Thứ Ba, Tháng Tư 23
Shadow

Hơn 400 sinh viên bị đuổi trong 3 tháng, bi kịch nào đang diễn ra ở Cao đẳng nghề Phú Thọ?

Chỉ trong hơn 3 tháng, Trường Cao đẳng nghề Phú Thọ dồn dập ra quyết định buộc thôi học đối với hơn 400 sinh viên. Trong khi đó, theo tìm hiểu, số lượng sinh viên đang theo học tại ngôi trường này chỉ hơn 1.000 người.

sinh viên

“Điệp khúc” buộc thôi học

Trường Cao đẳng nghề Phú Thọ (trực thuộc UBND tỉnh Phú Thọ), thuở hoàng kim, từng là đơn vị đào tạo nghề công lập rất có uy tín tại khu vực trung du Bắc Bộ. Tuy nhiên vài năm trở lại đây, số lượng sinh viên theo học đang ngày một giảm sâu. Đã thế, một số diễn biến gần đây mà PV Báo Lao Động tiếp cận được cho thấy, ngôi trường với bề dày truyền thống này đang tồn tại nhiều bất ổn.

Đầu tiên là Quyết định số 210/QĐ-TCĐN ban hành ngày 23.4.2018. Theo đó, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Phú Thọ quyết định xóa tên 223 học sinh, sinh viên khỏi danh sách các lớp học nghề với lý do: Vi phạm quy chế nhà trường, cụ thể là nghỉ học quá số buổi quy định.

sinh viên

2 quyết định buộc thôi học và xóa tên sinh viên với số lượng lớn được ký bởi Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Phú Thọ.

Trong danh sách dài 6 trang giấy, các sinh viên bị đuổi chủ yếu của các khoa: Cơ khí, Công nghệ thông tin, Điện, Chế biến món ăn, May, Trồng trọt và Thú y. Cá biệt có những lớp 16 sinh viên bị buộc thôi học cùng lúc.

Hơn 3 tháng sau, ngày 1.8.2018, nhà trường tiếp tục buộc thôi học và xóa tên với 146 sinh viên khác với các lý do nghỉ học quá thời gian quy định, điểm tổng kết trung bình dưới 4,0… Đáng chú ý, cũng tại thời điểm 1.8, theo thống kê của Phòng Đào tạo – Nghiên cứu khoa học, ngôi trường vỏn vẹn chỉ còn 965 sinh viên.

Ngoài ra, xen kẽ giữa 2 quyết định kể trên còn có 1 quyết định nhiều khó hiểu khác.

sinh viên

Cụ thể ngày 12.7.2018, trong Quyết định số 335/QĐ-TCĐN, ông hiệu trưởng Trần Minh Tuấn đã xóa tên bổ sung 35 sinh viên trong Quyết định số 480/QĐ-TCĐN đã ban hành gần 1 năm trước đó – ngày 29.8.2017. Đáng chú ý, nhiều sinh viên trong danh sách 35 em này vẫn có tên trong bảng kết quả rèn luyện sinh viên học kỳ 1 năm 2017 – 2018.

Xem thêm  Lễ truy điệu Chủ tịch nước Trần Đại Quang

Như vậy, chỉ trong khoảng 3 tháng, Trường Cao đẳng nghề Phú Thọ đã ra quyết định buộc thôi học, xóa tên đối với 404 sinh viên. Trong khi đó, theo tìm hiểu của PV Báo Lao Động, toàn Trường Cao đẳng nghề Phú Thọ năm học 2017 – 2018 có 1.154 sinh viên bao gồm: 351 sinh viên hệ cao đẳng, 803 sinh viên hệ trung cấp.

Nghi vấn sinh viên “ma”

Một trong những người đứng đơn tố cáo các tiêu cực xảy ra tại Trường Cao đẳng nghề Phú Thọ là bà Phạm Thị Lan Hương – Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Công tác học sinh, sinh viên – giải thích với PV Báo Lao Động rằng, căn nguyên của sự việc hòng che đậy hành vi khai khống lượng sinh viên để “ăn” ngân sách.

Bà Hương cho hay, theo quy định của Nhà nước, học sinh tốt nghiệp THCS nếu học tiếp lên chương trình trung cấp nghề sẽ được miễn học phí. Bên cạnh đó là tiền hỗ trợ đào tạo theo nghị quyết của hội đồng nhân dân tỉnh. Với một sinh viên học nghề, số tiền hỗ trợ có thể lên đến gần 10 triệu đồng/năm.

sinh viên

 Một lớp học của Khoa Công nghệ thông tin có sĩ số 64 sinh viên nhưng chỉ có 4 người đi học.

Trong lá đơn tố cáo gửi đến Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND, Giám đốc Công an và Chủ nhiệm UBKT tỉnh ủy tỉnh Phú Thọ, bà Phạm Thị Lan Hương chỉ rõ: “Hằng năm, nhà trường khai khống về Sở Tài chính tỉnh Phú Thọ số lượng hàng trăm em sinh viên đã bị đuổi học từ những năm trước nhưng không xóa tên, để nhận số tiền trợ cấp chính sách cho các em này lên đến gần 10 triệu đồng/sinh viên”.

Xem thêm  Xử phạt 750 nghìn đồng nhà hàng bị tố chặt chém du khách dĩa mồng tơi 250 nghìn đồng

Nghiêm trọng hơn, theo tố cáo của vị Phó Trưởng phòng Công tác học sinh, sinh viên, nhằm hợp thức hóa số sinh viên “ma” để nhận tiền hỗ trợ, theo chỉ đạo từ trên, một số giáo viên bộ môn đã cho điểm khống, xếp hạnh kiểm khống cho những sinh viên đã bỏ học từ một đến thậm chí là nhiều năm.

Bà Hương cũng chỉ rõ các lớp có tồn tại dạng sinh viên “ma” kiểu như trên, điển hình là một số lớp của Khoa Công nghệ thông tin. Một số sinh viên thậm chí đã viết đơn xác nhận nghỉ học từ cuối năm 2015 nhưng không hiểu vì lý do gì vẫn có tên trong bảng rèn luyện sinh viên năm học 2017 – 2018.

Cá biệt, có trường hợp sinh viên nghỉ học sang Đài Loan xuất khẩu lao động từ tháng 6.2017 nhưng tổng kết kỳ 1 năm học 2017 – 2018 vẫn được xếp loại rèn luyện sinh viên.

Thông tin thêm tới PV, ông Nguyễn Hữu Thanh – giảng viên Khoa Điện – Điện tử Trường Cao đẳng nghề Phú Thọ – thậm chí còn chỉ đích danh: “Từ tháng 9.2016 khi ông Trần Minh Tuấn – hiệu trưởng mới về tiếp quản Trường Cao đẳng nghề Phú Thọ – số sinh viên bị khai khống lên đến hàng trăm sinh viên. Số tiền “rút ruột” ngân sách lên đến hàng tỉ đồng”.

Ông Thanh và bà Hương cũng cho biết, do quá bất bình, cả hai đã làm đơn tố cáo những sai phạm xảy ra tại Trường Cao đẳng nghề Phú Thọ và cá nhân ông Hiệu trưởng Trần Minh Tuấn gửi đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền nhưng nhiều tháng nay, vẫn chưa có đơn vị nào phản hồi.

“Chúng tôi có nhiều bằng chứng chứng minh những sai phạm nghiêm trọng tại Trường Cao đẳng nghề Phú Thọ và cá nhân Hiệu trưởng Trần Minh Tuấn và sẵn sàng cung cấp cho phía cơ quan chức năng” – hai người này quả quyết.

Theo Lao động

Link gốc