không khí có nhiều loại, trong đó có ô nhiễm khí độc, ô nhiễm khí có hại cho sức khỏe và ô nhiễm bụi. Trong đó ở Hà Nội cũng như các tỉnh lân cận khu vực đồng bắc bắc bộ nổi lên tình trạng ô nhiễm bụi và bụi mịn. Bụi mịn là các hạt bụi có kích thước rất nhỏ, chỉ vài micromet, chúng có thể là bất cứ thứ gì, nhưng vì có kích thước rất nhỏ nên chúng lơ lửng và choán đầy trong không khí. Người ta thường gọi bụi mịn là PM2.5 có nghĩa là Particulate Matter 2.5 hiểu là bụi mịn có đường kính nhỏ hơn 2.5 micromet.
Nồng độ bụi mịn được quy đổi ra giá trị thang đo. Nếu mức chất lượng không khí tốt là <50 thì mức khá là từ 50 đến 100. Mức không tốt là từ 100 đến 200, mức nguy hiểm đến sức khỏe là từ 200 đến 300 và từ 300 trở lên là mức rất nguy hại cho sức khỏe. Tình trạng của Hà Nội theo quá trình quan sát và theo dõi hàng ngày tại thời điểm viết note (mùa đông, đầu năm 2019) thì PM2.5 dao động từ 150~220.
Chúng ta vẫn có những ngày trời rất trong lành, sạch sẽ, đặc biệt là vào mùa hè. Và ngược lại, cũng có những ngày ô nhiễm vượt mức 300, cùng tìm hiểu tại sao ở phần tiếp theo bên dưới.
ô nhiễm

2. Bụi mịn là gì, khác gì với các loại bụi khác? Ảnh hưởng tới sức khỏe như thế nào?

Bụi có nhiều loại. Theo nhiều cách phân chia. Có bụi kim loại, bụi nhôm, sắt, đồng, thiếc, thủy ngân cũng có thể có. Bụi vải do công nghiệp dệt may cũng không hề nhỏ. Bụi gỗ do công nghiệp sản xuất. Bụi nhựa, bụi cát, bụi xi măng. Có cả bụi ở thể lỏng. Nhưng nhìn chung bền vững trong không khí là các loại bụi rắn.
Bụi phân chia theo kích thước. Bụi to, bụi thô, bụi cát, bụi cỡ vừa, cỡ nhỡ, cỡ pm20, pm10, pm5, pm2.5, pm1… Các loại bụi to, bụi thô và cỡ vừa là các loại bụi nặng và nhanh chóng lắng xuống mặt đất và dễ bị cuốn đi theo nước. Bụi đường và bụi xây dựng phần lớn là loại bụi này. Xe cộ thường cuốn lên hoặc theo những cơn gió to. Nhìn chung loại bụi này chủ yếu gây bẩn, gây khó chịu, gây dị ứng tức thời chứ không ảnh hưởng tới sức khỏe một cách lâu dài trừ trường hợp nồng độ quá cao như trường hợp công nhân mỏ than, cơ sở sản xuất xi măng, đá.. Còn với đa số trường hợp ở thành thị, bụi thô cho đến bụi cỡ nhỡ dễ dàng lọc bởi khẩu trang và kể cả nếu không có khẩu trang, hệ hô hấp cũng có hệ thống ngăn chặn, lọc và đào thải bụi một cách tự động.
Bụi mịn và siêu mịn. Từ 20um cho đến khoảng dưới 2.5um. Loại bụi này lơ lửng nhiều trong không khí, kích thước nhỏ, khối lượng nhẹ nên rất ít lắng, chúng lơ lửng và choán đầy trong không khí, dễ dàng len lỏi qua các loại khe cửa, vì vậy trong nhà cũng vẫn bị ảnh hưởng dù đóng kín. Loại bụi này là kết quả của việc đốt, đốt củi, đốt rạ, đốt rác, đốt các chất cháy dở dang, khí xả động cơ, đốt than….
Bụi siêu mịn (tên gọi đúng của Pm2.5) là loại có ảnh hưởng đến sức khỏe. Vì kích thước quá nhỏ khiến chúng dễ dàng xuyên qua hệ thống lọc của hệ hô hấp để đi vào các mao quản và xâm nhập về hệ tuần hoàn. Một khi đã vượt qua được lá chăn bụi ở phổi, chúng đi vào cơ thể và rất khó đi ra.
Sư nguy hại của bụi PM2.5 chính nằm ở chỗ này, nó có thể vào cơ thể nhưng không thể đi ra. Bất cứ cái gì đi vào được mà không ra được đều rất nguy hại đối với cơ thể sinh vật về lâu dài. Bụi sẽ được máu luân chuyển và kết thúc ở các điểm cuối của mạch máu. Đến các mô và trở thành các chất cản trở trao đổi chất, thành những vị khách không mời mà tới, có thể gây khó chuyển hóa hoặc trục trặc trong quá trình trao đổi chất, quá trình nguyên phân. Bụi mịn theo máu đi đến não và tích lại ở nền sọ lâu dần có thể làm cản trở quá trình trao đổi thông tin, tắc nghẽn sự truy cập và gây ra bệnh mất trí nhớ Alzheimer.
Sự nguy hiểm của ô nhiễm bụi mịn là việc sức khỏe bị ảnh hưởng về lâu về dài chứ không phải gây ra các vấn đề cấp tính. Nó giống như những người nghiện thuốc lá. Người hút thuốc lá cũng liên tục đưa vào phổi làn khói thuốc, họ không chết ngay, cũng không ốm ngay nhưng các vấn đề về hô hấp và các vấn đề khác lâu dài rồi cũng rủ nhau mà tới.
ô nhiễm

