Thứ bảy, Tháng mười một 23
Shadow

Lần đầu tiên 5 nhà báo mổ xẻ nguyên nhân, hiến kế chống bạo hành y tế

nhà báo,chống bạo hành,bệnh viện,bác sĩ
Lần đầu tiên 5 nhà báo mổ xẻ nguyên nhân, hiến kế chống bạo hành y tế

Trước hàng loạt vụ bạo hành nhân viên y tế trong thời gian gần đây, các nhà báo theo dõi mảng y tế đã cùng trả lời Trí Thức Trẻ, bày tỏ nỗi trăn trở và đề xuất giải pháp.

Nhà báo Lan Anh – Báo Tuổi trẻ: Bạo lực với nhân viên y tế đang leo thang

Tính đến đầu 2018 thì số vụ bạo hành nhân viên y tế đã tăng gấp 3 so với cùng kỳ 2017. Riêng nửa đầu tháng 4 lại có 3 vụ người nhà bệnh nhân đánh nhân viên y tế ở Hà Nội, Hà Tĩnh và Bắc Cạn.

Bạo lực đang leo thang và đã có rất nhiều phản ứng cực đoan từ cả hai bên: người nhà bệnh nhân, người bệnh cho rằng “có lửa mới có khói”, còn nhân viên y tế thì đi học võ, truyền nhau thông điệp yêu cầu được bảo vệ trên mạng xã hội… Cả hai bên cùng hết sức tức giận.

Có một lý do dẫn đến bạo hành y tế mà nhiều người nhắc đến: thái độ của nhân viên y tế với bệnh nhân. Quả thật 5-10 năm trước, việc nhân viên y tế bị đánh là điều không ai tưởng tượng được. Khi khoác chiếc áo trắng, người bác sỹ, y tá dược người bệnh, người nhà tin tưởng, họ luôn dành sự kính trọng, đôi khi sợ hãi để ứng xử với cán bộ y tế

Nhưng cung và cầu trong cung cấp dịch vụ y tế luôn bị mất cân bằng, bệnh nhân nhiều mà số lượng cán bộ y tế chăm sóc lại không đủ, từ đó có chuyện khám qua loa, khám một vài phút/bệnh nhân, thái độ của người thầy thuốc thì quả thật là còn lạnh lùng, chưa tận tụy…

Không phải bác sỹ lạnh lùng hay tư vấn chậm là người nhà bệnh nhân có quyền đánh họ. Việc anh Trương Văn Thanh – người đánh bác sỹ V.H.C đêm 13/4 tại Bệnh viện Xanh Pôn vừa bị Công an Quận Ba Đình khởi tố điều tra tội gây rối trật tự công cộng là một ví dụ.

Luật pháp và tình người luôn không dung thứ cho các hành động tương tự như của Trương Văn Thanh, nhưng đây cũng dịp để ngành y tế các cấp có định hướng trong thực hiện mục tiêu hướng tới sự hài lòng của người bệnh.

Người bệnh hài lòng không chỉ là kết quả chữa bệnh tốt, mà còn là mong muốn được tư vấn và dặn dò trong quá trình chữa bệnh và sau khi ra viện, là thời gian thăm khám và sự thông cảm, chia sẻ giữa nhân viên y tế và bệnh nhân.

Một vấn đề nữa là mức lương của nhân viên y tế, đã đến lúc nên đặt tất cả lên bàn cân để tính toán mức hợp lý, trả lương đủ sống và tái tạo sức lao động cho nhân viên y tế, đồng thời nghiêm cấm các loại phí ngầm trong dịch vụ y tế

Nhà báo Trần Ngọc Kha – Báo Đại đoàn kết: Văn hóa ứng xử phải đặt lên hàng đầu

Mỗi vụ hành hung nhân viên y tế xảy ra là một câu chuyện buồn khiến tôi hết sức đau lòng. Có thể những người thầy thuốc có lúc này, lúc khác vì lý do chủ quan, khách quan có những điều này, điều nọ không phải, chưa đúng với ai đó trong xã hội, trước hết mong mọi người đại lượng chỉ bảo, góp ý chân tình để ngày một hoàn thiện hơn.

Trước khi là thầy thuốc và trong khi là thầy thuốc, họ đều là những con người bằng xương bằng thịt, và đã là con người thì ai cũng có thể mắc sai lầm. Nếu cứ tiếp tục để xảy ra những vụ việc tương tự như vậy, tôi e rằng giữa người bệnh và bác sĩ không tìm thấy tiếng nói chung, sẽ có nhiều hệ lụy bất lợi cho tất cả các bên.

