Thứ hai, Tháng Một 13
Shadow

Không tặc ở Việt Nam: Số phận của 2 nhóm cướp máy bay

Trong khi các máy bay Mig đang truy tìm thì chiếc trực thăng UH1 số hiệu 576 do Kiều Thanh Lục điều khiển đã hạ cánh xuống… Trung Quốc.

không tặc, cướp máy bay

Nhóm chủ mưu cướp trực thăng UH1. Người ngoài cùng bìa trái là Kiều Thanh Lục – Ảnh: INTERNET

Họ tưởng chúng tôi đến Trung Quốc để tị nạn nhưng sau khi nghe chúng tôi trình bày ý muốn gặp đại diện của Liên Hiệp Quốc ở Bắc Kinh để xin đi tị nạn tại một quốc gia khác, sự tiếp đón nhạt nhẽo hẳn

Ông DƯƠNG VĂN LỢI

Theo lời kể của ông Dương Văn Lợi – một sĩ quan không quân chế độ cũ, một trong 10 thành viên bỏ trốn trên chiếc trực thăng, thì họ nhằm hướng Hong Kong như đã tính toán nhưng run rủi thế nào nó lại đáp xuống một nơi ở… Quảng Tây.

Trốn chạy khỏi Trung Quốc

“Đó là thời kỳ mà mối quan hệ Việt – Trung không còn mặn nồng. Vì thế Bắc Kinh muốn lợi dụng sự kiện chiếc UH1 và 10 người trốn từ Việt Nam để tuyên truyền chống Hà Nội. Đó cũng là lý do chúng tôi được đưa về Bắc Kinh và được tiếp đãi trọng thể như khách quý.

Họ tưởng chúng tôi đến Trung Quốc để tị nạn nhưng sau khi nghe chúng tôi trình bày ý muốn gặp đại diện của Liên Hiệp Quốc ở Bắc Kinh để xin đi tị nạn tại một quốc gia khác, sự tiếp đón nhạt nhẽo hẳn.

Tôi ở Bắc Kinh trên 6 tháng, lúc Liên Hiệp Quốc liên lạc với bên Mỹ thì bên Mỹ viết cho tôi thư trả lời.

Tôi gửi một đơn nữa thì Mỹ cho người qua, nói với chúng tôi là Mỹ sẵn sàng nhận cả 10 người chúng tôi nhưng Trung Quốc không cho chúng tôi đi” – ông Dương Văn Lợi kể trong một cuộc phỏng vấn ở nước ngoài.

Hai năm rưỡi sau, từ Bắc Kinh, gia đình ông Dương Văn Lợi được đưa về Liễu Châu với khuyến cáo nếu không muốn ở lại Trung Quốc thì phải vào sống trong trại tị nạn!

“Tại Liễu Châu, tôi làm quen với một số người Việt từ Hà Nội hoặc Hải Phòng trốn qua Hong Kong rồi bị bắt trả về Trung Quốc, tôi đưa tiền nhờ họ mua một chiếc thuyền cũ với quyết tâm thoát khỏi Hoa Lục bằng đường biển” – ông Lợi kể.

Năm 1983, tức gần 3 năm bị mắc kẹt ở Trung Quốc, gia đình ông Lợi mới có cơ hội thoát khỏi Trung Quốc.

Ông Lợi cho biết: “Đó là chuyến vượt biển đầy trắc trở. Tàu cũ nên hết hư cái này đến hỏng cái khác. Trên đường đi, lần lượt có 40 thuyền lớn nhỏ đi ngang, chúng tôi vẫy gọi nhưng không chiếc nào dừng lại cho đến khi gặp được một tàu Liên Xô trong cơn bão.

Xem thêm  Tiểu sử cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang

Họ cho hai thợ máy sửa giúp máy tàu để chúng tôi tiếp tục hành trình. Cuối cùng, tàu cập vào một đảo nhỏ của Philippines là Dalupiri”.

Từ đảo Dalupiri, nhóm người được đưa về Manila rồi vào trại tị nạn. Năm 1985, gia đình ông Lợi được đi Pháp định cư.

Trong khi đó ở Việt Nam, một phiên tòa xử khiếm diện đã tuyên án tử hình 5 người trong nhóm cướp trực thăng gồm Kiều Thanh Lục, Dương Văn Lợi, Dương Văn Báu, Lê Ngọc Sơn (phi công phụ) và Hoàng Xuân Đoàn (cơ giới trên không).

Sau khi gia đình ông Lợi đến Pháp, mấy năm sau, em trai ông Lợi (Dương Văn Báu) cũng trốn khỏi Bắc Kinh bằng đường biển và tị nạn ở Nhật Bản. Cơ giới trên không Hoàng Xuân Đoàn cũng trốn khỏi Bắc Kinh qua tị nạn ở Canada.

