Năng lực chữa bệnh của Hoa Đà có thực sự đạt đến mức cao siêu như những miêu tả trong “Tam Quốc diễn nghĩa” và nếu là danh y thì vì sao ông phải chết trong tay Tào Tháo?
Theo “Tam Quốc chí” của Trần Thọ, Hoa Đà (đầu công nguyên thứ 2-3), tự là Nguyên Hóa, sinh tại Bái Quốc Tiêu (nay là Hào Huyện, tỉnh An Huy) là vị thần y kiệt xuất trong lịch sử y học của Trung Quốc.
Các tài liệu còn lưu lại đến ngày nay của Trung Quốc cho thấy, ông rất giỏi thuật gây mê, châm cứu và đặc biệt có thể thực hiện các phẫu thuật ngoại khoa tương tự như y học hiện đại.
Trong khi đó theo các nghiên cứu về lịch sử y học, các phương pháp trị liệu được Hoa Đà áp dụng cũng từng được ghi chép trong lịch sử y học Ấn Độ.
Dược chất chính “Ma phí tán” có trong cây thuốc “Hoa Mạn Đà La” được Hoa Đà sử dụng để gây mê cũng có nguồn gốc từ Ấn Độ.
Sinh thời, Hoa Đà từng đi khắp Trung Nguyên để nghiên cứu và chữa bệnh, vì thế các nhà nghiên cứu cho rằng Hoa Đà có khả năng là vị thần y đến từ Ấn Độ. Nhận xét này tuy không có cơ sở chắc chắn nhưng cũng có giá trị tham khảo.
Vì sao Tào Tháo giết Hoa Đà
Về nguyên nhân vì sao Tào Tháo giết Hoa Đà, cho đến nay vẫn còn là vấn đề gây tranh cãi.
Tác giả cuốn “Tam Quốc Diễn Nghĩa” – một người có khuynh hướng bài xích quân Tào viết rằng, khi Tào Tháo và con trai lâm trọng bệnh đã rất hối hận khi hạ lệnh giết chết Hoa Đà.
Tuy nhiên, ở một số tài liệu khác lại ghi chép hoàn toàn ngược lại.
Hoa Đà vốn xuất thân Nho học nhưng sau đó nhờ y thuật tinh thâm mà nổi tiếng khắp thiên hạ. Tuy nhiên, vào thời đó, “hàng vạn thứ đều là hạ đẳng, duy chỉ có việc đọc sách là cao quý”.
Thời xưa, thầy thuốc là nghề không được xem trọng. Thầy thuốc trứ danh Trương Trọng Cảnh không được sử sách ghi lại.
Chuyện về thần y Hoa Đà chữa bệnh cho Tào Tháo, Tư Mã Ý cũng chỉ cho xuất hiện trong phần “Phương Thuật truyền” của cuốn “Hậu Hán thư” và phần “Phương Kỹ truyền” của cuốn “Tam Quốc chí”.
Từ đó có thể thấy, dù cho y thuật của Hoa Đà có cao siêu đến bao nhiêu thì vẫn không phải là cái nghề mà thiên hạ coi là cao sang.
Chính vì thế, sử sách chép rằng, tuy hành nghề y, song Hoa Đà thường xuyên cảm thấy xấu hổ, luôn tìm cách để tìm kiếm cơ hội để có thể làm quan.
Điều đáng tiếc là, tất cả mọi người đều chỉ nhìn Hoa Đà như một thầy thuốc có tài chứ không coi ông là một kẻ sĩ có thể làm được việc chính trị.
Tuy nhiên, đối với Hoa Đà, việc ông theo đuổi giấc mộng làm quan cũng không có gì sai. Bởi lẽ, nếu như dùng tài học của mình để cống hiến trong sự nghiệp làm quan của mình, chưa hắn là chuyện không chuyện tốt.
Đáng tiếc là Hoa Đà đã mắc phải một sai lầm lớn trong quá trình theo đuổi giấc mộng làm quan của mình. Và sai lầm đó phải trả giá bằng chính sinh mạng của ông.
Lúc bấy giờ, Ngụy vương Tào Tháo mắc phải chứng bệnh đau đầu quái lạ, bệnh tình ngày càng trầm trọng. Biết danh tiếng của Hoa Đà cao minh, Tào Tháo truyền cho Hoa Đà tới gặp để giúp mình trị bệnh.
Hoa Đà xem bệnh cho Tào Tháo xong nói rằng: “Bệnh này một lúc không thể chữa khỏi, cần phải có thời gian”. Trong quá trình chữa trị cho Tào Tháo, Hoa Đà đã cố ý kéo dài thời gian bằng cách lấy cớ “để quên sách thuốc ở nhà, phải trở về lấy”.