Xem thêm  Bà bầu hơn 7 tháng bị xe "điên" lùi trúng trên phố Hà Nội: Hy vọng con không sao
nhà báo,chống bạo hành,bệnh viện,bác sĩ
Lần đầu tiên 5 nhà báo mổ xẻ nguyên nhân, hiến kế chống bạo hành y tế – Ảnh 2.

Nhà báo Trần Ngọc Kha

Trong cuộc sống cũng như trong môi trường y tế, yếu tố văn hóa trong ứng xử phải được tất cả chúng ta đặt lên hàng đầu. Có tôn trọng nhau mới lắng nghe và thấu hiểu được nhau, hợp tác với nhau hiệu quả. Đừng để đến khi sự đã rồi mới hối tiếc, ăn năn thì đã muộn.

Nhân đây, tôi cũng muốn nhắn gửi đôi lời với những thầy thuốc đang ngày đêm không quản ngại khó khăn nguy hiểm chữa bệnh cứu người. Hippocrates người sáng lập ra nền y học hiện đại và cũng được xem là thầy thuốc vĩ đại nhất trong thời đại chúng ta.

Một trong những lời thề của Người là: “Dù vào bất cứ nhà nào, tôi cũng chỉ vì lợi ích của người bệnh, tránh mọi hành vi xấu xa, cố ý và đồi bại…”. Trong thư gửi Hội nghị Cán bộ y tế ngày 27 tháng 2 năm 1955, Chủ tịch Hồ Chủ từng dạy: “Lương y phải như từ mẫu”.

Ở đây, Bác dùng chữ “phải” ý muốn nhấn mạnh rằng, một người thầy thuốc đồng thời phải là một người mẹ hiền. Có nghĩa người thầy thuốc không những phải giỏi chuyên môn, mà còn phải chịu khó phấn đấu, cố gắng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, tác phong, lối sống, cách xử sự với bệnh nhân. Làm được trọn vẹn như vậy, chúng ta sẽ được nhân dân yêu mến, kính trọng.

Nhà báo Thùy Linh – Báo Lao Động: “Các bác sĩ hãy cười nhiều hơn”

Tôi hết sức bất bình với hành vi tấn công bác sĩ của một số đối tượng, đặc biệt là người nhà bệnh nhân, trong thời gian qua. Vì bác sĩ là những người cứu sống mình, chữa bệnh cho mình, chăm lo sức khỏe cho mình. Đền đáp ân nhân bằng những cú đấm, bằng vũ lực là điều không thể chấp nhận được.

Giọt nước mắt của BS khiến tôi không thể im lặng. Tôi mong muốn cơ quan chức năng tích cực vào cuộc nhằm bảo vệ nhân viên y tế.

Theo tôi, môi trường nào cũng có thể xảy ra xô xát, cãi vã. Bệnh viện là một môi trường đặc biệt, nơi mà bệnh nhân đau đớn khổ sở, người nhà bệnh nhân thì lo lắng, sốt ruột còn y bác sĩ lại chịu quá nhiều áp lực.

Chính vì vậy, đây là môi trường nhạy cảm, dễ xảy ra mâu thuẫn nhất. Tôi nghĩ y bác sĩ hãy cởi mở hơn, thoái mái hơn, học cách cười nhiều hơn để xua tan áp lực công việc hàng ngày. Trong hoàn cảnh nào, chỉ cần một câu nói/hỏi quan tâm của y bác sĩ, người bệnh và người nhà bệnh nhân sẽ vững tâm hơn rất nhiều. Mâu thuẫn có thể từ đó mà giải quyết.

Tôi cũng mong muốn Bộ Y tế, ngoài việc kêu gọi cơ quan chức năng vào cuộc bảo vệ y bác sĩ, bảo vệ môi trường bệnh viện thì cũng cần đưa ra những chủ trương, những biện pháp thiết thực hơn nữa, biến môi trường và không gian bệnh viện thành nơi dễ chịu, giảm áp lực, tạo cảm giác thoải mái nhất có thể cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và cả bác sĩ.

Nhà báo Hoàng Hồng Vân – Báo Giao thông: “Nhân viên y tế cũng cần có sự cảm thông, chia sẻ”

Sau nhiều năm theo dõi hoạt động mảng Y tế, chưa khi nào tôi cảm nhận rõ ràng nỗi lo lắng trước áp lực xã hội mà mỗi cán bộ, nhân viên y tế đang gánh trên vai như thời điểm này. Giờ đây, ngoài nỗi lo về chuyên môn, về quá tải bệnh nhân, nhân viên y tế lại đối mặt với nạn bạo hành với tần suất ngày càng dày.

