Theo thông tin trên một số báo, TP Hà Nội đang đề xuất xây dựng lại khu vực này với chức năng là ga trung tâm tàu khách và tàu liên vận quốc tế đi tất cả các hướng. Thành phố cũng nêu rõ việc tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan, quy hoạch 9 phân vùng không gian chức năng gồm khu văn hóa thấp tầng, các khu tài chính, khu kiến trúc cao khoảng 40-70 tầng, khu thương mại quốc tế, khu lối sống mới cao khoảng 40-60 tầng, khu nghỉ dưỡng đô thị cao 40-60 tầng, khu ga đường sắt cao 40-70 tầng.
Quy hoạch phân khu đô thị khu vực Ga Hà Nội và phụ cận có diện tích nghiên cứu khoảng 98,1ha, dân số dự kiến 44.000 người; trong đó đề xuất ga trung tâm tàu khách và tàu liên vận quốc tế đi tất cả các hướng, đồng thời là ga trung tâm của tuyến đường sắt đô thị số 1 Yên Viên – Ngọc Hồi, có kết nối với các tuyến đường sắt đô thị số 3 trên phố Trần Hưng Đạo; là trung tâm về giao thông vận tải đa phương thức, bao gồm mạng lưới đường bộ, đường sắt, thương mại, kinh doanh, văn hóa… của Thủ đô.
Về tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan, quy hoạch phân 9 phân vùng không gian chức năng, gồm khu văn hóa thấp tầng, các khu tài chính, khu kiến trúc cao khoảng 40 – 70 tầng ở phía Bắc; khu truyền thông cao khoảng 40 – 70 tầng và khu công viên ở phía Đông; khu thương mại quốc tế, khu phát triển mới cao khoảng 40 – 60 tầng ở phía Tây Nam; khu nghỉ dưỡng đô thị cao 40 – 60 tầng, khu ga đường sắt cao 40 – 70 tầng được bố trí tại trung tâm của khu quy hoạch.
Đơn vị tư vấn lập đồ án cũng đưa ra khái toán tổng nhu cầu vốn đầu tư khoảng 23.800 tỷ đồng.