Mùa hè nóng, mùa mưa dột, môi trường bị ô nhiễm là tình cảnh của người dân sống trong khu vực I di tích kinh thành Huế.
Huế sẽ di dời 4.200 hộ dân khỏi khu vực I di tích Kinh thành
Mấy chục năm qua, người dân dựng nhà sinh sống ngay trên Thượng Thành (phường Thuận Thành, TP Huế, Thừa Thiên Huế), di tích nằm trong khu vực cần giữ nguyên hiện trạng.
Theo Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, khu vực I di tích kinh thành Huế có khoảng 4.200 hộ với hơn 15.700 dân sinh sống, xâm phạm nghiêm trọng di tích. Riêng bốn phường nằm trong kinh thành Huế gồm Thuận Lộc, Thuận Thành, Thuận Hòa, Tây Lộc có khoảng 2.410 hộ dân, sống trên Thượng Thành, Eo Bầu, đàn Xã Tắc, Hộ Tịnh Tâm.
Khu vực Hộ thành hào thuộc các phường Phú Bình, Phú Hòa, Phú Thuận có 1.790 hộ dân sinh sống. Nhiều ngôi nhà của người dân ở phường Phú Hòa được làm tạm bợ, ọp ẹp lấn chiếm Hộ thành hào.
Lên ở Thượng Thành từ năm 1970, gia đình ông Trần Hóa (72 tuổi, tổ 14, phường Thuận Lộc, TP Huế) vẫn sống trong căn nhà lụp xụp, được che tạm bợ bằng mấy tấm tôn.
“Gia đình cũng muốn xây nhà kiên cố, nhưng đất di tích chính quyền không cho xây. Chuyển đi nơi khác thì không có tiền. Nhà không có sổ đỏ nên vay ngân hàng cũng không được”, ông Hóa nói.
Nhà trên Thượng Thành đều được làm tạm bợ, vách tựa vào tường thành, mái lợp tôn, mùa hè nóng, mùa mưa thì dột. Nhiều hộ phải dùng lốp ôtô cũ, bao cát đè lên mái nhà để chống chọi lại mưa bão.
Những ngôi nhà tạm ở trên khu vực Thượng Thành, tổ 14 phường Thuận Lộc, san sát nhau. Nhiều con hẻm chỉ rộng hơn một mét.
Người dân sống trên Thượng Thành (phường Thuận Thành) hàng ngày đều xả rác, nước sinh hoạt xuống chân thành khiến môi trường ô nhiễm.
Căn nhà chỉ rộng hơn 10 m2 là nơi 4 người trong gia đình anh Nguyễn Văn Biểu ở tổ 13 phường Thuận Lộc sinh sống. Nhà không có nước sạch, khu vệ sinh, nhiều đồ đạc sinh hoạt anh Biểu phải bỏ ra ngoài.
Căn nhà của một hộ dân tổ 14 phường Thuận Lộc rộng khoảng 10 m2, chứa nhiều đồ đạc sinh hoạt.
Gần 30 năm sống ở Thượng Thành, ông Võ Hữu Tùng (51 tuổi, tổ 5, phường Thuận Thành) chỉ mong được nhà nước bố trí đất ở để làm nhà. “Sống ở đây ô nhiễm, nhà cửa xuống cấp không xây dựng được nên ai cũng muốn đi sớm”, ông Tùng nói.
Tường thành cao hơn mặt đường Ông Ích Khiêm hơn một mét, nhiều hộ dân sống trên Thượng Thành phải làm thang mới lên được nhà.
Trước cuộc sống tạm bợ của người dân trong khu vực I di tích kinh thành Huế, tỉnh đã lên kế hoạch di dời. Kinh phí dự kiến hơn 4.000 tỷ đồng, trong đó gần 2.800 tỷ đồng giải phóng mặt bằng, gần 1.400 tỷ đồng xây dựng các công trình thiết yếu khu tái định cư rộng 73 hecta.
Võ Hạnh- theo VNE