Thứ ba, Tháng Một 14
Shadow

Mắc bệnh này, chậm 1 phút là mất não 1 phút: Cảnh báo sai lầm khiến bệnh nhân tử vong sớm

Một bệnh nhân không may gặp đột quỵ, 1 phút chậm cứu bệnh nhân sẽ khiến cho 2 triệu tế bào não chết đi, càng mất nhiều thời gian nguy cơ chết não sẽ càng lớn.

“Mất thời gian là mất não”

Theo số liệu của Hội Đột quỵ Thế giới, cứ mỗi 6 người sẽ có 1 người bị đột quỵ. Tại Việt Nam đột quỵ là một trong những nguyên nhân tử vong cao hàng đầu. Ở Việt Nam mỗi năm có 200.000 người bị đột quỵ.

Đột quỵ có thể xảy ra bất ngờ với bất kì ai, không phân biệt tuổi tác, giới tính, nghề nghiệp, tình trạng sức khỏe. Một người trẻ tuổi đang có vẻ rất khỏe mạnh, không bệnh tật cũng có thể bị đột quỵ bất cứ lúc nào nếu như chủ quan.

Theo TS BS. Nguyễn Bá Thắng, Trưởng Trung tâm Khoa học Thần kinh Bệnh viện Đại học Y Dược (BV ĐHYD), Phó Chủ tịch Hội Đột quỵ TP.HCM, đột quỵ là bệnh tổn thương não bộ do mạch máu bị hư tổn. Khi mạch máu não bị tắc nghẽn, não sẽ bị thiếu máu, cứ mỗi phút trôi qua sẽ có thêm gần hai triệu tế bào thần kinh chết đi.

TS BS. Nguyễn Bá Thắng cùng đồng nghiệp.

Chính vì vậy tất cả mọi người đều phải chạy đua với thời gian để cứu tế bào não, vì “mất thời gian là mất não”.

Xem thêm  Bí mật diện chẩn Đông y xưa: Nhìn mặt "bắt bệnh" ở các cơ quan nội tạng

Theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cũng là tiêu chuẩn của ESO, tổng thời gian từ lúc người bệnh tới bệnh viện tới khi hoàn tất mọi việc và tiêm thuốc tan cục máu (gọi là thời gian cửa-kim) cần đạt dưới 60 phút. Đơn vị đột quỵ BV ĐHYD đã đạt được thời gian cửa – kim chỉ 30 phút.

Người bị đột quỵ phải được nhận biết nhanh chóng và đưa đến bệnh viện kịp thời thì mới có thể cấp cứu hiệu quả. Thuốc tan cục máu chỉ dùng được trong vòng 4,5 giờ (4 giờ rưỡi), và can thiệp lấy huyết khối cũng chỉ trong vòng 6 giờ kể từ khi bệnh khởi phát.

Hiện nay, tại bệnh viện tỷ lệ người bệnh được điều trị thông mạch từ 6% (năm 2017) lên 12% hiện nay. Tỷ lệ này không chỉ phụ thuộc vào bệnh viện, mà còn phụ thuộc vào hệ thống cấp cứu ngoại viện và kiến thức của cộng đồng.

“Người dân hiểu rõ hơn về bệnh đột quỵ nhằm nhận diện và đưa người bệnh đột quỵ tới bệnh viện kịp thời. 100% người bệnh nghi đột quỵ đều được chụp CT hoặc MRI não trong 60 phút đầu tiên, hầu hết là trong vòng 15 phút khi đến cấp cứu tại đơn vị”, TS BS. Nguyễn Bá Thắngcho biết thêm.

PGS TS BS. Nguyễn Hoàng Bắc, Giám đốc BV ĐHYD chia sẻ thêm: “Mục tiêu tiếp theo của Đơn vị Đột quỵ BV ĐHYD là nâng tỉ lệ người bệnh được điều trị thuốc tan cục máu và can thiệp thông mạch lên trên 15% và hơn nữa, đồng thời rút ngắn thời gian cửa – kim trung bình dưới 30 phút với 100% người bệnh được điều trị trong thời gian cửa – kim dưới 60 phút”.

Xem thêm  Luôn nhìn thấy lỗi ở người khác: Nỗi bất hạnh lớn lao của những cái đầu chứa đầy thành kiến

Đừng mắc sai lầm đẩy bệnh nhân tử vong sớm

Theo các chuyên gia nhiều trường hợp khi gia đình có nạn nhân đột quỵ sơ cứu sai cách đánh mất đi cơ hội vàng cứu sống bệnh nhân.

Một số người áp dụng phương thức dân gian như: sử dụng an cung ngưu hoàng, trích máu, nặn máu ở đầu ngón tay, dái tai, bấm huyệt, châm cứu… đến khi đưa bệnh nhân đến viện thì đa số đã muộn.

Bệnh nhân bị đột quỵ, chức năng nuốt bị ảnh hưởng và nếu như cố tình cho bệnh nhân uống các loại thuốc không rõ nguồn gốc vô tình làm tăng nguy cơ viêm phổi do hít sặc, do thức ăn, do thuốc rơi vào phổi. Còn nếu dùng kim đâm kim đầu ngón tay, dái tai đó là biện pháp hoàn toàn phản khoa học.

Mới đây, Tại Hội nghị Đột quỵ Châu Âu (ESOC) 2019 diễn ra tại thành phố Milan (Ý), Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM (BV ĐHYD) là bệnh viện thứ 2 của Châu Á được vinh dự nhận danh hiệu Chất lượng điều trị Vàng của Tổ chức Đột quỵ Châu Âu (ESO).

>>Cách ăn cực dễ giảm 30% nguy cơ chết sớm vì ung thư, đột quỵ

Theo Trí thức trẻ soha

Link