Trao đổi với VietNamNet nhân câu chuyện Trường PTTH Lương Thế Vinh, anh Nguyễn Quốc Vương (nghiên cứu sinh lịch sử giáo dục tại Trường ĐH Kanazawa, Nhật Bản) nhìn nhận: “Khoa cử và tự do rất khó để dung hoà”.
Phóng viên: Một phụ huynh vừa chia sẻ câu chuyện cá nhân của con chị và những cảm nhận sau một năm học ở Trường Lương Thế Vinh về “lối giáo dục hà khắc của cô chủ nhiệm, cách ứng xử chưa nhân văn của cô hiệu phó”. Trong ngày 28/9, nhà trường cũng đã ban hành nội quy khẳng định những điều không được làm đối với học sinh. Anh thấy nội quy này thế nào?
Ông Nguyễn Quốc Vương: Câu chuyện cụ thể của phụ huynh và nhà trường tôi chưa xem kĩ được.
Trường học ra nội quy, để có sức thuyết phục thì phải là 3 bên nhà trường, phụ huỵnh, học sinh cùng bàn thảo ra, thống nhất và sau đó thực thi.
Nếu không có sự đồng thuận của 3 bên ngay từ đầu thì khi thực hiện sẽ phụ thuộc vào sự diễn giải của người thực hiện, mà cách diễn giải này thường sẽ dẫn đến tình trạng phụ huynh và học sinh đánh giá “cô này hiền, cô kia nghiêm khắc”,v.v….
Anh Nguyễn Quốc Vương: “Nhiều trường học của ta áp nội quy từ trên xuống”. Ảnh: Lê Anh Dũng
Nội quy trong trường học là cần thiết và mỗi trường sẽ có những quy định khác nhau nhưng quy trình đề ra nội quy phải được thực hiện sao cho đảm bảo tính dân chủ.
Chẳng hạn, nội quy trường học của Nhật cực kỳ chặt chẽ, ví dụ quy định váy trên gối bao nhiêu, dưới gối bao nhiêu. Nhưng quy trình của họ là có thống nhất trước trên cơ sở thoả thuận, rồi mới thực hiện.
Còn ở nhiều trường học của ta hiện nay là áp từ trên xuống, các thành phần như phụ huynh, học sinh không được tham khảo ý kiến. Như vậy khi thực hiện dễ phát sinh sự chống đối.
Trường học là một tổ chức thiết chế vừa dạy đời sống bên ngoài, vừa không giống đời sống bên ngoài. Vì trường học vừa phải dạy cho học sinh biết cư xử nơi công cộng, tuân thủ theo phép tắc, các quy chuẩn đạo đức phổ biến nhưng đồng thời phải cũng phải giáo dục nên con người tự do.
Như vậy không thể nhấn mạnh quá một bên: phá vỡ mọi quy tắc khiến học sinh hành xử tùy tiện hoặc là tiến hành lối giáo dục khắc nghiệt kiểu “trại lính”. Bởi vì mục đích cuối cùng của trường học là phải làm cho học sinh tự giác, tự do.
– Để có một nội quy tương đối hợp lý thì cần có sự đồng thuận giữa các bên. Điều này có vẻ khó khả thi ở các trường phổ thông của ta, vì làm thế nào để lọt được vào một trường “có tiếng” đã là điều gian nan. Khi đã vào trường, kể cả có quy trình cho các bên thảo luận, thì không dễ để học sinh, phụ huynh dám nêu ý kiến. Như vậy tính dân chủ trong quy trình đề ra nội quy sẽ không thực chất.
Nếu điều này xảy ra thì do người đứng đầu đơn vị – người tổ chức ra nội quy – không chú ý tới điều đó.
Muốn có sự thuyết phục thì trước khi quyết định phải tạo ra môi trường dân chủ để mọi người tranh luận.
Vì mục đích cuối cùng của giáo dục là sự trưởng thành của học sinh, chứ không phải là trừng phạt.
Trong giáo dục thì không thể không có kỷ luật. Nguyên tắc thưởng phạt là nguyên tắc cơ bản của giáo dục. Vấn đề là đúng chỗ, đúng thời điểm, đúng lúc, đúng mức độ, đúng đối tượng trên cơ sở có cân nhắc đến mục tiêu-triết lý giáo dục.