Sau khi Hoa Đà trở về nhà, lại lấy cớ là vợ bị ốm, nhiều lần vượt quá thời gian đã hứa với Tào Tháo mà không chịu quay lại. Vì sao danh y này lại muốn kéo dài thời gian?
Thực chất là vì ông muốn dùng bệnh tật để tạo sức ép với Tào Tháo, buộc Ngụy vương phải phong cho mình một chức quan nào đó.
Tào Tháo nhiều lần viết giấy mời không được, bèn lệnh cho các quan lại địa phương tới thúc Hoa Đà đi nhưng “Hoa Đà vẫn tìm cớ vợ ốm, do dự không muốn lên đường”. Tào Tháo nghe chuyện tức giận, sai thủ hạ tới kiểm tra thực hư.
Tào Tháo là người rất công minh, không vì một lời bẩm báo mà ra lệnh xử tội Hoa Đà, ngược lại sai người tới kiểm chứng.
Tháo ra lệnh rằng: “Nếu như đúng là vợ Đà bị ốm thì tặng thưởng 40 hộc đậu đỏ đồng thời cho kéo dài thời gian ở nhà thêm một tháng. Còn nếu như là nói dối thì bắt giải về”.
Khi thủ hạ của Tào Tháo tới kiểm tra, xác thực là Hoa Đà nói dối vì thế, Hoa Đà bị bắt giam, sau kết thúc cuộc đời trong tù ngục.
Ghi chép trên cho thấy, Hoa Đà có thể là thầy thuốc số 1 trong thiên hạ song muốn đùa giỡn với kẻ gian hùng có máu mặt như Tào Tháo thì có lẽ, Hoa Đà đã quá “to gan”, khinh suất.
Hoa Đà có thực sự siêu phàm như miêu tả trong “Tam Quốc diễn nghĩa”?
Sử sách ghi chép Hoa Đà có thể thực hiện phẫu thuật bụng, rửa dạ dày. Những điều này được thực hiện cách đây 1800 năm, nghe có vẻ thật khó tin.
Không những vậy, thuật dùng chất “ma phí tán” và cồn trong rượu để gây mê khi mổ cũng là một phát minh vượt thời gian.
Nhiều câu chuyện trong “Tam Quốc diễn nghĩa” của là hư cấu. Một trong số đó là chuyện Quan Vũ gọt tay trị độc.
Lúc bấy giờ, Quan Vũ bị quân của Tào Tháo bắn bị thương ở tay trong trận chiến ở thành Tương Dương. Hoa Đà đã rạch thịt rồi cạo xương để rửa sạch những chất độc của mũi tên đã ngấm vào xương của Quan Vũ.
Trong lúc danh y thực hiện việc cạo xương, sắc mặt Quan Vũ không hề thay đổi, thậm còn bình thản ngồi đánh cờ. Đoạn miêu tả này nhằm ca ngợi sự dũng cảm của Quan Vũ, đồng thời ca ngợi cả y thuật cao siêu của Hoa Đà.
Tuy nhiên, lật giở sử sách sẽ thấy, đoạn miêu tả trên chỉ là sự hư cấu thuần túy của tác giả “Tam Quốc diễn nghĩa”.
Trong sách “Tam Quốc Chí” của Trần Thọ có ghi chép về sự việc này: “Vũ không may bị trúng tên vào bắp tay trái. Sau đó vết thương đã lành nhưng mỗi khi trở trời xương thường đau đớn.”
Có lẽ vì những câu chuyện hư cấu trong “Tam Quốc diễn nghĩa” mà cho đến nay, hậu thế đã từng đặt ra không ít nghi vấn về tài năng xuất chúng của Hoa Đà tiên sinh.
Rất có thể, vì khuynh hướng tình cảm cá nhân, La Quán Trung đã trịnh trọng “tặng” cho nhân vật ông yêu thích một khả năng siêu phàm.
Tương truyền khi bị bắt vào ngục, Hoa Đà biết mình không thể thoát khỏi sự trừng phạt của Tào Tháo nên ngày đêm viết sách về y học, đúc kết những kinh nghiệm và kiến thức của bản thân, mong lưu truyền lại kiệt tác cho hậu thế.
Trước khi qua đời, ông đã kịp viết xong 3 cuốn “Thanh Nang Kinh” và tặng cho cai ngục, nhưng người này e sợ không dám nhận.
Trong sự thất vọng cực độ, ông đã đốt hết ba cuốn sách.
Cai ngục thấy vậy, chợt thấy mình đã hồ đồ, vội vàng chạy đến giằng lấy sách, nhưng chỉ còn 1 cuốn là nguyên vẹn. Đó là điều đáng tiếc cho lịch sử y học Trung Quốc.
Theo Hồng Hạnh- Trí thức trẻ/Soha