Thứ bảy, Tháng mười hai 7
Shadow

Không hề lố, H’Hen Niê quá khôn ngoan khi chọn trang phục “bánh mì” để giành giải cao!

Nhiều ý kiến cho rằng trang phục dân tộc của H’Hen Niê độc đáo nhưng không phù hợp bởi bánh mì không thể đại diện cho văn hóa Việt Nam, điều này liệu có đúng?

Lựa chọn “Bánh mì” làm trang phục dân tộc, đúng hay sai?

Ngay sau khi H’Hen Niê công bố bánh mì là trang phục dân tộc được cô mang đến cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ năm nay, dư luận nổ ra nhiều tranh cãi.

Không ít ý kiến cho rằng việc H’Hen Niê lựa chọn trang phục dân tộc lấy ý tưởng từ bánh mì là không phù hợp, vì món ăn này có nguồn gốc từ phương Tây nên không hề “thuần Việt”.

Quốc phục của người Việt là Áo dài, bởi vậy bấy lâu nay, các đại diện Việt Nam thường chọn Áo dài làm trang phục dân tộc tại các cuộc thi nhan sắc quốc tế.

Song theo tiêu chí của cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ, trang phục dân tộc không nhất thiết phải là quốc phục, mà chỉ cần gợi lên một hình ảnh, nét văn hóa nào đó của đất nước ấy. Bên cạnh đó, ban tổ chức cũng đề cao yếu tố mới mẻ, độc đáo của bộ trang phục.

Bánh mì là trang phục dân tộc được H’Hen Niê lựa chọn để mang đến Hoa hậu Hoàn vũ 2018.

Nếu xét ở phương diện này, “bánh mì” không phải là sự lựa chọn sai. Dù có xuất xứ từ phương Tây nhưng sau khi được du nhập vào Việt Nam món ăn này được sáng tạo và cải biên rất nhiều để phù hợp với văn hóa người Việt.

Đến nay, bánh mì đã trở thành một phần trong văn hoá ẩm thực Việt Nam. Bánh mì cũng là một trong hai món ăn Việt nổi tiếng nhất trên bản đồ ẩm thực thế giới, cùng với phở.

Trong từ điển Oxford, cái tên “bánh mì” vẫn được giữ nguyên là “banh mi”, chứ không phải là “Vietnamese baguette” hay được dịch sang bất cứ cái tên tiếng Anh nào khác.

Xem thêm  Việt Nam - Indonesia: Bước ngoặt của cuộc đua

Điều đó cho thấy, “bánh mì” đã được bạn bè quốc tế công nhận là “đặc sản” của Việt Nam, và chỉ có ở Việt Nam.

Còn nhớ tại cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ năm 2015, đại diện Thái Lan là Aniporn Chalermburanawong từng giành giải Trang phục dân tộc đẹp nhất với bộ váy xe tuk tuk.

Người đẹp Thái Lan giành giải Trang phục dân tộc đẹp nhất tại Hoa hậu Hoàn vũ 2015 với bộ váy lấy ý tưởng từ xe tuk tuk.

Song xe tuk tuk thực ra không phải là “độc quyền” của Thái Lan. Ở khu vực châu Á, đặc biệt là tại các nước như Ấn Độ, Philippines, hay Campuchia… và ở cả các nước thuộc châu lục khác loại phương tiện này cũng được sử dụng khá phổ biến.

Dù vậy khi nhắc đến xe tuk tuk người ta sẽ nghĩ ngay đến Thái Lan, với bánh mì điều đó hẳn cũng tương tự.

Sự khôn ngoan của H’Hen Niê và ê-kíp?

Cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ năm nay được tổ chức tại Thái Lan. Đây là đất nước yêu thích sự sáng tạo, mới lạ và độc đáo.

Các đại diện của xứ chùa Vàng cũng thường xuyên tham dự phần thi Trang phục dân tộc với những thiết kế độc lạ lấy ý tưởng từ Tom Yum, sầu riêng hay con voi…

Ngoài ra vài năm gần đây, đại diện các nước cũng thường mang đến Hoa hậu hoàn vũ những mẫu thiết kế lạ, độc đáo và có hiệu ứng sân khấu lớn. Do đó khi bước lên sân khấu, họ dễ dàng thu hút sự chú ý của khán giả và ban giám khảo.

Trang phục dân tộc của các người đẹp Thái Lan thường khá lạ mắt, độc đáo với ý tưởng lấy từ Tom Yum…

… hay con voi.

Đại diện Nhật Bản năm nay cũng từng gây tranh cãi khi chọn trang phục dân tộc là bộ váy của Thủy thủ Mặt Trăng.

Từ đó có thể thấy, việc lựa chọn bánh mì – một ý tưởng mới mẻ và khác lạ hơn hẳn Áo dài (vốn được coi là trang phục dân tộc “bất di bất dịch” của các người đẹp Việt tại đấu trường nhan sắc thế giới) biết đâu lại là một sự khôn ngoan và hợp thời của H’Hen Niê cùng ê-kíp.

Xem thêm  H'Hen Niê: Sự hoang dã và 3 thứ nằm ngoài tưởng tượng của người Việt

Trong bối cảnh bạn bè quốc tế đã quá quen thuộc với Áo dài của Việt Nam, Bánh mì có thể sẽ là một sự mới mẻ “đột phá”, giúp H’Hen Niê gây ấn tượng với ban giám khảo.

Thiết kế ban đầu của Bánh mì từng nhận được khá nhiều phản hồi tích cực.

Trên thực tế, trong 6 mẫu trang phục được đưa ra để bình chọn, Bánh mì ban đầu nhận được khá nhiều phản hồi tích cực. Rất đông ý kiến cho rằng đây là thiết kế ấn tượng nhất khi đập vào mắt và cũng rất dễ nhớ khi phải thi đấu với hàng trăm bộ trang phục từ các nước.

Vì vậy, Bánh mì không hẳn là một ý tưởng tồi. Điểm yếu trong trang phục này có lẽ là ở phần thiết kế và cắt may chưa đủ đẹp mắt, tinh tế, khiến cho mọi người cảm thấy bộ váy thô và kém sang, hơn là độc đáo, ấn tượng.

Nếu như Bánh mì được thiết kế chau chuốt, tinh xảo hơn, giúp tôn lên được nhan sắc và vóc dáng của H’Hen Niê thì đây không hẳn là một ý tưởng tồi.

Nếu như Bánh mì được thực hiện chau chuốt và tinh xảo hơn, làm tôn lên được vóc dáng, đường nét và thần thái của H’Hen Niê thì có lẽ bộ trang phục này đã không phải nhận nhiều ý kiến trái chiều đến thế.

Theo Trí thức trẻ

Link gốc