Chẳng những chấp nhận cả đời không nạp thê thiếp, vị Hoàng đế này còn sẵn sàng phá bỏ nhiều phép tắc hậu cung vốn có chỉ vì sủng ái Hoàng hậu của mình.
Trong xã hội phong kiến Trung Hoa, việc đàn ông có tam thê tứ thiếp vốn được coi là lẽ thường tình. Bởi vậy mà đã từng có giai đoạn chế độ đa thê này được các thể chế đạo đức, luân lý cho phép hoặc được pháp luật thời bấy giờ bảo vệ.
Bách tính thường dân đã vậy, những vị Hoàng đế ở ngôi cửu ngũ chí tôn thậm chí còn sở hữu tam cung lục viện với vô số cung tần mỹ nữ. Ngay tới vị vua “éo le” như Quang Tự thời nhà Thanh chí ít cũng có một Hoàng hậu và hai phi tần.
Thế nhưng sự thực là lịch sử phong kiến Trung Hoa vẫn ghi nhận một số ít trường hợp ngoại lệ. Trong số đó phải kể tới vị Hoàng đế hiếm hoi cả đời duy trì chế độ một vợ một chồng – Minh Hiếu Tông Chu Hữu Đường của thời nhà Minh.
Giai thoại đẹp hơn ngôn tình của vị Hoàng đế cả đời chỉ có một vợ
Minh Hiếu Tông (1470 – 1505), là vị Hoàng đế thứ 10 của triều đại nhà Minh trong lịch sử Trung Quốc. Ông tại vị trên ngai vàng 14 năm, lấy niên hiệu Hoằng Trị nên còn được gọi là Hoằng Trị đế.
Đánh giá về thời kỳ cai trị của vị vua này, các sử gia thường gọi đó là giai đoạn “Hoằng Trị trung hưng”. Minh Hiếu Tông cũng được ghi nhận là một trong số những vị Hoàng đế đáng khen nhất trong lịch sử Minh triều, thậm chí có thể sánh ngang với Minh Thái Tổ và Minh Thành Tổ.
Ngoài những thành tựu to lớn về chính trị, kinh tế, xã hội, ông còn được hậu thế ca ngợi về phẩm đức khi trở thành một trong những vị vua hiếm hoi thực hiện chế độ một vợ một chồng.
Cho tới ngày nay, người đời mỗi khi nhắc tới Minh Hiếu Tông vẫn không khỏi khâm phục trước chuyện tình lãng mạn và chung thủy của ông với người vợ duy nhất – Hoàng hậu Trương thị.
Trương Hoàng hậu trở thành vợ của Hoằng Trị đế kể từ năm 1487, khi Chu Hữu Đường vẫn còn đang ở ngôi Hoàng Thái tử. Sau khi kế vị, ông đã sắc phong vợ mình làm Hoàng hậu và không nạp thêm bất kỳ thê thiếp nào trong suốt thời gian tại vị kéo dài hơn 1 thập kỷ.
Thậm chí, Minh Hiếu Tông từng không ít lần phá vỡ nhiều luật lệ khuôn phép chỉ để đem lại niềm vui cho Trương Hoàng hậu.
Năm xưa khi Hoàng đế đã gần 30 tuổi mà vẫn chưa có con trai, các đại thần trong triều đã nhiều lần dâng tấu khẩn cầu ông nạp thêm phi tần, nhưng Chu Hữu Đường hết lần này tới lần khác bỏ ngoài tai những lời can gián ấy chỉ vì muốn chung thủy với chính thê của mình.
Theo quy định thị tẩm vào thời nhà Minh, Hoàng đế dù đối với Hoàng hậu hay bất cứ phi tử nào cũng không được ngủ cùng nhau suốt đêm. Duy chỉ có Minh Hiếu Tông và Trương Hoàng hậu là luôn ân ái mặn nồng, duy trì nhiều thói quen sinh hoạt hằng ngày như những cặp vợ chồng bình thường khác.
Có giai thoại còn truyền lại rằng, năm xưa khi Trương Hoàng hậu bị sưng miệng, nhà vua đã tự tay bưng nước, đút thuốc cho bà, thậm chí còn không dám cất tiếng ho chỉ vì sợ làm phiền bà nghỉ ngơi.
Thậm chí, vị Hoàng hậu độc sủng hậu cung này còn có đặc ân được tự nhiên xưng “ta” trước mặt Hoàng đế chứ không phải nhún nhường xưng “thần thiếp” như các phi tần bình thường khác.