3. Ô nhiễm bụi mịn Quan sát thế nào?

Khác với bụi thô và bụi nhỡ có thể quan sát được như bụi đường, bụi công nghiệp..Phần lớn bụi mịn và siêu mịn không thể nhìn thấy trực tiếp bằng mắt thường, nhưng có thể quan sát được ở quy mô lớn vì bụi mịn làm tán xạ các tia sáng và làm không khí trở nên mù đục. Với sự xuất hiện của bụi mịn nồng độ cao, chúng ta sẽ có một bầu không khí nhờ nhờ, đục đục, không thể nhìn rõ những tòa nhà cách xa từ vài trăm đến vài km. Những tòa nhà ở xa quá 3km đôi khi cũng không thể nhìn thấy.

ô nhiễm

Một ngày điển hình ô nhiễm bụi ở Hà Nội
Bụi mịn có thể được quan sát bằng một thủ thuật dựa trên nguyên lý tán xạ ánh sáng. Dùng nguồn sáng mạnh, dải hẹp trong phòng tối để làm rõ sự tán xạ ánh sáng của bụi mịn như thí nghiệm bên dưới.
Như vậy những ngày ta thấy không khí ngoài đường có sự mù đục, nhờ nhờ không phải mịt mù hẳn như sương, chúng ta hiểu rằng hôm đó là ngày ô nhiễm bụi mịn và cân nhắc cho các hoạt động ngoại trời.
Nhưng cũng cần phân biệt rõ sự mù đục của ô nhiễm bụi mịn với sự mù đục của các hiện tượng khí tượng thông thường khác.
a. Sương.
Sương thường xuất hiện trong những ngày thu và đông, khi nhiệt độ về đêm thấp nhưng trời lại quang mây và có nắng vào ban ngày. Nhiệt độ ngày và đêm chênh lệch và độ ẩm cao thường xuất hiện sương sớm.
Sương bản chất là hơi nước nên không liên quan đến ô nhiễm. Đặc điểm của sương là thường đặc, màu trắng tinh, tầm nhìn trong sương chỉ vài chục mét. Và thường chỉ xuất hiện sáng sớm, khi nắng lên sẽ tan. Và chỉ xuất hiện khi độ ẩm cao.
Do vậy những khi mà giữa trưa vẫn thấy mù mịt thì không phải là sương đâu nhé.
b. Hiện tượng mây thấp.
Hiện tượng này không thường xuyên xảy ra nhưng cũng không quá hiếm gặp vào mùa đông đối với những vùng gần biển.
Cụ thể hiện tượng đó là cao độ tụ mây hạ thấp xuống gần mặt đất trong nhưng ngày nền nhiệt thấp nhưng độ ẩm lại rất cao do gió mùa lệch đông. Trời thường âm u, dẫn đến hiện tượng nghịch nhiệt, các khối mây thấp không có đối lưu để bốc lên cao nên cứ duy trì cao độ thấp.
Vào những ngày mây thấp, cao độ tụ mây có thể hạ xuống mức 200~300m thậm chí 100m hoặc sát đất. Có nghĩa chúng ta sẽ quan sát mây trôi qua là là qua thành phố cứ như ở trên Sapa hay Đà Lạt.
Nguyên nhân: Không khí càng lạnh càng chứa hơi nước kém hơn. Mỗi mức nhiệt độ không khí chứa được một lượng hơi nước bão hòa xác định và nhiệt độ càng hạ xuống thì lượng hơi nước chứa được này càng giảm đi. Nếu ở một nhiệt độ đang đạt mức độ ẩm bão hòa, thì nếu ta hạ nhiệt độ xuống, phần hơi nước bị dư sẽ buộc phải hóa lỏng và tụ thành các hạt nước. Đó là cách hình thành mây và cũng là cách hình thành nồm cũng là cách giải thích vì sao cốc nước bỏ từ tủ lạnh ra lại bị chảy mồ hôi.
Khi gió đông bắc lệch đông thổi mạnh từ vịnh bắc bộ vào miền Bắc, nó mang theo rất nhiều hơi ẩm nhưng nhiệt độ lại thấp cho nên nhiệt độ điểm sương (nhiệt độ đọng sương) (dew point) tăng cao lên. Và khi nhiệt độ thực tế bằng hoặc thấp hơn nhiệt độ điểm sương thì xảy ra hiện tượng cao độ tụ mây hạ rất thấp.
Đặc điểm của mây thấp là từng đợt từng đợt, từng cục từng cục. Khi nằm trong mây đương nhiên ta thấy trắng đục hoàn toàn, tầm nhìn rất ngắn. Thi thoảng lại hết thi thoảng lại đục. Những hôm mây thấp chắc chắn độ ẩm >95% trở lên và gió đông bắc lệch đông thổi.