Nhân nói đến chuyện phạt thì câu chuyện đánh giá hạnh kiểm học sinh ở nước ta đã tồn tại rất lâu, cho dù các văn bản hướng dẫn cụ thể về nó được điều chỉnh, bổ sung thay đổi nhiều lần. Nhưng việc xếp loại hạnh kiểm, rồi phạt học sinh ngày càng xảy ra khác biệt giữa nhà trường, giáo viên với phụ huynh học sinh…Vậy tìm ra tiếng nói chung ở đâu?
Người Việt chịu nhiều ảnh hưởng của Nho giáo, việc áp đặt giá trị hay tư tưởng của người trên với người dưới được coi là đương nhiên.
Điều này thích hợp với xã hội quân chủ hoặc xã hội nông nghiệp.
Trong xã hội hiện đại đa thông tin và đa giá trị, tức là một hệ giá trị có thể là không đúng hoàn toàn, có thể đúng chỗ này, nhưng không đúng chỗ khác, lối tư duy và cách thức giáo dục nói trên không đắc dụng và tạo ra hiệu quả ngược. Nó có nguy cơ tạo ra sự tuân phục giả vờ ẩn chứa sự phản kháng mãnh liệt ở bên trong hoặc tạo ra con người giả dối-đạo đức giả.
Ở mình có một xu hướng là người ta hay áp dụng các quy chuẩn cư xử cũng như giá trị đạo đức trong gia đình vào xã hội. Ví dụ người ta xưng hô anh chị, cô chú với những người không có quan hệ họ hàng, huyết thống…
Tức là vô thức, chúng ta đã coi cả xã hội là một đại gia đình và chúng ta tư duy, hành xử ở cả chốn công cộng tôn nghiêm lẫn không gian riêng tư dựa trên hệ giá trị có tính gia trưởng đó.
Thực tế là quan hệ “cha mẹ – con” trong gia đình sẽ không áp dụng được cho quan hệ “giáo viên – học sinh”. Đây là hai mối quan hệ khác nhau về bản chất.
Vì vậy, nếu áp đặt quan hệ từ trên xuống có tính gia trưởng trong trường học hiện đại sẽ gây ra sự phản kháng. Con cái không lựa chọn được cha mẹ, nhưng học sinh có quyền để thầy cô vào trái tim mình hay không.
“Học sinh có quyền để thầy cô vào trái tim mình hay không”
Nền tảng tồn tại của cá nhân là nhân cách, mọi sự can thiệp sâu tác động vào nhân cách học sinh theo lối quy đồng về các loại hạnh kiểm đều có tác dụng xấu.
Nó giống như một đòn trừng phạt về tinh thần đối với học sinh hơn là một biện pháp giáo dục.
Tư duy trừng phạt này chi phối mạnh mẽ trong phương thức nhận xét và đánh giá hạnh kiểm. Vì vậy mà mỗi buổi kiểm điểm lớp hay họp đánh giá hạnh kiểm, người giáo viên vốn nắm trong tay cả quyền lực và quyền uy đã trở thành người giống như quan tòa độc quyền phán xử.
Giáo dục nỗi sợ…
Nhược điểm của việc giáo dục bằng nỗi sợ là khi học sinh ra khỏi trường hoặc thoát khỏi sự kiềm toả của giáo viên thì những cái ức chế trong trường bị bùng vỡ
Khi người thầy còn nhầm lẫn “quyền lực” với “quyền uy” sẽ tạo ra nhiều hệ luỵ.
Giáo viên quyền lực là giáo dục bằng nỗi sợ, làm cho các em sợ để tuân theo chứ không phải là làm cho các em cảm thấy thuyết phục.
Nhược điểm của giáo dục quyền lực là khi học sinh ra khỏi trường hoặc thoát khỏi sự kiềm toả của giáo viên thì những cái ức chế trong trường bị bùng vỡ, như hiện tượng chửi tục chửi bậy hoặc đánh nhau bên ngoài. Hiện tượng này giống như kiểu khi ta bóp túi bóng nước thì chỗ này nó lõm vào nhưng chỗ khác lại lòi ra.