Riêng 3 người là Kiều Thanh Lục, vợ sắp cưới của Lục và Lê Ngọc Sơn ở lại Bắc Kinh lập nghiệp.

không tặc, cướp máy bay

Ông Trương Văn Ẩm, một trong những người bỏ trốn trên chiếc máy bay C130 đánh cắp – Ảnh: INTERNET

Số phận của nhóm cướp máy bay C130

Với tội danh đánh cắp máy bay, trong phiên tòa xử khiếm diện ở Việt Nam, thượng úy phi công Tiêu Khánh Nha bị tuyên án tử hình. Trương Văn Ẩm và những người còn lại bị tuyên án từ 20 đến 35 năm tù.

Sau này, trả lời một tờ báo hải ngoại, ông Trương Văn Ẩm (một trong những nhân viên kỹ thuật của chế độ cũ được giữ lại làm việc cho Cục Kỹ thuật không quân trước khi tẩu thoát) kể: “Sau khi đến Singapore, cảnh sát Singapore nói rằng sẽ cho máy bay dẫn đường để chúng tôi bay qua Philippines!

Chúng tôi nhất quyết không đồng ý và khẩn thiết xin được gặp nhân viên Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Singapore. Đến ngày thứ ba ở Singapore, chúng tôi được gặp một nhân viên CIA. Ông nói rằng: “Chúng tôi nhận các anh nhưng chúng tôi nghi vấn có chuyện sắp xếp từ Việt Nam cho các anh đi”.

Cuối cùng, chúng tôi cũng được Hoa Kỳ đồng ý cho tị nạn chính trị và được định cư ở Hoa Kỳ trước ngày giáng sinh. Sau khi đến Mỹ không lâu, một người trong nhóm bị bệnh chết. Sau này, một thành viên khác trong nhóm trở về Việt Nam như một Việt kiều”.

Xem thêm  Nhân viên sân bay Đà Nẵng ném hành lý của hành khách bị kỷ luật cảnh cáo

Chuyện về người chiến sĩ tên Tạo

Có một chi tiết khá thú vị được ông Ẩm kể lại: “Trong khi mọi người háo hức chuẩn bị lên đường qua Mỹ trong vòng một tuần nữa thì anh Tạo (anh bộ đội bị đánh ngất khi nhóm Tiêu Khánh Nha lấy cắp máy bay C130) nằng nặc xin được quay về Việt Nam. Dù mọi người khuyên can thế nào anh vẫn không thay đổi quyết định”.

Anh Tạo là tân binh người Nam Định. Khi phát hiện chiếc C130 nổ máy, lẽ ra phải gọi thêm đồng đội hay báo cáo ngay cho cấp trên, anh Tạo lại chạy đến ngay trước mũi máy bay chất vấn, ngăn cản… nên bị đánh ngất rồi đưa lên máy bay…

Khi tỉnh lại, biết chuyện gì đã xảy ra, anh Tạo chửi mắng, thóa mạ những kẻ cướp máy bay là “bọn phản quốc”. Khi máy bay hạ cánh ở Singapore, đích thân hai vợ chồng Tiêu Khánh Nha đến xin lỗi Tạo vì buộc phải làm liên lụy đến anh rồi khuyên anh đi cùng.

Tạo kiên quyết đòi quay lại Việt Nam. Ông Nha đành nhờ Đại sứ quán Hoa Kỳ bảo vệ Tạo, khi nào Việt Nam cử người sang nhận lại máy bay thì thu xếp cho Tạo về cùng. Sau đó ông cùng vợ móc hết số tiền, vàng mà mình mang theo để gửi tặng anh Tạo.

Ít lâu sau, Việt Nam cử người sang đưa máy bay về. Với người chiến sĩ trẻ tên Tạo, việc đòi quay về Việt Nam của anh khiến người ta không thể tin được vì trong khi không ít người tìm cách vượt biên để được đến Mỹ thì anh lại từ chối.

Đã gần 40 năm trôi qua, chưa ai nghe gì về số phận của người chiến sĩ ấy…

Người suýt được phong anh hùng bị tử hình vắng mặt

“Với phi công Tiêu Khánh Nha, trong tâm thức của nhiều đồng đội, vẫn luôn dành cho anh sự trân trọng vì tài năng, bản lĩnh của anh. Ai cũng thấu hiểu uẩn khúc khi anh phải rời bỏ đất nước. Do hoàn cảnh đưa đẩy, từ một phi công chuẩn bị được phong anh hùng, anh ấy trở thành kẻ đánh cắp máy bay và phản bội Tổ quốc.

Anh Nha giờ đã lớn tuổi, rất muốn quay về Việt Nam thăm quê hương một lần trước khi chết nhưng bản án tử hình khiếm diện trước kia vẫn còn đó…”.

Ông T.M.Q. (một đồng đội của Tiêu Khánh Nha)

Theo Tuổi trẻ