Thứ năm, Tháng mười hai 5
Shadow

Mafia Nhật dụ dỗ người cao tuổi vận chuyển ma túy

Ngày càng nhiều người cao tuổi túng thiếu trở thành mục tiêu của yakuza (mafia Nhật Bản) và bị dụ dỗ vận chuyển ma túy đi quốc tế.

Ngày 15/9, Nonaka Shunichi, 72 tuổi, bị tòa án thành phố Phnom Penh, Campuchia, phạt 25 năm tù vì hành vi tàng trữ, vận chuyển, và buôn lậu ma túy đá. Shunichi bị bắt giữ tại sân bay từ tháng 2 sau khi hải quan tìm thấy 1,7 kg ma túy đá bọc bằng nylon trong hành lý của cụ ông.

Theo Shunichi, bọc đồ do một người đàn ông sống tại Phnom Penh đưa cho vào hai ngày trước chuyến bay về Nhật Bản. Nhà chức trách cho rằng chiến dịch lần này là hoạt động của đường dây buôn lậu có tổ chức.

Nonaka Shunichi bị bắt quả tang tại sân bay. Ảnh: SCMP.

Shunichi không phải người đầu tiên bị bắt quả tang buôn lậu ma túy. Cuối năm 2019, Zachary Arnold, 68 tuổi, quốc tịch Mỹ, bị bắt giữ khi đang mang theo khoảng 10.000 viên thuốc lắc sau khi tới sân bay thành phố Fukuoka (Nhật Bản) từ Pháp. Số ma túy này nặng 4,7 kg, được ước tính có giá trị chợ đen là 40 triệu yên Nhật, và được cho là lô chất cấm lớn nhất từng bị thu giữ tại sân bay. Arnold nói “chỉ được dặn mang hành lý” và “không biết có gì bên trong”.

Xem thêm  Sốc nhiệt do nắng nóng - Coi chừng đột tử

Tương tự, tháng 11/2019, cựu chính khách Takuma Sakuragi, 76 tuổi, bị tòa án Trung Quốc kết án chung thân sau khi bị bắt quả tang mang theo 3,3 kg ma túy đá trong hành lý tại sân bay quốc tế thuộc tỉnh Quảng Đông.

Nagamoto Kuroda, giám đốc quản lý kiêm trưởng phòng tư vấn pháp y và tố tụng cho công ty FTI Consulting tại Tokyo, Nhật Bản, cho biết các tổ chức ngầm ở Nhật Bản đang dấn thân vào các lĩnh vực khác nhau để kiếm tiền, và một trong những lĩnh vực ấy là cho người cao tuổi dính líu vào việc buôn lậu.

Bên cạnh ma túy, người cao tuổi còn đang bị dụ dỗ buôn lậu vàng và dược phẩm giả vì trong quá khứ, nhóm người này thường ít thu hút sự chú ý của của hải quan, theo Kuroda. Tuy nhiên, chiến thuật này có vẻ đã bị nhà chức trách phát hiện.

Theo Jake Adelstein, nhà văn chuyên viết về tổ chức ngầm Nhật Bản, độ tuổi trung bình hiện tại của yakuza là khoảng 50 tuổi nên “chúng sẽ không trực tiếp làm những công việc này”. Đây là một ví dụ khác của hiện tượng được gọi là “hinkon biz”, tức chiêu trò lợi dụng người lớn tuổi để kiếm tiền. “Những người này ở trong độ tuổi 50 khi suy thoái kinh tế xảy ra vào năm 2007. Họ bị cho thôi việc và đã trở nên quá già để lao động trở lại khi nền kinh tế nội địa Nhật Bản cải thiện”, Adelstein cho biết.

Xem thêm  Xích mích gia đình, chồng tát mạnh vào mặt con trai để thách thức vợ: "Liên quan đến mày không?"

Người cao tuổi ở Nhật thuộc vào nhóm người trên không chỉ bị mất thu nhập dự kiến trong tương lai mà còn “không thể đóng tiền vào quỹ lương hưu quốc gia, vì thế mức hưu trí hiện tại họ nhận được thường không đủ để sinh sống”, theo Adelstein.

Những băng đảng buôn lậu “không quan tâm” khi có người bị bắt giữ vì chúng đã tính tới khoản thiệt hại này vào trong mô hình kinh doanh. Ngoài ra, tòa án Nhật Bản cũng nhẹ tay hơn đối với bị cáo cao tuổi bị bắt quả tang buôn lậu và đã đưa ra nhiều bản án treo thay cho phạt tù. Nhưng nếu họ bị bắt tại các quốc gia khác, các thẩm phán sở tại sẽ ít thông cảm hơn, Adelstein cho hay.

Buôn lậu ma túy sẽ không đem lại hàng tỉ yên Nhật cho yakuza, nhưng chắc chắn chúng sẽ kiếm được hàng triệu yên Nhật, Adelstein nhận định. Vì thế đây là nguồn doanh thu đáng tin cậy đối với yakuza khi các “hoạt động kinh doanh” khác như thu phí bảo kê và đánh bạc trái phép đang ngày càng trở thành mục tiêu của cảnh sát.

Theo Vnexpress