Thứ hai, Tháng Một 13
Shadow

Khám phá bí mật đằng sau việc trẻ em Nhật luôn cư xử ngoan ngoãn ở nơi công cộng

“Nhìn chúng tôi với người dân địa phương là nhận thấy sự khác biệt rõ ràng. Ba đứa bé nghịch ngợm nhà tôi cứ chí chóe cãi nhau mãi, đứa thì cởi áo, đứa thì cởi giày. Trong khi đó, trẻ em Nhật thì ngồi yên tĩnh ở ghế của mình – không đòi hỏi, không gây rối”.

Diana Ser là nhà báo nổi tiếng người Singapore. Cô được công chúng yêu mến không chỉ vì cô là một diễn viên và dẫn chương trình tài năng mà còn bởi cô là một “hot mom”, thường xuyên chia sẻ những bí quyết và mẹo vặt để nuôi con khỏe và thông minh. Cô từng chia sẻ về việc dạy con thành thạo hai ngôn ngữ từ nhỏ, kích thích tính sáng tạo ở con cũng như chia sẻ các công thức nấu ăn với các bà mẹ khác. Trong bài viết này, Diana sẽ tâm sự với độc giả về những bài học dạy con của cha mẹ Nhật mà cô cũng như những bậc phụ huynh khác có thể học hỏi.

Diana có ba đứa con, Jake 11 tuổi, Christy 9 tuổi và Jaymee 6 tuổi. Trong chuyến du lịch đến Nhật Bản vào năm ngoái, cô đã chứng kiến tận mắt cách những ông bố bà mẹ ở xứ sở hoa anh đào nuôi dạy nên những đứa trẻ cư xử lễ độ và có kỉ luật. Cô kể: “Khi tôi phải mỏi miệng vừa dọa nạt vừa dỗ dành con mình ăn thêm chút cơm thì cô bé khoảng 2 tuổi ngồi trên đùi bố bé ở bàn bên cạnh hoàn toàn ngược lại, bé ngoan ngoãn tự xúc ăn. Điều đó khiến tôi rất ghen tị“. Từ việc này, cô quan sát thấy một khác biệt thú vị giữa con cô và những đứa trẻ người Nhật ở xung quanh. “Nhìn chúng tôi với người dân địa phương là nhận thấy sự khác biệt rõ ràng. Ba đứa bé nghịch ngợm nhà tôi cứ chí chóe cãi nhau mãi, đứa thì cởi áo, đứa thì cởi giày. Trong khi đó, trẻ em Nhật thì ngồi yên tĩnh ở ghế của mình – không đòi hỏi, không gây rối“. Trong những ngày tiếp theo trong kì nghỉ tại Nhật, Diana tiếp tục chứng kiến sự ngoan ngoãn, lịch sự của những đứa trẻ Nhật mà cô gặp.

Xem thêm  TẾT KHÔNG PHẢI LÚC LAO ĐẦU VÀO NỖI KHỔ

Tại sao trẻ em Nhật lại cư xử lễ độ ở nơi công cộng như vậy?

Câu hỏi này khiến Diana trăn trở rất nhiều. Lí do duy nhất mà cô thấy hợp lí đó là do cách dạy con của cha mẹ Nhật. Như Diana chia sẻ, những bài học dạy con cô học được từ các bậc cha mẹ Nhật khi cô đến thăm nước này tóm gọn đều liên quan đến đến một thứ, đó là sự điềm đạm.

dạy con

Cha mẹ Nhật cũng như nhà trẻ, trường mẫu giáo Nhật bỏ rất nhiều công sức vào giai đoạn nuôi dưỡng và dạy dỗ các em nhỏ (Ảnh minh họa).

Trong văn hóa Nhật Bản, một xã hội điềm đạm không chỉ là một câu khẩu hiệu. Sự điềm đạm, theo người Nhật, là điều thiết yếu với mỗi con người. Đơn giản nhất hãy nhìn vào định nghĩa phổ biến của từ “kỉ luật” (tiếng Nhật là shitsuke) trong một từ điển tiếng Nhật: “Dạy trẻ em nghệ thuật sống và cách ứng xử để tạo nên một người trưởng thành“. Vậy nên, một người chưa phát triển hoàn thiện cho đến khi họ học được cách cư xử sao cho chuẩn mực“.

Đây là lí do mà các bậc cha mẹ Nhật cũng như nhà trẻ, trường mẫu giáo bỏ rất nhiều công sức vào giai đoạn nuôi dưỡng và dạy dỗ các em nhỏ, bởi chính các em sẽ trở thành những thành viên lễ độ, tử tế của xã hội. Diana cho rằng trẻ em cư xử ngoan ngoãn như vậy là bởi vì một nhân tố quan trọng để trở thành con người lễ độ đó là tôn trọng không gian công cộng.

Trên thực tế, một người bạn Nhật của Diana tên Keiko cũng giải thích rõ hơn: “Khi mới dạy trẻ cách ứng xử, một trong những điểm được chỉ ra là dạy trẻ tôn trọng không gian công cộng. Điều này đóng vai trò quan trọng trong cách ứng xử của những đứa trẻ Nhật“. Một ví dụ mà cô đưa ra đó là nếu một đứa trẻ cần đứng trên ghế trên tàu điện ngầm, bố mẹ em sẽ cởi giày của em ra để tôn trọng người sẽ ngồi chiếc ghế sau đó. Tầm quan trọng của cư xử lịch sự cũng được dạy ở mẫu giáo. Trẻ em Nhật dù ở trường hay ở nhà đều được dạy điều đó và liên tục được nhắc nhở để hình thành phẩm chất này.

Xem thêm  Cựu HLV ĐT Việt Nam: HLV Park Hang-seo rất giỏi, năm nay chúng ta sẽ vô địch

dạy con

Khi mới dạy trẻ cách ứng xử, một trong những điểm được chỉ ra là dạy trẻ tôn trọng không gian công cộng (Ảnh minh họa).

Không chỉ các con, cha mẹ cũng được “dạy dỗ”

Diana nhớ lại trải nghiệm với một giáo viên người Nhật “huấn luyện não phải” tại Singapore khi con cô mới 10 tháng tuổi. Cô chia sẻ: “Mỗi khi bé quấy khóc, cô giáo sẽ khuyên cha/mẹ bế con đứng sang một bên và cố gắng dỗ bé. Nếu bé không nín, cô giáo sẽ bảo cha/mẹ đó ra khỏi lớp học và chỉ quay lại khi em bé không quấy khóc nữa. Làm như vậy để không ảnh hưởng đến cả lớp học“. Với Diana, đây là một góc nhìn khác về việc dạy con. Đôi khi, cha mẹ cũng cần được “dạy dỗ”.

Tổng kết những bài học dạy con mà Diana học được từ Nhật, có một điều rõ ràng đó là khi bạn dạy một đứa trẻ cách tôn trọng người khác ở mức độ xã hội, đứa trẻ sẽ tự động trở thành một người điềm đạm, tử tế, biết quan tâm đến người khác khi lớn lên. Và chúng ta đều biết xã hội cần rất nhiều những người như vậy.

Nguyễn Hòa – Helino

Link