Nguyên lý giáo dục mình làm hơi ngược lẽ ra lúc trẻ còn nhỏ ta nên giáo dục cho trẻ biết tuân theo quy tắc trước, lớn dần lên thì phát triển tự do.
Ở mình thì lúc bé nuông chiều, đến khi cần để đạt được mục đích của mình cả giáo viên và phụ huynh có xu hướng áp đặt, tước đoạt tự do để khiến trẻ vâng lời, tạo sự an tâm cho người lớn.
Điều này nhìn bên ngoài được đánh giá là ngoan, nhưng đứa trẻ bên trong sẽ có bất ổn nội tâm và nhận thức lầm lạc về dân chủ, tự do.
Như vậy đòi hỏi sự thích ứng của người giáo viên rất lớn?
Có một cái khó, đặc biệt cho giáo viên chủ nhiệm hiện nay là phải ứng phó với sự thay đổi quá nhanh ở trẻ em.
Trẻ em bây giờ không như ngày xưa. Các em có nhiều thông tin, đến từ nhiều môi trường trưởng thành khác nhau. Kinh nghiệm ứng xử của thầy cô không tương thích với thế hệ trẻ ngày nay. Thế hệ trẻ bây giờ có nhu cầu biểu đạt rất lớn.
Ngày xưa cái đúng ở gia đình cũng đúng ở xã hội; ngày nay nó không thế, có rất nhiều “chân lý” mẹ cha truyền đạt rơi vào cảnh “sáng đúng, chiều sai, ngày mai lại đúng”; kinh nghiêm cũ không đắc dụng nên giáo viên lúng túng.
Điều này làm khó giáo viên vì kinh nghiệm có thể đúng với người này nhưng không đúng với người khác.
Hiện nay, khi đô thị hóa, công nghiêp hóa diễn ra với tốc độ nhanh, gia đình truyền thống đang dịch chuyển sang gia đình hạt nhân; môi trường xã hội địa phương (cộng đồng, làng xã) bị phá vỡ.
Học sinh bơ vơ…
Các chức năng giáo dục vốn là chức năng truyền thống của gia đình và xã hội địa phương đã được đẩy sang cho trường học. Trong khi đó trường học lại bị biến thành lò luyện thi. Tình trạng đó tạo ra sự đứt gãy…
Vì vậy các chức năng giáo dục vốn là chức năng truyền thống của gia đình và xã hội địa phương đã được đẩy sang cho trường học. Trong khi đó trường học lại bị biến thành lò luyện thi. Tình trạng đó tạo ra sự đứt gãy về truyền đạt kinh nghiệm sống và các giá trị văn hóa.
Trường học và phụ huynh đã không thay đổi kịp với xã hội khiến học sinh bơ vơ và các em phản ứng bằng bản năng.
Nói ngắn gọn thì nền tảng xã hội truyền thống đã biến mất nhưng nền tảng cơ bản của xã hội hiện đại chưa kịp xuất hiện.
Trong bối cảnh đó thì đời sống trường học phải là yếu tố giúp học sinh bớt cảm thấy bơ vơ và hạnh phúc.
Nhưng đời sống trường học của mình gắn chặt với khoa cử. Giáo viên lên lớp dạy kiến thức để thi. Học sinh đến trường chủ yếu ngồi học.
Các em trưởng thành thế nào trong môi trường đó khi bản chất của chức năng trường học là xã hội hoá con người.
Thực chất nhiều giáo viên, phụ huynh và học sinh quan niệm nhà trường là nơi truyền dạy tri thức đồng thời ở một thái cực khác lại tuyệt đối hoá vai trò giáo dục đạo đức của nhà trường.
Điều này làm cho giáo viên lúng túng khi bị dồn ép vào hai trạng thái cực đoan: vừa muốn tập trung truyền dạy tri thức để học sinh “bách chiến bách thắng” trong các kì thi, vừa kì vọng giáo dục được đạo đức của học sinh.
Trong khi cơ chế tác động tới học sinh không đơn giản và “duy ý chí” như vậy.
