Trẻ sẽ mặc định bản thân thật ngốc nghếch và không đủ tự tin thể hiện sở trường trước mặt bố mẹ.
Những câu không nên nói khi trách mắng con
1. “Tại sao con ngốc thế?”
Khi bố mẹ thường xuyên nói câu cửa miệng: “Tại sao con ngốc thế?”, sẽ ảnh hưởng đến lối tư duy và phát triển của trẻ. Tiềm thức của trẻ sẽ hình thành suy nghĩ tiêu cực. Trẻ sẽ mặc định bản thân thật ngốc nghếch và không đủ tự tin thể hiện sở trường trước mặt bố mẹ.
2. “Bố mẹ bảo rồi, không được là không được!”
“Bố mẹ bảo rồi, không được là không được”, là một lời thị uy mà không ít bố mẹ đều phạm phải. Bố mẹ không nên chuyên quyền độc đoán, bắt ép trẻ làm theo ý kiến của mình. Đây không phải là cách giáo dục tốt, bởi trẻ sẽ miễn cưỡng làm theo hoặc không chịu khuất phục. Bố mẹ cần thương lượng, tôn trọng sự lựa chọn và lắng nghe ý kiến của trẻ.
Bố mẹ cần thương lượng, tôn trọng sự lựa chọn và lắng nghe ý kiến của trẻ (Ảnh minh họa).
3. “Bố mẹ không quản nữa, con muốn làm gì thì làm”
Bố mẹ cần cho trẻ thấy sự ủng hộ và luôn dõi theo trẻ. “Bố mẹ không quản nữa, con muốn làm gì thì làm” là một câu nói thể hiện sự bỏ bê, vô tâm của bố mẹ. Trẻ sẽ cảm thấy buồn và cô đơn khi không nhận được sự ủng hộ của bố mẹ.
4. “Ngậm miệng, con là một đứa trẻ không vâng lời”
Bố mẹ phải cho trẻ quyền tranh luận, giãi bày ý kiến. Bởi đây là cách bồi dưỡng, giúp trẻ có được chính kiến của riêng mình. Khi bố mẹ hét: “Ngậm miệng, con là một đứa trẻ không vâng lời”, chẳng khác nào bảo trẻ phải im lặng và phục tùng như một con rối vô tri, vô giác.
5. “Nếu như con đạt kết quả cao, bố mẹ sẽ thưởng…”
Bố mẹ cần hạn chế nói những câu mệnh đề điều kiện, kiểu như: “Nếu như con…., bố mẹ sẽ….”. Khi bố mẹ đưa ra điều kiện và mục tiêu cho trẻ, quyền quyết định lúc này không thuộc về trẻ, mà là bố mẹ quyết định. Trẻ sẽ không nhận ra, những điều bố mẹ mong muốn là tốt cho trẻ. Trẻ phải hiểu được, học là cho chính bản thân, chứ không phải để đạt điều gì đấy mang tính tạm thời như phần thưởng.
6. “Con nhát gan quá!”
Sợ hãi mọi thứ xung quanh là hiện tượng bình thường ở lứa tuổi trẻ nhỏ. Khi bố mẹ chế giễu: “Con nhát gan quá” nghĩa là bố mẹ đang phủ nhận nỗi sợ của trẻ, khiến trẻ cảm thấy bản thân thật yếu đuối và thất bại. Điều bố mẹ cần làm là giúp trẻ giải tỏa nỗi sợ, khuyến khích trẻ đối mặt và vượt qua nỗi sợ.
7. “Tại sao con cứ mắc sai lầm thế?”
Bố mẹ hãy cho trẻ quyền được phạm sai lầm và sửa sai, hãy cho trẻ cơ hội được trưởng thành và học hỏi từ chính sai lầm của mình (Ảnh minh họa).
Bố mẹ không nên trách móc hoặc than thở: “Tại sao con cứ mắc sai lầm thế?”. Sai lầm không hẳn là điều xấu, bởi chúng ta không ai là người hoàn hảo. Bố mẹ hãy cho trẻ quyền được phạm sai lầm và sửa sai, hãy cho trẻ cơ hội được trưởng thành và học hỏi từ chính sai lầm của mình. Sau khi trẻ phạm sai lầm, trẻ cần lời động viên của bố mẹ để vượt qua cảm giác tội lỗi, lời chê trách lúc này là không thích hợp.
8. “Nhìn là biết, con không có tương lai xán lạn”
Nhiều bố mẹ trong lúc giận dữ, đã phán xét tương lai của con trẻ: “Nhìn là biết, con không có tương lai xán lạn”. Bố mẹ đã vô tình thổi vào tiềm thức của trẻ những suy nghĩ tiêu cực. Trẻ sẽ nghĩ rằng mình thật vô dụng, không có khả năng phát triển trong tương lai. Điều này chẳng khác nào bóp chết tài năng và cơ hội phát triển của trẻ ngay từ vạch xuất phát.
9. “Tại sao con không giỏi giang như con người ta?”
Mỗi đứa trẻ đều có sở trường riêng. Khi bố mẹ đặt trẻ lên bàn cân so sánh với con người ta, trẻ sẽ cảm thấy tổn thương. Trẻ sẽ nghĩ rằng, bố mẹ không yêu thương, không đủ bao dung chấp nhận những thiếu sót của trẻ. Thậm chí, trẻ sẽ nảy sinh cảm giác tiêu cực là ghen ghét “con nhà người ta”, trẻ cố gắng chối bỏ hình mẫu mà bố mẹ đang hướng trẻ học hỏi theo.
10. “Suốt ngày con chỉ biết chơi thôi!”
Ham chơi là đặc tính của trẻ nhỏ. Chơi đùa sẽ giúp trẻ bồi dưỡng khả năng sáng tạo và lòng tự tin. Bố mẹ cần cho trẻ quyền được giải tỏa tinh thần sau những giờ học căng thẳng.
Không trách mắng khi trẻ đang hối hận (Ảnh minh họa).
7 điều cấm kỵ nhắc nhở bố mẹ khi dạy dỗ trẻ nhỏ
– Không trách mắng trẻ trước mặt mọi người: Trẻ con cũng có lòng tự trọng, bố mẹ cần giữ thể diện cho trẻ, đặc biệt là ở nơi đông người.
– Không trách mắng khi trẻ đang hối hận: Trẻ đã nhận ra sai lầm và tự rút ra bài học cho chính mình.
– Không trách mắng khi trẻ đi ngủ: Trẻ sẽ mang tâm trạng không thoải mái chìm vào giấc ngủ, trẻ sẽ không ngủ ngon, tệ hơn là gặp ác mộng.
– Không trách mắng khi trẻ đang ăn: Trẻ sẽ phân tâm và không tập trung vào ăn uống, khiến dạ dày của trẻ suy yếu và dễ mắc bệnh.
– Không trách mắng khi trẻ đang vui: Khi trẻ vui mừng, kinh mạch sẽ ở trạng thái khơi thông. Nếu bố mẹ trách mắng khi trẻ đang vui, sẽ khiến kinh mạch bế tắc, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.
– Không trách mắng khi trẻ đang buồn: Tâm trạng của trẻ sẽ sa sút và càng khó vượt qua nỗi buồn.
– Không trách mắng khi trẻ đang bệnh: Trẻ nhỏ yếu ớt nhất là khi đang bệnh. Thời điểm này, trẻ cần sự quan tâm và yêu thương của bố mẹ. Tình yêu thương sẽ giúp trẻ mau lành bệnh và công hiệu hơn bất kì loại thuốc nào.
Eath – Helino/ Afamily