Theo chuyên gia chăm sóc sức khỏe, 9 động tác thể dục đơn giản này giúp bạn cải thiện cơ bắp, xương khớp và khí huyết hiệu quả nhất. Hãy kiên trì thực hiện mỗi ngày để khỏe mạnh.
Theo nghiên cứu của các chuyên gia Đông y, kinh mạch con người lưu thông thuận lợi hay không nhờ vào việc họ vận động nhiều hay ít. Nếu chỉ ngồi hoặc nằm yên một chỗ thì không ai có thể sở hữu một cơ thể cường tráng được.
Để kinh mạch khí huyết lưu thông, việc làm đầu tiên là bạn phải vận động. Nhưng vận động như thế nào, động tác gì tốt cho kinh mạch thì không phải ai cũng biết.
Sau đây là 9 động tác thể dục được chuyên gia Đinh Lệ Linh, Phó Giám đốc Trung tâm quản lý chăm sóc sức khỏe, thuộc Tổng cục thể dục thể thao quốc gia (Trung Quốc) hướng dẫn giúp người tập có thể thực hành đúng và hiệu quả.
1. Dùng lược chải đầu, lưu thông kinh mạch vùng đầu, hạn chế bạc tóc
Người xưa nói rằng, chải đầu nhiều lần, tóc không còn bạc. Điều này là lời khuyên chúng ta nên mát xa vùng da đầu để cải thiện tuần hoàn máu, lưu thông khí huyết, điều chỉnh huyết mạch, làm giảm mệt mỏi, cải thiện chức năng thần kinh và giúp ngủ ngon hơn.
Cách chải đơn giản, bạn dùng lược, hoặc dùng tay chải từ góc đầu trên tai lên đỉnh đầu cho cả toàn bộ vùng đầu. Nơi vùng đầu có nhiều tóc bạc thì nên chải nhiều lần hơn.
Mỗi ngày bạn có thể chải nhẹ nhàng khoảng 200 lần chải, cho đến khi cảm thấy vùng da đầu nóng lên là được.
Lưu ý là không nên dùng lược sắc nhọn, không để móng tay dài trực tiếp làm tổn thương da đầu. Thực hiện việc này không cần dùng lực mạnh vì sẽ khiến đầu sinh ra gàu.
2. Mát xa mắt, giảm mỏi mắt, làm sáng mắt
Người làm việc nhiều bằng mắt như ngồi máy tính, đọc sách, viết lách hay phải làm các công việc cần sự tập trung lâu sẽ làm cho mắt bị mệt mỏi, dần dần gây suy giảm thị lực, mắt kém đi nhanh chóng.
Xoa nóng bàn tay rồi úp lên mắt là một giải pháp mát xa mắt có từ thời cổ xưa. Làm việc này mỗi ngày là cách tốt nhất để làm ấm vùng mắt, chăm sóc khi mắt bị mệt mỏi, tránh căng thẳng và làm chậm quá trình lão hóa vùng da quanh mắt.
Hãy xoa nóng mu bàn tay, nhắm mắt và úp bàn tay có hơi ấm lên mắt. Tròng mắt có thể xoay tròn theo chiều kim đồng hồ rồi làm ngược lại trong vòng 5 phút. Việc này sẽ cải thiện hệ tuần hoàn vùng mắt, giúp máu lưu thông lên mắt đầy đủ, cải thiện thị lực hiệu quả.
Lưu ý rằng bàn tay của bạn phải được rửa sạch trước khi thực hiện để đảm bảo không đưa vi khuẩn từ tay vào mắt, cần làm nhẹ nhàng.
3. Xoay cổ, bảo vệ cột sống và phòng bệnh về đốt sống cổ
Cổ là “con đường huyết mạch” của cơ thể theo đúng nghĩa đen. Hầu hết các kinh mạch quan trọng nhất cơ thể đều đi qua vùng cổ để kết nối vùng đầu và thân. Chính vì vậy, đây được xem là vị trí chiến lược cần được chăm sóc đặc biệt.
Do áp lực phải đỡ vùng đầu, nên cổ thường xuyên bị mệt mỏi, dễ tổn thương nhất là ngồi cúi đầu, xem điện thoại hoặc làm việc quá lâu dẫn đến mắc các bệnh về đốt sống cổ.
Cách đơn giản nhất để phòng và chữa bệnh là hãy tập xoay cổ hàng ngày. Bạn nên từ từ ngửa cổ ra sau hết cỡ, cúi đầu xuống hết cỡ. Nghiêng đầu sang trái, sang phải, xoay tròn theo chiều kim đồng hồ và ngược lại.
Thực hiện việc này trong 3-5 phút sẽ vô cùng hiệu quả. Thực hiện bài tập với tốc độ chậm, mỗi thao tác từ 8-10 lần.
4. Xoay cánh tay, xương vai để làm mềm dẻo các khớp
Bệnh đau mỏi vai và các bệnh liên quan đến xương khớp đang ngày càng gây rắc rối cho nhiều người. Vai có nhiệm vụ chuyển động trong phạm vi lớn nhất của cơ thể, cũng vì thế mà người ta quen nói rằng, gánh nặng đè lên hai vai.
