“Bố mẹ không phải đang nuôi một con đại bàng đã đủ lông đủ cánh và mạnh mẽ, mà là một con sâu đang tự nuôi dưỡng xương mềm của chính nó mà không muốn kiên cường phấn đấu để lột xác thành một con bướm”.
Tôi đã ngậm ngùi biết bao khi đọc được lá thư của một người mẹ yêu thương con vô bờ bến, cuối cùng lại phải tự mình đề nghị con bước ra khỏi căn nhà tràn ngập yêu thương bấy lâu. Lý do không ngờ tới…
“Con à!
Hôm nay con vừa giả vờ đưa ra những gợi ý nào là dạo gần đây giá nhà đất đang tăng lên vùn vụt, nếu như không hành động; hoặc là con và bạn gái con sau này cưới nhau rồi ngay cả một căn phòng nhỏ để trú ngụ cũng không có…
Mắt mẹ liếc nhẹ nhìn con vài giây, xin lỗi con vì cuối cùng mẹ đã không nói với con như con hy vọng rằng: “mẹ sẽ mua nhà cho các con”. Và con đã khiến bữa ăn bỗng chốc im lặng đến sợ hãi, con đặt vội bát đũa xuống và bước ra khỏi nhà.
Mẹ từ ô cửa sổ nhìn bóng dáng gầy gò, bước chân chán chường cứ xa dần của con. Con vẫn là đứa trẻ ham chơi và bướng bỉnh của ngày nào, vẫn còn dựa dẫm vào bố mẹ và đó là sự bắt nguồn từ việc không chịu tự lập. Nhưng con à, con đã 25 tuổi rồi, có một công việc ổn định, có một người bạn gái cần chăm sóc và con còn có ông bố bà mẹ già đi theo năm tháng. Với những điều đó vẫn không đủ làm con trưởng thành, chịu trách nhiệm với nghĩa vụ của mình hay sao?
Từ nhỏ, thói quen của con là hễ có việc gì là cứ tìm mẹ.
Lúc con 5 tuổi, con muốn mẹ nhặt những đồ chơi con vứt bừa bãi khắp nhà.
Lúc con 10 tuổi, nhìn thấy bạn bè có đôi giày da phong cách con cũng khóc nằng nặc đòi mẹ mua nó cho con.
Lúc con 15 tuổi, con viết bức thư tình gửi bạn gái cùng lớp rằng: “mẹ của mình quen biết rất nhiều người, nếu ai bắt nạt bạn cứ bảo mình”.
Khi con 20 tuổi, con bước chân vào mái trường đại học, mỗi lần gọi điện về nhà chỉ bảo phí sinh hoạt hết rồi, xin bố đi gửi tiền cho con. Mặc dù lúc nhập học bố mẹ đã chuẩn bị đầy đủ số tiền cho con đến kết thúc học kỳ.
Năm nay con 25 tuổi, trong một lần đi du lịch cùng bạn, con rất tự hào nói với các bạn: “bố mẹ mình từ rất lâu đã chuẩn bị tiền mua nhà cho mình, thậm chí mình chẳng cần nổ lực cũng có thể sống rất đầy đủ”.
Mỗi lần nghe những câu tương tự như vậy, mẹ chỉ biết cười nhạt rồi quên đi. Mẹ tưởng rằng mỗi việc mẹ đối tốt với con, con sẽ ghi nhớ. Để sau này bố mẹ già đi, chàng trai trẻ ấy sẽ gánh vác việc gia đình chăm sóc và cung phụng bố mẹ. Nhưng bây giờ, con mỗi ngày đều về nhà ăn cơm, lại thường dẫn bạn gái về nhà ở dài ngày, để mẹ vất vả cả đống công việc rồi còn lo nghĩ ba bữa cơm cho các con. Với tình trạng này, mẹ cảm thấy thật sự mệt mỏi khi ngày ngày phải trải qua như vậy. Nỗi khổ của mẹ là do muốn bảo vệ cách nghĩ của con, nhưng như vậy chỉ làm con thêm ích kỷ và dựa dẫm.
Cuối cùng mẹ thừa nhận rằng, hai mươi lăm năm tình thương vô hạn mẹ chiều chuộng con là sai lầm lớn nhất của đời mẹ. Có một lần, mẹ nói đùa với con, nếu có một ngày mẹ sống không đến ngày con cưới vợ sinh con thì sao, con lập tức vội vã bảo: “làm sao như thế được, sau này ai giúp con nấu ăn, giặt áo quần, chăm con của con chứ?”.
Ngay lúc đó nước mắt mẹ chảy ngược, trái tim mẹ hằn một vết thương. Thì ra con luôn xem bố mẹ là người giúp việc không công, phải vất vả nuôi nấng con đến khi bố mẹ nhắm mắt xuôi tay. Bố mẹ không phải đang nuôi một con đại bàng đã đủ lông đủ cánh và mạnh mẽ, mà là một con sâu đang tự nuôi dưỡng xương mềm của chính nó mà không muốn kiên cường phấn đấu để lột xác thành một con bướm. Con trai yêu quý của mẹ à, mẹ đành nhẫn tâm phải thông báo với con rằng: “nửa phần đời trước của con là sự liên kết chặt chẽ với mẹ, nhưng con đường hôm nay về sau của con, mẹ sẽ không tham dự nữa”.
Mẹ đã nghỉ công việc bán thời gian, bởi mẹ không thể vì hạnh phúc của con mà dành những năm tháng nghỉ hưu lao thân kiếm thêm tiền để mua nhà cho con, nhưng con xem đó là trách nhiệm mà một đấng sinh thành phải làm. Và mẹ cũng xin con, con hãy dọn ra khỏi căn nhà này, con hãy dùng tiền lương của con để tự chi trả tiền thuê nhà.
Con trai của mẹ à!
Mẹ thật sự xin lỗi con, mẹ không nên yêu thương con như vậy. Và con à, con cũng nên hiểu được nỗi lòng, sự vất vả của bố mẹ kiệt sức để hi vọng ngày mai tươi đẹp cho con. Hai mẹ con ta nên tĩnh lặng lại và tha thứ cho nhau con nhé!”
***
Làm người nên biết rằng, cha mẹ chính là nguồn cội, có cha có mẹ mới có mình. Cha mẹ luôn yêu thương con vô điều kiện, và tình yêu ấy không bao giờ có lỗi, lỗi là ở chính suy nghĩ của những đứa con, không biết trân trọng tình yêu cao cả ấy.
Hiếu kính báo đáp công ơn dưỡng dục, chăm sóc cha mẹ già chính là đang gieo hạt giống thiện lành hành vi cho những đứa con sau này của bạn. Ít nhất khi đi đến cuối cuộc đời bạn cũng không có gì phải hối hận nuối tiếc.
Triều Anh – Theo Trí Thức Trẻ