Xem thêm  Ngày thứ 2 liên tiếp, tài xế dùng tiền lẻ qua Trạm BOT quốc lộ 5

Trước mỗi vụ việc bạo hành, dư luận xã hội hiện vẫn đặt nặng suy nghĩ “không có lửa, làm sao có khói” mà dường như thiếu hẳn cái nhìn cảm thông với một ngành nghề mà theo tôi là vô cùng đặc biệt.

nhà báo,chống bạo hành,bệnh viện,bác sĩ
Lần đầu tiên 5 nhà báo mổ xẻ nguyên nhân, hiến kế chống bạo hành y tế – Ảnh 3.

Nhà báo Hoàng Hồng Vân.

Nếu ai cũng đặt mình vào vị trí của những người y bác sĩ với mỗi ngày tiếp xúc, thăm khám với hàng trăm bệnh, người nhà bệnh nhân thuộc đủ mọi tầng lớp xã hội, mặt đối mặt với đủ loại bệnh tật, nguy cơ lây nhiễm cao hay mệt nhoài với hết ca trực này sang ca mổ khác… thì tôi tin rằng họ sẽ thay đổi cách nhìn và có sự sẻ chia hơn.

Sẽ thật không công bằng khi bệnh nhân và người nhà chỉ đòi hỏi từ phía y bác sĩ một thái độ phục vụ nhiệt thành mà quên sự cảm thông cần có đối với họ.

Tôi rất đồng tình với lời tâm sự của một bác sĩ trẻ về nghề của họ “Bác sĩ đã là một nghề chịu nhiều áp lực và nhiệm vụ là chăm sóc mọi người. Đừng bảo chúng tôi phải lo nghĩ đến việc phải phòng thủ với chính những bệnh nhân mà mình yêu quý. Lúc đấy bạn đang biến chính những tấm lòng yêu thương thành cái máy chữa bệnh”.

Nhà báo Vân Anh – Đài truyền hình KTS VTC: Cần có Luật Phòng, chống bạo hành nhân viên y tế

Tôi kịch liệt lên án vấn đề dùng bạo lực để giải quyết các vấn đề, nhất lại là việc bạo hành nhân viên y tế. Trong đó, có những sự việc chỉ vì lý do rất đơn giản, mà người nhà bệnh nhân lại có thể đánh y bác sĩ. Ví dụ như vụ bác sĩ khoa sản của BVĐK Yên Bái bị đánh vì không cho chồng sản phụ quay phim khi vợ mổ đẻ…

Để giải quyết vấn đề này, tất cả các ngành chứng năng cần phải cùng nhau vào cuộc, chứ không chỉ riêng ngành y tế hay truyền thông. Theo tôi, trước mắt cần phải bổ sung thêm bảo vệ, và lực lượng công an tại bệnh viện. Thậm chí, bác sĩ tự bảo vệ mình bằng cách tranh thủ lúc rảnh rỗi học kỹ băng tự bảo vệ mình. Hoặc bệnh viện có thể thuê võ sư về dạy võ cho bác sĩ…

nhà báo,chống bạo hành,bệnh viện,bác sĩ
Lần đầu tiên 5 nhà báo mổ xẻ nguyên nhân, hiến kế chống bạo hành y tế – Ảnh 4.

Nhà báo Vân Anh – Đài truyền hình KTS VTC

Tuy nhiên, thời gian gần đây, các vụ bạo hành liên tiếp xảy ra, nhiều vụ xảy ra cả tiếng mà đội ngũ bảo vệ không can thiệp kịp. Vì thế, trước hết tôi nghĩ các bệnh viện cần chấn chỉnh lại vấn đề này trước tiên.

Ngoài ra, tôi nghĩ có 1 vấn đề mấu chốt là, do đặc thù nghề nghiệp, nên dù bị người ta mắng chửi, hành hung, các BS cũng không được từ chối khám, chữa bệnh cho họ vì nhiệm vụ của ngành y là không được từ chối khám, chữa bệnh cho bệnh nhân.

Vì vậy, cần có Luật Phòng, chống bạo hành nhân viên y tế thì sẽ tạo điều kiện tốt hơn để bác có thể làm tốt nhiệm vụ của mình nhưng cũng tự bảo vệ được tính mạng, sức khoẻ của bản thân.

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của nhân vật được phỏng vấn.

Xem thêm:

Vụ bác sĩ Bệnh viện Xanh Pôn bị đánh: Lãnh đạo khoa nói “thông tin bị bóp méo”

theo Trí Thức Trẻ