Muốn học sinh có tinh thần khoan dung thì phải có môi trường dân chủ để sinh hoạt, thực thi dân chủ và biết tranh luận với bạn bè, thầy cô.
Trong môi trường mà người lớn làm thay và quyết định thay cho học sinh thì điều đó khó thực hiện được.
Dù được phản ánh là môi trường “hà khắc”, nhưng không chỉ trường Lương Thế Vinh, mà còn một số trường khác, vẫn không ngừng thu hút phụ huynh học sinh với tỷ lệ thi đỗ đại học rất cao…
Điều này liên quan đến mục tiêu, triết lý giáo dục của nhà trường và quan điểm của phụ huynh khi lựa chọn mô hình giáo dục cho con em mình.
Nhà trường sẽ tạo ra những con người có tư duy độc lập, tinh thần phong phú hay tạo ra những con người “bách chiến bách thắng” trong thi cử?.
Nếu như phụ huynh mong muốn nhà trường tạo cho con mình có khả năng thi đỗ tất cả kỳ thi thì sẽ tự mâu thuẫn với việc bức xúc rằng môi trường này hà khắc.
Bởi vì trong một khoảng thời gian có hạn, để đạt được tối đa mục tiêu đưa kiến thức vào đầu, đáp ứng mục tiêu thi đỗ, thì sẽ phải hi sinh tự do để tập trung tối đa vào điều đó.
Khoa cử và tự do: Khó dung hoà
Phụ huynh vừa muốn con mình thi đỗ bách chiến bách thắng, vừa muốn con có một môi trường tự do, thoải mái trong bối cảnh của Việt Nam là bất khả kháng
Nếu như phụ huynh vừa muốn con mình thi đỗ “bách chiến, bách thắng”, vừa muốn con có một môi trường tự do, thoải mái trong bối cảnh của Việt Nam là bất khả kháng. Khoa cử và tự do rất khó để dung hòa.
Người làm giáo dục, người làm quản lý sẽ phải lựa chọn giữa hai cái đó và tính toán đến sự cân bằng giữa chúng.
Nguyện vọng con vừa có được những giá trị đạo đức tốt đẹp, vừa đạt được những thành công nhất định – như thi đỗ đại học tốt chẳng hạn, là một nguyện vọng chính đáng của phụ huynh. Tại sao các trường lại lúng túng hoặc phải đánh đối các mục tiêu đó?
Với thực trạng thi cử như hiện nay thì nhà trường không dễ đáp ứng được nguyện vọng này.
Còn muốn đạt được thì phải có cuộc cách mạng trong đời sống trường học.
Nó có liên quan đến cải cách hành chính giáo dục, thứ mà trong 4 cuộc cải cách giáo dục của VN gần đây đều chưa có.
“Khoa cử và tự do rất khó để dung hoà”
Nguyên tắc cơ bản trong các cuộc cải cách giáo dục được thực hiện ở phương diện hành chính giáo dục là: thứ nhất phải chuyển vai trò của bộ giáo dục từ quản lý giám sát sang tư vấn hỗ trợ; thứ hai phân quyền cho địa phương, chuyển các sở giáo dục trở thành cơ quan tư vấn chuyên môn thay vì là kiểm soát hành chính. Ở các nước khi cải cách giáo dục đều diễn ra điều này, còn ở ta thì vẫn chưa có. Một ví dụ cụ thể như về chuyện làm sách giáo khoa, ở các nước thì bộ giáo dục chỉ ban hành quy chế và thực hiện kiểm định chứ không làm sách.
Thứ hai nữa là đời sống trường học mặc dù nói lấy học sinh là trung tâm nhưng thực tế vẫn là giáo viên.
Mọi sinh hoạt đều từ giáo viên đưa ra trong khi nước ngoài có những tổ chức tự trị của học sinh như câu lạc bộ, phát thanh trường học; ủy ban tự trị trường học. Những tổ chức tạo nên linh hồn của đời sống trường học đầy tính nhân văn.
Sau những tranh cãi, Trường Lương Thế Vinh khẳng định vẫn tiếp tục kiên định theo con đường giáo dục đã vạch ra. Anh nhìn nhận thế nào?