ô nhiễm

Hiện tượng mây thấp giữa trưa

ô nhiễm

Hiện tượng mây thấp ban đêm
c. Mù do hơi ẩm sau mưa rào hoặc hơi ẩm bề mặt sông hồ, ruộng trong những ngày độ ẩm cao và có nắng.
Khi mưa rào xuống gặp chênh lệch nhiệt độ lập tức nó bốc hơi rất mạnh. Cho nên dù cho hôm đó có thể độ ẩm không cao nhưng vẫn hình thành lớp hơi nước sát mặt đất khá đục.
Cũng như khi trời nắng những ngày độ ẩm cao, bề mặt nước vẫn bốc hơi và tạo ra một lớp mù. Lớp mù này khá là khó phân biệt với mù của bụi mịn bởi đều những hạt có kích thước nhỏ lơ lửng trong không khí, chỉ thay vì hạt bụi thì là hạt nước liti.
Chỉ có một cách để nhận biệt đó là độ ẩm. Nếu độ ẩm cao thì lớp mù có thể đồng thời là bụi mịn đồng thời là các hạt nước liti. Còn nếu độ ẩm thấp, thường <70% thì các hạt nước không bền mà nhanh chóng hóa hơi do vậy nếu độ ẩm thấp mà trời mù thì phần lớn sẽ là ô nhiễm bụi mịn.

4. Nguồn gốc của ô nhiễm bụi mịn?

ô nhiễm

Dữ liệu viễn thám GEOS 5 về phân bố nồng độ CO trong 1 thời điểm. (từ windy.com)
Bụi mịn được sinh ra nhờ quá trình đốt các chất hữu cơ, cháy dở dang, đốt nhiên liệu chứa nhiều tạp chấp như đốt củi, đốt rạ, đốt rác, đốt rơm rạ, khí xả từ động cơ chạy xăng dầu, đốt than, .. và các vụ cháy như cháy nhà, cháy rừng, núi lửa phun trào..
Các hiện tượng cực đoan của thiên nhiên như cháy rừng, núi lửa phun cũng như sự cố như cháy nhà là các hiện tượng hiếm, không thường xuyên nên không phải là nguồn gốc của những ô nhiễm mang tính thường xuyên.
Có thể phân loại nguồn gốc của ô nhiễm bụi mịn ở Hà Nội gồm các loại: Nội sinh, nội sinh cục bộ, nội sinh lân cận, nội sinh vùng và Ngoại xâm như sau:
_Nội sinh cục bộ nội sinh gồm đốt rác, đốt rơm rạ, đốt bếp than, khí xả của động cơ của các phương tiện.
_Nội sinh lân cận gồm khí xả của các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp có các hoạt động tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch như than – xăng – dầu, đốt rơm rạ, đốt tre nứa để sản xuất than hoạt tính.
_Nội sinh vùng gồm nhiệt điện đốt than, dầu, các khu cộng nghiệp nặng sản xuất gang thép, xi măng.

_Ngoại xâm từ khu vực lân cận, đặc biệt là Trung Quốc, theo gió đông bắc thổi tới. Trung Quốc cũng rất nhiều siêu đô thị đông dân và sản xuất công nghiệp thuộc loại hàng đầu TGioi nên hiển nhiên ô nhiễm nội sinh của Trung Quốc còn rõ rệt hơn so với ta, ô nhiễm không khí theo gió khuếch tán từ nơi này đi nơi khác nên không thể tránh được việc bị ảnh hưởng khi miền bắc đón những đợt gió bắc yếu thổi về.

