Thứ hai, Tháng Một 13
Shadow

“HLV Park Hang-seo như con tắc kè hoa, giỏi thích nghi, chuyển đổi nhanh”

Cựu danh thủ Quốc Vượng nhận định rằng so với nhiều đồng nghiệp tại AFF Cup, thầy Park có thể không giỏi định hình lối chơi, nhưng rất giỏi về ứng biến tình huống.

Vắng Trọng Hoàng là tổn thất lớn cho tuyển Việt Nam

Chia sẻ về việc tuyển Việt Nam có thể thiếu vắng Trọng Hoàng ở hàng phòng ngự, cựu danh thủ Quốc Vượng nhận định:

“Tôi nghĩ nếu thiếu vắng Trọng Hoàng, sẽ ảnh hưởng rất lớn. Trong một đội bóng, yếu tố cân bằng rất quan trọng. Dù Hoàng không phải dân chuyên đá hậu vệ cánh nhưng khi lắp vào, Hoàng thực hiện đúng ý đồ của thầy Park.

AFF Cup năm nay, hai trận đầu Hoàng đá chính, trận thứ 3 (gặp Myanmar) đá dự bị. Khi Hoàng dự bị, hàng thủ Việt Nam có vấn đề nên sau đó ông Park phải cho Hoàng đá chính từ đó tới nay.

Hoàng là một trong những phát hiện rất thú vị của HLV Park Hang-seo. Về thể lực, Hoàng thi đấu rất tốt. Hai chân đá đều tốt. Khi tạt bóng mà chỉ thuận 1 chân, hậu vệ be thì mình rất khó. Nhưng khi 2 chân đá đều tốt thì hậu vệ họ rất khó chịu.

Thứ nữa là tinh thần thi đấu, khả năng thích nghi chiến thuật của Hoàng đang tương đối tốt, có sự ăn ý nhất định với các đồng đội. Hàng thủ của chúng ta đang chơi tốt, thiếu Hoàng là thiếu một mắt xích, tương đối nguy hiểm”.

Trong trường hợp Trọng Hoàng không thể ra sân thi đấu tối mai, nhiều khả năng Hồng Duy sẽ được sử dụng thay thế. Tuy nhiên, cựu danh thủ Quốc Vượng cho rằng đây có thể là một sự mạo hiểm.

“Hồng Duy đã đi theo thầy Park lâu rồi. Nhưng trong một trận cầu có sức ép lớn, yếu tố thể lực rất quan trọng. Hồng Duy có chơi tốt nếu được dùng thay thế Trọng Hoàng hay không thì ngày mai sẽ biết. Nhưng nói trước về ưu nhược điểm thì Duy đá phản công rất hay. Tuy nhiên, Duy hay đá cánh trái, giờ chuyển sang cánh phải thì có nhiều vấn đề.

Nếu đá giải dài hơi như V-League, khi thay đổi sẽ có các trận để làm quen. Còn đây là một trận Chung kết, đá trên một “chảo lửa” như Bukit Jalil thì có thể sẽ có vấn đề. Nhưng đó chỉ là có thể thôi. Chúng ta nói trước về chuyên môn và thể lực để phân tích. Còn nếu là một trận vòng bảng, đá với Lào hay Campuchia mà Duy đá cánh phải tôi nghĩ vẫn ổn. Nhưng với sức ép hơn 80.000 người thì kể cả bản thân chúng tôi cũng rất khó vượt qua sức ép, ít nhiều cũng bị áp lực tâm lý”.

Xem thêm  Chuyện phụ huynh "sắm điểm" cho con: Yêu thương thế này liệu có là đúng cách?

Malaysia mới là đội phải nôn nóng

Khi được hỏi, trong lần tái ngộ Malaysia này, bản thân có lo lắng gì cho ĐTQG Việt Nam hay không, cựu danh thủ Quốc Vượng chia sẻ:

“Đứng ở góc độ NHM, dĩ nhiên chúng ta có sự lo lắng. Vì Malaysia họ có thực lực, đã loại Thái Lan. Thứ hai, đá trên một “chảo lửa” hơn 80.000 người. Chúng ta đã thắng họ ở vòng bảng, gặp nhau rồi nên họ sẽ biết một vài điều về chúng ta. NHM Việt Nam cũng sẽ lo lắng vì đây là một trận Chung kết. Chúng ta muốn vô địch nên cũng sợ giấc mộng tan vỡ.

Về góc độ chuyên môn, cá nhân tôi nghĩ sẽ rất khó khăn. Nhưng nếu như cầu thủ Việt Nam tỉnh táo, ghi được bàn thắng thì coi như giải quyết xong ở lượt đi.

