Thứ Năm, Tháng Ba 28
Shadow

Lễ Độc lập khai sinh nước Việt Nam được tổ chức thế nào

Việc chuẩn bị cho buổi lễ Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, chiều 2/9/1945 chỉ diễn ra trong bốn ngày.

Người được phân công làm Trưởng ban Tổ chức lễ Độc lập là ông Nguyễn Hữu Đang. Sinh năm 1913, quê Kiến Xương (Thái Bình), ông Đang từng học Cao đẳng sư phạm năm 1932-1936, tham gia sáng lập Hội văn hóa cứu quốc, tổ chức phong trào truyền bá quốc ngữ. Ông nhiều năm viết báo cách mạng, có tài hùng biện, đi diễn thuyết khắp cả nước.

“Việc khó mới giao cho chú”

Sau ngày cách mạng tháng Tám thành công, ông Đang công tác tại Bộ Thông tin và Tuyên truyền, được Chính phủ Cách mạng Lâm thời giao phụ trách Lễ Độc lập. Ngày 28/8/1945, cụ Nguyễn Văn Tố (Bộ trưởng Cứu tế trong Chính phủ cách mạng lâm thời) dẫn ông vào Bắc Bộ phủ giới thiệu với Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Cụ Hồ hỏi: “Chính phủ lâm thời quyết định làm lễ ra mắt quốc dân đồng bào vào ngày 2 tháng 9. Chú có đảm đương được việc tổ chức buổi lễ không?”. Nhẩm tính chỉ có bốn ngày, khối lượng công việc đồ sộ, ông trả lời: “Thưa cụ, việc cụ giao là quá khó, vì gấp quá rồi”. Cụ Hồ nói ngay: “Có khó thì mới giao cho chú chứ!” và yêu cầu tối 31/8 quay lại báo cáo kết quả sơ bộ cho Chính phủ.

lễ độc lập, lễ 2/9, khai sinh nước Việt Nam, tuyên ngôn độc lập

Lễ đài được dựng trong hai ngày. Ảnh tư liệu.

Ngày Độc lập được Chính phủ cách mạng lâm thời quyết định tổ chức vào 2/9, vì là chủ nhật. Ban tổ chức ấn định vào buổi chiều để buổi sáng nhân dân ngoại thành và các tỉnh lân cận kịp về dự. Trong bốn ngày, ông Đang chủ trì giải quyết khối lượng công việc đồ sộ, từ trang trí, vệ sinh đường phố, xây dựng lễ đài, loa đài, đến công tác an ninh, tuyên truyền…

Việc đầu tiên là phải có lực lượng tham gia vào Ban tổ chức. Ông Đang cho đăng thông báo: “Ngày 2/9/1945, Chính phủ lâm thời sẽ làm lễ ra mắt quốc dân đồng bào, tuyên bố độc lập tại vườn hoa Ba Đình. Đồng bào nào có nhiệt tâm, muốn góp sức, góp của vào việc tổ chức ngày lễ lịch sử trọng đại này, xin mời đến hội quán Trí Tri ở phố Hàng Quạt gặp Ban tổ chức”.

Thông cáo được gửi ngay đến tất cả báo hàng ngày, yêu cầu đăng lên trang nhất, với hàng chữ tít thật lớn. Nhờ đó sáng hôm sau, hội quán Trí Tri chật kín người đăng ký tham gia và cho mượn những thứ cần thiết.

Chung tay xây đài Độc lập

Trong cuộc họp chớp nhoáng ở hội quán Trí Tri, ông Đang đưa ra ý kiến: Việc cần thiết trước tiên là phải dựng một lễ đài Độc lập thật đẹp, thật uy nghi, xứng đáng với ngày lịch sử trọng đại tại trung tâm vườn hoa Ba Đình để Chính phủ cách mạng lâm thời đứng lên ra mắt. Vậy đồng bào nào hiện có mặt ở đây có thể đảm nhiệm trọng trách đó?

Xem thêm  Khám phá kiệt tác kiến trúc Tháp Bánh Ít tại Quy Nhơn cùng chàng trai Sài Gòn

Họa sĩ Lê Văn Đệ (thủ khoa khóa I Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương năm 1930) nhận dựng lễ đài. Ông Đang nhắn nhủ: “Lễ đài Độc lập là công trình kiến trúc, tuy dựng gấp rút, tạm thời, nhưng phải vững chắc, hài hòa với tổng thể… Nếu không chắc, mấy chục con người đứng lên, nó đổ sụp xuống thì ngày lễ coi như thất bại. Bởi vậy cần có một kiến trúc sư phối hợp với anh”.

Ngay lập tức kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh (tốt nghiệp Khoa Kiến trúc, Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương năm 1938) xung phong: “Hôm qua tôi được đạo diễn Phạm Văn Khoa, cùng hoạt động trong Hội văn hóa cứu quốc, cho biết ý đồ của Ban tổ chức. Tôi đã khảo sát vườn hoa Ba Đình và vẽ xong bản thiết kế lễ đài”. Nói xong, ông Quỳnh trải rộng bản vẽ bằng giấy can lên mặt bàn.

lễ độc lập, lễ 2/9, khai sinh nước Việt Nam, tuyên ngôn độc lập

“Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được”, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh. Ảnh tư liệu.

