Chuyển nhượng là khái niệm đã quá quen thuộc với người hâm mộ bóng đá. Nơi có thị trường chuyển nhượng phong phú nhất chính là châu Âu, điểm đến mơ ước của mọi cầu thủ.
Nhiều biến cố xảy ra khiến UEFA cũng như FIFA liên tục phải đề ra các quy định, luật lệ mới. Các CLB cũng vì thế mà cảnh giác, tỉnh táo hơn. Nhưng tại Việt Nam, có vẻ như việc dùng hợp đồng để bảo vệ quyền lợi chưa được quan tâm đúng mức.
Kết thúc mùa giải 2018, Quế Ngọc Hải hết hạn hợp đồng với SLNA. Trung vệ xứ Nghệ muốn ở lại đội bóng quê hương, nhưng 2 bên không đạt được thỏa thuận cho một bản hợp đồng mới.
Vậy là Hải Quế gia nhập Thể Công, đội bóng mới lên hạng V.League và đang ráo riết bổ sung lực lượng. Ngoài số tiền lót tay vài tỷ đồng, Quế Ngọc Hải sẽ nhận mức lương khá cao cùng nhiều đãi ngộ khác.
Năm 2011, Hà Nội FC từng suýt mất Samson vào tay Atletico Madrid. Nhưng nhờ hợp đồng ghi nhớ từ trước, đội bóng thủ đô giữ chân được cầu thủ này, bởi Samson không thể bồi thường nếu chọn cách phá hợp đồng.
Đến tận khi hợp đồng đã hết hạn, Quế Ngọc Hải vẫn chưa thể chắc chắn SLNA có đưa ra điều khoản mà mình mong muốn. Cuối cùng, đội chủ sân Vinh đành mất cầu thủ ngôi sao vào tay Thể Công.
Các đội bóng châu Âu rất hiếm khi để cầu thủ ra đi theo cách như thế. Đặc biệt là một trung vệ đội trưởng đang ở phong độ cao và vừa giành chức vô địch cùng ĐTQG.
Thông thường trước khi cầu thủ bước vào năm cuối hợp đồng, 2 bên sẽ đàm phán về tương lai. Nếu thuận lợi, hợp đồng được gia hạn. Nếu cầu thủ xác định muốn ra đi, CLB có thể bán anh ta luôn để gỡ vốn, tránh mất trắng.
Một số trường hợp đàm phán mất thời gian hơn, nhưng rất hiếm khi 2 bên không đưa ra được giải pháp trước khi hợp đồng hiện tại hết hạn.
Có những CLB như Man United còn cài vào hợp đồng điều khoản lựa chọn gia hạn thêm một năm, đề phòng cầu thủ muốn ra đi theo dạng tự do. Như vậy, họ sẽ có thêm ít nhất nửa năm để thuyết phục cầu thủ ở lại. Nếu không được, CLB vẫn bán được cầu thủ này với mức giá không đến nỗi nào.
Man United có cài điều khoản CLB được lựa chọn gia hạn thêm 1 năm hợp đồng để tránh De Gea ra đi theo dạng tự do.
Các CLB Thái Lan, Malaysia gần đây rất chú ý đến V.League. Cuối năm 2017, Hoàng Vũ Samson từng gia nhập Buriram và khoác áo thời gian ngắn.
Người Thái đang mở cửa cho cầu thủ Đông Nam Á và đã quen với các vụ chuyển nhượng như bóng đá châu Âu. Thử tưởng tượng nếu Buriram hay Muangthong nhảy vào và thuyết phục được Quế Ngọc Hải đến theo dạng chuyển nhượng tự do trước Thể Công. Thiệt hại khi ấy không chỉ riêng SLNA mà cho cả V.League.
Nên biết, Thai League đã có thương vụ lên tới 2,5 triệu euro (66 tỉ đồng). Những vụ chuyển nhượng khoảng từ 300-800 nghìn euro (8-21 tỉ đồng) không hề thiếu.
Trong trường hợp HLV Park Hang-seo, sự ra đi của trợ lý Bae Ji-won khiến nhiều CĐV lo lắng về hợp đồng của chiến lược gia người Hàn Quốc. Trong một buổi trả lời phỏng vấn, nhà cầm quân này hi vọng ít nhất sẽ hoàn thành hợp đồng, vốn có thời hạn hết tháng 1/2020.
Nhưng một số đội bóng châu Á được cho là sẵn sàng chi đậm nhằm đưa được HLV Park Hang-seo về dẫn dắt. Có đội bóng hứa hẹn mức lương lên tới hơn 100.000 USD/tháng cho thầy Park, gấp 5 lần ở Việt Nam.
Với thời hạn tới tháng 1/2020, mục tiêu trước mắt cho HLV Park Hang-seo hiện có Asian Cup 2019, vòng loại U23 châu Á 2020, SEA Games 2019 và VCK U23 châu Á (nếu Việt Nam lọt vào VCK).
Dù thầy Park không hề nhắc đến chuyện gia hạn hợp đồng và VFF cũng tỏ ra khá chủ động, nhưng tính toán trước chẳng hề thừa.
Tại Anh, sau World Cup 2018, HLV Southgate còn 2 năm hợp đồng. Nhưng LĐBĐ Anh vẫn ký hợp đồng mới với nhà cầm quân này đến tận năm 2022. Động thái này vừa khẳng định chiến lược nhất quán, dài hơi, vừa giúp HLV yên tâm gắn bó với công việc.
Những hợp đồng chỉn chu sẽ một bước quan trọng để bóng đá Việt Nam ngày càng quen hơn với nhịp sống bóng đá thế giới.
Theo Hoàn Anh- Trí thức trẻ/Soha