Mỗi người nếu muốn vượt qua chính mình phải học cách kiềm chế cảm xúc, vứt bỏ sĩ diện và hình thức, học cách phân tích được trọng điểm của sự việc, có như thế cuộc sống của bạn mới thực sự tiến bộ.
Nhận thức của mỗi người đều khác nhau, vậy nên cách nhìn nhận và giải quyết vấn đề cũng khác nhau. Nếu có một nghìn người xem vở bi – hài kịch “Hamlet” của nhà soạn kịch vĩ đại người Anh William Shakespeare thì cũng có một nghìn cách cảm nhận về câu chuyện khác nhau.
Sự phát triển của một người đều từ trình độ mà ra, một người có trình độ càng thấp lại càng dễ vấp phải ba việc:
1. Quá chú trọng đến hình thức và sĩ diện
Có một số người luôn đặt hình thức lên trên hết. Tôi đã từng đọc được ở đâu đó câu nói của Lý Gia Thành: “Khi bạn buông bỏ sĩ diện và hình thức để kiếm tiền, điều đó chứng tỏ bạn là người hiểu biết. Khi bạn dùng tiền kiếm được để tạo dựng hình ảnh bản thân, như vậy là bạn đã thành công.
Khi bạn lấy hình ảnh bản thân để kiếm tiền, nghĩa là bạn đã trở thành một nhân vật nổi tiếng. Nếu bạn cả ngày chỉ đi khắp các quán bar uống rượu, khoe khoang, nói phét, cái gì cũng giả vờ hiểu, lúc nào cũng chỉ thích chăm chút cho hình thức của mình, thì cả đời bạn cũng chỉ được như thế mà thôi.”
Trình độ càng thấp, thì thứ càng không nên bàn đến chính là sĩ diện và hình thức. Chính sự sĩ diện và chú trọng hình thức sẽ giết chết bản thân mình; vô hình trung chính mình đã tự vẽ nên vòng tròn khép kín mà không hề biết đến cuộc sống thực tại tươi đẹp và to lớn như thế nào.
Cách đây 3 năm, có một chàng trai đến phỏng vấn ở công ty tôi. Phải nói rằng, đó là một chàng trai rất đẹp, ăn mặc chỉn chu và “hợp mode”, khuôn mặt rất ưa nhìn, lại dễ gây thiện cảm. Sau khi phỏng vấn, cậu ấy được sắp xếp vào làm ở phòng kinh doanh. Vì chưa có kinh nghiệm, và cả ngày chỉ quan tâm đến việc làm thế nào để tạo ấn tượng với sếp và đồng nghiệp nữ, chỉ quan tâm tới hình thức mà quên đi việc cố gắng bồi dưỡng kiến thức.
Sau hai tháng thử việc, cậu ấy bị điều chuyển sang bộ phận sản xuất, ngày ngày phải xuống xưởng tìm hiểu sản phẩm. Vì sĩ diện, không lâu sau đó, cậu ấy đã xin nghỉ việc. Đó thực sự là một quyết định sai lầm, khi cậu ấy đã không biết nắm bắt cơ hội và rèn giũa bản thân, cho rằng diện mạo có thể quyết định được tương lai.
Đối với những người có trình độ cao, họ biết hình thức tuyệt đối không phải là thứ quan trọng nhất, mà ngược lại luôn đề cao việc theo đuổi bản chất sự việc. Họ hoán đổi bản chất và hình thức cho nhau để gặt hái thành công; tự tạo dựng được hình ảnh và sự tôn trọng trong mắt mọi người.
Nếu chúng ta muốn tiếp tục phát triển và trưởng thành, hãy nhớ, trước tiên phải học cách buông bỏ sĩ diện và hình thức, như vậy mới có thể thực sự hiểu được bản thân cần gì và làm được gì.
2. Không kiềm chế được cảm xúc
Người có trình độ càng thấp, càng dễ bị cảm xúc khống chế; vui buồn thất thường, thích nói gì thì nói mà không hề nghĩ đến cảm giác của người khác.
Đối với người có trình độ cao, người ta lại biết cách kiềm chế cảm xúc. Cảm xúc sẽ ảnh hưởng đến phán đoán quan trọng của chúng ta. Nhà tâm lý học phát hiện ra rằng: Một người biết cân bằng cảm xúc, bất luận là đưa ra quyết sách gì hay đánh giá gì cũng đều rất khách quan và có lý. Khi bộ não bị cảm xúc làm chủ, làm việc không chỉ không hiệu quả mà còn khiến cuộc sống trở nên u sầu, thảm hại.
Ở một khía cạnh nào đó, bất cứ lúc nào, chúng ta cũng không nên làm nô lệ cho cảm xúc của chính mình, không nên để cảm xúc khống chế, mà thay vào đó là kiểm soát cảm xúc. Dù tình hình có tệ như thế nào đi chăng nữa, bạn nên cố gắng kiểm soát hoàn cảnh của mình và tự cứu mình ra khỏi cuộc sống u ám. Chỉ khi bạn từ từ kiểm soát cảm xúc của mình thì bạn mới trở nên mạnh mẽ hơn.
3. Không biết cách phân tích tính trọng yếu của mỗi sự việc
Người có trình độ càng thấp, họ càng không biết cách phân tích tính trọng yếu của mỗi sự việc, vì vậy có nhiều lúc họ cảm thấy làm mãi mà không hết việc.
Trong tâm lý học, nguyên tắc thứ 28 là một nguyên tắc quan trọng nhất, những thứ ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta chỉ có 20% là việc quan trọng, còn lại đều là những việc nhỏ nhặt. Nguyên tắc thứ 28 chỉ ra rằng: Mỗi người chỉ nên làm những việc quan trọng nhất, như vậy mới có thể tối đa hóa thời gian của mình.
Ví dụ cùng là 24 giờ, người có trình độ cao hiểu rằng phải dùng thời gian để làm những việc quan trọng trước, vì vậy luôn đạt được hiệu quả vượt bậc. Còn với người có trình độ thấp, chỉ vì lợi ích trước mắt mà quên đi mục tiêu lâu dài.
Tôi từng có hai người bạn đều làm nhân viên phòng kế hoạch, mỗi ngày của họ thực sự đều là ngày bận rộn. Họ đã từng trao đổi với cô giáo của họ làm thế nào để thoát khỏi tình trạng ấy. Cô giáo gợi ý là thi lên cao học, khi đạt được trình độ khác thì công việc cũng sẽ khác.
Một trong hai bạn ấy, nghe xong để đấy và tiếp tục với công việc hiện tại của mình. Một bạn thì dù bận rộn đến mấy cũng vẫn dành thời gian để học và thi được cao học. Sau này, cậu bạn đó trở thành đối tác của một công ty lớn. Còn người bạn không có ý định học lên thì vẫn là nhân viên văn phòng của công ty cũ với hàng tá công việc bận rộn cả ngày.
Đó chính là cách phán đoán sự việc. Con người hơn nhau chỉ nhờ vài bước đó, nếu biết nắm bắt và phân tích tình hình thì cuộc sống của mình sẽ không còn là những chuỗi ngày dài bận rộn.
Mỗi người nếu muốn vượt qua chính mình phải học cách kiềm chế cảm xúc, vứt bỏ sĩ diện và hình thức, học cách phân tích được trọng điểm của sự việc, có như thế cuộc sống của bạn mới thực sự tiến bộ.
Thu Hoài – Trí thức trẻ