Mắc căn bệnh ung thư quái ác, có những lúc sự sống chỉ thoi thóp, sút cân còn 31 kg, nhưng cô Kim Thị Lụy vẫn sống và mạnh khỏe suốt 8 năm nay, không phải dùng một viên thuốc nào.
LTS: Y học hiện đại đã và đang từng ngày, từng giờ tìm kiếm các phương cách hiệu quả hơn giúp nhân loại chống lại ung thư – căn bệnh của thời đại. Nhiều ca bệnh dù hiểm nghèo nhưng nhờ sự cứu chữa tận tâm, đúng phác đồ của các y bác sĩ, đã vượt qua “tử thần”. Đó là thành tựu không thể phủ nhận của các liệu pháp điều trị ung thư truyền thống như phẫu thuật, hóa xạ trị.
Tuy vậy với với ung thư phổi, theo các số liệu thống kê, tỷ lệ bệnh nhân trên thế giới sống được trên 5 năm còn quá nhỏ bé, chỉ 16%. GS.BS Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, gọi đây là căn bệnh “rất khó phát hiện sớm, kết quả điều trị rất thấp, là sát thủ mạnh tay nhất trên toàn cầu” (trích từ sách: Ung thư – Biết sớm trị lành).
Thế nên, trường hợp của bệnh nhân Kim Thị Lụy tự chọn cho mình phương pháp thực dưỡng Ohsawa – gạo lứt muối mè (muối vừng) chữa lành ung thư phổi có thể coi là một kỳ tích. Chuyên đề “ Chiến thắng số phận” xin giới thiệu với quý độc giả câu chuyện này.
“Bồ Tát soi đường”
9 giờ, một buổi sáng tháng Ba mát lành. Căn nhà nhỏ rộng hơn 20 mét vuông của cựu công nhân cơ khí Kim Thị Lụy (58 tuổi ở phường Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội) ngập tràn Phật hiệu “A Di Đà Phật” dán trên tủ, ti vi, bàn uống nước. Cô đã quy y Tam Bảo, tu tại gia.
Cô Lụy biết bệnh đúng vào những ngày Hà Nội ngập lụt kỷ lục năm 2008. “Lội nước bỗng chân tay thấy rờn rợn, tưởng chỉ bị cảm…”, cô kể. Sức khỏe sa sút nhanh chóng. Sau khi đi chụp chiếu tại nhiều phòng khám và bệnh viện Hà Đông không phát hiện ra điều bất thường, cô kiểm tra ở Bệnh viện Quân y 103 và nhận tin sét đánh. Gia đình chìm trong sầu não và u uất.
Ngày 19/2/2009, bệnh nhân Kim Thị Lụy nhập Bệnh viện Lao và Bệnh phổi trung ương trong tình trạng sức khỏe tồi tệ. Kết quả chuẩn đoán tại đây trùng khớp với kết quả trước đó tại Bệnh viện Quân y 103: ung thư phổi, loại biểu mô tuyến.
Hai tuần sau, cô được phẫu thuật cắt thùy trên phổi trái, lấy hạch trung thất.
Nhìn cô trên giường hậu phẫu, gầy sọp, gia đình và bạn bè đến thăm đều khóc lóc vì tin rằng, mang tế bào ung thư là cầm chắc cái chết, không sớm thì muộn. Cô thầm oán trách ông trời tại sao mình sống lương thiện, sớm tối chỉ đi làm kiếm sống và nuôi con, không làm điều ác, mà số phận lại quá trêu ngươi?
Ba tuần sau, cô Lụy được xuất viện với trạng thái sức khỏe được ghi nhận “ổn định” và lịch hẹn ngày 6/4 khám lại để tiến hành các phác đồ điều trị tiếp theo.
Nhưng cô Lụy đã không đến!
“Như có Bồ tát soi đường cháu ạ!” – cô chiêm nghiệm lại về những ngày mà tinh thần mình suy sụp tưởng như không gượng dậy được, những ngày chưa hề có niềm tin vào Phật pháp.