Trường học tư có sự tự chủ của họ. Tôi ủng hộ sự độc lập tương đối của các trường tư đối với hệ thống giáo dục công. Nhà nước cần phải có hành lang pháp lý rõ ràng đảm bảo cho điều đó để khuyến khích giáo dục tư phát triển.
Nội quy của trường nếu không trái luật, phụ huynh đưa con vào mà có sự thảo luận và đồng ý với nội quy đó, thì phụ huynh và học sinh phải tuân thủ. Nếu bất đồng thì kháng nghị hoặc từ bỏ học ở trường đó. Nếu cảm thấy không thỏa đáng hoặc vi phạm quyền lợi có thể kiện ra tòa dân sự.
Điều này sẽ phụ thuộc vào quan điểm giáo dục của phụ huynh và hình ảnh con người mơ ước mà phụ huynh muốn con mình trở thành trong tương lai.
Tuyển chọn đầu vào của trường rất khó, như vậy là trường luôn ở thế trên trong mối quan hệ hai bên…Làm sao để những phụ huynh khi đã chọn trường và được trường chọn thì không phải bị buộc chuyển đi?
Trong cơ chế hành chính giáo dục trung ương tập quyền hiện nay thì mối quan hệ giữa những người làm giáo dục và cơ quan giáo dục giống như là hình tháp.
Đỉnh chóp là bộ giáo dục, dưới là các sở, phòng giáo dục, hiệu trưởng, giáo viên và cuối cùng là học sinh ở chân tháp.
Những ai càng ở phía chân tháp sẽ càng cảm thấy bức bối và áp lực nặng nề. Giáo viên sẽ luôn cảm thấy lo sợ vì bị can thiệp sâu vào công việc giáo dục. Học sinh thì cảm thấy bị đè nén, ít thấy tự do.
Các em ít có cơ hội được tham gia thay đổi đời sống trường học. Cơ chế ấy đã khiến cho các cơ quan quản lý giáo dục và nhà trường đơn phương quyết định được nhiều thứ.
Tuy nhiên, nhìn ở một góc độ khác thì chính phụ huynh cũng phải thận trọng khi can thiệp vào công việc giáo dục của nhà trường.
Ở Nhật hiện nay, giáo viên trẻ bỏ nghề nhiều vì gặp phải các “monster-parents”, những phụ huynh đáng sợ!
Họ đã can thiệp sâu vào các hoạt động giáo dục của giáo viên, phàn nàn quá mức độ cần thiết về công việc của giáo viên.
Đại chúng hóa đại học đã làm cho trình độ học vấn của phụ huynh được nâng cao khiến cho khoảng cách giữa phụ huynh và giáo viên thu hẹp lại thậm chí thay đổi trong cán cân tri thức.
Cho dẫu vậy thì phụ huynh cũng cần bình tĩnh để suy xét sự việc và cân nhắc đến mục tiêu giáo dục.
Sự hợp tác và thống nhất giữa phụ huynh và giáo viên có ý nghĩa lớn đối với việc giáo dục học sinh.
Giáo dục tư ở Việt Nam hiện tại rất non yếu cả về truyền thống lẫn chiều sâu tư tưởng.
Trường tốt…
Một ngôi trường tốt không thể chỉ là ngôi trường tạo ra các học sinh “bách chiến, bách thắng” trong các kì thi.
Một ngôi trường tốt không thể chỉ là ngôi trường tạo ra các học sinh “bách chiến, bách thắng” trong các kì thi.
Ngôi trường ấy phải có được một triết lý giáo dục nhân văn của riêng mình.
Trường tư là một nơi có điều kiện để làm điều đó.
Chẳng hạn, nhìn vào lịch sử chúng ta sẽ thấy, trường Đông Kinh nghĩa thục là một ví dụ dễ hiểu.
Một ngôi trường chỉ tồn tại 8 tháng nhưng đấy là ngôi trường rất đáng kính trọng và có tư cách.
Các trường tư muốn tồn tại lâu dài và có được niềm tin của phụ huynh phải kiến tạo cho mình nền tảng ấy.
Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện.
Theo Vietnamnet