Để giảm bớt áp lực cho vùng thân trên, bạn nên thường xuyên xoay vai, xoay các cánh tay, chuyển động vùng thân trên theo kiểu xoay lắc, để cho chúng được vận động một cách hài hòa, nhịp nhàng.
Hãy thực hiện cho cả hai bên vai, cách làm này sẽ giúp bạn chữa bệnh đau vai và lưng rất hiệu quả.
5. Xoay cổ tay, phòng chống cứng khớp
Người làm việc lâu trong một tư thế như để tay lên bàn phím, cầm chuột, cầm vô lăng lái xe hay nhiều công việc khác mà duy trì tư thế tay cố định trong thời gian dài sẽ rất dễ mắc bệnh cứng khớp cổ tay, lâu dần sinh đau và khó cử động. Thậm chí bị tê, sưng, không linh hoạt, suy nhược thần kinh vùng cổ tay.
Trong trường hợp này bạn nên thường xuyên duy trì việc xoay cổ tay để giải phóng sự trì trệ các kinh mạch ở khu vực này.
Cách làm đơn giản, bạn chỉ cần đưa bàn tay ra, xoay vòng tròn theo chiều kim đồng hồ rồi xoay ngược lại. Nắm chặt bàn tay, gập xuống dưới và bẻ ngược lên trên. Co duỗi các ngón tay. Mỗi lần thực hiện 3-5 phút là đủ. Bàn tay kết nối với các cơ quan nội tạng thông qua cổ tay, đây cũng là cách giúp nội tạng được kích hoạt.
6. Mở rộng lồng ngực, hít thở mạnh
Ngực là vùng sức khỏe trọng yếu của cơ thể. Ở ngực có một điểm huyệt gọi là Huyệt khí hội, huyệt này liên quan đến “khí” và có thể điều chỉnh khí.
Cách nuôi dưỡng hơi thở tốt chính là chăm sóc lồng ngực bằng cách mở rộng, kết hợp hít thở. Hai tay mở rộng sang ngang hít vào, rồi thu tay lại thở ra khoảng 20-30 lần.
7. Vặn hông, xoay người giúp xương chậu ổn định
Nhiều người bị đau vùng lưng, thoát vị đĩa đệm hoặc các bệnh liên quan ở vùng chậu. Trong trường hợp này, thực hiện động tác vặn và xoay hông có thể giúp xương chậu ổn định.
Y học hiện đại đã chứng minh rằng ít vận động có thể gây lão hóa sớm, là một trong những lý do khiến vùng chậu căng thẳng, chấn thương, rối loạn chức năng nội tạng.
Thực hiện động tác này rất đơn giản, chỉ cần đứng thẳng, chân mở rộng bằng vai, xoay đánh hông sang phải rồi lại sang trái, quay tròn, giúp cho vùng thân giữa được kích hoạt, khí huyết và kinh mạch lưu thông dễ dàng. Thực hiện khoảng 10 lần. Người trẻ có thể làm tốc độ nhanh, người cao tuổi nên làm chậm hơn. Không nên thực hiện khi vừa ăn no.
8. Nâng chân để lưu thông khí huyết nhanh chóng
Người bận rộn không có thời gian tập thể dục hãy xem đây là động tác nên làm bất kỳ lúc nào, kể cả khi bạn đang ngồi ở bàn làm việc, ngồi xem tivi, trò chuyện bạn bè.
Cách thực hiện đơn giản, bạn ngồi và giơ thẳng chân lên, giữ trong vòng 5-10 giây rồi hạ xuống. Giờ từng chân một, sau đó giơ cả 2 chân cùng lúc. Khí huyết và kinh mạch vùng chân sẽ được chăm sóc và lưu thông dễ dàng hơn.
Động tác này giúp thư giãn cơ bắp, hạn chế chuột rút, tốt cho vùng cơ bụng, giảm mỡ bụng, thon gọn vòng 2, cải thiện tuần hoàn máu, ngăn ngừa cục máu đông.
9. Kiễng gót chân, rèn luyện cách giữ thăng bằng
Bàn chân được Đông y xem là trái tim thư hai, là gốc rễ của cơ thể. Chính vì vậy mà trên thực tế có rất nhiều dịch vụ mở ra để chăm sóc bàn chân.
Cách đơn giản nhất để thực hiện động tác này là đứng thẳng, kiễng gót chân lên xuống theo nhịp đều đặn. Thả lỏng vai và cánh tay, nhẹ nhàng thực hiện việc nhón chân trong ít phút, tùy theo thời gian rảnh rỗi của bạn.
Kiễng chân có thể kích thích các cơ bắp gót chân, bàn chân, bắp chân, cải thiện chứng đau gót chân và khó chịu vùng chân. Tập dài hạn cũng giúp cải thiện khả năng giữ thăng bằng của cơ thể, tăng cường chức năng tiểu não.
Muốn có sức khỏe tốt, bạn cần lựa chọn cho mình phương pháp luyện tập phù hợp và phải kiên trì thực hiện mỗi ngày. Người không vận động, không thể có cơ thể dẻo dai, sống thọ.
*Theo LifeTimes
Vân Hồng/ Theo Trí Thức Trẻ