Thứ hai, Tháng Một 13
Shadow

Không nổi tiếng nhưng đây mới là mãnh tướng số 1 nhà Thục Hán, Quan Vũ, Triệu Vân thua xa

tam quốc

Ảnh minh họa.

Nhân vật sở hữu kỳ tích “lấy một chọi mười” này từng là một ái tướng được Lưu Bị rất mực trọng dung.

Vị võ tướng đóng vai trò quan trọng trong việc hiện thực hóa Long Trung đối sách

Cuối thời Đông Hán thiên hạ đại loạn, dân chúng trăm họ lầm than, quần hùng khắp nơi nổi dậy.

Lúc bấy giờ, Gia Cát Lượng là bậc mưu sĩ nổi danh với biệt hiệu Ngọa Long tiên sinh. Khi đó, thiên hạ vẫn thường truyền tai nhau câu nói: “Ngọa Long, Phượng Sồ, được một trong hai có thể an thiên hạ”.

Điều này cho thấy danh tiếng khi đó của Gia Cát Lượng vốn đã nức tiếng gần xa.

Lại nói năm xưa, quân chủ Lưu Bị từ nơi thôn dã lập nghiệp, tuy lòng mang chí lớn, có nguyện vọng phục hưng hán thất, nhưng tiếc rằng nhiều lần chiến bại, bị Tào Tháo đuổi chạy khắp nơi.

Vì vậy, ông đã hạ mình chiêu hiền đãi sĩ, nhiều lần tìm tới tận lều tranh của Gia Cát Lượng, dùng sự chân thành của mình để mời mưu sĩ ấy xuất sơn.

tam quốc

Nhờ tấm lòng của mình, Lưu Bị đã có được sự phò tá của Gia Cát Lượng – một trong những mưu sĩ nổi danh nhất thời bấy giờ. (Tranh minh họa).

Vào thời điểm đó, đối với vị quân chủ họ Lưu mà nói, Đông Ngô và Tào Ngụy đều là những kẻ địch nặng ký, căn cơ thâm hậu.

Còn Lưu Bị lúc bấy giờ đang cậy nhờ Lưu Biểu, mang thân phận “ăn nhờ ở đậu”, tuy lòng ôm chí lớn nhưng thực lực chưa đỏ, chỉ có thể nói là có tâm mà vô lực.

Sau này, Lưu Bị có được sự tương trợ hết lòng của Ngọa Long tiên sinh. Bản thân vị quân chủ này cũng rất mực trọng dụng Khổng Minh.

Khi đó, Gia Cát Lượng đã đưa ra Long Trung đối sách với nội dung như sau: Trước chiếm Kinh Châu, sau lấy Ích Châu, thiên hạ chia làm 9 châu thì có được 2, tạo thành thế cuộc chia ba thiên hạ để có thực lực tranh giành với Đông Ngô và Bắc Ngụy. 

Khi đã ổn định lãnh thổ, Lưu Bị có thể liên kết với Tôn Quyền để cùng nhau chống Tào.

Long Trung đối sách được xem là một chiến lược cao cấp. Thế nhưng sự thành công của mưu lược này lại không thể thiếu vai trò của một nhân vật trọng yếu. 

Điều đáng nói là người này vốn không phải là một nhân vật thuộc hàng mưu sĩ mà lại là một võ tướng dưới trướng của Lưu Bị.

Vị danh tướng họ Hoắc và kỳ tích “lấy 1 chọi 10”

Năm xưa, thế lực của Tào Tháo phất lên như diều gặp gió. Điều này khiến cho các thế lực chư hầu khác vô cùng lo ngại, trong đó có Đông Ngô.

Xem thêm  Sự thật về thi thể không đầu của vua Ung Chính: Do ám sát hay bị đầu độc?

Vì vậy, Đông Ngô đã phái Lỗ Túc tới gặp Lưu Bị. Sau khi đã đàm phán, hai bên đi tới quyết định cuối cùng là kết liên minh cùng nhau kháng Tào.

Sau khi đại chiến Xích Bích thắng lợi, Lưu Bị nhân cơ hội này chiếm lĩnh Kinh Châu.

Trên thực tế, vị quân chủ họ Lưu không đánh chiếm vùng đất này mà dùng một từ ngữ văn hoa hơn để lấy làm lý lẽ. Đó chính là “mượn Kinh Châu”.

Một miếng thịt béo bở như vậy, Lưu Bị dù trên danh nghĩa là “mượn” nhưng sao có thể cầm lòng mà trả lại cho Tôn Quyền?

Sau khi chiếm được Kinh Châu, tầm ngắm của vị quân chủ họ Lưu lại chuyển hướng sang Ích Châu. Trong cuộc chiến tấn công Ích Châu, không thể không kể tới công lao của một tướng lĩnh trọng yếu.

Vị tướng này sở hữu tên gọi không mấy nổi danh đối với hậu thế, nhưng lại là kỳ tài quân sự thời bấy giờ. Nhân vật này chính là Hoắc Tuấn.

Khi Lưu Bị dẫn quân nhập Xuyên, hậu phương lớn Hà Manh (có tư liệu ghi là Hà Quan hoặc Hà Manh Quan) được giao lại cho Hoắc Tuấn trấn thủ. Lúc bấy giờ, trong tay vị tướng này chỉ có vỏn vẹn gần 1000 binh lính.

