Thứ năm, Tháng mười 17
Shadow

Họp báo vụ hàng trăm học sinh xét nghiệm sán lợn: 44/173 mẫu dương tính với sán lợn

GS. TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.


Theo bác sỹ Kính, bệnh viện đã chạy xong 173 mẫu và qua kiểm nghiệm, xét nghiệm huyết thanh, bệnh viện xác định 44 trường hợp có biểu hiện đã từng nhiễm sán dây lợn.

Xem thêm  Nghi ăn thịt đầy hạch trắng, hơn 400 học sinh từ Bắc Ninh xuống Hà Nội xếp hàng xét nghiệm sán lợn

Chiều 15/3, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đã tổ chức họp báo công bố kết quả xét nghiệm sán lợn đối với hàng trăm trẻ em ở xã Thanh Khương (Thuận Thành, Bắc Ninh), thực hiện vào sáng cùng ngày.

Tại buổi họp báo, GS. TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, 3 bà mẹ tại Thuận Thành (Bắc Ninh) đến xét nghiệm và phát hiện con nhiễm sán lợn, phải điều trị, do lo lắng đã về đưa kết quả lên mạng xã hội.

Sau đó, do quá lo lắng, cho rằng có rất nhiều bệnh giun sán nên nhiều bậc phụ huynh ở Bắc Ninh đã kéo ồ ạt lên làm xét nghiệm.

“Trong sáng 15/3, đã tiếp nhận 230 cháu đến Bệnh viện tiến hành xét nghiệm sán lợn với độ tuổi từ 1 – 10.

Đến thời điểm hiện tại, Bệnh viện đã chạy xong 173 mẫu và qua kiểm nghiệm, xét nghiệm huyết thanh, bệnh viện xác định 44 trường hợp có biểu hiện đã từng nhiễm sán lợn (chiếm 25%)”, bác sỹ Kính thông tin.

Quang cảnh buổi họp báo.

Theo bác sỹ Kính, hiện bệnh viện đang tiếp tục kiểm tra lại đối với các ca dương tính sán lợn, bởi phản ứng chéo rất phổ biến.

Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, danh sách các cháu bị nhiễm sán lợn bệnh viện đã có và sẽ tư vấn cụ thể cho gia đình để điều trị cho các cháu.

Ông nói, việc điều trị có thể ngoại trú và với phác đồ điều trị hiện nay, việc diệt sán trưởng thành chỉ 1 ngày nhưng để tiêu diệt toàn bộ trứng thì phải mất 2 tuần. Bệnh nhân sẽ chỉ cần uống đủ thuốc trong vòng 15 ngày có thể tiêu diệt hết.

Về nguồn lây bệnh, theo bác sỹ Kính giải thích, ký sinh trùng sán lợn có nằm trong đất, trong nước, thực phẩm nếu thực phẩm không được nấu chín.

Trả lời câu hỏi về việc các trẻ bị nhiễm sán lợn có liên quan đến việc ăn thịt lợn bị nghi “bẩn” ở Bắc Ninh mà báo chí đã phản ánh không, bác sỹ Kính cho rằng, nguyên nhân cụ thể sẽ phải do các đơn vị chức năng xuống địa phương kiểm tra cụ thể.

Tuy nhiên, với thực phẩm nhiễm ký sinh trùng nếu không được nấu chín có thể khiến người ăn nhiễm sán lợn.

Lãnh đạo Bệnh viện cho hay, trước mắt các phụ huynh hoàn toàn bình tĩnh và đây không phải vấn đề cấp tính hay ảnh hưởng đến tính mạng. Nếu nghi các con bị nhiễm giun sán có thể đến bệnh viện tiến hành xét nghiệm và điều trị.

“Chúng tôi sẽ thông báo cho Cục Y tế dự phòng và Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương xuống địa phương điều tra về dịch tễ học còn chúng tôi sẽ tìm căn nguyên, điều trị dứt điểm”, bác sỹ Kính nêu rõ.

Theo Trí thức trẻ/Soha

Link