Xem thêm  Những quan điểm nuôi dạy con sai lầm gây hệ lụy cho tương lai sau này của trẻ, cha mẹ nên biết để tránh mắc phải

5. Theo dõi tình hình ô nhiễm bụi mịn như thế nào?

A. Theo dõi qua các kênh, các website báo chỉ số ô nhiễm không khí. Các website hiện nay có cung cấp tình hình ô nhiễm bụi mịn gồm có:
1/ Aqicn.org: Search theo thành phố Hanoi hoặc Hochiminh sẽ ra chỉ số ô nhiễm không khí (AQI) ở 1 số ít trạm đo ở Hanoi và HCM. Tuy nhiên chưa có nhiều trạm đo và những trạm đo này chỉ phản ánh phần không khí cục bộ xung quanh trạm đo. Để đánh giá đúng về mức độ ô nhiễm của một khu vực rộng thì ta cần nhiều các mẫu đo ở các địa điểm khác nhau để so sánh. Đó là lý do chúng ta cần tham khảo ở các nguồn khác nữa.
2/ moitruongthudo.vn — web này cập nhật khá nhiều trạm đo rải rác ở nội thành Hà Nội, nhược điểm là thường xuyên cập nhật muộn một ngày tức là báo chỉ số ô nhiễm của ngày hôm trước.
3/ PAM Air / Pamair.org — phần mềm và web cũng như hệ thống các trạm đo rộng khắp Hanoi (hiện tại đã phủ gần như khắp cả nước) và được phát triển độc lập bởi nguồn vốn tư nhân, sử dụng các sensor đo bụi trực tiếp bằng phương pháp lightscattering đo và kết nối wifi báo chỉ số bụi mịn theo thời gian thực.
4/ Air Visual: — Kênh này sử dụng số liệu từ 1 số ít trạm đo vật lý kết hợp với số liệu viễn thãm (độ chính xác không cao) để xây dựng model về ô nhiễm bụi mịn. Có giá trị tham khảo để hình dung về sự biến đổi nhưng các con số mà Air visual đưa ra đôi khi không phản ánh chính xác như những số liệu từ các trạm đo vật lý từ các nguồn liệt kê bên trên. Mình không khuyến khích mọi người tin vào các số liệu của kênh này vì lý do như trên.
B. Theo dõi bằng mắt thường:
Nếu chúng ta từng xem các phương tiện truyền thông đưa tin về sự ô nhiễm không khí ở Trung Quốc, Mông Cổ, hay Ấn Độ thì chúng ta sẽ thấy đều có một điểm chung đó là không khí mù đục. Lớp mù đục này có màu hơi xám chứ không trắng như sương, mây. Lớp mù này cũng không đặc như mây, chúng loãng hơn, đủ để chúng ta vẫn nhìn rõ những vật ở gần nhưng nhưng ở những khoảng cách xa dần thì mờ nhờ và nhìn xa thì đục hẳn, như thể một làn sương mỏng. Lớp mù này gọi là Smog – cách gọi kết hợp giữa fog và smoke (sương – khói)
Lớp smog này chính là lớp bụi mịn lơ lửng cùng với các chất khí ô nhiễm có trọng lượng riêng lớn khác như NO2, SO2, O3. Vì chúng là bụi lẫn trong không khí nên trọng lượng riêng của chúng nặng hơn và vì vậy khó đối lưu. Chúng tồn tại thành một layer sát đất và tùy nồng độ, mức độ ô nhiễm ngày hôm đó là layer này có thể có độ dày biến thiên. Có thể từ một vài trăm mét đến hàng kilomet hoặc hơn. Dựa vào đâu để phán đoán được độ dày layer bụi mịn này?
Dựa vào quan sát.

ô nhiễm

Ví dụ về layer smog hình thành rõ ràng ràng trong một ngày trong nắng, không có mây và tĩnh gió
Bằng phép hình học đơn giản có thể xác định được độ dày layer này
trong ảnh là vào khoảng 700m ~ 2 lần chiều cao tòa nhà Keangnam.

ô nhiễm

Cũng góc nhìn trên, minh họa về một ngày không khí sạch, không bị ô nhiễm.

ô nhiễm

Layer ô nhiễm có màu xám có cao độ vươn đến tầng mây thấp. Ảnh: Anh Zoso Dung Nguyen

ô nhiễm

Layer nhìn rõ rệt.

ô nhiễm

Một ngày ô nhiễm nặng, chỉ số PM2.5 đạt 260
Đặc điểm nhận biết khi ở dưới mắt đất: nhìn xa mờ nhòe, màu hơi xạm, màu trời vỗn dĩ màu xanh đậm thì khi không khí bị ô nhiễm, nhìn từ dưới đất màu trời chỉ có màu xanh lơ, xanh nhạt, càng ô nhiễm nặng thì màu càng nhạt. Và mây trong những ngày không khí sạch thì trắng tinh và tách bạch với nền trời xanh thì với ngày ô nhiễm, mờ bị mờ nhòe, cảm giác như ta dần với nền trời xanh lơ.

ô nhiễm

Một ngày ô nhiễm nặng khác, layer bụi rất dày, mặt trời lặn từ rất sớm dù trời rất ít mây

ô nhiễm

So sánh với một ngày AQI tốt, không khí sạch hơn. Dù hôm đó trời âm u

6. Tại sao không khí ô nhiễm nhưng vẫn có những ngày trời trong xanh, không khí sạch sẽ trong lành? Cái gì đã làm sạch không khí?