Thiết nghĩ trong xã hội phong kiến trọng nam khinh nữ, một người đàn ông bình thường có thể đối xử với vợ của mình như vậy đã là hiếm chứ chưa nói đến người ngồi ở ngai vàng như Minh Hiếu Tông Chu Hữu Đường.
Vị Hoàng đế si tình được ca ngợi nhất nhì Minh triều: Độc sủng Hoàng hậu nhưng cũng rất mực tỉnh táo
Sinh thời, Hoằng Trị đế được xem là vị vua duy nhất dùng hành động thực tế để hiện thực hóa quan điểm nam nữ bình đẳng. Trước đó, lịch sử Trung Hoa từng ghi nhận một trường hợp tương tự như vậy, đó chính là người thiết lập chế độ tần ngự (hậu cung chỉ có mình Hoàng hậu) – Tây Ngụy phế đế Nguyên Khâm.
Thế nhưng thời gian trị vì của vị Hoàng đế này chỉ kéo dài ba năm, trong khi đó Minh Hiếu Tông lại duy trì chế độ một vợ một chồng không chỉ trong 14 năm tại vị mà còn cả đời chung thủy với người vợ của mình.
Chẳng những một mực chung thủy và thương yêu Hoàng hậu, ông còn dành cho gia tộc họ Trương rất nhiều đãi ngộ khác.
Sau khi Trương thị được phong hậu 4 năm, phụ thân của bà đã được phong bá, sau khi qua đời lại được truy phong làm quốc công. Hai em trai của Hoàng hậu cũng được nhà vua phong hầu.
Khi đó, nhiều bá quan văn võ trong triều đã tỏ thái độ lo lắng khi Hoàng đế độc sủng Trương Hậu và dành nhiều đặc quyền cho gia tộc của bà. Trong một số giai thoại hoặc một vài tác phẩm nghệ thuật, hình tượng của Trương thị còn bị bóp méo trở thành một người phụ nữ mưu mô và ham mê quyền lực.
Thế nhưng sự thực lịch sử đã chứng minh rằng, Chu Hữu Đường là một vị Hoàng đế vừa chung tình lại vừa tỉnh táo, còn bản thân Trương Hoàng hậu cũng không phải kẻ mưu mô như nhiều người vẫn nghĩ.
Bằng chứng là giai đoạn Hiếu Tông trị vì được đánh giá là thời kỳ thịnh trị hiếm có trong lịch sử nhà Minh. Việc triều chính lúc bấy giờ cũng không có tiền lệ bị ngoại thích lạm quyền, lũng đoạn.
Các sử gia sau này mỗi khi nhắc tới Hoằng Trị đế đều coi ông là nhân vật cứu vãn đại cục Minh triều, là bậc minh chủ phục hưng với công lao không kém Thái Tổ, Thành Tổ.
Đặc biệt, trên phương diện phẩm đức, tư tưởng tiến bộ và sự chung thủy của ông lại càng nhận được nhiều sự ca ngợi. Cũng bởi vậy mà Thủ phụ Nội Các thời Vạn Lịch là Chu Quốc Trinh từng đưa ra lời nhận định:
“Tính từ Minh triều ta trở về trước, người xứng đáng được xưng là chủ hiền chỉ có Hán Văn Đế, Tống Nhân Tông cùng Hiếu Tông Hoàng đế của Minh triều ta”.
Tình cảm của vị Hoàng đế si tình và người vợ của mình vẫn rất mực mặn nồng ngay cả khi về già. Trương Hoàng hậu đã sinh hạ cho nhà vua 2 hoàng tử và 3 công chúa, trong đó Minh Hiếu Tông Chu Hậu Chiếu – người kế nhiệm của Hoằng Trị đế sau này.
Sau khi qua đời, khác với những lăng tẩm có nhiều phi tần an táng cùng như những vị Hoàng đế khác, nơi an nghỉ của Minh Hiếu Tông Chu Hữu Đường chỉ có duy nhất hai ngôi mộ hợp táng của ông và Hoàng hậu Trương thị.
Giờ đây mỗi khi nhắc tới chuyện tình Hoằng Trị đế và Trương Hoàng hậu, hậu thế vẫn thường ca ngợi cặp phu thê này là đôi tri kỷ hiếm có và là ngoại lệ hôn nhân bình đẳng hiếm hoi tồn tại trong lịch sử hoàng tộc Trung Hoa.
Theo Trí Thức trẻ/Soha