Ba khu vực đầu tiên tại TP.HCM sẽ được nghiên cứu quy hoạch không gian ngầm trong thời gian sớm nhất là khu trung tâm TP (khu 930ha), khu vực sân bay Tân Sơn Nhất và khu đô thị mới Thủ Thiêm…
Đường hầm metro của tuyến Bến Thành – Suối Tiên do robot TBM đào được từ ga Ba Son hướng về Nhà hát TP, Q.1, TP.HCM – Ảnh: QUANG ĐỊNH
Đó là thông tin mới vừa được giám đốc Sở Quy hoạch – kiến trúc TP.HCM Nguyễn Thanh Nhã cho biết tại hội thảo “Quy hoạch không gian xây dựng ngầm đô thị TP.HCM” tổ chức vào ngày 12-4.
Theo ông Nhã, việc lập quy hoạch không gian ngầm TP buộc phải liên kết chặt chẽ với điều chỉnh quy hoạch chung và cao độ nền của TP.
Không gian ngầm cho Thủ Thiêm, Tân Sơn Nhất
Theo đề xuất của Sở Quy hoạch – kiến trúc, hai khu vực được nghiên cứu tổng thể nhiều nội dung nhất sẽ là khu 930ha và khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Trong hai khu này, quy hoạch sẽ đánh giá, phân tích về địa chất, thủy văn, hiện trạng xây dựng các công trình trên mặt đất và đô thị ngầm. Đồng thời xác định phạm vi ranh giới, chức năng sử dụng không gian để xây dựng các công trình ngầm.
Việc nghiên cứu này còn dự báo nhu cầu phát triển và sử dụng không gian ngầm đô thị, xác định các khu chức năng cho không gian ngầm, vị trí và quy mô ga tàu điện ngầm, hầm đường ôtô, bãi đỗ xe ngầm…
Ngoài ra còn có khu vực được nghiên cứu sâu, làm quy hoạch ngầm chi tiết là điểm xung quanh hệ thống nhà ga metro dự kiến rộng 150ha thuộc lõi của khu trung tâm TP.
Theo Sở Quy hoạch – kiến trúc, việc lập quy hoạch không gian ngầm đô thị là yêu cầu cấp thiết, nhằm định hướng cho việc quản lý và sử dụng đất, đầu tư xây dựng và đảm bảo tầm nhìn lâu dài, khai thác hiệu quả không gian ngầm trong tương lai.
Sự hình thành và phát triển của hệ thống metro cùng với hệ thống các công trình ngầm đã đặt ra yêu cầu quản lý, kết nối, khai thác hiệu quả không gian ngầm rất cấp bách.
Phân tầng các lớp không gian xây dựng ngầm đô thị – Đồ họa: TẤN ĐẠT
Hầm metro chuẩn bị thông tuyến hầm đầu tiên
Ngổn ngang như “mạng nhện”
Trong vai trò nhà tư vấn việc lập quy hoạch không gian ngầm của TP.HCM, KTS Võ Kim Cương cho biết hiện còn vướng nhiều vấn đề từ mục tiêu, nội dung cho đến kỹ thuật, cơ sở dữ liệu, trình độ. Đặc biệt là làm sao để khai thác, tập hợp cơ sở dữ liệu tốt cũng như năng lực tài chính để phục vụ mục tiêu đó.
Theo nhiều chuyên gia đô thị, việc khó nhất là dữ liệu về hiện trạng không gian ngầm của TP hiện đang nằm rải rác tại nhiều cơ quan và chưa có nơi tập trung, tích hợp và cập nhật.
Hiện dưới lòng đất của TP.HCM ngổn ngang “mạng nhện” các công trình ngầm của các đơn vị (điện, nước, viễn thông…) quản lý độc lập. Vì thế, nếu không có hệ thống dữ liệu ngầm tổng hợp, cập nhật mới thường xuyên sẽ rất khó để các đơn vị tiếp cận không gian ngầm của TP hiện nay.
Không khảo sát được hiện trạng, không biết trong lòng đất hiện nay có gì thì khó có thể quy hoạch để định hướng cho việc xây dựng trong tương lai.
“Đơn cử như việc trước đây, TP đồng ý cho xây dựng đường hầm ngầm kết nối hai tầng hầm của tòa nhà 171 Đồng Khởi và 72 Lê Thánh Tôn (Q.1). Mục đích vừa kết nối hai không gian ngầm lớn ở trung tâm TP, vừa thêm lối thoát nạn cho tầng hầm dưới hai tòa nhà.
Sau một năm thiết kế, tìm hiểu, chủ đầu tư mới phát hiện khu vực này có hệ thống cấp nước chính của TP đi qua. Do lo ngại ảnh hưởng đến đường ống cấp nước này nên đường ngầm kết nối hai tòa nhà đành bỏ ngỏ” – PGS.TS Nguyễn Văn Hiệp, nguyên phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, nói.
Theo Sở Quy hoạch – kiến trúc, riêng hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngầm trên địa bàn TP cũng có nhiều đơn vị quản lý khác nhau.