Nói về tác nhân làm sạch không khí thì phải khẳng định rằng những gì thuộc về không khí đều gắn bó mật thiết tới các khí tượng và ô nhiễm không khí cũng vậy. Chính các yếu tố khí tượng ảnh hưởng đến tình trạng ô nhiễm và theo các chiều hướng khác nhau. Kể ra như sau:
Mưa?
Những cơn mưa rào lớn trên diện rộng có thể giúp gột bớt lượng bụi trong khí quyển và rửa trôi những bụi bặm bám lại trên đường xá và cây cối, nhờ đó không khí sẽ trong lành hơn, đường xá cũng sạch sẽ hơn. Mưa lớn cũng thường đi cùng với 1 yếu tố quan trọng nhất nữa giúp làm sạch không khí, đó là GIÓ. Mưa lớn cũng làm đối lưu diễn ra mạnh và góp phần khuếch tán ô nhiễm trong tầng không khí sát đất.
Mưa nhỏ mà đặc biệt là mưa phùn thì không suy suyển gì nếu không đi cùng với gió.
GIÓ?
GIÓ chính là yếu tố tự nhiên giúp làm sạch ô nhiễm không khí một cách hiệu quả nhất. GIÓ như cây chổi quét nhà, đẩy không khí ô nhiễm đi nơi khác, khuếch tán nó đi.
Những ngày gió mạnh là những ngày không khí sạch. Nếu gió thổi từ vùng ít ô nhiễm tới thì không khí sẽ cực kì sạch. Air Quality Index có thể tới mức 15~30 tức là sạch như ngoài đảo xa. Nếu gió được thổi từ vùng ô nhiễm thì không khí đương nhiên bị bẩn nhưng nếu thổi mạnh thì vẫn sạch hơn thổi nhẹ, vì thổi mạnh tức làm tăng cường khuếch tán, đối lưu.
Đối với miền bắc Việt Nam: Nguồn ô nhiễm nội sinh lớn nhất là phía đông: ở vùng Quảng Ninh – Hưng Yên – Hải Dương. Và ô nhiễm ngoại xâm là từ phía bắc tức Trung Quốc. Bởi TQ cũng như Vietnam nhưng ở quy mô đô thị đông đúc hơn, hoạt động công nghiệp mạnh hơn và cũng chịu ảnh hưởng của các yếu tố khí hậu tương đồng nên nhìn chung họ gây ô nhiễm và chịu ô nhiễm hơn so với mình. Vào những ngày họ ô nhiễm mà có gió thổi từ họ về ta thì đương nhiên ta nhận được thêm ô nhiễm không khí, dù có thể trên đường đi, ít nhiều ô nhiễm được khuếch tán bớt hoặc được giữ lại bởi một số diện tích rừng. Nhưng bụi mịn rất ít lắng nên rừng giữ lại cũng không nhiều.
Như vậy, quy luật ô nhiễm không khí của mùa đông: Gió mùa tức gió bắc – đông bắc thổi: Những ngày đầu thổi mạnh trời trong trẻo, đục dần lên ở những ngày tiếp theo và khí gió thổi yếu đi không khí sẽ cực kì bẩn và kéo dài cho đến đợt gió mùa tiếp theo.
Vào mùa hè. Không khí sẽ cực kì sạch vào những ngày gió PHƠN. Tức gió tây, tây nam. Vì phía tây và tây nam rất sạch sẽ, toàn rừng. Phía tây và tây nam, địa hình núi cao như những bức tường, hơi ẩm và ô nhiễm hầu hết bị giữ lại phía bên kia. Khiến cho gió thổi sang nóng, khô nhưng rất sạch, AQI những ngày này có thể dưới 10, thậm chí trong nhà từng có nơi đo được chỉ 3~4 đơn vị nồng độ pm2.5.
Những ngày trời gió đông thì không khí sẽ lại ô nhiễm. Những ngày gió đông nam hoặc gió nam không khí sẽ sạch hơn 1 chút nhưng không thể sạch như những ngày gió tây.

ô nhiễm

Trời trong xanh, không khí sạch gần như perfect trong những ngày gió phơn thổi mùa hè

ô nhiễm

Hà Nội vào một ngày không khí trong lành tuyệt đối khi vừa trải qua một cơn giông với gió rất mạnh, toàn bộ các loại ô nhiễm đều bị cuốn bay hết, bầu trời trong đến nỗi nhìn dã núi Ba Vì cách xa 40km vẫn rõ mồn một.
Đối lưu.
Rõ ràng đối lưu đóng vai trò rất quan trọng trong việc khuếch tán ô nhiễm. Đối lưu tạo ra các dòng khí dịch chuyển theo chiều dọc, khuấy động tạo gió và khuếch tán ô nhiễm. Đó là lý do mùa hè, những ngày trời nắng nóng thường không khí sạch sẽ hơn do nhiệt độ cao thúc đẩy đối lưu và những cơn gió.
Nghịch nhiệt?
Trái với đối lưu, nghịch nhiệt là hiện tượng khí tượng giữa cho không khí không đối lưu. Hiện tượng này thường xảy ra vào mùa đông, những ngày trời âm u, nền nhiệt sát đất là thấp trong khi mặt trời làm nóng phần không khí phía trên khiến cho không khí bị tình trạng dưới lạnh trên nóng và vì vậy không thể xảy ra đối lưu. Ô nhiễm cũng vì vậy mà bị giữ lại, thậm chí bị nén lại xuống sát đất.
Đó là lý do những ngày mùa đông trời âm u, tĩnh gió, không khí lại rất bẩn.