Bất ngờ, một người bạn đến thăm thấy trong ngoài phòng bệnh ai nấy mắt đỏ hoe, liền nói: “Làm gì phải khóc, không phải lo, để tôi dẫn đến nhà này…”
Theo lời bạn mách, cả gia đình cô Lụy cùng đến gặp một cặp vợ chồng đặc biệt ở phố Đào Tấn, Hà Nội – tôi không nêu đầy đủ họ tên địa chỉ ở đây, vì chị Hằng (người vợ, sinh năm 1971) nói gia đình chị không muốn xuất hiện trên báo.
Anh Dũng là một kiến trúc sư, sinh năm 1965, ung thư phổi năm 2004, gia đình bán nhà, dốc gia sản đưa anh sang Singapore chữa bệnh hết hơn 1 tỷ đồng, nhưng sau vài đợt hóa trị cơ thể không chịu được. Chị Hằng đưa chồng về, tìm hiểu và may mắn gặp được người hướng dẫn cho chồng chữa theo phương pháp thực dưỡng Ohsawa – dùng gạo lứt muối mè.
Thực dưỡng Ohsawa là một phương pháp hướng dẫn ăn uống khoa học theo triết lý cân bằng âm dương, được giáo sư người Nhật Bản Georges Ohsawa (1893-1966) khơi nguồn và phát triển lên đỉnh cao nhất, khiến cả thế giới phải kính phục và thừa nhận đây là một phương pháp phòng và chữa bệnh tự nhiên tuyệt vời.
Phương pháp này du nhập vào Việt Nam từ trước 1975, và dù có tới 10 cấp bậc chính (10 số, từ số 7 đến -3) với nhiều loại thực phẩm tương ứng, song do vẫn dùng gạo lứt – muối mè (vừng) làm chủ đạo nên còn gọi là phương pháp gạo lứt muối mè.
Anh Dũng đã trải qua một đợt nhịn ăn đến 38 ngày, rồi áp dụng chế độ ăn “số 7”. Từ đó đến nay, 13 năm, anh Dũng vẫn đang sống mạnh khỏe, hai vợ chồng trả ơn đời bằng chính phương pháp đã giúp anh tồn tại: bán sản phẩm thực dưỡng và tư vấn cách dùng gạo lứt muối mè cho những người tìm đến.
Và thế là, bệnh nhân Kim Thị Lụy cùng những người thân trong gia đình cô đã bị thuyết phục bởi “nhân chứng sống” anh Dũng – chị Hằng, trước những lập luận khoa học về thực dưỡng Ohsawa. Chị Hằng sau này cũng trở thành một người bạn lớn trên hành trình chữa lành ung thư của cô.
“Như có Phật soi đường ấy cháu ạ!”.
11 ngày nhịn ăn thành công
Bước vào hành trình chữa lành ung thư bằng phương pháp không xâm lấn – thực dưỡng Ohsawa, ngày ngày cô Lụy đều ghi nhật ký sức khỏe vào một tập giấy.
3/5/2009 (tức 9/4 âm lịch), cô bắt đầu bước vào đợt nhịn ăn đầu tiên, sau khi đã tìm hiểu kỹ, thật sự tin tưởng và may mắn được sự giúp đỡ của một người có kinh nghiệm.
Quy tắc nhịn ăn đúng cách, theo chia sẻ của cô Lụy, là phải có vài ngày ăn đệm trước và sau quá trình nhịn: trước khi nhịn ăn cháo loãng dần, sau khi nhịn ăn cháo đặc dần. Trong những ngày nhịn không được ăn uống gì, trừ nước lọc. Khả năng nhịn được bao nhiêu thì tùy vào từng người, trong quá trình đó phải luôn luôn theo dõi, lắng nghe cơ thể.