Đơn cử, Sở GTVT quản lý các công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm, kể cả đường sắt đô thị và hầm đường bộ, hệ thống thoát nước mưa, nước thải, mạng lưới cấp nước; Sở Công thương quản lý hệ thống lưới điện; Sở Thông tin – truyền thông quản lý hệ thống cáp viễn thông…
Đó là thông tin mới vừa được giám đốc Sở Quy hoạch – kiến trúc TP.HCM Nguyễn Thanh Nhã cho biết tại hội thảo “Quy hoạch không gian xây dựng ngầm đô thị TP.HCM” tổ chức vào ngày 12-4.
Theo ông Nhã, việc lập quy hoạch không gian ngầm TP buộc phải liên kết chặt chẽ với điều chỉnh quy hoạch chung và cao độ nền của TP.
Khu vực lõi 150ha ở trung tâm TP dự kiến sẽ được nghiên cứu chi tiết để xây dựng không gian ngầm – Đồ họa: TẤN ĐẠT
Singapore: đô thị -60m
Hiện khoảng không bên dưới mặt đất đang được Chính phủ Singapore khai thác đến mức -60m. Ở mức khoảng -3m là hệ thống đường cống rãnh, thoát nước, thu hồi nước mưa.
Ở độ sâu -12m là các khu tầng ngầm có cửa hàng dịch vụ mua sắm ở các trung tâm mua sắm và đường ngầm nối liền các khu này với nhau.
Trong khoảng độ sâu -8m đến -25m, tùy địa hình là 3 hệ thống đường hầm cao tốc. Đường xe điện ngầm thì nằm ở độ sâu -30m. Còn đường ống thu hồi nước thải, nước mưa để chuyển đến 17 hồ trữ nước ngọt trên khắp hòn đảo này nằm ở độ sâu -20m đến -50m tùy địa hình.
Đến nay, Singapore đã có 17 hồ chứa nước, hơn 8.000km cống thoát nước nổi lẫn ngầm để đưa nước mưa dồn về các hồ nước vừa trữ nước vừa điều tiết lượng nước mưa tránh ngập lụt.
Sâu nhất (-60m) là hệ thống cáp điện cao thế. Hệ thống hầm ngầm này có đường kính 6m để đặt các loại cáp điện cao thế đã bắt đầu tải điện trong năm nay và quá trình lắp đặt sẽ kết thúc vào năm 2022 với tổng chiều dài dây điện cao thế lên đến 500km.
LÊ NAM (từ Singapore)
ThS.KTS Lê Hồng Quân (phó giám đốc Viện Quy hoạch xây dựng TP.HCM):
Phải đồng bộ quy hoạch cả trên lẫn dưới
Đến bây giờ, TP vẫn chưa có quy hoạch xây dựng không gian ngầm. Do vậy, nếu đề cương lần này chỉ nhắm đến quy hoạch không gian ngầm cho những không gian ngầm ở khu trung tâm 930ha hoặc khu đô thị mới Thủ Thiêm, sân bay Tân Sơn Nhất thì chưa nói lên hết được tầm của TP.
Quy hoạch chung của TP.HCM được duyệt từ năm 2010, và đến nay bắt đầu điều chỉnh quy hoạch. Cho nên trong đợt điều chỉnh quy hoạch chung sắp tới, cần tính đến việc đưa nội dung quy hoạch không gian ngầm. Vì khi quy hoạch trên không, mặt đất và dưới ngầm phải gắn với nhau.
Ông Nguyễn Khánh Lân (khoa công trình giao thông, Đại học GTVT TP.HCM):
Sớm có quy hoạch để sử dụng hiệu quả
Không gian ngầm là tài nguyên hữu hạn và rất có giá trị trong một đô thị nén như TP.HCM. Vì vậy, cần sớm có quy hoạch để quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên này.
Cần khoan thăm dò và sưu tầm thêm các lỗ khoan, cập nhật dữ liệu địa chất công trình để có bức tranh chi tiết hơn về địa chất công trình cũng như địa chất thủy văn trong TP.
Cần gấp rút xây dựng các dạng bản đồ tỉ lệ 1/10.000, trong đó có bản đồ địa chất công trình và địa chất thủy văn. Dựa trên những số liệu thu thập được, cần tiến tới xây dựng mô hình 3D địa chất cho TP, trước mắt là khu vực trung tâm.
Khoảng 11ha công trình ngầm dưới lòng TP
Theo thống kê, hiện toàn TP.HCM có khoảng 11ha diện tích tầng hầm, chủ yếu là không gian ngầm của các trung tâm thương mại và chỗ để xe. Như công trình 72 Lê Thánh Tôn (6 tầng hầm), dự án tại tứ giác Bến Thành (6 tầng hầm). Ngoài ra, dự án thương xá Tax mới cũng có thể có 6 tầng hầm.
Theo Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM, 8 tuyến metro nối các trung tâm chính của TP.HCM có tổng cộng 72 nhà ga ngầm. Hiện 3 nhà ga ngầm của tuyến metro số 1 là ga trung tâm Bến Thành, ga Nhà hát TP và ga Ba Son đang được xây dựng.
Theo Tuổi trẻ