7. Liệu chỉ có Hà Nội bị ô nhiễm? Liệu rời khỏi Hà Nội là ta có không khí trong lành?

Câu trả lời là chưa hẳn.
Cùng nhìn lại mục 4. nói về nguồn gốc ô nhiễm bụi mịn: Nguồn gốc của ô nhiễm bụi mịn ở Hà Nội gồm các loại: Nội sinh, nội sinh cục bộ, nội sinh lân cận, nội sinh vùng và Ngoại xâm.
Trong các yếu tố này thì nội sinh vùng được nhắc đến là yếu tố gây ra ô nhiễm bụi mịn cho quy mô cả vùng lãnh thổ chữ không bó hẹp phạm vi một khu vực như một thành phố. Và tác nhân gây ảnh hưởng ô nhiễm rộng như vậy chính là các hoạt động đốt nhiên liệu quy mô lớn mà ở đây chính là nhiệt điện đốt than và các hoạt động công nghiệp nặng sử dụng than hoặc dầu.
Trong các loại nhiên liệu, than là loại có chi phí thấp nhất để sản xuất điện cho nên nhiệt điện than được sử dụng nhiều trong giai đoạn phát triển công nghiệp nóng hiện nay. Nhưng than là loại nhiên liệu gây ô nhiễm nhất, đặc biệt là tạo ra bụi tro, bụi mịn. Lượng bụi tạo ra khi đốt than là nhiều hơn đốt dầu, nhiều hơn xăng và xăng thì nhiều hơn đốt gas. Đốt gas về mặt lý thuyết thì không sinh ra bụi mịn vì gas là loại nhiên liệu không có chất nền, không có tạp chất rắn để sinh khói, tro bay.
Các tháp thải khí xả được đưa lên cao tại các nhà máy nhiệt điện và cộng với việc khí nóng bốc lên cao khiến cho lượng bụi khủng được bốc lên cao rồi mới từ từ khuếch tán dần và chìm xuống, chính điều đó khiến cho ô nhiễm bụi mịn từ một nhà máy đôi khi không ảnh hưởng nặng nhất ở chính khu vực nhà máy mà trải rộng ra vùng và đôi khi ảnh hưởng nặng hơn ở 1 khoảng cách xa so với nhà máy theo chiều gió thổi.
Các dữ liệu viễn thám và các số liệu đều cho thấy ô nhiễm bụi mịn không diễn ra cục bộ mà diễn ra trên quy mô vùng. Không phải ô nhiễm chỉ có ở Hà Nội, đó là cách hiểu sai lầm. Đôi khi chúng ta đi về Hưng Yên, Nam Định hay ngược lên Vĩnh Phúc, chúng ta vẫn nhận được bầu không khí mù đục và các chỉ số AQI gần như nhau.
Chỉ có khu vực tây bắc địa hình cao, sự lan truyền ô nhiễm không khí ở tầng thấp đôi khi không vượt qua được các dãy núi nên khó ảnh hưởng tới khu vực miền núi cao. Do vậy Tây Bắc bộ hầu như quanh năm không khí đều sạch.
Dựa theo kinh nghiệm của bản thân qua một quá trình quan sát lâu dài cả quan sát qua phần mềm khí tượng, viễn thám và thực địa thì ở Việt Nam, khu vực quanh năm sạch là trung bộ, nam trung bộ, kế đến là tây bắc bộ, tây nguyên. Kế đến là bắc trung bộ, đồng bằng sông cửu long và sau đó là đông nam bộ và kém sạch nhất là bắc bộ. Thủ đô Hà Nội và TP HCM sẽ ô nhiễm hơn một phần vì lượng khí xả phương tiện, sinh hoạt của con người liên quan đến việc đốt.
Hàng năm thì vào vụ cả nước ta có màn đốt rạ đôi khi cũng gây ra ô nhiễm cục bộ trầm trọng ở khu vực đồng bằng bắc bộ.

ô nhiễm

Bản độ tập trung khí CO thời gian thực trong một thời điểm. CO là khí tạo ra do quá trình oxy hóa không hoàn toàn các chất hữu cơ, nó phản ánh các hoạt động đốt nhiên liệu của con người và chúng ta thấy được sự phân bố của ô nhiễm không khí là mang quy mô toàn vùng chứ không cục bộ.