Nghe ông Quỳnh thuyết trình, ông Đang cân nhắc rồi đặt bút ký duyệt vào bản thiết kế, đóng dấu Ban tổ chức. “Ban tổ chức quyết định giao công trình này cho hai anh. Các anh cần gì, chúng tôi sẽ lo chạy đầy đủ. Lễ đài phải được dựng xong trong vòng 48 giờ. Đúng 5h sáng mùng 2/9 tôi sẽ đến nghiệm thu”, ông Đang nói với hai ông Quỳnh và Đệ.

Theo yêu cầu của kiến trúc sư Quỳnh, đạo diễn Khoa tới phố Hàng Đào, Hàng Ngang, đề nghị các chủ hiệu bán vải cho mượn những tấm vải đỏ, vải vàng, rồi đến phố Hàng Hành mượn gỗ xà, gỗ ván và cử thợ giỏi về dựng lễ đài. Công nhân nhà máy điện Yên Phụ đưa điện tới nơi thi công.

Lễ đài làm xong trước rạng đông 2/9/1945, mặt hướng về đường Điện Biên Phủ bây giờ và hoàn thành trong thời gian rất ngắn, chỉ khoảng 15 giờ.

Buổi lễ diễn ra thành công

Thay mặt Ban tổ chức, ông Đang gửi thư đề ngày 31/8/1945 cho Thị trưởng Hà Nội Trần Duy Hưng, yêu cầu hạ lệnh cho các chùa chiền, nhà thờ cho mở cửa, quét tước sạch sẽ và đốt trầm hương để mừng Ngày Độc lập. Tại vườn hoa Ba Đình và hai bên những phố lân cận, ông Đang đề nghị Thị trưởng cho treo cờ.

Ông Nguyễn Dực, chủ hiệu sửa chữa radio Hàng Bài, được giao phụ trách mắc micro trên lễ đài, hệ thống loa phóng thanh quanh vườn hoa Ba Đình và các phố lân cận. Lúc diễn ra buổi lễ, ông Dực thường trực dưới gầm lễ đài, theo dõi dòng điện, tiếng loa.

Xem thêm  Đi du lịch với đám bạn thân, nhất định phải "chơi" 10 kiểu chụp ảnh này để có album sống ảo nghìn like!

Ban tổ chức phát thanh trực tiếp buổi lễ. Các ông Trần Lâm, Nguyễn Dực đã cùng nhân viên kỹ thuật Đài phát tín hiệu Bạch Mai đem máy phát công suất 300W lên trụ sở Bộ Tuyên truyền ở số 4 Đinh Lễ để truyền âm thanh cuộc mít tinh ở Ba Đình về bằng đường dây trần rồi phát sóng trực tiếp. Tuy nhiên, do công suất máy yếu nên chỉ những người ở gần mới nghe được.

Về việc tuyên truyền, các ông Trần Kim Xuyến, Đổng lý văn phòng Bộ Tuyên truyền, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, ông Lưu Văn Lợi, Trần Lê Nghĩa… đã tổ chức làm các khẩu hiệu theo ba thứ tiếng Việt, Nga, Anh bằng giấy tráng kim dán trên băng rôn đỏ treo quanh lễ đài. Bản Tuyên ngôn độc lập nhận từ Hồ Chủ tịch cũng được chuyển đi in và gửi đăng các báo sẽ ra vào đầu tuần tiếp theo.

Ông Quản Đinh Ngọc Liên cùng đội quân nhạc (của lính khố xanh thuộc Pháp cũ) tập dượt gấp bản Tiến quân ca. Việc quay phim và chụp ảnh sự kiện, ông Đang đặt hiệu ảnh Hưng Ký ở Hàng Trống, tuy nhiên sau buổi lễ, hiệu ảnh báo là phim hỏng, chỉ còn ảnh.

lễ độc lập, lễ 2/9, khai sinh nước Việt Nam, tuyên ngôn độc lập

Hàng trăm nghìn người dân tham dự lễ công bố Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945. Ảnh tư liệu.

Nhiệm vụ bảo vệ các thành viên Chính phủ lâm thời và quần chúng dự mít tinh được giao cho Sở Liêm phóng Bắc Bộ, cảnh sát cùng với quân đội và tự vệ Cứu quốc Hoàng Diệu (Hà Nội). Ngoài ra, đội biệt kích Con Nai của Mỹ, đồng hành cùng lực lượng Việt Minh trong cuộc chiến chống phát xít Nhật từ chiến khu Tân Trào về cũng tham gia bảo vệ kỳ đài và quay phim buổi lễ. Tuy nhiên, các thước phim tư liệu về ngày lễ này sau này có được là do một Việt kiều ở Pháp gửi tặng mà đến nay vẫn chưa rõ người quay phim là ai.

Sáng 31/8/1945, ông Đang trở lại Bắc Bộ phủ gặp Hồ Chủ tịch. Sau khi nghe báo cáo ngắn gọn về tất cả mọi việc, Hồ Chủ tịch nói giọng nghiêm trang: “Chú phải nhớ ngày 2 tháng 9 sắp tới sẽ là một ngày lịch sử. Đó là ngày khép lại cuộc Cách mạng tháng Tám, và ngày khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”.

Buổi lễ Độc lập dù được tổ chức gấp rút, nhưng đã diễn ra thành công. Trước máy phóng thanh, Hồ Chủ tịch đọc bản Tuyên ngôn độc lập: “Hỡi đồng bào cả nước. Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được. Trong những quyền ấy có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc…”.

Phía dưới khán đài, khoảng 500.000 đồng bào đến từ khắp nơi chăm chú lắng nghe.

Theo Vnexpress