Tôi xem Malaysia đá, họ có thể lực rất tốt nhưng khâu cuối, các đường chuyền quyết định lại chưa sắc sảo lắm, nhất là ở trận tại Mỹ Đình mà chúng ta thắng 2-0. Họ giữ bóng rất tốt, tôi ngạc nhiên về Malaysia năm nay. Họ đá nhỏ, 2 cánh rất đều. Nhưng đến 1/3 sân đối phương, không rõ vì nôn nóng hay sao mà họ không thể cụ thể hóa các ưu thế.

Tôi nghĩ ngày mai, Malaysia mới là đội áp lực. Nếu họ nôn nóng tấn công, nghĩ rằng cần thắng ở sân nhà thì sẽ rất lợi thế cho Việt Nam. Chúng ta cứ phát huy sở trường. Cầu thủ Việt Nam đã gắn bó và quen lối chơi đó rồi. Malaysia đâu thể so với những đội như Uzbekistan và nước Tây Á khác. Nếu Malaysia để Việt Nam phát huy lối đá sở trường thì Malaysia dễ thủng lưới”.

Dự đoán về tỷ số trận đấu và cầu thủ có thể ghi bàn cho Việt Nam, Quốc Vượng tiếp:

“Tôi nghĩ tỷ số sẽ là 1-1. Tôi thích tỷ số này hơn 0-0. Nếu 0-0 thì Việt Nam lại rất nguy hiểm. Về người ghi bàn thì tôi chờ đợi kiểu lì lợm của Công Phượng. Khả năng ông Park vẫn sẽ để Công Phượng đá dự bị thôi, thầy Park sẽ không thay đổi nhiều đâu. Ngoài ra, chúng ta cũng cần để ý Phan Văn Đức chơi rất hay”.

Xem thêm  Hiến kế để giúp lời nói của mẹ trở nên "có trọng lượng" và con biết lắng nghe, ngoan ngoãn hơn

Cựu danh thủ xứ Nghệ cũng đưa ra nhận định về cách khắc chế lối chơi của địch thủ:

“Chúng ta nên cắt vụn trận đấu ra, giảm sự hưng phấn của Malaysia. Vì đối thủ vẫn có điều gì đó, đá kiểu ngẫu hứng, dồn dập. Vì thế chúng ta nên đưa họ vào thế trận bị vỡ vụn, để cắt sự hưng phấn của họ. Khi đó, chúng ta tận dụng các cơ hội phản công thì có khả năng ghi bàn”.

Sự lợi hại của HLV Park Hang-seo là giống con tắc kè hoa, luôn giỏi thay đổi để thích nghi

HLV Eriksson buộc phải thừa nhận đã rơi vào bẫy của thầy Park ở Bán kết AFF Cup 2018.

Tại vòng bảng AFF Cup 2018, tờ Goal.com đánh giá HLV Thái Lan, ông Rajevac là chiến lược gia xuất sắc nhất. Đến 2 trận Bán kết, tờ FOX Sports Asia lại liên tục đánh giá ông Tan Cheng Hoe của Malaysia là thuyền trưởng nổi bật nhất. Lý giải cho điều này, Quốc Vượng chia sẻ:

“Đó lại là cái hay của ông Park. Ông ấy như con tắc kè hoa, giỏi thích nghi, chuyển đổi nhanh. Với bóng đá kiểu phương tây, họ lại tôn thờ các HLV theo kiểu trường phái. Vì dụ đá tấn công theo kiểu Pep Guardiola thì sẽ được fan bóng đá tấn công ngưỡng mộ. Có khả năng HLV của Malaysia và Thái Lan đáp ứng được tiêu chí đó.

Người ta nhìn ra được lối đá tấn công của Malaysia có bản sắc. Nhưng ông Park lại rất giỏi ứng biến tình thế, chứ không phải giỏi xây dựng trường phái. Nếu nói trường phái của ông Park là gì thì rất khó, phòng ngự hẳn không phải mà tấn công hẳn cũng không phải. Đó là cái hay của ông Park, hay trong từng thời điểm một. Ứng biến làm sao để có kết quả tốt nhất. Tôi nghĩ đó cũng là một điều đặc biệt rất thú vị.

Trong lịch sử có những HLV không rõ rệt về trường phái. Nhưng lịch sử sẽ khắc ghi người chiến thắng. Báo chí Hàn Quốc và Việt Nam chắc chắn sẽ tôn thờ ông Park nếu vô địch. Mà ông Park cũng không để ý vấn đề được báo này báo kia tôn vinh lắm đâu. Khi tham gia một giải đấu thì mục tiêu đầu tiên luôn là vô địch, thế là đủ. Viên ngọc nào xuất sắc đến đâu cũng có tì vết”.

Theo Đoàn Dự – Trí thức trẻ/Soha

Link