Bên dưới đây, tôi chụp lại một đoạn nhật ký nhịn ăn của cô Kim Thị Lụy ghi từ ngày 5/4 đến 11/4 âm lịch. Có thể thấy, liên tục ngày nối ngày là ghi chú về các thể trạng như “chóng mặt”, “chân tay rã rời”, “tức ngực khó thở”, nhiệt độ cơ thể, chỉ số mạch…
Người bình thường một vài bữa ăn thấy “chóng mặt”, “chân tay rã rời” đã sợ, vậy nên nếu không có một niềm tin sắt đá cùng sự kiên gan bền chí, cô Lụy có lẽ đã bỏ cuộc giữa chừng.
Việc nhịn ăn, theo cô, là để thải hết các loại độc tố đã tích tụ lâu ngày, đồng thời để các tế bào và bộ phận cơ thể tự điều chỉnh về trạng thái cân bằng âm dương. Cô so sánh, con gấu trú đông 3 tháng không ăn gì hoặc con tằm kết kén nhả tơ nhiều ngày vẫn sống được, thì cơ thể con người cũng sẽ làm được như vậy.
Thực tế hiện nay vẫn có một số tranh luận y học về phương pháp nhịn ăn. Tuy nhiên, theo một bài viết trên báo VnExpress, bác sĩ Nguyễn Thị Kim Hưng, nguyên Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP HCM là người từng trực tiếp trải nghiệm phương pháp này đã xác nhận hiệu quả tốt.
Nhưng bà cũng khuyến cáo, chỉ nên áp dụng phương pháp nhịn ăn khi thực sự có hiểu biết, có niềm tin. Tùy từng người một mà có số ngày nhịn ăn, cách thở hợp lý. Sau khi nhịn ăn thì ăn uống trở lại như thế nào cho khoa học cũng rất quan trọng. “Lần đầu tiên nhịn ăn để an toàn thì cần phải có hướng dẫn, còn những lần sau thì có thể tự thực hiện”.
Sau đợt nhịn ăn thành công, cô Lụy bước vào chế độ “số 7” – cấp độ cao nhất của phương pháp thực dưỡng Ohsawa. “Số 7” là cấp độ ăn triệt để nhất, 100% chỉ ăn gạo lứt và muối mè (vừng) và uống ít nước lọc, không thêm một thứ gì khác. “Số 7” được khuyến cáo là áp dụng để chữa những bệnh nan y, bao gồm ung thư.
Liền trong hơn 2 tháng, cô Lụy ăn theo “số 7”, kết hợp tập vẩy tay dịch cân kinh theo kinh nghiệm nhiều người khuyên, thấy người nhẹ nhõm, thanh sạch, khỏe khoắn.
Thế nhưng, hai biến cố lớn đã ập đến…
Nhật ký sống sót
Ngày 8/8/2009 (18/6 âm lịch), cô đi cắm răng giả với mong muốn răng chắc hơn để nhai cơm gạo lứt, nhưng một tháng rưỡi sau, răng lợi bị viêm nặng, đành phải phá ra, bác sĩ dùng thuốc sát trùng và kháng sinh, nhưng không tác dụng.
Lợi vẫn sưng rất to, miệng lở loét, không ăn được gạo lứt muối mè, chỉ uống nước cháo. Cơ thể chưa hoàn toàn hồi phục sau đợt phẫu thuật và nhịn ăn thải độc tiếp tục sút cân nghiêm trọng.
Rồi đến hai chân bỗng nhiên sưng tím kheo sau một ngày quỳ ở chùa làm lễ quy y, phù dần lên và không đi được nữa. Cô kể, hai bàn chân hễ chạm xuống đất thì như có hàng triệu mũi kim đâm buốt vào tim óc.
Cô sút còn 31 kg, nhẹ hơn cả một cháu bé lớp 5! Hàng xóm, họ hàng đến thăm thấy chân và mặt phù, sưng tím, ai cũng lắc đầu nghĩ cô lần này không thể qua khỏi. Có người thì khuyên đưa đi bệnh viện, có người giục phải “tẩm bổ”, nhưng cô quyết không chịu. Cô thà chết ở nhà chứ nhất quyết không từ bỏ phương pháp Ohsawa!