8. Chúng ta có thể làm gì để giảm ô nhiễm bụi mịn? Liệu trồng nhiều cây xanh có giúp giảm ô nhiễm bụi?

Để làm giảm ô nhiễm bụi mịn chúng ta có 2 nhóm công việc:
1/ Giảm phát thải bụi mịn
Như đã phân tích, bụi mịn phần lớn được phát tán vào môi trường thông qua việc đốt, sự cháy của các nhiên liệu hóa thạch hoặc các chất hữu cơ chứa nhiều tạp chất. Vì vậy giảm phát thải bụi mịn tức là giảm đốt nhiên liệu như than, củi, rơm rạ, rác.
Nếu đốt rơm rạ một năm chỉ diễn ra 2 đợt thì đốt than lại là liên tục hàng ngày và khối lượng than phải đốt để phục vụ sản xuất năng lượng cũng chiếm một tỉ trọng lấn át các nguồn khác.
Chính vì vậy, giải pháp để giảm phát thải bụi mịn cần phải nhắm vào việc hạn chế dần nhiệt điện than. Dần dần thay thế nhiệt điện than bằng các nguồn điện khác sạch hơn như điện gas và năng lượng tái tạo, thậm chí điện hạt nhân. Đây là cả một câu chuyện dài và là một đề tài nhức đầu óc nhưng ít nhất về nhận thức xã hội, chúng ta cần nhìn nhận rằng vì môi trường, thì nhiệt điện than trong tương lai cần được khống chế và thay thế dần.
Các siêu thành phố với dân số vài chục triệu người cũng là những nguồn phát thải bụi mịn và ô nhiễm đáng kể khi có hàng triệu phương tiện lưu thông chạy bằng xăng/ dầu. Trong tương lai, cần tham khảo luật môi trường của phương Tây và học theo họ trong việc hạn chế những phương tiện xả thải nhiều, hạn chế các phương tiện chạy dầu, và dần dần ưu tiên, khuyến khích các phương tiện sử dụng gas/ điện/hybrid xăng điện..
Gió là một yếu tố giúp làm khuếch tán ô nhiễm vì vậy Thạch có một tham mưu riêng đối với ngành điện là tránh xây mới hoặc dần cho nghỉ các nhà máy nhiệt điện than trong khu vực ít gió như bắc bộ, quy hoạch lại chúng về các địa phương có gió to quanh năm. Việc các nhà máy nhiệt điện bao vây khu vực đồng bằng bắc bộ vốn tĩnh gió và thường là gió đông khiến ô nhiễm tích tụ và ảnh hưởng đến toàn bộ vùng đồng bằng bắc bộ vốn có lượng cư dân sinh sống rất đông.
2/ Lọc bớt bụi.
Trung Quốc và các nước tiến trong cuộc chiến chống lại ô nhiễm bụi mịn đã cho lắp đặt các tháp lọc không khí ở những khu vực công cộng. Trung Quốc đã cho vận hành các tháp lọc không khí lớn nhất TG ở Thiểm Tây có thể đảm bảo cải thiện không khí cho khu vực rộng 10km2. Đó là những hành động rất thiết thực của chính quyền để bảo vệ môi trương và sức khỏe cho người dân.

ô nhiễm

Tháp lọc không khí lớn nhất thế giới ở Thiểm Tây, TQ
Ngoài ra theo ý tưởng của Thạch, chính quyền Hà Nội có thể cho lắp ở mỗi nhà chờ xe bus các máy lọc hoặc tháp lọc không khí kích cỡ nhỏ, các tháp lọc lớn ở các công viên và khu vực đông dân cư để cải thiện chất lượng không khí cục bộ từng khu vực.
Trồng nhiều cây xanh đô thị không phải là giải pháp tốt trong việc hạn chế bụi mịn.
Cây xanh giữ bụi lại chữ không thổi bụi đi vì vậy cây xanh không giúp làm sạch bụi mịn. Đồng thời cây xanh trong đô thị làm triệt tiêu gió – tác nhân giúp làm khuếch tán ô nhiễm. Vì vậy ô nhiễm có xu hướng tích tụ ở lại. Đã có rất nhiều nghiên cứu chỉ ra tác dụng ngược của cây xanh đô thị đối với việc hạn chế ô nhiễm bụi. Dù cho trong các vấn đề khác như việc tạo bóng mát, cân bằng nhiệt độ, tạo oxy, thì cây xanh có các tác dụng tích cực.