Trong khi đó, Hà Manh sở hữu vị trí chiến lược vô cùng trọng yếu. Nếu nơi đây bị kẻ khác cướp lấy, Lưu Bị ắt chẳng còn đường lui, hơn nữa còn dễ rơi vào tình thế bị quân địch bao vây trước sau.

Đối mặt với nguy cơ bị địch bao vây tiêu diệt, lòng quân rất dễ rối loạn. Một khi rơi vào tình huống này, Lưu Bị rất có thể sẽ bị đánh bại, thậm chí lại trở thành một nhân vật không căn cơ, không thế lực chứ chưa nói tới việc chia ba thiên hạ cùng Tào – Tôn.

Chính vì vậy, chỉ khi nắm chắc Hà Manh trong tay, Lưu Bị mới có thể nắm giữ thế chủ động trên chiến trường.

tam quốc

Nếu mất đi Hà Manh, Lưu Bị rất có thể sẽ “ra về tay trắng” trong cuộc đấu tranh giành thiên hạ cùng các thế lực chư hầu khác. (Ảnh minh họa).

Lưu Bị đồng ý giao vị trí trọng yếu như vậy vào tay Hoắc Tuấn. Điều này vừa chứng minh vị quân chủ họ Lưu không hề hoài nghi lòng trung thành của tướng lĩnh này, đồng thời cũng khẳng định tài năng của Hoắc Tuấn đã nhận được sự công nhận và tín nhiệm.

Sau đó, quả nhiên Lưu Chương phái đội quân 10.000 binh lính tấn công Hà Manh. Bấy giờ, Hoắc Tuấn chỉ có trong tay gần 1000 binh, tương quan lực lượng chính là lấy một chọi mười.

Thế nhưng ngay cả khi gặp phải sự cách biệt to lớn về binh lực, Hoắc Tuấn với tài năng quân sự xuất chúng cũng không hề làm Lưu Bị thất vọng.

Xem thêm  Nếu Quan Vũ không chết, kết cục nào sẽ chờ đón Lưu Bị trong cuộc chiến với Đông Ngô?

Lợi dụng vị trí địa lý của Hà Manh và tận dụng 1000 tinh binh trong tay, Hoắc Tuấn đã khiến quân của Lưu Chương không có cách nào công phá thành trì.

Chỉ với gần 1000 binh lính trong tay, với một thế lực đơn bạc, Hoắc Tuấn đã thành công lấy ít thắng nhiều, lấy một chọi mười, bảo vệ Hà Manh vững vàng trong suốt 1 năm ròng.

Khi đó, Trương Lỗ nhiều lần muốn dụ hàng Hoắc Tuấn, nhưng ông vẫn một lòng trung thành với Lưu Bị, thậm chí còn nhiều lần sỉ vả kẻ chiêu hàng.

Sau khi Lưu Bị chiến thắng trở về, Hoắc Tuấn với công cao cái thế đã được quân chủ phong làm Thái thú.

Nhân tài đoản mệnh và sự đau xót khôn nguôi của Lưu Bị

Sở hữu tài năng quân sự xuất chúng, lại một lòng trung thành với Lưu Bị, có thể nói Hoắc Tuấn đóng vai trò to lớn trong quá trình tập đoàn Thục Hán thực hiện kế hoạch tam phân thiên hạ.

Thế nhưng chính điều này lại khiến nhiều người không khỏi thắc mắc: Vì sao một nhân vật kỳ tài như vậy lại không mấy nổi danh, thậm chí ngay tới các tác phẩm nghệ thuật về thời Tam Quốc cũng khắc họa hình tượng của ông tương đối mờ nhạt?

Lý do là bởi Hoắc Tuấn vì lâm bệnh nặng mà qua đời quá sớm.

tam quốc

Sự ra đi của Hoắc Tuấn đã để lại cho Lưu Bị không ít tiếc nuối và đau xót. (Ảnh minh họa).

Vào thời cổ đại, điều kiện chữa bệnh vô cùng thiếu thốn. Hơn nữa Hoắc Tuấn lại là tướng quân, thường xuyên dẫn binh đi đánh trận.

Trong quân ngũ, điều kiện vật chất lại càng muôn bề thiếu thốn. Rất có thể vì lao lực quá độ, lại thêm khi tham chiến không chú ý thân thể, nên Hoắc Tuấn lâm trọng bệnh, sức khỏe nhanh chóng tụt dốc, thân thể càng lúc càng suy nhược.

Chỉ chưa đầy 3 năm sau chiến dịch Tây Xuyên, Hoắc Tuấn sau một thời gian dài bị bệnh tật hành hạ đã không may qua đời ở tuổi 40.

Trước cái chết của vị công thần tài ba, Lưu Bị vô cùng đau lòng. Vị quân chủ này còn ở lại mộ phần Hoắc Tuấn một đêm, đau đớn ôm đầu mà khóc lớn không thôi.

Tương truyền rằng vào thời nhà Thanh, có vị tài tử học thuộc Tam Quốc chí đã để lại một lời bình luận: Nếu như Hoắc Tuấn không qua đời sớm, Triệu Vân sau này chưa chắc đã có thể có tên trong danh sách “Ngũ hổ thượng tướng”.

Trang Sohu của Trung Quốc cũng bình luận, ngoài những tên tuổi mà ai nghe cũng biết như Trương Phi, Quan Vũ, Triệu Vân, Hoàng Trung, thì Hoắc Tuấn phải là cái tên đầu tiên được liệt vào vị trí đệ nhất mãnh tướng nhà Thục Hán.

Trần quỳnh – Trí thức trẻ

Link