Trong suốt 40 ngày kể từ 1/9 đến 9/10 âm lịch năm đó, cuốn sổ nhật ký của cô dày đặc tâm trạng bi quan chán nản, đau đớn, mạch thất thường… Nhưng sau tất cả, điều lớn nhất tôi nhận thấy ở đây là ý chí, sự kiên trì và bền bỉ đến phi thường của bệnh nhân Kim Thị Lụy.
Dưới đây xin trích lại một số ghi chép trong cuốn nhật ký về quãng thời gian khốc liệt này:
(…) 13/9 âm lịch, nhịn được 4 ngày mạch 83/phút chân vẫn cứng ở kheo phải. Buổi trưa Hằng (chị Hằng đã nêu ở trên -pv) vào chơi, mệt không dám ngồi dậy…
14/9 ăn lại. Mệt quá! Nhịn được 4 ngày ăn lại nước gạo rang và xác gạo lọc ra. Mệt, mạch 90/phút.
15/9 ăn lại ngày thứ 2, thức ăn cháo gạo lứt đỏ loãng. Mệt quá! Lợi vẫn sưng không đỡ, chân thì đỡ nhưng lại cứng cơ kheo phải, ủ nước nóng, mạch 95 lần/phút. (…)
21/9 ăn lại 8 ngày mà vẫn 31 kg, lợi sưng chân sưng. Chán đời quá! Đi táo bón 2 lần. Không đi được. Chân sưng phù, lợi sưng.
22/9 mệt mỏi, chân sưng phù tím, lợi sưng, dán cao khoai sọ. Mạch 100 lần/phút. Ăn bột sắn dây, củ sen. Mệt quá! Chán đời quá, bi quan. Chân cứng, kheo đau không đi lại được.
23/9 lợi sưng chân cứng cố chạm xuống đất đau không đi lại được phải cõng đi vệ sinh. Mạch 100 lần/phút. (…)
1/10 bắt đầu ăn bí đỏ như ăn linh đan ngon ngọt quá! Ăn ngày 2 lần bí đỏ cà rốt. Lợi vẫn sưng chân cứng không đi lại được. Đi ngoài dễ hơn. Mạch 100 lần/phút. Vẫn ngậm dầu vừng 3 lần/ngày.
2/10 ăn bí đỏ 2 lần/ngày. Ăn cháo với miso, tamari ngon quá! Mạch 88 lần/phút. Nhiệt độ 36 độ 7. (…)
8/10 âm lịch, chân vẫn phù, nhẹ hơn, vẫn đau, lần lần được ra cửa tắt đèn, tắt vô tuyến. Tối ăn củ sen, củ cải, cà rốt. Ngày ăn bột sắn, mơ muối và tương + quả bí đỏ mà từ 4h chiều – 6h chiều tiểu 3 lần. Tối từ 9h đến 3h sáng tiểu 3 lần nữa.
Tự nhiên sáng dậy thấy chân hết phù, teo lại, đi lại được, sáng tự đi vệ sinh trên tầng 3, thấy nhẹ nhõm, người đỡ mệt, mạch 80 lần/phút.
9/10 chân xẹp xuống. Ăn củ cải + bí đỏ + cà rốt + bột sắn tương cổ truyền…
“Tôi phải trở nên yếu đi trước khi trở nên khỏe hơn”
Đêm 8 sáng 9/10 âm lịch (25/11/2009) chính là thời khắc đánh dấu kết thúc giai đoạn hiểm nghèo nhất đối với bệnh nhân ung thư phổi Kim Thị Lụy. Cô dần tự nhai gạo lứt được trở lại, kiên trì ăn theo “số 7” thực dưỡng Ohsawa thêm 4 tháng nữa, rồi chuyển sang các cấp độ ăn thấp hơn.
Và từ đó đến nay, sau gần 8 năm, ung thư không tái phát. Kết quả kiểm tra lại vào năm 2013 tại bệnh viện không phát hiện bất cứ dấu tích nào của ung thư nữa. Và đặc biệt là, từ đó đến nay, sau gần 8 năm, cô không phải dùng bất cứ một viên thuốc nào mà chỉ cần áp dụng các chế độ ăn uống của thực dưỡng Ohsawa để điều chỉnh cơ thể (tôi sẽ nói chi tiết hơn ở bài sau – pv).