9. Mỗi cá nhân có thể làm gì để hạn chế ảnh hưởng của ô nhiễm bụi mịn?

Về cá nhân mỗi chúng ta, để giảm sự ảnh hưởng của bụi mịn, chúng ta có 2 việc:
1/ Theo dõi cập nhật tình trạng ô nhiễm bụi mịn hàng ngày qua các app: Air visual / Pam Air… Với những ngày cảnh báo đỏ về nồng độ bụi mịn, chúng ta nếu phải ra ngoài đường mà không phải là ngồ trong 1 chiếc oto kín, chúng ta cần đeo các khẩu trang tốt, kín, có thể lọc được bụi mịn.
Nói về khẩu trang, khẩu trang y tế là hoàn toàn vô tác dụng vì nó nhiều khe hở. Các khẩu trang thông thường cũng không hạn chế được bụi mịn khi có nhiều khe hở, không có van khí thì mỗi lần hít vào thở ra bụi sẽ luồn theo không khí qua khe hở giữa khẩu trang và mặt.
Nên dùng khẩu trang loại khi đeo thì bịt kín so với mặt, có kim loại nẹp mũi, có van thở 1 chiều và được quảng cáo là có thể lọc được các loại bụi mịn.
2/ Đóng kín cửa trong những ngày được cảnh báo đỏ về ô nhiễm bụi mịn. Nên có máy lọc không khí ít nhất là trong phòng ngủ.
Nói về máy lọc không khí. Bản chất máy lọc là một cái quạt hút không khí đi qua các màng lọc. Máy lọc không khí tốt là loại máy có đủ 3 màng, lọc thô – màng HEPA lọc bụi và bụi mịn – màng than hoạt tính để lọc bớt tạp chất hữu cơ. Máy lọc không khí tốt phải có bộ sensor đo đầy đủ nhiệt độ – độ ẩm – và nồng độ bụi mịn trong không khí và cập nhật lên màn hình hoặc qua app điện thoại.
Máy lọc không khí chuẩn là loại máy thay được tấm lọc thường kì. Thường là 6 tháng 1 lần vì than hoạt tính có tuổi thọ tác dụng của nó, cũng như các màng lọc sẽ trở nên kém đi sau khi đã lọc được 1 thời gian dài.

ô nhiễm

Máy lọc báo giá trị ô nhiễm bụi mịn trên app điện thoại

10. Các loại máy lọc không khí, nên dùng loại nào?

Lọc không khí hiện nay cơ bản có 2 loại: Lọc chủ động bằng màng lọc bụi và lọc bị động bằng cách ion hóa không khí.
_ Lọc chủ động: Là các máy lọc không khí thổi hoặc hút bụi đi qua tấm màng lọc bụi và nhờ vậy bụi được giữ lại ở màng lọc, tương tự lọc nước. Cấu tạo cơ bản của máy lọc không khí chủ động là 1 cái quạt thổi hoặc hút, tấm lọc và khung của máy.
Cấu tạo màng lọc này thường gồm 3 lớp: Lưới thô để cản dị vật – Lớp HEPA / EPA để lọc >99% các loại bụi trong không khí – Lớp than hoạt tính để hấp phụ các chất hữu cơ, mùi lơ lửng trong không khí.
Như vậy trung tâm của màng lọc này là lớp HEPA / EPA. HEPA viết tắt của High Efficient Particulate Air là màng lọc không khí siêu hiệu quả. Lọc được 99.95% bụi PM2.5. Một số máy lọc trên thị trường chỉ trang bị lọc EPA (Efficient Particulate Air) lọc được khoảng 98~ 99% bụi PM2.5 tức hiệu suất kém hơn HEPA một chút.
Các máy lọc hiện nay có thể có thêm tính năng như bù ẩm hoặc ion hóa không khí.
_ Lọc bị động: Là các máy lọc không khí làm ion hóa không khí, nói cách khác là nhiễm điện cho các thành phần lơ lửng trong không khí. Khi các hạt bụi lơ lửng trong không khí bị nhiễm điện, chúng có xu hướng hút các phần tử xung quanh bằng lực hút tĩnh điện, và nhờ đó, các hạt bụi trở nên lớn hơn, nặng hơn và lắng dần xuống đất. Các hạt lơ lửng tĩnh điện cũng có tác dụng giệt những vi khuẩn lơ lửng trong không khí.
Vì vậy các máy lọc ion âm khác với máy lọc không khí chủ động ở chỗ, máy lọc ion âm khiến cho bụi lắng xuống nền nhà, trong khi máy lọc không khí chủ động thì giữ bụi ở lại màng lọc.
Hiệu quả của máy lọc ion âm không bằng máy lọc chủ động qua filter nhưng lại góp phần giệt khuẩn vì vậy một số máy lọc không khí chủ động tích hợp cả việc ion hóa không khí vào làm 1.
** Khi mua máy lọc không khí lưu ý không mua máy cũ, sử dụng màng lọc cũ không còn hiệu quả. Phải đảm bảo là màng lọc mới tinh. Màng lọc sau một thời gian cũng tích đầy bụi vì mất khả năng lọc khí do vậy phải thay màng lọc định kì, thường là từ 6 tháng đến 1 năm tùy nsx.
Theo FB Nguyen Thai Thach
Xem thêm  Hà Nội bán "đất vàng" của 8 sở, ngành di dời thế nào?