Kỳ tích vượt qua hiểm nghèo của cô Kim Thị Lụy làm tôi liên tưởng đến ông Lim Swee Cheong, người Singapore.
Trong cuốn sách tựa đề “Phòng và chữa bệnh ung thư theo phương thức tự nhiên” của nhà nghiên cứu về sức khỏe tổng thể tự nhiên Singapore, Betty L Khoo-Kingsley (Đào Tuấn Dũng dịch, NXB Lao Động, Thaihabooks phát hành), có một chương đặc biệt: Những con người bình thường – Những cuộc đời phi thường.
Ông Lim bị ung thư mũi khi 41 tuổi, sau khi đã trải qua xạ trị, các bác sĩ nói ông chỉ còn sống thêm không quá 10 tuần. Hàng ngày ông phải nhiều lần tự làm giảm đau bằng dung dịch rửa mũi pha loãng (9 phần bicabonat natri và một phần clorit natri) do vợ con hỗ trợ, đồng thời cũng để làm dịu đi dòng máu bị vón cục trong hốc mũi. Từ cơ thể vạm vỡ 102 kg ông chỉ còn 63 kg.
Thế rồi, như có những mối duyên tiền định, ông gặp được những người khuyên mình thực hiện chế độ ăn uống tự nhiên. Và suốt 7 tháng trời, ông thực hiện theo triệt để. Ông tự nhủ: “Phải tuân theo lời khuyên của Hipocrates: Hãy để thực phẩm của bạn là thuốc và thuốc của bạn là thực phẩm”.
Một đêm (ngay trước bình minh), trong nỗi đau khổ lẫn tuyệt vọng, ông đi về phía chiếc gương, nhìn chằm chằm vào nó, tự hỏi mình đã bỏ sót cái gì trong phương pháp của mình hay không? Nằm lại lên tấm nệm với nhiều vết máu khô, đột nhiên ông nhận ra dường như dấu hiệu chính của bệnh ung thư đã “rút lui êm ả”, vì cái mùi ghê tởm của một cơ thể khi bị các khối u ác tính kìm hãm đã mất.
Việc nhịn ăn, chế độ ăn uống giải độc “điên rồ” của ông đã đẩy chất độc ra khỏi cơ thể ông. Với ý nghĩ đó, Lim chìm vào giấc ngủ. Và vào lúc bình minh, ông nhận ra mình đã khỏi bệnh. Lim lại đi về phía chiếc gương, không còn nữa bộ mặt sung phồng và các vết thương mưng mủ trên môi, miệng và cổ họng.
Lim tin rằng “khả năng chữa bệnh xảy ra trong vòng sáu đến tám giờ cuối, trước bình minh, không thể có được nếu thiếu một sự tái sinh nhanh của tế bào”.
“Tôi phải trở nên yếu đi trước khi trở nên khỏe hơn” chính là câu thần chú của Lim.
Lim Swee Cheong và Kim Thị Lụy, ở hai đất nước hoàn toàn xa lạ, bệnh ung thư khác nhau, nhưng có cùng chung một niềm tin vào “liệu pháp tự nhiên”, và vượt qua số phận. Thật kỳ diệu!
* Bấm vào đây đọc phần tiếp theo…
Mời quý vị đọc PHẦN TIẾP THEO của câu chuyện về cô Kim Thị Lụy (bấm vào đây). Phần này nói về những bí quyết đã giúp cô Kim Thị Lụy chữa lành ung thư phổi, gồm:
– Cơ chế tác động của việc nhịn ăn và ăn gạo lứt muối mè
– Người thân và gia đình đóng vai trò quan trọng như thế nào?
– Tâm hướng Phật giúp ích gì cho bệnh nhân?
– Thực đơn hàng ngày giúp cô Lụy 8 năm liền không phải dùng đến 1 viên thuốc
Đức Giang – Ảnh: Thành Đạt, Theo Trí Thức Trẻ, Soha